Tháng 5 năm 1996, nhân gặp nhà thơ Tố Hữu ở Hội Nhà văn, tôi rụt rè nói với ông rằng có cuốn băng về câu chuyện giữa nhà thơ với Bác Hồ. Ông vui vẻ nhận lời nghe lại.
Theo lời hẹn tôi đến nhà riêng Tố Hữu trên đường Phan Đình Phùng. Nhà thơ giản dị trong bộ quần áo thường ngày ngồi tiếp chuyện. Sau khi mời nước, ông nhẹ nhàng nói: - Bây giờ ta nghe đoạn băng đã nhỉ? Tôi thưa “Vâng”.
Năm 1966, giữa lúc giặc Mỹ ráo riết tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc thì Đảng và Nhà nước ta tổ chức trọng thể Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Hà Nội. Đại hội có 111 Anh hùng mới được phong tặng, trong số 111 Anh hùng có 44 Anh hùng ở độ tuổi thanh niên.
Trong thời gian Đại hội, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn tổ chức cuộc gặp mặt thân mật với các đại biểu tuổi trẻ. Buổi gặp mặt đang sôi nổi thì Bác Hồ đến, cùng đi với Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương. Sau lời mời của đồng chí Vũ Quang, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bác Hồ bước tới micrô…
Trong phòng khách, Tố Hữu và anh em văn nghệ chúng tôi lặng yên nghe những lời nói ân tình của Bác ba mươi năm về trước:
- Bác rất vui lòng với thanh niên Việt Nam anh hùng. Nước Việt Nam càng ngày càng anh hùng, càng đánh giặc càng anh hùng…
Điều này Bác đã nói, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng đã nói, nói hai ba lần rồi. Bây giờ Bác nói nữa: Nhờ đâu mà có anh hùng? Nhờ Đảng giáo dục, nhờ Đoàn giúp đỡ, nhờ nhân dân bồi dưỡng mà có anh hùng, chứ không phải một cá nhân mà làm nên anh hùng. Vì vậy các cháu thanh niên trai cũng như gái, được tặng danh hiệu anh hùng rồi, bây giờ phải cố gắng hơn để giữ vững danh hiệu anh hùng ấy. Bác mong các cháu học nhiều hơn để tiến bộ nữa, tiến bộ mãi.
Cuối cùng Bác giới thiệu chú Tố Hữu lên đọc cho các cháu nghe một bài thơ (tiếng Bác cười vui). Tán thành không?
- Có ạ (tiếng vỗ tay vang dậy)
Bác: - Ông ấy đang còn xấu hổ (Hội trường cười vang)
Đồng chí Tố Hữu: - Thưa Bác, thưa các đồng chí. Bác chỉ thị cho tôi đọc một bài thơ với các đồng chí, nhưng mà tôi nghĩ chúng ta vừa được nghe bài thơ hay nhất, những lời nói rất là ấm áp của Bác với tất cả chúng ta hôm nay. Vì thế nên bất cứ câu thơ nào có vần có nhạc cũng đều vô duyên trong lúc này. (Hội trường vỗ tay cười vang).
Tôi nghĩ với ý nghĩ của một người đã quá bốn mươi lăm tuổi tức là đã quá tuổi thanh niên theo tiêu chuẩn của Đoàn.
Bác: - Hơi già rồi (nhiều tiếng cười)
Tố Hữu: - Dạ, chưa già, nhưng… nhưng cứ nghĩ từ ngày có Đảng, các lớp thanh niên ta đều được Bác trực tiếp dạy dỗ giáo dục hoặc qua những lời dạy của Bác…
Bác: - Không được sùng bái cá nhân.
Tố Hữu: - Dạ thưa Bác…
Bác: - Chú không được sùng bái cá nhân.
Tố Hữu: - Dạ, chỉ sợ sùng bái không đúng thôi, nhưng mà sự sùng bái của chúng ta là lòng kính yêu vô hạn của tất cả chúng ta đối với Bác là hoàn toàn chính đáng (vỗ tay vang dội).
Bác: - Chú nên nói đây tất cả là nhờ công ơn Đảng.
Tố Hữu: - Dạ, Bác là người đại biểu cao nhất.
Bác: - Thế là chú không nghe phê bình, nghe Bác vừa phê bình đấy.
Tố Hữu: - Thưa Bác, những lời Bác nhắc vậy, xin phép Bác được tiếp thu ạ.
Tố Hữu quay lại cười hiền lành: - Ông Cụ nhắc nhở mình! Băng ghi âm vẫn tiếp tục, giọng của nhà thơ xứ Huế ngày đó khỏe và ấm:
- Trong mỗi chúng ta đầy lòng kính yêu Đảng bao nhiêu thì càng yêu Bác bấy nhiêu, ta càng yêu Bác bao nhiêu thì càng thêm yêu Đảng bấy nhiêu.
Bác cười độ lượng: - Tôi mời chú lên để đọc thơ ngâm thơ cho các cháu nghe chú lại nói gì… (cả Hội trường cười vui).
Tố Hữu: - Dạ thưa Bác, thơ bây giờ phát triển đến mức cần âm nhạc bên trong chứ không nhất thiết phải là vần điệu (Hội trường vỗ tay).
Đồng chí Tố Hữu nói tiếp:- Tôi nghĩ rằng mỗi khi nghĩ đến Đảng, nghĩ đến Bác là chúng ta nghĩ đến những ước mơ cao đẹp nhất, trong sáng nhất của cuộc đời mình. Chính vì thế mà chúng ta tìm thấy sức mạnh, để mà chiến đấu, để mà chiến thắng, và để đem hết sức lực của cuộc đời cống hiến cho tổ quốc ta, cho nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của chúng ta.
Luôn luôn bên tai ta là lời dạy của Bác:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên.
Đây là bài thơ thật, chỉ tiếc là tôi ngâm hơi xoàng thôi. Sau cùng, xin chúc thế hệ trẻ mãi mãi xứng đáng với Đảng, với Bác và Tổ quốc Việt Nam nghìn lần yêu quý của chúng ta.
Tiếng vỗ tay trong băng ghi âm vừa dứt, Tố Hữu vui nhìn chúng tôi: - Với mỗi người, đó là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Qua đây thấy thái độ của Bác, tình cảm của Bác, việc làm của Bác đối với thế hệ trẻ thật tuyệt với nhỉ? Bác bao giờ cũng thế thôi, ai ca ngợi, Bác bảo như thế là làm phiền cho Bác, Bác tránh điều này. Cho nên muốn nói ra tình cảm của mình với Bác phải có cách nói như thế nào đó kẻo như “Bác mời chú lên để đọc thơ ngâm thơ chú lại nói gì…”! Nhớ có lần đến thăm Không quân, Bác bảo tôi đọc thơ, ai nỡ làm vậy? Vô duyên, vì Bác là một nhà thơ lớn, một nhân cách lớn. Bác Hồ của chúng ta là một con người kỳ lạ, thật kỳ lạ.
Nhà thơ trầm ngâm giây lát rồi mỉm cười: - Thôi, hôm nay như vậy đã nhỉ? Tôi thưa xin được gửi ông cuốn băng và ghi lại mấy lời này. Tố Hữu vui vẻ:
- Đồng ý thôi, còn băng, tôi sẽ giữ làm tài liệu. Nhớ Bác chúng ta càng yêu Bác hơn.
Tháng 5/1999
Nhà văn Hà Lâm Kỳ
Theo http://yenbaiact.edu.vn
Kim Yến (st)