Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba
Địa điểm: Phường Phú Hoà, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Bia kỷ niệm về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã từng học ở trường Pháp - Việt Đông Ba
Trường được thành lập năm 1905, trên nền Đình chợ Đông Ba cũ, lúc đầu Trường có tên “Thừa Thiên Pháp - Việt trường”. Năm 1923, Trường được di chuyển đến địa điểm Trường Gia Hội ngày nay. Vị trí cũ nay là vườn hoa nằm trên đường Phan Đăng Lưu.
Từ năm 1906 đến năm 1907, Người theo học lớp nhì tiểu học; từ 1907 đến 1908 Người học lớp nhất tiểu học. Các môn học gồm Pháp văn (chủ yếu) Quốc văn, Hán văn, Toán, Sử, Địa, Khoa học.
Cấu trúc của Trường gồm 10 gian chia làm 5 phòng, mái lợp ngói liệt, trên mái có khoảng hở rộng 1,5m, dài 40m ốp kính để tạo ánh sáng vào phòng. Hành lang rộng 1,5m có lan can bằng gỗ cao 0,8m bao quanh, xung quanh trường được bao bọc bằng sân rộng trồng bàng và mù u.
Hiện nay, tại vị trí Trường cũ, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng bia kỷ niệm, lưu lại dấu ấn về thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng học ở đây.
Di tích lịch sử địa điểm Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2460/QĐ-UBND ngày 28/10/2008.
Trường Quốc học - Huế
Địa chỉ: 12 Lê Lợi, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế.
Khi mới thành lập Trường Quốc học có tên đầy đủ là “Quốc học Pháp tự trường môn”. Trường được thành lập ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương.
Trường Quốc học Huế ngày nay
Năm 1908, Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) là một trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc học niên khoá 1908 - 1909.
Trường Quốc học thành lập theo dụ ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và nghị định ngày 18/11/1896 của phủ Toàn quyền Đông Dương. Đây là Trường Pháp Việt chủ yếu của toàn xứ Đông Dương. Thời kỳ Nguyễn Tất Thành theo học, trường chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thuỷ quân Hoàng gai được cải tạo lại. Bao bọc xung quanh trường, phía trước mặt là tường xây bằng gạch đỏ sậm. Cổng trường với lối kiến trúc cổ kính có hai tầng, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói theo kiểu Trung Hoa. Muốn đi lên tầng trên phải đi qua cái thang hình xoắn ốc, trên có treo một cái chuông lớn để điểm giờ học. Trước cổng có treo một cái biển sơn son thiếp vàng bằng chữ Hán “Pháp tự Quốc học trường môn”. Phía tay phải có bình phong long mã với tượng con kì lân, bình phong được xây dựng vào năm Thành Thái thứ tám, dấu tích ấy còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Phái hai bên và sau không xây tường mà bọc bởi hàng rào các loại cây cỏ gai xen lẫn với cây chè tàu. Qua khỏi cổng là con đường lớn rợp bóng cây bàng và cây mù u, con đường đã chia hai bên thành hai dãy nhà cân đối. Phía tay phải là nhà Hiệu trưởng tiếp đến là ba nhà nội trú của giáo viên với học sinh ở xa tới trọ học. Phía tay trái cách bờ tường khoảng 5m là hai dãy nhà tranh dùng để học. Cái trước dài hơn cái sau cách nhau bởi một cái sân rộng khoảng 30m. Nhà trước có chín phòng, mỗi phong ba gian, phòng đầu cùng là văn phòng. Theo hồi ký của cụ Lê Thiện (bạn cùng học với Bác Hồ) thì Nguyễn Tất Thành đã học ở phòng thứ 3 và ngồi ở bàn thứ 3 bên phải nếu đứng từ bảng đen nhìn xuống. Nhà sau được chia làm hai phòng, một để học thí nghiệm, một để học thể thao. Thầy dạy của Nguyễn Tất Thành lúc đó là các thầy người Pháp như: Chauquet: Hiệu trưởng, Queiguee dạy Luận văn, Henri le Bris dạy Toán, Engene le Bres dạy Khoa học, Vaine le Bris dạy Sử địa…, các thầy người Việt có Nguyễn Khoa Đạm dạy Hán văn. Có thể nói những năm tháng Nguyễn Tất Thành học ở Trường Quốc học đã giúp cho anh có điều kiện hiểu rõ bản chất của bọn thực dân với cái gọi là “khai hóa thuộc địa”. Những điều dạy ở trường khác xa với tình cảm của người dân mà anh phải chứng kiến hàng ngày. Một bên là sự ăn chơi xa hoa của giai cấp thống trị thực dân phong kiến, một bên là cuộc sống cùng cực của nhân dân lao động. Càng học anh càng có điều kiện tiếp xúc với nền văn hoá Châu Âu, tiếp thu những tư tưởng tiến bộ Tây Âu, anh càng khát khao muốn tìm hiểu sự thật của những từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại Trường Quốc học Huế
Năm 1915 Trường Quốc học được xây dựng lại những dãy nhà tranh được phá bỏ thay thế vào đó là hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu, về cơ bản kiến trúc đó được duy trì đến ngày nay. Năm 1932, trường mở lớp chuyên khoa và đổi tên là Trường Trung học Khải Định. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ năm 1946 Trường phân tán làm hai bộ phận. Một bộ phận ra Bắc, thành lập hai chi nhánh. Một chi nhánh là Đệ nhất cấp lấy tên là Trường Bình Trị Thiên đóng tại Hương Khê - Hà Tĩnh. Một chi nhánh là Đệ nhị cấp mang tên Huỳnh Thúc Kháng đóng tại Đức Thọ - Hà Tĩnh. Bộ phận ở lại Huế sau 10 năm gián đoạn vì thực dân Pháp chiếm trường làm đồn bốt, ngày 29/12/1955 Trường mới được khôi phục lại và hoạt động bình thường cho đến ngày nay. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, nước nhà độc lập thống nhất, Trường Quốc học bước sang một trang sử mới. Từ đây Trường Quốc học thật sự trở thành ngôi trường xã hội chủ nghĩa, nơi thu hút và đào tạo học sinh năng khiếu của Thừa Thiên Huế, góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm 1990, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác Hồ, để tưởng nhớ đến Người học trò xuất sắc của trường, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế cùng với Trường Quốc học đã xây dựng tượng Nguyễn Tất Thành ngay ở vị trí trung tâm của Trường. Du khách đến thăm trường, dừng chân bên tượng của Người, sẽ cảm thấy hình ảnh của người học trò năm xưa như còn mãi nơi đây. Trường Quốc học ngày nay có quyền tự hào đã góp phần bồi đắp lên một nhân cách lớn, một bản lĩnh lớn, một tài năng trác việt, một lãnh tụ thiên tài cho dân tộc: Hồ Chí Minh – Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Trường Quốc học Huế đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia theo Quyết định số 298 ngày26/3/1990.
Toà Khâm sứ Trung kỳ
Địa chỉ: Số 32 đường Lê Lợi, thành phố Huế.
Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, nơi đồng bào
Thừa Thiên Huế đấu tranh chống thuế tháng 4-1908
Toà Khâm sứ Trung kỳ được khởi công xây dựng vào mùa hạ, tháng 4 năm 1876 (Tự Đức 28), và hoàn thành vào tháng 7 năm 1878. Sau khi xây dựng và đặt xong bộ máy cai trị, Toà Khâm sứ Trung kỳ trở thành thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của nhà nước phong kiến triều Nguyễn.
Tại đây, tháng 4 năm 1908 đã diễn ra cuộc biểu tình đòi giảm sưu giảm thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế. Cuộc biểu tình diễn ra từ ngày 9 tháng 4 năm 1908 và cao trào là ngày 11.4.1908 khi nông dân 6 huyện kéo về bao vây Toà Khâm sứ đưa yêu sách. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó còn là học trò cùng với một số học sinh Quốc Học khác cũng tham gia đoàn biểu tình chống sưu thuế, dùng vốn kiến thức tiếng Pháp để giúp bà con với tư cách là thông ngôn.
Toà Khâm sứ ngày nay không còn, nó đã đổ nát hoàn toàn vào năm 1945. Nhưng để ghi nhớ lại địa điểm này, nơi đã chứng kiến những hành động yêu nước đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã dựng biểu tượng Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tham gia phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908 để kỷ niệm.
Biểu tượng Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào đấu tranh chống thuế (phía trước trường Đại học Sư phạm Huế)
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Ðịa chỉ: Số 07 Lê Lợi - Thành phố Huế.
Cùng với Nghệ An - quê hương sinh ra Người, tỉnh Thừa Thiên Huế là quê hương thứ hai nuôi dưỡng và tài bồi cho lòng nhiệt thành cách mạng, lòng yêu quê hương, đất nước và tâm hồn nhân đạo vĩ đại của Người, chắp cánh cho ý chí Cách mạng và thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và học tập tại Thừa Thiên Huế trong những năm từ 1895 đến 1901 và từ 1906 đến 1909.
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được thành lập vào ngày 16/9/1980 trên cơ sở những sự kiện đặc thù về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người suốt gần 10 năm ở Huế.
Nội dung trưng bày của Bảo tàng Hồ Chí Minh góp phần làm sáng rõ những vấn đề gắn bó giữa cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại. Bên cạnh những nội dung mang tính đặc thù về thời niên thiếu còn có phần trưng bày tổng hợp các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hình ảnh, hiện vật phong phú đa dạng.
Ngoài việc tham quan nhà trưng bày, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế còn tổ chức đón tiếp, hướng dẫn quý khách đến tham quan các di tích lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Thừa Thiên Huế.
Ðược sự đầu tư của Ðảng và Nhà nước, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã được xây dựng mới và khánh thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Người (19/5/2000).
Kim Yến (Tổng hợp)