Để tốt nghiệp được trung học phổ thông, cậu bé Hồ Văn Tôi, người dân tộc Pa Cô, ở thôn Loa, xã Đông Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đã phải rất nghị lực mới đeo bám được con chữ đến cùng. Gần 10 năm sau, bằng khối óc sáng tạo và sự cần cù, chàng thanh niên mang họ Bác Hồ này đã lập nên một “kỳ tích”, là người đã mở đầu cho công cuộc phủ xanh hàng trăm héc-ta đồi núi trọc bị nhiễm chất độc đioxin…

Một ngày trời Huế mưa tầm tã, chúng tôi tìm đường về thôn Loa, xã Đông Sơn. Bên trong căn nhà cấp 4 được dựng theo kiểu một nửa là nhà sàn mang phong cách của người Pa Cô, một nửa là kiểu nhà cấp 4 của người Kinh, Hồ Văn Tôi giờ đây đã là chàng trai tuổi 30, niềm nở: “Lâu lắm rồi mới có người từ dưới xuôi lên thăm miềng như ri…”.

Nhấp ngụm trà, Tôi bắt đầu tâm sự về con đường “học chữ” của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo có đến 5 anh em, song thấy Tôi có vẻ hoạt bát, thông minh nên cha của Tôi là ông Hồ Văn Đi luôn động viên con trai tích cực đến lớp học chữ, dù đường đến trường cách nhà đến 30 cây số.

Nhớ lại những tháng ngày cơ cực để theo con chữ, Tôi kể lại: “Còn nhớ một lần trời mưa rất lớn, hơn 30km đường rừng trở nên lầy lội, đoạn nào không đi xe đạp được thì miềng cuốc bộ, lội bùn. Đến được lớp, thấy mình mang bộ áo quần dính đầy bùn đất, cô giáo đã khóc…”.

ky tich cua chang trai mag ho Bac Ho
Hồ Văn Tôi được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng Bằng khen với “kỳ tích” phủ xanh đồi núi trọc nhiễm chất độc đioxin

Dù gia cảnh khó khăn, nhưng vốn thông minh nên năm học nào Tôi cũng được xếp hạng nhất, nhì của lớp. Năm lên lớp 6, Tôi buộc phải đùm gạo, muối lên Trường Thanh niên Dân tộc Nội trú huyện A Lưới học. Hết 4 năm cấp 2, Tôi lại về học cấp 3 tại Trường Thanh niên Dân tộc Nội trú tỉnh. Bà Đoàn Thị Thuận (60 tuổi, mẹ Tôi) nhớ lại những ngày tháng nuôi Tôi học chữ trong cơ cực: “Ngày ấy, thằng Tôi đi học còn cực hơn cả mấy thằng anh của hắn ở nhà lên rẫy trồng sắn. Thế mà suốt mấy năm trời băng rừng, vượt suối đi học, không thấy hắn than vãn, đêm về còn chong đèn học bài cho đến khuya. Thương hắn học giỏi nên vợ chồng tui quyết định cho hắn về tỉnh học”.

Tốt nghiệp cấp 3, với quyết tâm trở thành một cán bộ giúp bà con dân bản ở quê mình thay đổi lối sống, tập tục canh tác nên Tôi quyết định học lên đại học. Và anh đã đăng ký học 5 năm liền để lấy tấm bằng Cử nhân ngành quản lý đất đai, trường Đại học Nông lâm Huế. Tốt nghiệp ra trường, Tôi về quê và được bà con dân bản tin bầu làm cán bộ xã và anh đã trăn trở rất nhiều để tìm cách giúp dân bản ở quê mình thoát nghèo...

Đất đai khu vực Sân bay A So bị nhiễm một lượng lớn chất độc đioxin, người dân đã nhiều lần thử trồng các loại cây tại nhiều ngọn đồi khác nhau ở đây, nhưng không có một cây nào sống sót. Nghĩ đến hàng trăm héc-ta đất rừng đang bị bỏ hoang, Tôi liền tìm hiểu giống cây keo tai tượng và chọn “vùng đất chết” khai hoang để trồng thử. Bắt đầu từ năm 2004, Tôi một mình đến ngọn đồi nằm trước mặt thung lũng A So để nhặt bom, đạn khai hoang trồng rừng. Đúng một năm sau, gần 15ha do anh khai hoang và trồng giống keo tai tượng đã cho những mầm xanh đầy hy vọng. Năm 2006, khi Nhà nước có chủ trương trồng rừng làm kinh tế, Tôi tiếp tục đi vận động người dân trong bản tích cực khai hoang đồi núi để mở rộng diện tích trồng rừng. Riêng gia đình anh đã trồng thêm 35ha rừng với các loại cây như keo tai tượng, quế và tràm…

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông A Viết Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Đông Sơn không giấu được vẻ tự hào, nói rằng, nếu ngày ấy không có Tôi thì có lẽ giờ đây, xã đã không có được 500ha rừng xanh phủ kín đồi núi nhiễm chất độc hóa học dioxin. Không những giúp bà con trồng được rừng mà Tôi còn dạy bà con cách nuôi trâu, bò và làm chuồng để trâu, bò ở không bị dịch bệnh. Hiện toàn xã có 338 hộ nuôi được 100 con trâu, 200 con bò và gần 500 con dê. Hộ nào cũng có trong tay từ 2 đến 3ha rừng… Với “kỳ tích” phủ xanh đồi núi trọc nhiễm đioxin và dạy bà con dân bản cách làm ăn để thoát nghèo, năm 2009, Tôi vinh dự được nhận giải thưởng Lương Đình Của về nhà nông trẻ đặc biệt xuất sắc do Trung ương Đoàn trao tặng.

Năm 2010, chàng trai người dân tộc Pa Cô này một lần nữa được Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vinh danh là một trong 35 gương mặt thanh niên tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Theo Lê Anh

http://www.cand.com.vn

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: