Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) là một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước về sau. Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, những thay đổi, biến động sâu sắc của mỗi nước, mối quan hệ này ngày nay tuy có những điều chỉnh, thay đổi: Từ quan hệ giúp đỡ viện trợ trong khối Hiệp ước Varsawa chuyển sang quan hệ đối tác chiến lược, nhưng về cơ bản vẫn tiếp tục được duy trì theo hướng hoàn thiện đi vào chiều sâu, phù hợp với quy luật và xu hướng quan hệ quốc tế mới.

Nói tới quan hệ ngoại giao Việt - Xô trước đây và Việt - Nga ngày nay không thể không kể đến công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh, đặt nền móng và dày công vun đắp, xây dựng cho mối quan hệ này ngày càng gần gũi, tin cậy, đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị - quân sự, thành tựu về quan hệ kinh tế và hợp tác văn hoá, giáo dục và khoa học - công nghệ.

I. Trong quá trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn, khoa học để giải phóng dân tộc, đồng thời gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Pêtơrôgrát, quê hương của Cách mạng Tháng Mười và ít ngày sau Người lên xe lửa đi Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt trên đất nước của Lênin. Mặc dù chỉ lưu lại 16 tháng nhưng thời gian hoạt động ở Matxcơva có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc mà cả với phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã nhận thức và lý giải sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho cách mạng vô sản thế giới cũng như cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa, từ đó Người đã hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của mình. Thế giới quan và phương pháp luận Mácxít đã giúp Nguyễn Ái Quốc đánh giá và phân tích đúng đắn các sự kiện quốc tế; nhận biết được chiều hướng phát triển của tình hình thế giới để Người trở thành một nhà hoạt động quốc tế có tầm nhìn bao quát và hiểu biết sâu sắc về chính trị và ngoại giao quốc tế.

Trong quá trình quan sát, phân tích các diễn biến của chính trị quốc tế và ngoại giao thế giới trong khoảng thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới nửa đầu thế k XX, Nguyễn Ái Quốc đã tích lũy nhiều kinh nghiệm ngoại giao quý báu trong đó ngoại giao Xô viết đem lại nhiều bài học thực tiễn quan trọng cho Người. Hoà ước Brest-Litovsk là một ví dụ: Để ngăn chặn cuộc tấn công của quân đội Đức và Áo tới thành phố Petrograd và Matxcơva, ngày 3/3/1918, tại Brest-Litovsk, nước Nga Xô viết đã kí kết hòa ước với chính phủ Đức. Theo hòa ước này, nước Nga đã phải chịu tổn thất lớn khi mất một vùng lãnh thổ rộng 750.000 km² với hơn 50 triệu dân cũng như phải giải ngũ quân đội và bồi thường cho Đức 6 tỷ Mác. Nhưng đây là quyết định đúng đắn vì nó thể hiện thiện chí hòa bình đồng thời bảo vệ được nhà nước xã hội chủ nghĩa non trẻ, bảo vệ các đơn vị hồng quân vừa mới được thành lập. Với ý nghĩa đó, hoà ước Brest - Litovsk là một mẫu mực của nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc của Lênin - người đã được Nguyễn Ái Quốc dành cho những tình cảm thật tôn kính: “Lênin, người thầy dạy vĩ đại của cách mạng vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”(1). Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ Lênin là người được kính trọng ở cả phương Đông và phương Tây: “nếu giai cấp vô sản phương Tây coi Lênin là một thủ lĩnh, một lãnh tụ, một người thầy thì các dân tộc phương Đông lại coi Lênin là một người con vĩ đại hơn nữa, cao quý hơn nữa”(2).

Không chỉ ca ngợi V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc còn dành nhiều trang viết thấm đượm tình cảm yêu mến, biết ơn nước Nga Xô viết - nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đề cập trực tiếp đến nước Nga là trong bài Đông Dương đăng trên tạp chí Le Revue Communiste số 14 tháng 4-1921: “Luồng gió từ nước Nga thợ thuyền, từ Trung Quốc cách mạng hoặc từ Ấn Độ chiến đấu đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”(3). Trong một loạt bài viết về nước Nga sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã tuyên truyền về thành tích của nước Nga Xô viết, tính ưu việt của xã hội mới. Người đặc biệt nhấn mạnh tới sự giúp đỡ của nước Nga với các dân tộc thuộc địa: Cách mạng Nga “không vừa lòng” với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những quyết định "nhân đạo" đối với các dân tộc bị áp bức mà “dạy cho họ đấu tranh, giúp đỡ họ bằng tinh thần và vật chất”. Nước Nga cách mạng “không hề một chút do dự” trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi.

Như vậy, chủ đích của Nguyễn Ái Quốc đã rõ ràng: Hướng cuộc đấu tranh của nhân dân các thuộc địa tới nước Nga Xô viết, theo gương Cách mạng Tháng Mười. Trong chương trình tóm tắt của Đảng Cộng sản Đông Dương được hội nghị ngày 3/2/1930 thông qua đã nêu rõ: Cách mạng Đông Dương phải “liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản thế giới, nhất là quần chúng vô sản Pháp”. Chương trình cũng nêu vấn đề “ủng hộ Liên bang Xôviết”.

Hội nghị Trung ương lần thứ tám Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/11941 tại Pắc Bó do Hồ Chí Minh chủ trì có thảo luận về chính sách đối ngoại, đã đề cập đến hai vấn đề rất cơ bản: Chính sách đối với các dân tộc Lào, Campuchia và nhiệm vụ ngoại giao của “Chính phủ nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Về cuộc chiến tranh sắp bùng nổ giữa Đức, Italia với Liên Xô, hội nghị nhận định rằng Liên Xô nhất định sẽ thắng. Do đó, trong mục “Võ trang khởi nghĩa”, Nghị quyết của Hội nghị có viết: “Liên Xô thắng trận, quân Tàu phản công, quân Nhật đang mắc sự phản công của Anh Mỹ... Tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển… để gây một cuộc khởi nghĩa toàn quốc rộng lớn”(4). Về nhiệm vụ ngoại giao, một trong bốn nhiệm vụ cụ thể được đề ra là: “Mật thiết liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới”. Điều này cho thấy là chính phủ tương lai của nước Việt Nam độc lập chủ trương đoàn kết ủng hộ và giúp đỡ các phong trào giải phóng dân tộc, đoàn kết với Liên Xô, các nhà nước cách mạng và tiến bộ khác trên thế giới, đoàn kết với phong trào công nhân quốc tế.

II. Tháng 8-1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ngay từ những ngày mới thành lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho lãnh đạo của Liên Hợp Quốc và các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ nêu rõ chính sách của Việt Nam là thực hiện chính sách mở cửa và hợp tác, mời các nhà đầu tư, các nhà kỹ thuật nước ngoài vào kinh doanh tại Việt Nam, sẵn sàng mở các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế, chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

Trong hoàn cảnh nước ta ở vào thế bị bao vây, cô lập những năm đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng mở cửa ra thế giới để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân tiến bộ các nước với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Người chỉ rõ, lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hoà bình đã hình thành một mặt trận thống nhất thế giới, gồm Liên Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu, do Liên Xô lãnh đạo, nhiều nước vừa giành được độc lập về chính trị, nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới. Đó là một lực lượng rất mạnh, là đồng minh to lớn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Ngày 1/10/1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tình hình Châu Á và thế giới. Ngày 15/1/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và tỏ ý sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Ngày 18/1/1950, Chính phủ Trung Quốc đã trả lời và đáp ứng thuận lợi. Tiếp sau đó, ngày 30/1/1950 Chính phủ Liên Xô công nhận và lập quan hệ ngoại giao với nước ta.

Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật thực hiện chuyến công tác ngoại giao đặc biệt. Ngày 3/2/1950, đúng dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Đảng ta ra đời, Người đã tới Matxcơva. Người đã hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên Xô để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Liên Xô khẳng định sẽ viện trợ vũ khí, trang bị quân sự, lương thực và thuốc men... cho Việt Nam. Đây là một thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng, đã phá tan thế bao vây, cô lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Mấy năm kháng chiến đã đưa lại cho nước ta một cuộc thắng lợi to nhất trong lịch sử Việt Nam, tức là hai nước lớn nhất trên thế giới - Liên Xô và Trung Quốc dân chủ, và các nước dân chủ mới đã thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới. Nghĩa là ta đã đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc”(5).

Thực tế đã chứng minh, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô luôn nồng ấm, tin cậy, vượt qua mọi thử thách của thời gian cũng như sự biến động của lịch sử. Đặc biệt, từ năm 1965 trở đi, quan hệ chính trị giữa hai nước được đẩy lên một bước phát triển mới trên tinh thần quốc tế vô sản anh em. Liên Xô - nước có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh đã viện trợ cho Việt Nam ngoài một số vũ khí thông thường, còn phần lớn là những vũ khí hiện đại như máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh... Tên lửa “đất đối không” của Liên Xô đã được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 24/7/1965 và đã bắn rơi máy bay Mỹ. Những năm 1955-1960, Liên Xô đã viện trợ cho ta một khối lượng hàng quân sự là 29.996 tấn, gồm hàng hậu cần, vũ khí, trang bị kỹ thuật. Từ năm 1961-1964, Liên Xô gửi sang Việt Nam 47.223 tấn hàng quân sự. Trong giai đoạn 1965-1968, khi quan hệ Việt Nam - Liên Xô có bước phát triển đáng kể, số hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cũng tăng vọt: 226.969 tấn. Ngoài việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự, các cơ quan quốc phòng hai nước đã triển khai mạnh mẽ lĩnh vực đào tạo các cán bộ quân sự. Đã có hơn 13.000 quân nhân Việt Nam được học tập đào tạo tại đất nước Xô viết. Hàng trăm quân nhân và chuyên gia kỹ thuật Liên Xô đã tiến hành huấn luyện cho các bạn đồng nghiệp Việt Nam ngay trên chiến trường, trên các cứ điểm tác chiến, trong chiến hào, dưới làn bom đạn của kẻ thù.

Không chỉ giúp đỡ về vật chất cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô còn sang giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong thời gian từ 1955-1960, Liên Xô đã cử 1547 chuyên gia các ngành sang công tác tại Việt Nam và nhận 420 thực tập sinh và 1267 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Liên Xô. Đã có nhiều công trình do Liên Xô giúp xây dựng, trong đó có những công trình lớn, chủ chốt có ý nghĩa quan trọng hàng đầu với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như các mỏ than Hòn Gai, mỏ quặng Apatit Lao Cai, thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), nhà máy cơ khí Hà Nội (cơ sở đầu tiên của ngành chế tạo máy cơ khí Việt Nam), nhà máy nhiệt điện Uông Bí, nhà máy thủy điện Thác Bà, nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy supe phốt phát Lâm Thao, nhà máy cá hộp Hải Phòng, trường Đại học Bách khoa, trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô,... Nền văn hóa Nga rực rỡ và văn hoá Xô Viết phong phú, huy hoàng cũng đã được truyền bá vào Việt Nam. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao của những tên tuổi lớn như Fydor Dostoevsky, Alexander Puskin, Anton Chekhov, Lev Tolstoi, Maksim Gorky, Mikhail Sholokhov, Vladimir Mayakovsky... được dịch ra tiếng Việt. Liên Xô cũng giúp Việt Nam xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật như múa balê, nhạc kịch, xiếc, phát hiện và đào tạo nhiều nhân tài âm nhạc Việt Nam nổi tiếng trên thế giới, giúp Việt Nam tham gia chương trình bay vào vũ trụ,... Nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam cũng xâm nhập vào đất nước Liên Xô rộng lớn. Tuyển tập các tác phẩm văn học hiện thực phê phán và văn học hiện đại của Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga như tuyển tập tác phẩm của Nam Cao, tập ký “Sống như anh” của Trần Đình Vân, tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, tác phẩm “Văn ngan tướng công” của Vũ Tú Nam,... và đặc biệt là tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những sự kiện, những con số biết nói đó cho thấy sức mạnh hùng hậu và tính hiệu quả của tình đoàn kết, sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần đồng chí trong thời kỳ nhân dân Việt Nam chiến đấu ác liệt chống Mỹ cứu nước giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong giải quyết những nhiệm vụ có quy mô lớn của công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển văn hoá, xã hội...

Bên cạnh đó, những chuyến thăm hữu nghị của các đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam và Liên Xô cùng các cuộc tiếp xúc hữu ích, thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Liên Xô cũng đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc không ngừng củng cố tình đoàn kết và mở rộng hợp tác giữa hai nước. Các chuyến đi thăm, đi nghỉ tại Liên Xô của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1955, 1957, 1959, 1960, 1961; sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón đồng chí Micôian - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô sang thăm Việt Nam ngày 4/4/1956, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô K.E.Vôrôsilốp ngày 20/5/1957, của các Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô như B.Pônômariốp tháng 2-1962, I.V. Anđrôpốp tháng 1-1963, của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Côxưghin tháng 2-1965... đã đi vào tâm khảm của người dân hai nước Việt Nam - Liên Xô như một minh chứng cho sự thân thiết của một mối quan hệ anh em truyền thống.

III. Trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp hoạt động đối ngoại và chỉ đạo sát sao công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc và thời đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Chính Người đã đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt-Xô và không ngừng củng cố, nâng cao thành một nhân tố quan trọng đóng góp vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bằng nhãn quan chính trị nhạy bén, tư duy phân tích thời thế khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện vai trò, dấu ấn ngoại giao của mình ở những điểm sau:

Nét đặc sắc nhất và nhất quán trong toàn bộ hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần độc lập, tự chủ, đoàn kết quốc tế. Người nhận thức rõ và vận dụng nhuần nhuyễn các quy luật phổ biến của đấu tranh cách mạng, đồng thời luôn luôn tính đến hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nước và trong mỗi giai đoạn, đến mối quan hệ hữu cơ giữa lợi ích dân tộc và nghĩa vụ quốc tế.

Tháng 2-1956, Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhấn mạnh tư tưởng cùng tồn tại hoà bình và thực hiện quá độ hoà bình. Thực hiện đường lối đó, Liên Xô đã có những cố gắng để cải thiện quan hệ với Mỹ, nhất là sau năm 1957, khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đưa tới chuyến thăm Mỹ đầu tiên của người lãnh đạo cao nhất ở Liên Xô là N.X. Krútsốp. Vì lợi ích duy trì hoàn cảnh quốc tế hoà bình để xây dựng, các nước anh em gợi ý “hai miền Nam Bắc Việt Nam chung sống hoà bình, thi đua kinh tế, miền Bắc hơn hẳn về kinh tế thì miền Nam sẽ thống nhất vào miền Bắc”.

Là một chiến sĩ cộng sản quốc tế, đương nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề này nhưng mối quan tâm đó không phải là nỗi lo lắng chung chung, mà rất cụ thể bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta kiên quyết đưa cách mạng nước ta đi lên, đẩy mạnh cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội đồng thời có tính đến xu thế trên thế giới, nhất là ý nguyện của các nước anh em. Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam đã ra đời trong hoàn cảnh đó, thể hiện tinh thần sáng tạo và ý thức độc lập tự chủ của Đảng ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng thời, bằng uy tín, kinh nghiệm của một nhà hoạt động lão thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, duy trì sự đoàn kết của Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi nhớ những cố gắng lớn lao của Hồ Chí Minh nhằm đưa Hội nghị 81 Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Mátxcơva tháng 11-1960 thành công khi Người đã tích cực và chủ động giải quyết bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, góp phần vào việc ký bản Tuyên bố chung ngăn ngừa sự tan vỡ lúc đó. Bên cạnh những hoạt động trực tiếp thuyết phục Liên Xô và Trung Quốc tiến hành đàm phán, thương lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã nhiều lần kêu gọi các đảng anh em chấm dứt tranh luận công khai, họp hội nghị quốc tế các đảng để giải quyết bất đồng. Nhưng khi thấy thấy việc họp hội nghị các đảng đã bị các bên tranh chấp sử dụng để tập hợp lực lượng chống phá lẫn nhau, gây thêm chia rẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã hết sức tránh làm những việc có thể đào sâu thêm hố ngăn cách, vừa kiên trì đường lối độc lập tự chủ, vừa ra sức tăng cường đoàn kết với cả Liên Xô và Trung Quốc.

Trên cơ sở sự tương đồng về tình cảm, tâm lý, yêu hòa bình và hữu nghị, lẽ phải và đạo lý của nhân loại tiến bộ, cùng với tinh thần quốc tế chân chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ngoại giao “tâm công” nhằm khơi dậy và tăng cường tình đoàn kết với bạn bè, đồng chí. Cụ thể, với Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh hoan nghênh nhân tố tích cực trong đường lối của Liên Xô với Việt Nam, cử các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng dẫn đầu các đoàn đại biểu nước ta sang thăm Liên Xô để cảm ơn và tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của Liên Xô, đồng thời làm cho Liên Xô yên tâm rằng Việt Nam sẽ cố gắng không để chiến tranh lan rộng.

Với vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa, tâm lý, ngôn ngữ và phong tục tập quán của nhiều dân tộc ở cả phương Đông và phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm được những điểm mạnh để tôn vinh, điểm đồng làm cơ sở để xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Người nói: “Tôi ít nhiều cũng có thể coi là người dân kỳ cựu của thành phố Mátxcơva”(6). Người thường nhắc câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” khi nói về lòng biết ơn của nhân dân ta đối với Liên Xô, đất nước quê hương của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại “đã chỉ cho nhân dân Việt Nam con đường thắng lợi để giải phóng dân tộc”, về sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn nước bạn dành cho Việt Nam.

Kiên trì thái độ mềm mỏng, chân thành và hữu nghị trong quan hệ với Liên Xô, ngày 14/08/1964, thay mặt Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp gửi thư cho N.Khơrutsốp và Đảng Cộng sản Liên Xô, khẳng định sự gắn bó thuỷ chung của nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Liên Xô. Bức thư có đoạn: “Đảng Lao động Việt Nam luôn luôn quý trọng, yêu mến và biết ơn Đảng Cộng sản Liên Xô do Lênin sáng lập và nhân dân Liên Xô vĩ đại sẽ không ngừng phấn đấu để xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô, bảo vệ Liên Xô trước đây cũng như sau này, tình hữu nghị và lòng biết ơn của chúng tôi với Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô sẽ không thay đổi”(7). Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bài báo quan trọng nhan đề “Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc”, thể hiện tình cảm cách mạng trong sáng, thủy chung với anh em và bè bạn trên thế giới: “Nhân dân Việt Nam luôn luôn nhớ rằng những thắng lợi của mình không tách rời sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, không tách rời sự ủng hộ tích cực của nhân dân tiến bộ toàn thế giới”(8).

Do thái độ đúng đắn và thiện chí, cùng nỗ lực không biết mệt mỏi của người chiến sĩ cộng sản quốc tế Hồ Chí Minh, đối với Việt Nam, Liên Xô đã có thái độ cởi mở và tuyên bố: “Từ nay, Liên Xô hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam”(9). Từ chỗ không công nhận Mặt trận giải phóng Miền Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ngày 13/06/1969, Liên Xô đã ra tuyên bố chính thức công nhận Chính phủ lâm thời “là đại diện hành pháp duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam”. Cùng với sự ủng hộ về chính trị, Liên Xô còn dành cho Việt Nam những khoản viện trợ rất lớn về quân sự, có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam cũng như quá trình khôi phục lại đất nước Việt Nam sau chiến tranh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời giữa lúc sự nghiệp cách mạng của toàn dân ta đang đi vào giai đoạn quyết định. Người chưa kịp thực hiện được mong ước “sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta” nhưng tình cảm quốc tế trong sáng, ân nghĩa trước sau như một của Người đối với anh em và bè bạn trên thế giới đã được đền đáp xứng đáng. Quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp đã được kiểm chứng theo thời gian, dù có những thăng trầm của lịch sử, những thay đổi, biến động sâu sắc của mỗi nước. Ngày 1/3/2001, Việt Nam và Liên bang Nga ký "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược”. Ngày 27/7/2012, Việt Nam và Liên bang Nga ra "Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố. Hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, an ninh quốc phòng đạt nhiều kết quả. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ mức 300-400 triệu USD/năm vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước lên 1,98 tỷ USD năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Liên bang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại...; các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại... Đầu tư của Việt Nam sang Nga vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng 100 triệu USD năm 2008, hiện đạt 776 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại... Liên bang Nga cũng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Hiện có hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa được hai nước tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

Bởi vậy, tất cả chúng ta đều tin tưởng rằng, được xây dựng từ nền tảng truyền thống quan hệ hữu nghị hợp tác anh em trước đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga ngày nay sẽ có điều kiện để đẩy mạnh sự hợp tác phát triển bền vững, thu được nhiều thành tựu rực rỡ hơn nữa.

[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.10, tr.43

[2]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr.317

[3]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 40

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7 trang 99, 131

[5]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 423-424

[6]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.591

[7] Đấu tranh ngoại giao và vận động trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phòng Lưu trữ, Bộ ngoại giao, Kí hiệu TK/HC 90, tr.55

[8]Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.11, tr.397

[9] Lưu Văn Lợi (2005), Ngoại giao Việt Nam (1945-2000), Sđd, tr.201

ThS Cao Hải Yến

Ths Vũ Kim Yến

Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Bùi Hảo(st)

Bài viết khác: