“Hồ Chí Minh là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta. Có thể nói rằng: Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác. Nhưng lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình mà trong quá trình phát triển đó, Người là nhân vật sáng tạo quyết định” – UNESCO.

 Loài người tiến bộ đánh giá rất cao và ngợi ca chủ nghĩa nhân văn đích thực, phong cách sống chuẩn mực, phẩm chất đạo đức cao đẹp Hồ Chí Minh, khi: “Cần phải nhìn nhận thế giới như một quá trình phát triển mà sự thay đổi là cội nguồn của giàu có, tiến bộ và nhằm tìm kiếm ước muốn nhân đạo trong lĩnh vực đạo đức. Vì thế mà những con người như Hồ Chí Minh ngày càng trở nên vĩ đại, vì họ đã cho chúng ta lý do để sống và khả năng để thực hiện những giấc mơ của chính mình”(1). Hơn thế nữa, sự kiện UNESCO tôn vinh Người với danh hiệu cao quý: Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã khẳng định: “Hồ Chí Minh là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta. Có thể nói rằng: Không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác. Nhưng lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình mà trong quá trình phát triển đó, Người là nhân vật sáng tạo quyết định” (2).

Trong bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX, sự kiện ngày 5/6/1911 không chỉ là một bước ngoặt trong cuộc đời anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà còn có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Thời điểm lịch sử, diễn biến sự kiện và kết quả thực tế đã lý giải chính xác quyết định quan trọng, táo bạo và trí tuệ sáng suốt của anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lúc đó, nhưng phân tích về sự kiện xuất ngoại kéo dài ba thập kỷ này, không chỉ có những nhà nghiên cứu, sử gia, học giả trong nước mà rất nhiều tác giả nước ngoài, các nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa ra quan điểm, nhận định, suy nghĩ riêng của mình.

William J. Duiker - nhà ngoại giao, Giáo sư sử học Đại học Penn State đã viết: “Chỗ ở của Thành ở gần bến Nhà Rồng nơi các con tàu xuyên đại dương thường xuyên lui tới. Thành quyết định tìm việc làm trên một trong những con tàu đó để ra nước ngoài. Ngày 2/6/1911, một anh thanh niên tên là Ba xuất hiện ở cầu tàu Đô đốc Latouche Treville. Thuyền trưởng Louis Eduard Maisen e ngại nhìn khuôn mặt thông minh nhưng thân hình khá mảnh khảnh của anh. Ba quả quyết là việc gì anh cũng làm được và đã thuyết phục được Maisen cho một chân phụ bếp. Ngày hôm sau, anh bắt tay ngay vào công việc rửa bát, giặt quần áo, lau sàn, nhặt rau và đốt lò. Ngày 5/6, Đô đốc Latouche Treville rời Sài Gòn ra biển Đông, thẳng tiến tới Singapore lúc đó đang thuộc Anh. Tại sao Nguyễn Tất Thành lại quyết định rời đất nước? Các nhà viết sử ở Hà Nội cũng thường nhắc đến những hồi ức của Hồ Chí Minh về việc rời đất nước như một sứ mệnh cứu nước. Tuy nhiên, không nghi ngờ gì, khi rời Sài Gòn tháng 6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã hoàn toàn nhận thức được những bất công mà đất nước mình đang phải gánh chịu và trong nước không có lời giải. Biết đâu, anh có thể tìm kiếm được những lời giải ở nước ngoài”(3). 

Bernard Fall, nhà văn, nhà báo, Giáo sư khoa Quan hệ Quốc tế trường Đại học Howard, Washington D.C, người đã hoàn thành luận văn tiến sĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét rằng: “Là một nhà hoạt động chính trị hơn là một lý thuyết gia, ông Hồ nhanh chóng bỏ nghề dạy học. Năm 1911, ông đi Sài Gòn theo một vài khoá dạy nghề rồi trở thành phụ bếp trên chiếc tàu buôn của người Pháp. Lúc này ông đổi tên là Ba, có lẽ vì ông là người con thứ ba trong gia đình, nhưng đây chưa phải là lần đổi tên cuối cùng. Bằng việc chọn một tàu biển của Pháp trên tuyến đường châu Âu, ông Hồ đã có một quyết định chính trị cơ bản: Ông đã hướng về phương Tây chứ không phải phương Đông. Bởi vì, vào thời kỳ này có một số người Việt Nam nhất là những người dân tộc chủ nghĩa bảo thủ thường nhìn về phía Trung Quốc của Quốc dân đảng để tìm thấy gợi ý, một sự dẫn dắt hoặc hướng về Nhật Bản đang mở rộng bành trướng, những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa như Phan Bội Châu đã thành lập phong trào Đông Du, tức là đi về phía Đông- một phong trào có nhiều người Việt Nam trẻ tuổi noi theo trong vòng hơn 20 năm” (4).

David Halberstam, phóng viên chiến trường, nhà văn, nhà báo Mỹ suy nghĩ về bản chất sự kiện Nguyễn Tất Thành sang phương Tây năm 1911 như sau: “Ông Hồ không theo Phan Bội Châu sang Nhật, nhưng ông đã nghe rất kỹ một lời khuyên của người ái quốc lão thành: Để chống Pháp thành công cần phải có một đảng phái vững mạnh, một tổ chức theo đúng nghĩa của nó… Ông nghĩ có thể học được rất nhiều điều qua những cuộc viễn du ở thế giới bên ngoài hơn là ngồi học trong khuôn khổ do người Pháp tạo ra. Sau khi dừng chân tại làng chài Phan Thiết, ông quyết định rời Việt Nam đi sang phương Tây để nghiên cứu thế giới của người châu Âu. Sau này, những người Pháp, Mỹ khá bối rối không hiểu tại sao ông Hồ sau khi trải qua nhiều năm tháng ở nước ngoài lại có thể quay về và ngay lập tức nắm quyền lực chính trị tại Việt Nam? Nguyên nhân bởi thời điểm rời Việt Nam lúc đó rất thích hợp vì hai từ tự do không chỉ một người ra đi mong muốn mà tất cả đồng bào của ông đều đang khao khát”(5).

Sử gia người Đức Hellmut Kapfenberger có cách lý giải riêng: “Trên bến cảng có con tàu Amiral Latouche Treville của công ty Chargeurs Reunis. Một chàng thanh niên gày gò bước lên con tàu hơi nước này tự giới thiệu tên mình là Ba với những người Việt ở trên tàu. Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu dùng bí danh lần đầu tiên mà sau này trở thành tên anh trong một vài năm. Bởi bộ máy của cơ quan an ninh Pháp ở Đông Dương biết rõ ràng không chỉ về Nguyễn Sinh Sắc mà còn về các con ông, nên ta có thể giải thích cho chuyện này: Đi sang Pháp, chàng thanh niên muốn đánh lạc hướng của các cảnh sát mật, để có thể có một khoảng thời gian tự do không bị sách nhiễu. Một trong ý nghĩa của việc đổi tên theo đạo Nho có thể hiểu anh chọn tên đơn giản để không làm tổn hại đến thanh danh của gia đình, do phải làm công việc thấp kém trên một con tàu. Vài năm sau đó, người ta biết rằng quả thật anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã từng là đối tượng theo dõi của mật thám Pháp tại quê hương mình”(6)

Phóng viên tạp chí Người New York, nhà nghiên cứu chuyên về Châu Á Robert Sharplen phân tích theo khía cạnh khá đơn giản: “Ông Hồ là một người trung thành với lý thuyết của Đảng, một người tuân thủ kỷ luật nhưng cũng là người quốc gia chủ nghĩa, nhiệt thành và tự tin… Năm 1911, sau khi theo học trường trung học Huế, Hồ Chí Minh đã rời bỏ quê hương, xuống làm bồi bếp trên một chiếc tàu thuỷ đi sang Pháp. Trong ba năm tiếp theo, ông đi vòng quanh thế giới, làm nhiệm vụ của người phụ bếp và dành thời gian rảnh rỗi để đọc bất cứ cuốn sách nào có trong tay, từ Shakespeare, Tolstol cho tới Marx. Thời gian đi ngao du khắp nơi đã giúp ông phát triển tài năng ngôn ngữ đặc biệt của mình. Ông nói được tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Thái và ba thổ ngữ Trung Quốc”(7).

Tổng biên tập Tạp chí Triển vọng Việt Nam của Pháp Dominique de Miscault liên tưởng và so sánh: “Vào năm 1911, Nguyễn Tất thành rời khỏi Sài Gòn. Nước mất nhà tan, Người chọn cuộc sống lưu vong, bôn ba nơi xứ người để tìm con đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành lên tàu sang Pháp, mang theo bức thư xin vào học ở các trường thuộc địa, gửi tới Tổng thống cộng hoà và Bộ thuộc địa. Đối với người dân Pháp chúng tôi, cử chỉ này phản ánh một chủ nghĩa lý tưởng và sự mạo hiểm ngoài sức tưởng tượng!”(8)

Nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Hémery lại cho rằng tình cảm gia đình chiếm phần chủ đạo trong lý do xuất ngoại: “Về phần mình, Nguyễn Tất Thành dường như đã bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa cải lương của Phan Chu Trinh hơn là sự bạo động được thể hiện một cách kiềm chế trong Đông Du. Việc tham gia vào các hoạt động của trường Dục Thanh mà Phan Chu Trinh lập ra khi qua Phan Thiết và nhất là ở quyết định sang Pháp của anh theo gương nhà nho lớn này… Việc lên đường sang Pháp hẳn có một lý do kép: Tình cảm của lòng hiếu thảo, niềm hy vọng rằng ở đó có thể thực hiện được sự phục quyền cho cha mình. Chẳng phải ông Phan Chu Trinh đã thoát khỏi Côn Đảo nhờ hành động của Hội nhân quyền Đông Dương đó sao? Và cũng là kiên trì với ước muốn được hoà nhập vào tầng lớp tinh hoa mới, tận dụng điều kiện tốt bên ngoài mà người chịu trách nhiệm công cuộc khai thác thuộc địa như Albert Sarraut đã bộc lộ với những người theo cải cách”(9).

Epghenhi Kobelep, nhà sử học người Nga lại tìm cách giải đoán bằng chiều sâu tri thức thông qua một nhân vật trung gian khác: “Nếu nhiều thanh niên cùng tuổi với Thành được Phan Bội Châu hướng về phương Đông, về nước Nhật, coi nước Nhật là hình mẫu của nước Việt Nam độc lập trong tương lai thì Thành lại hướng về một thế giới khác… Chắc hẳn ý tưởng đó lần đầu tiên nảy sinh ở Thành khi anh đọc các tác phẩm của Russo. Qua tác phẩm của ông, Thành được biết chàng thanh niên Russo trước khi trở thành nhà khai sáng vĩ đại đã có tới 10 năm lưu lạc trên các nẻo đường châu Âu. Vậy là ông đã học được nhiều ở một ngành khoa học quan trọng và cũng khó khăn nhất: Khoa học cuộc sống. Rồi chính cuộc sống cũng như thế giới bất bình đẳng, đau khổ, nghèo đói xung quanh đã giúp ông sau này trở thành người đề xướng những tư tưởng cao quý về tự do, bình đẳng, bác ái và trở thành sứ giả của đại cách mạng Pháp”(10).

Còn Lady Borton, nữ tác giả chuyên viết về Việt Nam của Đại học Ohio nói ngắn gọn: “Thế hệ những nhà yêu nước điển hình như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã tìm sự phản kháng thông qua học bổng và quản lý nhà nước. Thế hệ kế cận tiêu biểu là Hồ Chí Minh nhận thấy rằng muốn lật đổ người Pháp cần phải tổ chức lực lượng vững mạnh. Mặc dù Phan Bội Châu đã mời Hồ Chí Minh tham gia phong trào Đông Du nhưng Hồ Chí Minh đã chọn Tây Du để thâm nhập vào trung tâm quyền lực của chủ nghĩa thực dân. Và năm 21 tuổi, Người rời Việt Nam”(11).

Giáo sư sử học Josephine Stenson trường Đại học Florida Atlantis, người đã tự bỏ kinh phí đi khắp thế giới theo dấu chân hành trình của Nguyễn Ái Quốc để kiểm chứng lại lịch sử thì nhận định: “Chính từ việc biết đến câu châm ngôn của cách mạng Pháp: Tự do, bình đẳng, bác ái mà Hồ Chí Minh quyết định rời Việt Nam đi tìm hiểu những thực tế khác và nguồn gốc triết học của câu châm ngôn đó. Bởi vậy, tháng 6/1911, Hồ Chí Minh xin vào làm thuỷ thủ trên con tàu biển La Touche Treville như một người phục vụ trên tàu”(12).

Miguel De Stephano, Giáo sư Viện Nghiên cứu Châu Á của Cuba viết: “Khi còn là một thanh niên rất trẻ, Nguyễn Tất Thành đã phải rời Tổ quốc, hoà nhập vào thế giới để tìm hiểu con quỷ thực dân ngay trong sào huyệt của nó. Người tin tưởng sâu sắc là sẽ tìm thấy con đường xoá bỏ nghèo đói mà dân tộc mình đang phải chịu đựng”(13). Cốc Nguyên Dương, chuyên viên Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đưa ra một góc nhìn rộng hơn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm rời Tổ quốc thân yêu, bôn ba khắp năm châu, bốn bể để đi tìm chân lý cách mạng và con đường cứu nước cứu dân. Hình bóng và dấu chân Người đã lưu lại từ châu Âu, châu Phi đến châu Á và châu Mỹ Latinh. Dù đi tới đâu, Người đều cùng sống với quần chúng lao khổ, nhóm lên ngọn lửa cách mạng ở đó”(14).

Không chỉ những nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà báo hay phóng viên chuyên nghiệp bày tỏ nhận định, hiểu biết của mình về cuộc đời, sự nghiệp và những mốc thời gian quan trọng trong quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh mà ngay cả những người lính, cựu chiến binh từng đến Việt Nam cũng dành một phần ghi chép từ cuộc chiến tranh một số suy nghĩ về một đối thủ lớn đáng kính, người lãnh đạo cuộc kháng chiến của Việt Nam, Ngài Hồ Chí Minh. Nếu như Jean Sainteny, sĩ quan tình báo, đại diện Chính phủ Pháp đàm phán với Việt Nam giai đoạn 1945- 1946 nói lướt qua sự kiện này trong hồi ký: “Nguyễn Văn Thành, tức Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Cung, Lý Thuỵ rồi từ 1944 là Hồ Chí Minh xuống tàu Latouche Treville làm bồi bếp khởi đầu một cuộc hành trình dài đến Mỹ, Anh, Đức rồi Paris là nơi ông định cư ở đó. Ông làm rất nhiều nghề, đặc biệt là nghề thợ ảnh. Đó là những cách để ông kiếm sống và để có điều kiện say sưa tham gia các vấn đề chính trị”(15).

Dixee Batholomew Feis, chỉ huy cao nhất của tổ chức tình báo chiến lược OSS năm 1945 (tiền thân của CIA) đặt vấn đề một cách thẳng thắn: “Sinh năm 1890 tại Nghệ An, một tỉnh có truyền thống cách mạng, phần lớn thời trai trẻ Hồ Chí Minh bôn ba năm châu bốn biển, phải làm đủ nghề lặt vặt và thử nghiệm một loạt triết lý chính trị. Ngày 5/6/1911, Thành rời Việt Nam với mục đích khám phá thế giới bên ngoài sự thống trị của thực dân Pháp bằng cách nhận việc làm trên một con tàu Pháp”(16).

Tuy có sai sót về lịch sử, nhầm lẫn về cả không gian, thời gian nhưng viên sĩ quan tình báo Mỹ Archimedes Patty vẫn mạnh dạn cho rằng: “Trong những năm sau khi mẹ ông mất vào khoảng 1900, ông Hồ không chịu đựng nổi sự kiêu ngạo của người Pháp cũng như thái độ thụ động của người Việt nên đã quyết định sang Pháp, đất nước của tự do, bình đẳng, bác ái. Mùa đông năm 1911- 1912, ông đã xin làm nhân viên trên một tàu buôn Pháp ở bến Sài Gòn”(17).

    Như vậy, qua một số ý kiến, nhận định của các học giả, tác giả nước ngoài, chúng ta có thể thấy với nhiều nguyên nhân khác nhau được phân tích, sự kiện xuất ngoại của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành chỉ hướng tới một mục đích duy nhất: Vì đất nước, vì dân tộc. Và chính Nguyễn Tất Thành hay Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này trong những lần tiếp các nhà báo nước ngoài cũng đã nói rõ về quyết định ra đi này của mình. Trả lời những câu hỏi của phóng viên Mỹ Koei Tche năm 1919: “Anh đến Pháp với mục đích gì?” “Để đòi quyền tự do cho dân An Nam!”. “Bằng cách nào?”. “Bằng cách làm việc hết mình và luôn xông xáo tiến lên!”(18).

Trả lời nhà báo Liên Xô Oxip Mandenstam năm 1923, Người nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do- bình đẳng - bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thủa ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(19). Trả lời phỏng vấn của phóng viên Italy Giovani Germaneto năm 1924, Người nói: “Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poincare gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn sang xem mẫu quốc ra sao và tôi đã tới Paris”(20). Trả lời nhà văn Mỹ Anna Lui Strong năm 1965, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(21).

Nhà văn Australia Allan Asbolt nhận định: “Một trong những nét nổi bật về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã sống nhiều năm ở nước ngoài - ở châu Âu, Anh, Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Người không bao giờ có tham vọng cá nhân, phù phiếm; Người không cố công để trở thành một nhân vật xuất chúng, theo ngôn ngữ của các xã hội tư bản. Người dành thời gian chủ yếu cho việc nghiên cứu và học hỏi, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản trong thực tế có phần dựa vào kinh nghiệm hằng ngày của bản thân trong giai cấp công nhân. Người luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để giải phóng nhân dân nước mình khỏi ách đô hộ và bóc lột thực dân. Người cũng nhận thức sâu sắc rằng cần phải kết hợp sức chiến đấu của ý thức dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy với những mục tiêu đồng cảm về cơ bản là hoà bình và nhân đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong gần ba thập kỷ, Người đã sống và làm việc ở nước ngoài nhưng về ý thức, Người không hề xa Tổ quốc”(22).

Sự thật là chân lý. Trong cuộc viễn du 30 năm qua 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc phù hợp với tiến bộ của lịch sử, theo đúng xu thế vận động của cách mạng thế giới. Và sự kiện này đã thêm một lần nữa khẳng định: “Hiếm người châu Á nào lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong việc tạo dựng một dân tộc mới như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khó có thể có được một người Châu Á khác như Người ở thời đại của chúng ta cũng như trong các thế hệ mai sau. Người thực sự là một người Châu Á của tất cả các thời đại với ý nghĩa đầy đủ nhất”(23)./

 Chú thích:

1, Giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1990, tr 104

2, Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc- nhà văn hoá lớn. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1990, tr 152

3, Ho Chi Minh - A life. Hyperion House, New York 2000.

4, Những suy nghĩ cuối cùng về một cuộc chiến tranh. Nxb Công an nhân dân 2004, tr 87- 88

5, Ho. Random House, New York 1971, tr 24-25

6, Hồ Chí Minh- một biên niên sử. Nxb Thế Giới 2010, tr 28

7, Anatomy of a conflict. Peacock Publisher Itasca, Illinois 1968

8, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay. Nxb Chính trị- Hành chính 2010, tr 718

9, Hồ Chí Minh- từ Đông Dương đến Việt Nam. Nxb Phụ nữ 2004, tr 23- 96

10, Đồng chí Hồ Chí Minh. Nxb Thanh Niên 2000, tr 49

11, Ho Chi Minh - a journey. Nxb Thế Giới 2010, tr 21

 12, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh của UNESCO và Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội Hà Nội 1990, tr 184

 13, Sđd nt, tr 49

 14, Sđd nt, tr 141

 15, Câu chuyện về một nền hoà bình bị bỏ lỡ. Nxb CAND 2003, tr 221

 16, OSS và Hồ Chí Minh- đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật. Nxb Thế Giới 2007, tr 15- 33

 17, Tại sao Việt Nam. Nxb Đà Nẵng 2000, tr 705

 18, Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử. Nxb CTQG 2006. Tập I, tr 69

19, Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Nxb Chính trị quốc gia 2005. Tập II, tr 1147

20, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb CTQG 2000. Tập I, tr 480

21, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb CTQG 2006. Tập I, tr 41

22, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1995, tr. 177-183

23, Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại. Nxb Lao Động 2001, tr 90

Đỗ Hoàng Linh

Theohttp://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Bùi hảo (st)

Bài viết khác: