.9.
BÊN DÒNG PHỔ LỢI TRONG XANH
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, khoa Ất Mùi vừa qua (1895) thì khoa Mậu Tuất đã đến. Khoa này bảng vàng thi Hội cũng chưa đến tên anh Cử Sắc. Bao nhiêu hy vọng vào thi cử tan thành mây khói. Hỏng thi, anh mất luôn tiền học bổng ở trường Giám. Đời sống kinh tế trong gia đình bỗng dưng suy sụp không có cách gì gượng dậy được. Suốt ba năm anh ăn học, gia đình cũng phải vay mượn xóm giềng chút ít, bây giờ hỏng thi, lấy gì mà thanh thỏa đây? Thật là khó xử! Giữa lúc đó ở làng Dương Nỗ, cách Huế gần 7km về phía đông, học trò đang cần chữ. Dân làng Dương bèn nhờ một người cùng quê là ông Nguyễn Viết Chuyên đang làm việc tại bộ Hình tìm người vời về làng dạy học. Nghe anh Cử Sắc là người khí khái, học giỏi, có nghị lực nhưng còn lận đận trên con đường cử nghiệp, ông Chuyên liền tìm đến mời. Đang lúc buồn vì hỏng thi lại khó khăn về miếng cơm manh áo, anh Cử Sắc nhận lời. Anh để chị Loan đang có mang mấy tháng ở lại ngôi nhà của bà cụ Ba trong Thành nội, còn anh dắt hai người con trai qua đò chợ Dinh về làng Dương.
Ba cha con anh Cử Sắc được dân làng bố trí ở trong nhà ông Khóa Kiện dạy cho con trai ông Khóa (tức là bộ Hường sau này) và con em trong làng. Gia đình ông Nguyễn Độ dẫn ba người con đến xin học, đó là các cậu Nguyễn Sĩ Kính, Nguyễn Sĩ Mại, Nguyễn Sĩ Khuyến. Hai cậu Kính và Mại sắp đi thi Hương, còn cậu Khuyến tuy mới 15 tuổi nhưng đã học chữ Hán khá giỏi. Hai cậu con thầy là Khiêm và Cung về đây cũng ngồi vào lớp luôn.
Ở nhà ông Khóa Kiện được một thời gian, Khóa Kiện ỷ thế có tiền nuôi thầy, tỏ ra khinh ngang, hách dịch. Học trò đến xin học mà không có ý kiến chủ nhà là không được học. Trong khi đó, có những người con cái nhà giàu hư thân mất nết được Khóa Kiện đồng ý, bắt buộc thầy Cử Sắc phải nhận vào dạy. Thầy Cử tức mình cãi nhau với Khóa Kiện.
Nghe chuyện ấy, ba người con của ông Độ về nói lại với cha. Ông Độ chê Khóa Kiện có ăn học mà thiếu lễ nghĩa. Để có thể giữ chân thầy với dân làng, ông Độ sang vời thầy về nhà mình ở.
Ngôi nhà này nguyên của bà Diêu – vợ thứ của ông Nguyễn Phước Đạo (Thị lang bộ Công). Bà không có con trai nên được chồng làm cho một ngôi nhà để sau này cho con rể ở và thờ phụng bà. Ông Độ là rể của bà nên được quyền thừa kế. Sau khi giao nhà lại cho ba cha con anh Cử Sắc, ông Độ đưa gia đình về ở với cha mẹ già (cũng ở đó). Khác với Khóa Kiện, ông Độ lo đầy đủ cơm gạo cho thầy và hai người con. Chu đáo hơn, ông cử luôn một người con gái chăm lo nấu nướng và giặt giũ cho gia đình thầy.
Nghe tiếng anh Cử Sắc về nhà ông Độ làm thục sư, dân làng Dương và các làng chung quanh đến xin học rất đông. Học trò thầy Cử có hai loại: loại sắp đi thi Hương có Kính, Mại, Lệ, Kiến (con ông Nguyễn Viết Chuyên), Phong, Xứ, Toản... Loại thứ hai đã giỏi chữ nhưng chưa đi thi cử gì hoặc mới học vỡ lòng như Huyến, Hoàn và hai người con trai của thầy là cậu Khiêm (thường gọi là Khơm) và Cung (thường gọi là Côông)...
Một hôm có người đem con đến xin học, thấy hai người con thầy ngồi bên cạnh liền buộc miệng hỏi:
- Bẩm thầy, vì sao hai cậu không ở trên Thành nội với mẹ mà lại theo thầy về đây?
Thầy Cử Sắc cười. Bàn tay xương xẩu của thầy vỗ vỗ lên cái đầu để tóc trái đào của hai người con trai, thầy nói đùa rằng:
- Thằng này là thằng Khơm, thằng này là thằng Côông. Khơm Côông là không cơm. Nên bầy tui đi mô thì đem hai đứa đi nấy để nhờ gia đình chủ nuôi.
Đó là một sự thật vừa khôi hài, vừa xót xa chua chát.
Ở Dương Nỗ hai cậu bé Khiêm, Cung vào lớp ngồi học như tất cả những người học trò lớp nhỏ khác. Thầy Cử Sắc lo dạy cho lớp học trò đi thi Hương khoa Canh Tý (1900), đối với những người mới học thì thầy chỉ ra bài, còn những học trò lớn phải dạy lại cho các học trò nhỏ. Cậu Khuyến 15 tuổi, con ông chủ nhà được chỉ định dạy kèm cậu Cung. Thầy Cử bảo cậu Khuyến: “Trò Cung không thuộc bài thì trò Khuyến phải ăn đòn thay”. Trò Cung học rất thông minh, nhớ sách rất giỏi, nhưng có cái tội là hiếu động, hay bỏ lớp đi chơi lang thang, hoặc đánh nhau với trẻ chăn trâu ở làng dưới. Vì vậy, trò Khuyến rất lo. Trò Khuyến cột một sợi dây chuối vào vạt áo sau của trò Cung. Hễ thấy trò Cung đi chơi, chiếc dây chuối căng ra thì trò Khuyến cầm dây kéo lại, bảo ngồi vào ghế học.
Một hôm thầy vừa ra Luận Ngữ, Cung lẩm nhẩm học một chút rồi xếp sách đứng dậy rục rịch đi chơi. Trò Khuyến nắm áo trò Cung kéo lại:
- Chú Hai (tức trò Cung), bài Luận Ngữ thầy mới ra sao chú không học lại bỏ đi chơi?
Trò Cung nhìn trò Khuyến bảo:
- Tui thuộc hết rồi.
Khuyến nhìn Cung có vẻ không tin. Biết thế, Cung đưa sách cho Khuyến dò, nhắm mắt đọc trầm. Sách Luận Ngữ một tập tám tờ, một tờ từ 5 đến 8 dòng, mới đọc sơ qua ai ngờ Cung đều thuộc hết. Thấy Cung thông minh, có trí nhớ như thế, đám học trò làng Dương tin tưởng nếu cậu Cung mà chịu chăm chỉ học hành thì chẳng mấy chốc, bảng vàng Hương, Hội sẽ đề tên, cha mẹ sẽ được giàu sang, xóm làng được tiếng hiển vinh. Cung thì không thích như thế. Hàng ngày cậu hay trốn bạn, trốn thầy đi chơi. Cái gì thích thì cậu học. Cậu rất thích nghe kể chuyện đào sông Phổ Lợi; chuyện các họ thờ trong ngôi nhà thờ bảy gian, chuyện đình làng Dương Nỗ... Nhiều buổi trưa, cậu lẻn ra sông tắm mát, tắm xong vào ôm cột đình to tướng xoay quanh, hay xuống quét lá ngủ trưa trên cái bệ trước am Bà làng Phò Nam. Dân làng thấy thế sợ lắm. Họ rỉ tai nhau nói: “Cậu Cung con thầy Cử Sắc nếu không bị Hà bá nhận nước thì cũng bị Bà vặt (vì cậu hay xuống tắm vào lúc đứng bóng hay ngủ trong Am Bà linh thiêng). Nhưng mãi không thấy cậu Cung bị đau ốm, hề hấn gì, họ lại kháo với nhau: “Cậu Cung mạng lớn hơn cả thần thánh, sau này thế nào cũng làm lớn”.
Một hôm thầy Cử Sắc bảo trò Khuyến đi tìm cậu Cung về học, trò Khuyến tìm mãi mới thấy trò Cung đang hỏi chị buôn bán ngoài chợ. Khuyến rủ trò Cung về, Cung không về và bảo bạn:
- Các anh về học sau này thi đỗ ra làm quan... Còn tôi thì chỗ nào thích tôi học.
.10.
QUA CỬA THƯỢNG TỨ
Cô Cử Sắc đã sinh thêm được cậu bé Xin. Hai mẹ con không được mạnh. Một mình vừa nuôi con dại, vừa phải dệt vải để kiếm sống nên sức lực cô Cử càng ngày càng kiệt. Nhiều hôm ốm đau lại không dệt được tấc vải nào, cô Cử phải bồng con qua nhà hàng xóm ở miệt chợ Xép, ngã tư Âm Hồn để ăn đậu một bữa. Người ta nói chính vì lý do đó mà cô đã đặt tên cho cậu út là Xin. Chị đầu là Thanh, anh cả là Khiêm, anh hai là Cung. Người ta hay nói chữ Thanh bạch, Khiêm nhường, Cung kính, còn cậu em út lại là Xin. Nguyên cái tên Xin không thôi cũng đã cảm thấy nó lạc loài trong gia đình hay chữ này. Vì thế mà cậu út Xin được cha mẹ và hai anh rất thương.
Những ngày học xong sớm hai anh em Khiêm, Cung hay rủ nhau lên Kinh thăm mẹ, thăm em. Mỗi lần lên hai cậu mang theo một chút lộc của cha gồm vài chén nếp với năm ba quả trứng gà... Thăm xong hai cậu xin phép mẹ về ngay để sáng hôm sau phải còn học. Sự thật cũng chẳng vì việc học mà về ngay, mà chính vì hai cậu ở lại không biết lấy gì mà ăn.
Một hôm hai cậu lên Kinh thăm mẹ xong khi trở lại làng Dương thì trời tối, mười cửa Kinh thành theo tiếng súng lệnh đặt ở Kỳ Đài đóng chặt. Hai anh em đến xin mấy chú lính tuần sát mở cửa cho về. Đám lính trả lời: “Hết giờ, đóng cửa. Chìa khóa đã giao nộp cho ông Đề đốc, sáng mai mới được lấy lại. Bây giờ mà mở cửa là trái lệnh vua ban”. Về làng Dương không được, trở lại với mẹ cũng khó, Cung nắm tay áo anh kéo vào cái chòi gác bên trong cửa Thượng Tứ xin ngủ. Vừa đi Cung vừa nói vọng lại:
- Mấy chú không cho anh em tui về, vậy mấy chú gác cho anh em tôi ngủ.
Đám lính tuần sát cho rằng cậu Cung nói như thế là khiêu khích nhưng không có lý do gì để quở phạt hai cậu. Cậu Khiêm không hiểu ý em nên dùng dằng không muốn đi. Cung bảo anh:
- Người ta nói mở cửa bây giờ là trái lệnh vua ban, anh em mình có lạy họ, họ cũng không mở đâu.
Hai cậu bé vào nằm dài trên dãy sạp tre kê tạm trong cái trạm gác dựng bên cạnh cửa Thành, nhắm mắt giả đò ngủ. Một lúc đám lính cắt phiên gác xong, thay nhau ngủ luôn. Cung giả đò ngủ say, mớ, giơ tay, dạng chân đụng vào người đám lính, làm cho đám lính ngọ ngoạy mãi không chợp mắt được. Bực mình, đám lính chửi tục, đòi bồng hai cậu bé quăng xuống hào. Nhưng chúng lại thấy hai cậu bé dễ thương, không nỡ làm như thế. Cuối cùng, chúng đã đập hai cậu bé dậy và hé cửa cho hai cậu chạy ra khỏi thành. Lúc ấy, cậu Khiêm mới hiểu ý em. Vừa chạy qua cầu Thành Thái, Cung vừa giải thích với anh:
- Người ta nói mở cửa là trái lệnh vua ban, anh em mình có lạy họ cũng vô ích. Chỉ có một cách làm cho họ cảm thấy không mở cửa là không xong, lúc ấy họ mới chịu mở thôi!
Cậu Khiêm gật đầu khâm phục mưu mẹo của em.
Qua khỏi cầu Thành Thái (tức là cầu Trường Tiền), chạy tiếp qua trước mặt tòa Khâm Sứ đến bến đò sông Thọ Lộc (chỗ xây đập đá ngày nay), hai anh em cởi quần áo đội lên đầu bơi qua sông.
Đêm hôm đó, hai cậu về đến làng Dương rất khuya.
.11.
TIẾNG KHÓC EM THƠ VÀ LỜI RU CỦA MẸ
Đầu năm Canh Tý (1900) bộ lễ gọi thề Cử Sắc lên Kinh để sung vào Ban Tổ chức khoa thi Hương tại Thanh Hóa. Trải qua 2 năm bó gối ngồi cho chữ ở làng Dương hẻo lánh cũng đã chán, nên được lệnh là thầy Cử lai Kinh ngay. Đi Thanh Hóa luôn thể tiện, thầy sẽ ghé thăm quê nhà ở làng Sen, Nam Đàn.
Thầy Cử đem theo người con trai lớn để lo cơm nước, khăn áo cho thầy, còn cậu Cung thầy để ở nhà giúp mẹ giữ em. Ở làng Dương, dành dụm được chút đỉnh, thầy đưa hết cho vợ, chuyện phí tổn thầy đi chuyến này đã có Bộ đài thọ.
Cha và anh cả đi xa, cậu Cung ở nhà làm việc giúp mẹ. Số tiền ít ỏi cha để lại, ăn tiêu tằn tiện lắm cũng chỉ được mươi ngày là sạch nhẵn. Cô Cử lại cảm thấy đau rát ở cổ, chiều chiều hay lên cơn sốt nên nguồn sữa cũng cạn dần. Cậu bé Xin khát sữa khóc cả ngày. Cậu Cung bế em đi quanh xóm xin bú nhờ. Đêm đêm không đi bú nhờ được, cậu út khóc khan cả giọng. Con khóc không có sữa cho con bú, không có gì cho con ăn, thương con đêm đêm cô Cử bằng lời ru cố xoa dịu cơn đói cho con, đưa con vào giấc ngủ. Nhưng đói bụng thì làm sao ngủ được, cậu út lại khóc. Bà mẹ ru mãi cũng hết câu hát, cuối cùng bà lấy truyện Kiều đã học thuộc từ nhỏ ra ngâm:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Không rõ cậu út Xin đã cảm nhận được lời ru của mẹ đến đâu, chỉ thấy cậu lúc thì nằm ư ử, lúc thì khóc thét lên rồi cuối cùng ngủ thiếp đi trong sự tức tưởi. Và...thật không ngờ, chính những lời ru mẹ dành cho út Xin ấy đã ghi sâu vào tâm khảm cậu anh nằm bên lưng mẹ. Vừa thương mẹ nhọc nhằn vì em, vừa cám cảnh lời ru của mẹ, nước mắt cậu anh chảy ướt đẫm cổ áo. Mỗi lần thấy mẹ đọc Kiều khao khao trong cổ, cậu Cung lại đạp khe khẽ lên người mẹ:
- Mẹ mệt lắm rồi, đừng ru nữa làm con buồn quá mẹ ạ!
Mỗi lần nghe con nói như vậy, cô Cử thường bảo con:
- Không có sữa cho em bú, không có gì cho em ăn, mà thiếu cả lời ru
của mẹ nữa thì làm sao em ngủ được?
.12.
NỖI ĐAU XÉ RUỘT
Vào những tuần cuối năm 1900 trời ngớt mưa, nhưng vẫn còn lạnh lắm. Suốt ngày cô Cử ngồi rên hừ hừ bên bếp lửa loe hoe mấy que củi rều. Cái mụt nhọt trên cổ cô vỡ ra chảy nước vàng nhơn nhớt. Thầy Cử bốc cho cô mấy thang thuốc bắc, cô uống hết thuốc mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Ăn uống bữa có bữa không, đêm đêm con hành mất ngủ, sức khỏe cô Cử tuột xuống rất nhanh. Chồng và các con không thấy được điều đó nên thầy Cử vẫn vắng nhà đi kiếm sống; các con vẫn giúp mẹ ở chừng mực bình thường. Ngày tháng cứ trôi qua, vào một buổi trưa trời mưa lất phất, cô Cử gọi cậu Cung vào nói thều thào:
- Mẹ mệt qu...á!
Cung tưởng mẹ mệt lả vì đói quá nên vội vàng xách cái siểng chạy ra chợ Xép mua cho mẹ siểng cơm. Lúc trở về ngang qua ngã tư Âm Hồn thì có người hàng xóm làm thợ thêu tất cả chạy ngược ra chợ, thấy cậu Cung xách siểng cơm, anh thợ thêu gọi với giọng thảng thốt:
- Cung ơi! ... Mẹ cháu mất rồi!
Trời đất bỗng tối sầm trước mặt cậu bé lên mười. Cậu cảm thấy đau đớn xé ruột, khóc òa:
- Ôi ... Mẹ ôi!
Cậu vừa khóc vừa cắm đầu chạy về căn nhà cha mẹ đã mướn của bà cụ Ba từ năm năm trước. Anh thợ thêu chạy theo sát gót định nắm lấy cổ áo Cung và bịt miệng cậu lại, nhưng anh chạy không kịp... Vừa chạy sau Cung, anh thợ thêu vừa gọi giọng hối hả van lơn:
- Đừng khóc! Đừng khóc cháu ơi! Ở trong Kinh thành không ai được khóc cả!
Cung không nghe tiếng anh thợ thêu gọi, mà có nghe, Cung cũng chẳng tuân lời. Cậu chạy về, thấy chị thợ thêu, vợ chồng ông Viên Diễu vừa kéo cậu bé Xin ra khỏi vú mẹ, họ xúm nhau vuốt chân vuốt tay cho cô Cử nằm thẳng trên bộ ngựa kê giữa nhà.Cậu Cung sấn vào ôm chầm mẹ, khóc thét lên. Mấy người hàng xóm đến săn sóc cho người chết cũng bùi ngùi khóc theo. Người thì kéo Cung ra dỗ dành, người thì hỏi han nơi dạy học của thầy Cử để nhắn về gấp.
Nỗi đau xé ruột ấy xảy ra vào ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (đầu năm 1901). Biết gia đình cô Cử thiếu thốn, hàng xóm láng giềng rất cảm cảnh, người có tiền đem cúng tiền, người có công giúp công, thậm chí có gia đình đem các vật phẩm chuẩn bị cho ngày mai đưa ông Táo về trời sang giúp làm đám cô Cử.
Khi thầy Cử hay tin về đến nhà thì xóm giềng đã lo mọi việc cho cô Cử xong xuôi.
Quan tài cô Cử được để trên một chiếc đò đưa ra ngoài Kinh thành bằng Đông Thành Thủy Quan (thường gọi là công Lương Y và cầu Thanh Long), đám tang ngược sông Đông Ba, ngược sông Hương, đến bến đò Trường Súng thì xuôi sông Lợi Nông xuống đậu lại tại Bến Ngự. Quan tài được khiêng lên chôn ở cái nghĩa địa nằm giữa núi Ngự Bình và núi Bần Sơn (nơi Nguyễn Huệ lên ngôi và lấy niên hiệu là Quang Trung vào năm 1788).
(Còn nữa)
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Huyền Trang (st)