.13.

MỘT TIỀN LỆ TRONG KHOA CỬ

 

          Cô Cử qua đời lúc chưa bước tới cái tuổi 40. Đó là sự mất mát to lớn không gì có thể bù đắp được của gia đình thầy Cử Sắc. Đêm nằm gác tay lên trán ngẫm nghĩ về hoàn cảnh của mình, thầy Cử cảm thấy cay đắng tận ruột gan. Nhưng cũng chính lúc này thầy dẹp mọi buồn phiền qua một bên vì khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) sắp mở. Trên vai thầy Cử lúc này có nhiều gánh nặng phải trả. Trước kia có vợ có chồng nuôi nấng con cái, bây giờ chỉ còn một mình thầy, gà trống nuôi con thật neo đơn vất vả. Thầy đã 40 tuổi rồi, quyết phải đỗ đạt để yên việc học hành mà tập trung nuôi con. Thứ hai, thầy rất yêu thương cô Cử, suốt một đời chịu thương chịu khó để giúp đỡ chồng ăn học, đến lúc từ giã cõi đời vẫn chưa được thấy chồng công thành danh toại. Thầy phải đỗ, không phải để làm ông Nghè ông Cống mà để vui lòng người vợ bên kia thế giới. Thứ ba, thầy là người dân xứ Nghệ, bạn với những người yêu nước như ông Cử Vương, ông đầu xứ San ( tức Vương Quý và Phan Bội Châu sau này), thầy cũng muốn làm một cái gì cho dân, cho nước. Muốn vậy thầy cũng phải đỗ đạt mới làm được việc. Bởi vì... “những người đỗ đạt đồng bào mới nghe”- xưa nay người ta đã quan niệm như thế rồi.

          Tháng Ba năm Tân Sửu (Thành Thái thứ 13) thầy Cử Sắc đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, vác lều chõng lên trường thi ở phường Tây Nghị thi Hội. Khoa này cụ Cao Xuân Dục (Hiệp biện Đại học sĩ, Phó Tổng tài Quốc Sử quán) làm Chánh Chủ khảo, ông Nguyễn Văn Mại Phó Chủ khảo, Nguyễn Hữu Đảng (Hình bộ Hiệp biện, sung cơ mật đại thần) làm quan đọc quyển, Trần Đạo Tiềm (Hồng lô tự khanh) làm quan duyệt quyển.

          Chấm thi Hội xong, cụ Cao Xuân Dục không thấy tên Nguyễn Sinh Huy, ông ngạc nhiên và thương cho con người không được may mắn này. Lấy tư cách là Chánh Chủ khảo, cụ lục bài vở của thí sinh Huy xem lại. Cụ thấy rải rác trong các bài của thầy Huy phảng phức như một tư tưởng “yếm thế”, mất lòng tin vào chế độ hiện tại, có thể vì thế mà quan trường không ưa, đã hạ thấp điểm của thầy Huy xuống. Biết hoàn cảnh gia đình Nguyễn Sinh Huy rất khó khăn cho nên cụ phải ra tay giúp đỡ. Để cho Hội đồng và Bộ Lễ khỏi nói cụ thiên vị thầy Cử Huy, cụ lấy thêm ba người nữa cũng có ba kỳ được điểm 6 phân đề nghị các quan khoa đạo xét cho vào thi Đình. Ba người ấy là Lê Ngãi (tỉnh Quảng Nghĩa), Nguyễn Đinh Hiến (tỉnh Quảng Nam), Hoàng Đại Bỉnh (tỉnh Quảng Bình). Cụ Cao nói:

- Thời bây giờ Bảo Hộ lấn lướt Nam Triều, thí sinh họ không tin vào Nam Triều cũng là một điều dễ hiểu. Người ta nghĩ sao viết vậy... Tại sao cho người ta ít điểm. Tôi đề nghị đưa tên bốn người vào thi Đình!

          Đề nghị của Chánh Chủ khảo được chấp nhận.

          Khoa Tân Sửu (1901) có chín người đậu Tiến sĩ (trong đó có Ngô Đức Kế), mười ba Phó bảng (thầy Nguyễn Sinh Huy đỗ thứ 11 và Phan Châu Trinh đỗ cuối cùng, thứ 13).

          Tiến sĩ là những người đậu chính thức sau khi truyền lô, tên ghi ở đình Phú Văn, Phó bảng là người đậu vớt, yết trên bảng theo riêng một cái ở nhà phụ bên cạnh. Trình độ học vấn thì giữa hai cấp ấy không hơn nhau mấy, nhưng về ân vua ngạch trật và bổng lộc thì cách xa nhau nhiều lắm. Từ thời Minh Mạng những ông Tiến sĩ được nhà vua ban yến, đi chơi vườn Thượng Uyển, ban áo mão và ngựa trạm để vinh quy bái tổ trước khi ra làm quan. Nhưng Phó bảng thì đậu xong, mượn tiền ăn đường mà về nhà, khi nào cần thì Triều đình gọi ra làm việc, chưa cần thì thôi, chẳng có quyền lợi chi cả. Đến đời Thành Thái, Phó bảng cũng chẳng có gì khá hơn, thầy Nguyễn Sinh Huy sẽ chịu cảnh như thế đấy. Cụ Cao Xuân Dục vớt cho thầy Huy đỗ được rồi, luôn thể cụ xin cho Huy và cả những người Phó bảng đồng khoa ấy một chút “vinh hiển”. Cụ vào điện Cần Chánh tâu vua Thành Thái:

- Tâu Hoàng thượng, thầy xét thấy Tiến sĩ và Phó bảng trình độ cũng sàn sàn như nhau, nhưng Tiến sĩ thì được quá nhiều ân vua, còn Phó bảng thì không hơn gì một anh Cử nhân. Thần cúi xin Hoàng thượng xét ban chỉ dụ cho Phó Bảng cũng được ân vua, có đủ áo mão và ngựa trạm để vinh quy bái tổ, còn ngạch trật, tướt hàm thì vẫn y như cũ để khỏi xáo trộn.

          Vua Thành Thái rất tín nhiệm học vấn và uy tín của cụ Cao nên đồng ý ngay. Vì thương cho thầy Huy mà cụ đặt cho khoa cử thời Nguyễn có thêm cái tiền lệ ấy.

.14.

VÀI ĐIỀU GHI DẤU Ở QUÊ HƯƠNG

 

Nghe thầy Huy đã đỗ đại khoa, dân làng Sen và làng Hoàng Trù mừng lắm. Lần đầu tiên làng Sen có đại khoa. Họ lại nghe vì thầy Huy mà triều đình đặt thêm cái tiền lệ vua ban áo mũ và ngựa trạm cho các ông Phó bảng vinh quy bái tổ, họ rất tự hào. Bà con lên Vinh hỏi ông Tổng đốc Đào Tấn bao giờ thì các ông đại khoa xứ Nghệ về quê để họ chuẩn bị đón rước long trọng. Khoa Tân Sửu, Nghệ Tĩnh có đến hai Tiến sĩ (Ngô Đức Kế ở Thạch Hà, Nguyễn Đình Điển ở Nam Đàn) và hai Phó bảng (Nguyễn Xuân Thưởng ở Thanh Chương và Nguyễn Sinh Huy ở Nam Đàn).

Hôm ông Phó bảng Huy về đến quê hương, làng xóm chuẩn bị đón ông thật linh đình. Võng lọng, kèn trống nghinh ngang. Họ tưởng ông đội mũ cánh chuồn trên mái tóc, mình mặc áo rồng còn hơi ấm của vua ban, nhưng không ngờ đại khoa Huy vẫn chiếc khăn đóng ám khói và chiếc áo lương đen may từ cái thuở đi lấy vợ đến giờ. Họ lại càng ngạc nhiên hơn khi xìa võng lọng nghinh đón ông thì ông bảo:

- Hãy lặng trống và xếp cờ. Tôi đỗ đại khoa nhưng tôi đã làm được cái gì cho dân cho nước đâu mà đón tôi. Nếu có đón thì đón những người đã làm nên sự đỗ đạt cho tôi, nhưng tiếc thay, ông già vợ tôi và bà vợ tôi đã khuất mặt cả rồi!...

Nói xong, ông dắt mấy đứa con lội tắt cánh đồng Chùa về làng Hoàng Trù thắp hương bái lạy tạ ơn vong linh cụ Tú Hoàng Xuân Đường và bà vợ là Hoàng Thị Loan.

Ở Hoàng Trù được một thời gian, dân làng Sen không cho ông Phó bảng ở r nữa, họ làm nhà và mời ông về làng Nội. Nhân việc về làng quê, ông đổi tên cậu Nguyễn Sinh Khiêm thành Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Sinh Cung thành Nguyễn Tất Thành (vì tên Khiêm bị kỵ húy Khiên lăng - lăng vua Tự Đức). Tên con là ước muốn và sự thực của đời ông, dù khó khăn lận đận mà có chí, có quyết tâm rồi cũng thành đạt được. Ông ước mong con trai ông sau này làm cái gì cũng có được ý chí đó.

Cậu bé Xin về làng được một thời gian thì mất. Cậu Đạt theo ông Phó bảng đi cho chữ ở nhưng nơi cần chữ. Chị Thanh lo liệu việc nhà, cậu Thành tiếp tục học chữ Hán với nhà yêu nước Vương Thúc Quý ở ngay trong làng. Lúc này ông đầu xứ San đã đổi tên là Phan Bội Châu và đậu Thủ khoa Cử nhân ở trường Vinh năm Canh Tý. Thỉnh thoảng cụ Phan đến thăm Vương Thúc Quý và nói chuyện quốc sự. Nhiều hôm cụ nằm ngâm câu thơ của Tùy Viên (thi sĩ ở đời Thanh): “Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch, lập thân tối hạ thị văn chương” (có nghĩa là: Mỗi bữa ăn không được quên làm điều gì có lợi cho dân cho nước để ghi vào sử sách; Lập thân mà lấy văn chương thi cử làm sự nghiệp là hèn hạ nhất). Cậu Thành ngồi nghe sững sờ và đọc thuộc lòng câu thơ này.

Nghe Thành cũng hay chữ, cụ Phan bèn chỉ mặt trăng và câu đối:

- Nguyệt hướng bạch (trăng lên trắng),

Thành đã ứng khẩu đáp lại:

- Nhật xuất hồng (mặt trời mọc đỏ)

Cụ Phan khen là có “khẩu khí”. Đầu năm 1909, cụ Phan bí mật sang Nhật tìm đường cứu nước. Đến nửa năm cụ lại bí mật về quê tìm những người có tâm huyết đem sang Nhật học để sau này về cứu nước. Cụ Phan nhắm đến Nguyễn Tất Thành - một người tuấn tú sắp bước vào tuổi thanh niên. Cụ gặp anh Thành trong một chiếc đò lơ lửng trên sông Lam. Cụ kể chuyện nước Nhật sau khi duy tân đã trở thành một cường quốc đủ sức đánh bại được thủy quân của Sa Hoàng. Anh Thành nghe rất thích thú và anh hỏi cụ Phan:

- Thưa chú vậy nước Nhật có ai mà họ giỏi vậy?

Cụ Phan tình thiệt đáp ngay:

- Họ học văn minh kỹ thuật của Tây phương.

Anh Thành ngúc ngoắc đầu cám ơn. Anh tưởng tượng đến cái nước Tây phương nào đó mà quan trọng đến vậy.

Nói chuyện xong, cụ Phan bảo sẽ đem Thành sang Nhật. Nhưng thật bất ngờ... anh Thành đã từ chối với lý do chưa được sự đồng ý của ông Phó bảng. Cụ Phan rất buồn. Cuối cùng cụ đã phai đem người con trai của cụ Sơn - thầy học của cụ Phan (ông này sau đỗ bác sĩ, không có tiếng tăm gì).

Cụ Phan lại lên đường sang Nhật. Anh Thành về nhà gặp ông Phó bảng. Anh nói:

- Thưa thầy, con muốn học chữ Tây.

Ông Phó bảng giật mình. Ông không thể tưởng tượng được một người xuất thân trong gia đình Nho giáo khoa bảng như con ông lại muốn đi học cái thứ chữ của bọn bồi bút Việt gian làm tay sai cho thực dân đế quốc. Ông trợn mắt nhìn con. Anh Thành biết cha bực mình, anh giải thích:

- Con muốn học cái chữ của Tây phương - nơi người Nhật đã học được văn minh kỹ thuật để duy tân đất nước!

Ông Phó bảng vỡ l. Nhưng ở trên cái đất Nghệ Tĩnh sục sôi chống Pháp này, có thể nhờ được ai để dạy con? Vợ mất rồi, con cái nó có cái mộng lớn ấy, không giúp con đi theo chí hướng của nó, thật cũng không đành! Trong lúc ông đang phân vân thì có lệnh của triều đình vời ông vào Kinh để làm việc. Ông không muốn làm quan, không muốn chui vào cái vòng cương tỏa của miếng cơm manh áo, nhưng dù sao, đây cũng là cơ hội để ông có thể giúp cho con ông thực hiện cái chí hướng của nó. Ông quyết định đưa gia đình trở lại chốn Đế đô.

Trước mùa mưa lũ năm 1905, gia đình ông Phó bảng rời quê hương lên đường vào Huế. Lần đó, ông cũng  như ba người con đi theo, có lẽ không ai nghĩ rằng bốn người ra đi chuyến ấy sẽ có người không về nữa, có người phải năm mươi năm sau mới trở về...

.15.

KHÔNG LÀM QUAN THÌ...?

 

Vào đến Kinh, ông Phó bảng đem hai anh Đạt, Thành đến thăm cụ Cao Xuân Dục - người ân nhân của gia đình ông. Thấy người cùng quê đến thăm, cụ Cao rất mừng, nhất là người ấy lại được ông từng cưu mang. Cụ Cao sởi lởi chào hỏi:

- Chú Phó bảng vào nhận chức đúng hẹn quá hè!

Câu hỏi bất ngờ làm cho ông Phó bảng lúng túng, đắn đo một chút rồi ông mới đáp được:

- Dạ....dạ...! Cháu đem các cháu vào kinh học tiếng Tây!

Cụ Cao cười khanh khách. Cụ đứng dậy sờ đầu hai anh Đạt, Thành rồi đến nói bên tai ông Phó bảng:

- Bốn mươi lăm tuổi đời rồi mà chú còn thơ ngây quá. Cụ Cao đưa một ngón tay trỏ lên mắt nói tiếp. Dưới con mắt của Tây, những người đỗ đại khoa như chú mà không làm quan thì làm gì chú có biết không?

Ông Phó bảng hơi lúng túng;

- D...ạ....

Cụ Cao nói ngay:

- Là làm giặc. Mà bị họ xem làm giặc thì họ có để cho chú ngồi yên nuôi con đi học chữ Tây đâu!

Ông Phó bảng thốt lên với giọng ngao ngán, chịu đầu hàng trước một sự thật phủ phàng:

- Quan trường nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ,(1) cháu không muốn làm quan thưa bác!

Cụ Cao trở lại ngồi trên cái sập cẩn kê ở gian giữa công đường nhà Tôn Học nói với ông Phó bảng:

- Chú không làm quan thì không bao giờ người Tây họ để yên cho chú ngồi ở Kinh nuôi con học chữ Tây đâu!

Hai anh con trai đứng nép sau lưng bố, cúi đầu nghe cụ lớn dạy bảo. Có một cái gì đó làm cho cậu em khó chịu ngẩng đầu lên định cãi, nhưng cậu lại kịp thời nén xuống để cho câu chuyện giữa hai người lớn không bị gián đoạn. Trong lúc đó, ông Phó bảng sau một lúc ngẫm thưa với cụ Cao bằng giọng van ơn:

- Thưa bác, rứa thì có chức quan cho hèn nhất không ai thèm làm, xin bác bổ cho cháu vào đó!

Thuyết phục được ông Phó bảng vào cái vòng “nô lệ”, cụ Cao mừng thầm, bèn bảo ngay:

- Có  hai chức  Thừa  phái bộ Lễ ­­­(2), ông Bảng Trinh  bạn đồng khoa  với chú không thèm làm bỏ đi rồi đó! Dù chú không muốn thì cũng phải núp vào đó cho yên thân!

          Ông Phó bảng giọng miễn cưỡng:

- Cháu xin cảm tạ lời dạy bảo của chú!

          Nói chuyện làm quan thời nô lệ thật căng thẳng. “Gặp thời thế thế thời phải thế”, bàn nữa cũng không thêm được chuyện gì. Ông Phó bảng nói qua chuyện khác. Ông kể chuyện ngoài quê, chuyện về mấy người con. Kết thúc cuộc thăm viếng là bàn về tương lai học vấn của hai người con trai. Cụ Cao rất tán thành chí hướng của anh Thành muốn học chữ Tây, học văn minh kỹ thuật Tây phương. Cụ bảo:

          - Muốn cứu nước cũng không còn con đường nào khác là con đường duy tân. Không học văn minh kỹ thuật Tây phương thì làm sao duy tân được. Nhưng duy tân phải trong bất bạo động. Bạo động tắc tử.

-------------------

(1) Quan trường là người nô lệ trong đám nô lệ, lại càng nô lệ hơn.

(2) Trước thời Đồng Khánh gọi là Thừa Biện. Nhưng chữ Biện trùng tên húy chủ Đồng Khánh nên từ ấy phải đổi thành Thừa phái cho đến ngày chấm dứt triều Nguyễn (8-1945). (TG)

      (Còn nữa)

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: