Tháng 7 năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nghỉ ở Liên Xô với tư cách là khách mời của Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước Xô Viết. Trong thời gian này, Bác đã đi thăm một số nước Cộng hòa Xô Viết thuộc Liên bang Xô Viết.

Từ 25 đến 27 tháng 7 năm 1959, Bác là khách của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Uzbekistan, nay là Cộng hòa Uzbekistan. Chính chuyến thăm của Bác Hồ đến Uzbekistan 54 năm trước đây đã đặt nền móng và đánh dấu sự khởi đầu lịch sử hình thành quan hệ hữu nghị tốt đẹp ngày nay giữa hai dân tộc Việt Nam và Uzbekistan.

Sau khi nhận được những tư liệu ảnh quý giá về chuyến thăm nói trên của Bác Hồ do Tổng cục Lưu trữ Uzbekistan cung cấp, Đại sứ quán Việt Nam tại Uzbekistan đã đề nghị Bộ Ngoại giao Uzbekistan giúp đỡ tổ chức chuyến hành hương theo dấu chân Bác Hồ ở Tashkent. Bộ Ngoại giao Uzbekistan đã giao cho Chính quyền tỉnh Tashkent thực hiện đề nghị của Đại sứ quán Việt Nam. 

   Với tình cảm yêu mến và quý trọng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa Thị chính tỉnh Tashkent đã nhiệt tình ủng hộ và bố trí cho đoàn một chương trình đón tiếp trọng thị. Bạn cử một Phó Trưởng Ban đối ngoại của tỉnh để hướng dẫn và tháp tùng Đoàn Việt Nam trong suốt chuyến đi đặc biệt này.

1. a1. theo dau chan banc
Trước nhà trẻ làng Dustlik

Ngày 18/2/2013, Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam do Đại sứ Lê Mạnh Luân dẫn đầu lên đường đến thăm Makhallya Dustlik (làng tự quản Dustlik) thuộc Hội đồng Dân xã Bardonkul, quận Trirtrik Thượng, tỉnh Tashkent. “Dustlik” tiếng Uzbekistan có nghĩa là “Hữu nghị”. 54 năm trước đây, trên lãnh thổ làng tự quản Đustlik đã tồn tại Nông trang “Politotdel” (“Ban Công tác chính trị”). Ngày 26 tháng 7 năm 1959 Ban Giám đốc và toàn thể nông trang viên của “Politotdel” đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm.

Ông Bakhchior Bekmatov, Phó Chủ tịch quận Trirtrik Thượng và ông Mirzaakhmad Bekishev, Chủ tịch Hội đồng Dân xã Bardonkul, ra tận đường quốc lộ đón Đoàn Việt Nam. Hai ông tiếp khách Việt Nam ngay trên nền chòi hóng mát năm xưa Bác Hồ đã ngồi nghỉ khi về thăm nông trang. Chòi hóng mát thời đó làm bằng gỗ, qua hơn năm mươi năm dãi dầu mưa nắng, nay không còn nữa. Chính quyền địa phương đã cho dỡ bỏ chòi gỗ cũ và xây một ngôi nhà khác bằng gạch, khang trang hơn ở một khu đất bên cạnh. Trên nền chòi gỗ cũ bây giờ chỉ còn lại mấy cây cây dương lực lưỡng mọc thẳng đứng, cao vút.

Rời khu đất chòi hóng mát cũ, Đoàn đến những địa điểm khác của Dustlik. Những cánh đồng trồng lúa và ngô cao sản đã từng in dấu dép Bác cách đây 54 năm bây giờ được thay thế bằng các vườn cây ăn quả nối tiếp nhau của các chủ trang trại địa phương. Diện tích đất này được các chủ trang trại thuê lâu dài (vài chục năm) để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp với yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Tiếp theo, Đoàn đi thăm Sân vận động, Nhà hát - Trung tâm văn hóa và Nhà trẻ của Dustlik. Những nơi này Bác đã đặt chân đến, tất cả vẫn đứng trên nền đất cũ trước đây, chỉ có diện mạo và quy mô là thay đổi, hiện đại và to đẹp hơn. Sau nhiều lần cải tạo và mở rộng, Sân vận động bây giờ mang tên “Lokomotiv” có sức chứa hàng vạn chỗ ngồi. Nhà hát - Trung tâm văn hóa 2.000 ghế đang được hiện đại hóa với trang trí ngoại thất theo dáng của Nhà hát Bolshoi Moskva. Nhà trẻ của nông trang đuợc xây dựng từ năm 1953. Nay được cải tạo lại, khuôn viên được trồng thêm nhiều hoa, cây xanh, các lớp giữ trẻ sạch sẽ, rộng thoáng.

Nói đến những người đã đón và trực tiếp bên cạnh Bác Hồ trong chuyến thăm Nông trang Politotdel vào năm 1959, không thể không nhắc đến vị Chủ tịch lừng danh của nông trang, ông Khvan Man Gym. Ông Mirzaakhmad Bekishev, Chủ tịch Hội đồng Dân xã Bardonkul, kể: “Vốn gốc người Bắc Triều Tiên, ông Khvan Man Gym sinh ra tại Khabarovsk nước Nga. Năm 1937, ông đến Uzbekistan. Ông được dân địa phương tôn vinh là Anh hùng vì đã có công tạo dựng và vun đắp nên cơ nghiệp đồ sộ của Nông trang Politotdel”.

Cũng theo lời kể của Chủ tịch Hội đồng Dân xã Bardonkul, năm 1953, chỉ bắt đầu với 04 chiếc máy kéo, ông Khvan Man Gym đứng ra thành lập Nông trang Politotdel. Trong 40 năm làm Chủ tịch nông trang, ông Khvan Man Gym hai lần được bầu là Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa Liên bang Xô Viết, ông là đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Uzbekistan. Trong lần Bác Hồ về thăm nông trang, vợ ông là cán bộ kỹ thuật trực tiếp giới thiệu kỹ thuật trồng ngô cao sản cho Bác Hồ trên khu đất trồng trọt của nông trang. Ông Khvan Man Gym mất đã lâu, vợ ông mất cách đây chừng 2 năm. Vợ chồng ông có 3 con trai. Người con cả năm nay đã 70 tuổi. Cả 3 người hiện đang sinh sống ở xã Bardonkul, quận Trirtrik Thượng, tỉnh Tashkent.

1. a2. Theo dau chan bac
Trong phòng truyền thống
Trường Trung học số 6

 Ngày 19 tháng 2 năm 2013, Đoàn công tác của Đại sứ quán tiếp tục lên đường về quận Kiprai (trước kia là quận Orjonikidze) tỉnh Tashkent để thăm lại Nông trang Kyzyl Uzbekistan (Uzbekistan Đỏ).

Đến quận Kiprai, Đoàn được đưa đến Hội đồng Dân xã mang tên Abudjamin Matkabulov.  Abudjamin Matkabulov là họ và tên của người Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa nổi tiếng thời Xô Viết trên đất Uzbekistan, ông đồng thời là Chủ tịch của Nông trang Uzbekistan Đỏ, người đã cùng bà con nông trang viên đón Bác Hồ về thăm nông trang sáng ngày 26 tháng 7 năm 1959.

Nếu như Nông trang Poliotdel nổi tiếng về trồng lúa và bông cao sản, thì Nông trang Kyzyl Uzbekistan lại nổi tiếng về thâm canh các cây nông nghiệp khác như ngô, lúa mì, làm tốt công tác cơ khí hóa nông nghiệp đồng bộ, phát triển chăn nuôi. Báo chí Uzbekistan thời đó đưa tin kể lại rằng khi thăm nông trang, Bác hồ đã rất quan tâm trao đổi kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực nói trên.

Sau cuộc đón tiếp tại trụ sở Hội đồng Dân xã, Đoàn được đưa đi thăm Trường phổ thông trung học số 6, trước đây là Trường nội trú của Nông trang Uzbekistan Đỏ. Trường đã vinh dự được đón Bác Hồ đến thăm sáng ngày 26 tháng 7 năm 1959. Tại trường, Đoàn được thăm phòng truyền thống, nơi trưng bầy ảnh tư liệu ghi lại hình ảnh của Bác khi thăm nông trang. Bên cạnh ảnh về Bác Hồ, phòng truyền thống còn lưu giữ ảnh về Nguyên thủ một số nước khác trên thế giới như Cu Ba, Ấn Độ, Indonesia trong những lần đến thăm trường.

Sau Trường Trung học số 6, đoàn đến thăm Trung tâm văn hóa mang tên Abudjamin Matkabulov. Trung tâm này trước đây nguyên là Nhà Nghỉ dưỡng dành cho các nông trang viên đến nghỉ ngơi tập trung, phục hồi sức khỏe sau thời gian làm việc vất vả. Nơi đây Bác Hồ đã ở lại dùng cơm và nghỉ trưa trong lần thăm nông trang sáng ngày 26 tháng 7 năm 1959.  

Trong thời gian thăm các di tích của Nông trang Uzbekistan Đỏ, đoàn Đại sứ quán Việt Nam đã được gặp các con của cố Chủ tịch nông trang A. Matkabulov. Đó là các ông Abdujamilov Abdukarim, Abdujamilov Abdukakhkhor, Abdujamilov Ablukaffor, Abdujamilov Abdujabbor và bà Abdujamilova Mutabar. Ông con trai cả Abdujamilov Abdukarim là một trong số các học sinh Trường nội trú của nông trang có mặt trong buổi đón tiếp đón Bác Hồ khi Người đến thăm trường./.

Theo vietnamembassy-uzbekistan.org
Kim Yến (st)

Bài viết khác: