81. Bé Con. 1941
Bút danh của Nguyễn Ái Quốc ký dưới bài thơ “Trẻ con”, đăng trên báo Việt Nam Độc lập, số 106, ngày 21-9-1941. Bài thơ tả về cuộc sống cơ cực của thiếu nhi Việt Nam dưới ách Nhật, Tây, Người kêu gọi các em cần đoàn kết lại để góp sức đấu tranh.
82. Ông Cụ. 1941
Trong những năm 1940-1945, các đồng chí hoạt động cách mạng và đồng bào ở vùng biên giới Trung Việt thường dùng gọi Bác.
83. Hoàng Quốc Tuấn. 1941
Hoàng Quốc Tuấn là tên của Nguyễn Ái Quốc được các đồng chí trong tổ chức Việt Nam dân tộc giải phóng liên hiệp hội tự đặt, với danh nghĩa là lãnh tụ Việt minh.
Trong lý lịch của một số thanh niên Cao Bằng được chọn đi học lớp vô tuyến điện ở Liễu Châu Trung Quốc, các học viên đều thống nhất ghi lãnh tụ là Hoàng Quốc Tuấn.
84. Bác. 1941
Tên gọi “Bác”, xuất hiện từ dịp họp Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, tháng 5 năm 1941 ở Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng. Dịp đó, các đại biểu về dự Hội nghị được biết có đại biểu quốc tế là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã có mặt. Lúc đầu, khi gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc mọi người không biết xưng hô thế nào. Hồi ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt kể rằng: Mới đầu chúng tôi đều gọi Bác là đồng chí, rồi gọi là Cụ, sau thấy anh Trường Chinh và anh Thụ dùng tiếng “Bác”, anh em thấy như thế hợp với lòng mình, nên từ đấy chúng tôi bắt đầu thưa với Bác bằng cái tên thân yêu mà bây giờ tất cả chúng ta đều gọi. Tiếng “Bác” được dùng rộng rãi hơn từ sau năm 1945.
Sau này, tên gọi Bác còn được ký dưới một số thư gửi các đồng chí Trung ương và Bộ Chính trị.
85. Thu Sơn. 1942
Tháng 1 năm 1942, với bí danh Thu Sơn, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến ở nhà đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) tại châu Nguyên Bình, Cao Bằng trong một số ngày.
86. Xung Phong. 1942
Bút danh của Nguyễn Ái Quốc ký dưới hai bài thơ: “Tặng Thống chế PêTanh”1 và bài “Nhóm lửa” đăng trên báo Việt Nam Độc lập, số 131, ngày 11-7-1942, số 133, ngày 1-8-1942.
87. Hồ Chí Minh. 1942
Đầu những năm 1940, trước biến chuyển mới của tình hình cách mạng, một số nhiệm vụ bức thiết đặt ra cho cách mạng nước ta lúc này là phải thực hiện sự liên minh quốc tế, tranh thủ giúp đỡ của đồng minh. Trước mắt phải phối hợp hành động giữa phong trào Việt minh với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Trong số những người cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc là người hiểu biết Trung Quốc hơn cả nên được cử đảm nhiệm trọng trách này.
Để đánh lạc hướng bọn mật thám, Nguyễn Ái Quốc lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Ngày 13-8-1942, Người lên đường đi Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt minh và đại diện của phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế phản xâm lược.
Sau mười lăm ngày đêm đi bộ trên đất Quảng Tây, ngày 27-8-1942, Người đến xã Túc Vinh thuộc huyện Đức Bảo thì bị tuần canh ở đây giữ lại. Khi kiểm tra giấy tờ, chúng phát hiện ngoài giấy giới thiệu của Phân hội Việt Nam Hiệp hội quốc tế phản xâm lược ra, Hồ Chí Minh còn mang theo thẻ hội viên “Hội ký giả thanh niên Trung Quốc”, các giấy tờ của Hồ Chí Minh là phóng viên báo chí và giấy thông hành do văn phòng Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp từ năm 1940 đều đã quá hạn sử dụng. Chúng nghi Người là gián điệp, bèn bắt giữ và giải lên Tĩnh Tây rồi giải đi, giải lại trong suốt 13 huyện thị của tỉnh Quảng Tây.
Nhờ sự vận động tích cực của Đảng ta, của bà con Việt Kiều và sự can thiệp của nhiều nhân vật trong chính giới Trung Quốc, ngày 10-9-1943, Người được trả lại tự do.
Như vậy trong sự kiện bị bắt đi lính tuần canh kiểm tra giấy tờ ở phố Túc Vinh đã hé mở một chi tiết: Phải chăng trong số những giấy tờ bị quá hạn từ cuối năm 1940, chặng đường từ Nguyễn Ái Quốc đi từ Côn Minh - Quế Lâm - Tĩnh Tây để tìm đường về nước, Người đã lấy tên là Hồ Chí Minh? Và tới năm 1942, từ sự kiện “Túc Vinh”, tên gọi Hồ Chí Minh đã được đưa ra công khai.
Nhớ lại sự kiện chuẩn bị cho Bác đi Trung Quốc, hồi ký của đồng chí Vũ Anh kể lại: “Tháng 8 năm 1942, Bác có việc phải đi ra nước ngoài. Tôi được Bác giao nhiệm vụ chuẩn bị giúp Bác. Gọi là chuẩn bị, nhưng công việc cũng chẳng có gì. Trong túi của Bác chỉ có một bộ quần áo tây và một bộ quần áo chàm người Nùng. Tôi lấy đá mềm khắc hai con dấu: Một con dấu của Việt Nam độc lập Đồng minh phân hội và một của Quốc tế phản xâm lược Việt Nam phân hội. Bác tự viết hai giấy giới thiệu của hai đoàn thể trên cử Cụ Hồ Chí Minh đi gặp Chính phủ Trung Quốc. Mục đích chính của Bác là qua gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cái tên Cụ Hồ Chí Minh ra công khai từ đó. Và cũng từ đó tên của Người ngày càng làm rạng rỡ Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta. Lúc bấy giờ Bác có một danh thiếp đề tên Hồ Chí Minh”1.
Sau khi ra tù, lần đầu tiên trên báo Đồng minh2, số 18, tháng 12-1943, phát hành ở Liễu Châu, Trung Quốc người đọc thấy xuất hiện tên Hồ Chí Minh ký dưới bài viết: LiBăng.
Tháng 10-1944, Người ký tên Hồ Chí Minh dưới bức “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, kêu gọi các đảng phái, các đoàn thể tích cực chuẩn bị để triệu tập và khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc. Đây là lần đầu tiên Hồ Chí Minh lan truyền trong cả nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đất nước giành được độc lập, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước đó cho đến tận hôm nay và cho mãi tới muôn đời tên Người sẽ còn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và trong trái tim nhân loại.
88. Huy Sinh. 1942
Nguyễn Ái Quốc ký bút danh Huy Sinh dưới bài thơ “Chơi giăng”, đăng trên báo Việt Nam Độc lập, sô 135, ngày 21-8-19451, khuyên mọi người đồng lòng, đoàn kết, chú ý tổ chức tuyên truyền sâu rộng đó là yếu tố đưa cách mạng đến thành công.
89. Cụ Hoàng. 1945
Cuối tháng 2 năm 1945, Bác đi Côn Minh với ý định gặp các cơ quan của Mỹ để tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của đồng minh chống phát xít đối với cách mạng Việt Nam. Khi đến Bixichai, vào nhà một Việt kiều là cơ sở của ta, Người được giới thiệu là “Cụ Hoàng”, đó cũng là tên công khai của Bác trên giấy tờ đi giao thiệp.
90. C.M.Hồ. 1945
Hồ Chí Minh ký tên C.M.Hồ dưới Thư gửi ông Phen2, ông Tam vào tháng 7 và tháng 8 năm 1945, nói về tình hình chiến tranh đã kết thúc, Người cho biết nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu để giành độc lập dân tộc và mong được nhân dân Mỹ luôn ủng hộ.
91. Chiến Thắng. 1945
Bút danh Chiến Thắng được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng sau những ngày đầu đất nước tuyên bố độc lập.
Trong không khí của những ngày chiến thắng, Người viết tám bài đăng trên báo Cứu Quốc1, tháng 9 và tháng 10, năm 1945. Bài đầu tiên mang tính thời sự, cấp bách lúc đó là “Cách tổ chức các ủy ban nhân dân”, đăng trên báo Cứu Quốc số 40, ngày 11-9-1945. Các bài phần lớn tập trung vào vấn đề tổ chức các ủy ban nhân dân, phương pháp làm việc trong giai đoạn xây dựng chính quyền mới, căn dặn cán bộ phải công tâm, là công bộc của dân “việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”, “phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư” và phải tránh những hủ tục xấu do chế độ cũ để lại.
92. Ông Ké1. 1945
Chiều một ngày cuối tháng 4 năm 1945, Nguyễn Ái Quốc trong bộ áo chàm người Nùng đến chiếc lán ở hang Pác Tẻng (chân núi đá Lam Sơn, Cao Bằng), của gia đình đồng chí Hoàng Đức Triều (An Định). Người được giới thiệu với gia đình là “đồng chí ông Ké”. Với bí danh Ông Ké, Người thường họp với các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Việt Châu, Dương Đức Hiền, Đặng Văn Cáp.
Hồi ký của đồng chí Hoàng Đức Triều kể rằng: “Chiều về lán ăn cơm, các đồng chí còn tranh luận nhau nhiều vấn đề, nghe ra chuẩn bị khởi nghĩa. Có buổi về các đồng chí còn lấy mảnh vải ra đo đạc với nhau bàn về tỷ lệ chiều dài, chiều rộng của lá cờ đỏ sao vàng năm cánh”.
93. Hồ Chủ tịch. 1945
Tên gọi Hồ Chủ tịch xuất hiện từ khi Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời tháng 9 năm 1945 và được dùng cho đến những năm sau này.
94. Hồ. 1945
Hồ Chí Minh ký tên Hồ dưới các Thư gửi ông Bécna và ông Phen đề ngày 9-5-1945 và 9-6-1945, cám ơn về sự nghiệp giúp đỡ các học viên lớp vô tuyến điện, nhờ ông Phen liên lạc chuyển giúp gói quà có lá cờ của đồng minh đến cho Người bằng cách nhanh nhất.
Ngoài ra, Người còn ký dưới những bức thư gửi các ông Phạm Văn Bạch và Nguyễn Văn Tây, Vũ Đình Huỳnh, Cù Huy Cận, Hồ Đức Thành dặn về công việc.
95. Q.T. 1945
Với bút danh Q.T Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 10 bài, đăng trên báo Cứu Quốc trong các năm 1945-1946. Bài đầu tiên Người ký bút danh Q.T là bài “Toàn dân kháng chiến”, đăng báo Cứu Quốc, số 83, ngày 5-11-1945. Các bài phần lớn đều tập trung nói về vấn đề kháng chiến, động viên tinh thần kháng chiến của toàn dân.
96. Q.Th. 1945
Với bút danh Q.Th, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết 14 bài, đăng trên báo Cứu Quốc báo, trong các năm 1945-1946.
Bài đầu tiên Người ký bút danh Q.Th là bài “Thế giới Việt Nam”, đăng báo Cứu Quốc số 130, ngày 31-12-1945. Các bài báo tập trung, có tính hướng dẫn về Binh pháp Tôn Tử gồm phương pháp tác chiến, cách dùng người, kế hư thực v.v. của chiến tranh. Ngoài ra các bài khác còn đề cập tới thái độ của các nước ủng hộ nền độc lập của nước ta, các hình thức chiến tranh ngày nay đồng thời Người còn sớm đề cập tới vấn đề xây dựng hợp tác xã ở nông thôn.
97. Lucius. 1945
Tên mật do Tổ chức OSS (cơ quan nghiên cứu chiến lược Mỹ) đặt cho Hồ Chí Minh.
Tháng 8 năm 1945, Sáclơphen một nhân viên của OSS lấy bí danh là “Ham Lét” và đặt mật danh cho Cụ Hồ là “Lucius” tên vị Hoàng đế La Mã chiến thắng trong vở kịch của Shakespear là Titus Andronicus. Được biết Người đã dùng mật danh “Lucius” để điện cho “Ham Lét”.
98. Bác Hồ 1. 1946
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hai tiếng Bác Hồ trở nên gần gũi, thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong một số thư gửi cho các cháu thanh thiếu niên nhi đồng, học sinh… Người thường ký hai chữ Bác Hồ.
Thư đầu tiên ký tên Bác Hồ là: Thư gửi Ban Âm nhạc Vệ quốc quân 6-1-1946, Báo Cứu quốc số 136, ngày 7-1-1946.
Thư cuối cùng gửi các cháu thiếu niên ký tên Bác Hồ là Thư gửi các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, ngày 19-5-1969.
Thư cuối cùng gửi các địa phương ký tên Bác Hồ là: Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, ngày 21-7-1969.
99. T.C. 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký bút danh T.C trong bài “Tất cả hãy đến thùng bỏ phiếu” đăng trên báo Sự thật1, số 10, từ ngày 6 đến ngày 9-1-1946, kêu gọi mọi người dân đi bầu cử để thực hiện quyền công dân của một nước độc lập tự do.
100. H.C.M. 1946
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký H.C.M trong Bức thư gửi đồng chí Môrixơ Tôrê, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Pháp, năm 1946. Người còn ký trong những bức điện gửi trên đường từ Pháp về nước năm 1946.
Trong thư gửi các tù binh Pháp đang bị giam giữ tại Việt Nam nhân lễ Nôen năm 1950, ngày 24-12-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tên H.C.M.
Người ký H.C.M trong bài: “Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ”, ngày 8-3-1960.
(Còn nữa)
Theo “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,”
Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001
Huyền Trang (st)