1. Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp
Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 Chương, 51 Điều. Luật quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.
Theo quy định của Luật, Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...
Luật Phòng, chống khủng bố có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
2. Sẽ phạt tiền từ 180 đến 200 triệu đồng với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh vượt số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng
Theo quy định tại Nghị định 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ. Sẽ phạt tiền từ 180 đến 200 triệu đồng với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh vượt số lượng máy trò chơi điện tử có thưởng theo quy định hoặc cho phép đối tượng ra, vào điểm kinh doanh không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, chỉ những doanh nghiệp có cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng từ 5 sao hoặc hạng cao cấp trở lên do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mới được phép kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử có thưởng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
3. Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp 300.000 đồng/lần
Theo Thông tư số 106/2013/TT-BTC ngày 09/8/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 176/2012/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, từ ngày 1/10/2013, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 300.000 đồng/lần.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
4. Các quy định mới về thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực thi hành
Nhằm chi tiết hóa các quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013: Thống nhất các văn bản hướng dẫn thực hiện về chính sách thuế TNCN và quản lý thuế TNCN; chính sách thuế TNCN sửa đổi, bổ sung nhằm giảm đóng góp đối với người nộp thuế trước bổi cảnh khó khăn của nền kinh tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
5. Cán bộ, công chức, viên chức Ngành Kiểm sát sẽ được cấp thêm trang phục để sử dụng khi thi hành công vụ
Theo Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-VKSTC-BTC ngày 12/08/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính, mỗi cán bộ, công chức, viên chức Ngành Kiểm sát sẽ được cấp thêm 1 bộ Quần áo lễ phục mùa hè và 1 bộ Quần áo lễ phục mùa đông.
Các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào sẽ được cấp 2 bộ quần áo xuân hè trang phục thường dùng (trước đây chỉ cấp 1 bộ). Thời gian cấp trang phục thu đông là 2 năm 1 lần (từ Huế trở ra) và 4 năm 1 lần (từ Đà Nẵng trở vào).
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
6. Xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được phép dừng tại những điểm đón, trả khách trên đường với thời gian tối đa cho phép 03 phút/xe
Theo Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT ngày 06/8/2013 của Bộ Giao thông vận tải. Xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định được phép dừng tại những điểm đón, trả khách trên đường với thời gian tối đa cho phép là 03 phút/xe. Các điểm đón, trả khách chỉ được đặt tại những nơi đảm bảo an toàn giao thông và phải có biển báo hiệu; đồng thời phải đảm bảo đủ diện tích để không gây cản trở lưu thông khi dừng đón trả khách và khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm đón trả, khách là 05 km.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013.
7. Các dự án bất động sản sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ
Từ quý IV năm 2013, các dự án bất động sản sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và tình hình kinh doanh theo Thông tư 11/2013/TT-BXD ngày 31/7/2013 của Bộ Xây dựng.
Các loại dự án (DA) phải thực hiện báo cáo định kỳ theo quý và năm gồm: DA phát triển nhà ở; DA đầu tư xây dựng khu đô thị mới; DA tòa nhà chung cư hỗn hợp; DA trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn…
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2013
8. Phụ cấp thâm niên nghề dự trữ quốc gia
Nghị định 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia, công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Người làm công tác dự trữ quốc gia nêu trên có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.
9. Lao động xuất khẩu bỏ trốn phạt đến 100 triệu đồng
Theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH) và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn Hợp đồng lao động, hết hạn cư trú; bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng; sau khi nhập cảnh nước tiếp nhận lao động mà không đến nơi làm việc theo hợp đồng; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam ở lại nước ngoài trái quy định.
Ngoài phạt tiền, người lao động vi phạm còn bị buộc phải về nước; cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 2 năm hoặc 5 năm...
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.
10. Vi phạm chất lượng xăng dầu sẽ bị phạt đến 2,5 lần giá trị hàng hóa
Theo Nghị định 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng: Hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng.
Trong đó, với hành vi vi phạm quy định về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường phạt tiền từ 1-1,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với hành vi tồn trữ, vận chuyển xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Phạt tiền từ 1,5-2,5 lần giá trị hàng hóa vi phạm đối với một trong các hành vi vi phạm: Pha trộn chất phụ gia hoặc các chất khác vào xăng dầu làm thay đổi chất lượng xăng dầu hoặc chất lượng xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; mua, bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng; xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, pha chế xăng dầu có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 10/10/2013.
11. Điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi một số mặt hàng
Theo Thông tư số 125/2013/TT-BTC ngày 30/8/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, hỗn hợp các chất thơm và các hỗn hợp (kể cả dung dịch cồn) với thành phần chủ yếu gồm một hoặc nhiều các chất thơm này, dùng làm nguyên liệu thô trong công nghiệp; các chế phẩm khác làm từ các chất thơm, dùng cho sản xuất đồ uống loại khác có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 8%.
Các chế phẩm hóa chất khác, dùng trong chế biến thực phẩm có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 5% lên 6%.
Mặt hàng Natri hydrogencarbonat (natri bicarbonat), axit benzoic, muối và este của nó có mức thuế suất thuế nhập khẩu tăng từ 0% lên 5%.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 14/10/2013.
12. Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên
Theo Quyết định 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên trong lương hưu, đối tượng áp dụng là nhà giáo nghỉ hưu đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Nhà giáo nêu trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ 3 điều kiện.
Thứ nhất, có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên.
Thứ hai, nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.
Thứ ba, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
Theo Quyết định, mức trợ cấp một lần bằng tiền, được xác định theo công thức: Số tiền trợ cấp = (lương hưu hằng tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.
Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm 15/10/2013.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013
13. Không mặc áo phao phạt đến 200.000 đồng
Theo Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa: Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013.
14. Quy định mức xử phạt hành chính về kinh doanh bảo hiểm, xổ số
Theo Nghị định 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số: Quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm với mức phạt lên tới 100 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi giải quyết bồi thường cho khách hàng chậm theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Yêu cầu người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm trả thù lao, hay các quyền lợi vật chất khác trái pháp luật trong quá trình giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013.
15. Vi phạm về sở hữu công nghiệp, phạt tới 500 triệu đồng
Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp: Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ (vì mục đích kinh doanh) xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 triệu đồng.
Phạt tiền từ 2-250 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3 triệu đến trên 500 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013.
16. Tăng lệ phí thẩm định băng, đĩa ca nhạc
Theo Thông tư 121/2013/TT-BTC ngày 28/8/2013 của Bộ Tài chính: Mức thu lệ phí cấp và dán nhãn kiểm soát băng, đĩa hình có chương trình; phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên vật liệu khác được điều chỉnh tăng so với hiện hành.
Trong đó, mức thu phí thẩm định chương trình trên băng, đĩa, phần mềm và trên các vật liệu khác, như sau: Chương trình ca múa nhạc, sân khấu ghi trên băng đĩa, mức phí là 150.000 đồng/block (Một block có độ dài thời gian là 15 phút) thay mức 70.000 đồng hiện nay.
Đối với chương trình ghi trên đĩa nén, ổ cứng, phần mềm và các vật liệu khác, trường hợp ghi dưới hoặc bằng 50 bài hát, bản nhạc, mức phí hiện tại là 700.000 đồng sẽ tăng lên mức 1.500.000 đồng/chương trình. Nếu ghi trên 50 bài hát, bản nhạc mức phí sẽ là 1.500.000 đồng/chương trình + mức phí tăng thêm là 50.000 đồng/bài hát, bản nhạc. Tổng mức phí không quá 4.000.000 đồng/chương trình. (Mức phí hiện đang áp dụng là: 700.000 + mức phí tăng thêm là 10.000/bài hát, bản nhạc; tổng mức phí không quá 2.000.000/một chương trình).
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2013.
17. Nâng mức trợ cấp cho người có công
Theo Nghị định 101/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng: Mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng, thay vì mức 1.110.000 đồng như tại Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện nay.
Cùng với việc nâng mức chuẩn, Nghị định 101/2013/NĐ-CP cũng nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.
Cụ thể, thân nhân của 1 liệt sĩ sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng là 1.220.000 đồng/tháng (quy định hiện hành là 1.110.000 đồng). Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là 2.440.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 3.660.000 đồng/tháng (Nghị định 47/2012/NĐ-CP hiện hành chỉ quy định trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên là 1.983.000 đồng/tháng).
Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ; đồng thời, được hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng (hiện nay là 931.000 đồng).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2013.
18. Được sử dụng tạm thời một phần hè, đường để trông xe
Chính phủ ban hành Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/2/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó bổ sung quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường để trông, giữ xe.
Cụ thể, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Vị trí hè phố, lòng đường được phép sử dụng tạm thời có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời và phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: 1- Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; 2- Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cho một chiều đi; 3 - Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2013.
Huyền Trang (tổng hợp)