bac-ho-tho-nct-b
Bác Hồ thăm hỏi người cao tuổi. (Ảnh TL, TNN st)

Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, vừa là danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ lớn của dân tộc.

Thơ của Người đậm tính nhân văn, được soi rọi bởi thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng. Những bài thơ về đề tài người cao tuổi của Bác cũng được viết trên nền tảng tư tưởng, tình cảm ấy. Do vậy, khác với một số nhà thơ đương thời, thơ Bác nói về người cao tuổi với một thái độ bình tĩnh, khoan thai, mạnh mẽ, hào sảng, lạc quan, tin tưởng vững chắc ở tương lai.

Về nội dung, thơ của Bác trong đề tài này được chia làm hai nhóm: Một nhóm bài nói về những người cao tuổi Việt Nam một thời trong lửa đạn, một nhóm bài là lời tâm sự của Bác khi ở độ tuổi cao niên.

Hình ảnh người cao tuổi Việt Nam một thời trong lửa đạn

Viết về nội dung này, trước tiên và chủ yếu Bác ngợi ca, động viên, khích lệ và vinh danh những người cao tuổi đã và đang trực tiếp tham gia công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ những lão anh hùng trong lịch sử như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, đến các cụ đang trực tiếp tham gia công tác ở hậu phương, những lão du kích… Đó là lớp người một thời lăn lộn với phong trào cách mạng, cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đến nay vẫn nêu gương sáng, tiếp tục đóng góp sức lực còn lại của cuộc đời mình cho xã hội, để: "Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".

Những lão tướng trong lịch sử được hiện lên với những hình ảnh oai phong, lẫm liệt. Lý Thường Kiệt là bậc "hiền nhân", đã từng đánh Đông dẹp Bắc: "Đuổi quân nhà Tống, đánh lui Chiêm Thành". Phan Chu Trinh với ý chí "kiên cường", "chọc trời khuấy nước" làm lay động cả đất trời.

Và đây là những người cao tuổi đương thời, họ đã kết tinh được những tinh hoa của dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất cao quý của lớp người đi trước, nên họ là những bậc "đáng kính", "phơ phơ tóc bạc, tinh thần vẫn cao":

Tuổi già nhưng chí không già,

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh.(1)

Tuổi cao, sức yếu, đó là quy luật của cuộc sống. Hơn ai hết những người cao tuổi hiểu rất rõ điều đó. Song, làm được việc gì có ích cho nhà, có lợi cho nước là họ gắng làm:

Già dù yếu sức mang mang nhẹ

Trẻ cố ra công gánh gánh đầy.

(Tặng cụ Đinh Chương Dương)

Các cụ "gương mẫu", "khua gậy đi trước" làm gương cho con cháu:

Càng già, càng dẻo lại càng dai

Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai

Đôn đốc con em làm nhiệm vụ

Vuốt râu mừng xã hội tương lai.

(Tặng các cụ phụ lão)

Họ còn là lớp người từng trải, có kinh nghiệm; những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn hoạt động của bản thân, từ những bài học lịch sử của dân tộc; nhất là kinh nghiệm chiến đấu của các bậc cha anh, những người đã từng hàng ngàn năm đương đầu với bọn phong kiến phương Bắc và hàng trăm năm chống chọi với bọn đế quốc phương Tây. Trong chiến đấu, có khi chỉ có "một ông già" với "một sợi dây" mà "làm cho điêu đứng một bầy địch nhân".


Bác Hồ thăm lại bà con Pác Bó, Cao Bằng

Đúc rút kinh nghiệm, kiên trì luyện tập, nên việc đánh giặc đã trở thành kĩ năng, kĩ xảo. Các bậc cao niên bước vào cuộc chiến với phong thái đường hoàng, chững chạc:

Tuổi cao ý chí càng cao

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

(Tặng các cụ lão du kích)

Chiến đấu với quân thù mà thanh thản, khoan thai như đang múa trên sân khấu, có lẽ chỉ xuất hiện ở những lão du kích Việt Nam. Và cũng vì vậy, họ đã giành được chiến công lẫy lừng, để lại tiếng thơm cho muôn đời:

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.

(Tặng các cụ lão du kích)

Lời tâm sự của Bác khi Người ở tuổi cao niên

Bài thơ đầu tiên nói đến tuổi già của chính mình là bài "Không đề", được Bác viết vào năm 1949, lúc ấy Bác 59 tuổi:

Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà,

Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.

Sau đó là bài thơ viết về tuổi sáu mươi, sáu ba. Điểm chung nhất ở những bài thơ này là vẫn hừng hực khí thế thanh xuân. Nếu như ở tuổi năm mươi chín, Bác thấy mình "vẫn chưa già", thì đến tuổi sáu mươi "hãy còn xuân chán" và đến tuổi sáu ba "vẫn là đương trai". Sở dĩ có được niềm lạc quan ấy là do Bác đã tìm ra cho mình bí quyết để giữ gìn sức trẻ. Đó là phải tạo cho mình có được cuộc sống "thanh đạm", trong sáng. Và nhất là phải biết sống sao cho có ích, sống là phải làm việc:

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe

Trần mà như thế kém gì tiên!

(Sáu mươi tuổi)

Thế là, cuộc đời không phải chỉ có "ăn khỏe, "ngủ ngon" mà còn phải "làm việc" nữa. Có như vậy, cuộc sống mới thật sự hạnh phúc. Một quan niệm rất mới, rất cách mạng, khác với nếp nghĩ "ăn được ngủ được là tiên" của người xưa. Khi Bác 78 tuổi, ngày 20 tháng 5 năm 1968, trong không khí tổng tiến công như vũ bão của tết Mậu Thân, Bác cảm hứng viết bài thơ về tuổi tác của mình:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước ta cùng con em ta.

(Không đề)

Mãi tám năm sau của cái tuổi "thất thập cổ lai hi", Bác mới nhận ra là mình đã già, nhưng vẫn khẳng định "chưa già lắm". Bác vẫn thấy mình còn đủ sức cùng toàn dân, cùng lớp trẻ trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Những bài thơ của Bác viết vào thời điểm này cũng hào hứng, dào dạt như chiến thắng của quân và dân trong cuộc tổng tiến công. Bác vui mừng chuẩn bị sức khỏe: Kiêng rượu, kiêng thuốc, tập leo núi… để đủ sức đi thăm và động viên đồng bào miền Nam:

Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Kháng chiến miền Nam đang thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa Xuân.

(Vô đề)

Niềm vui chiến thắng tràn ngập trong tâm hồn Bác. Bác sung sướng vì đã khỏe lên để có thể tiếp tục cùng quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để non sông ta, đất nước ta "một năm là cả bốn mùa Xuân". Thật cảm động, khi Bác cố "thuốc kiêng, rượu cữ", để tập trung cho mục tiêu cao đẹp đó. Đây cũng chính là ước mong cháy bỏng trong cuộc đời làm cách mạng của Bác. Có lần, khi trả lời nhà báo nước ngoài, Bác cũng nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".(2)

Nhìn chung, thơ của Bác về người cao tuổi đều giản dị, dễ hiểu, mang đậm hơi thở của ca dao dân ca, nên dễ đi vào lòng người. Nhiều bài thơ mang tính cổ động, trực tiếp cổ vũ cho công cuộc kháng chiến, nhưng tình thơ vẫn đượm, ý thơ vẫn sâu, ghi lại được những hình ảnh đẹp về người cao tuổi Việt Nam anh hùng, một thời xông pha trong lửa đạn; khắc họa hình ảnh người cao tuổi Việt Nam với những nét riêng biệt, sinh động.

Những hình ảnh đầy ấn tượng đó đã làm bật lên vị thế của lớp người cao tuổi Việt Nam. Họ có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như lời Bác trong thư gửi các vị phụ lão cả nước tháng 6 năm 1941: "Nước nhà suy, hưng, tồn vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm nặng nề".

Hiện nay, những phẩm chất cao đẹp ấy vẫn đang được phát huy trong phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao chí càng cao nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".(3) Với phong trào này "... Người cao tuổi có thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội. Người cao tuổi có thể đóng góp có hiệu quả hơn cho cộng đồng của mình và cho sự phát triển của xã hội".(4) Với những phẩm chất cao đẹp ấy, họ mãi mãi là niềm tự hào của mỗi gia đình, là chỗ dựa vững chắc của xã hội, là tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp theo.

(1) Hai câu thơ mừng tuổi các cụ, được Bác đọc vào chiều mùng một Tết Nhâm Dần (5-2-1962), khi Bác thăm phòng trưng bày văn học và dự ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ tại Văn Miếu (Hà Nội).

(2) Trả lời phỏng vấn các nhà báo nước ngoài.

(3) Phong trào thi đua yêu nước do Hội Người cao tuổi Việt Nam phát động tại Đại hội II Hội Người cao tuổi Việt Nam, năm 2006.

(4) Tuyên bố chung tại Hội nghị Thế giới lần thứ II về người cao tuổi tại Ma-đrít (Thủ đô Tây Ban Nha)./.

                                                      (Theo Báo Người cao tuổi)

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: