Lễ đài giờ là nơi để đại diện các tầng lớp nhân dân đến dâng hương báo công với Bác
Khu Di tích lịch sử văn hóa Lễ đài và sân vận động thành phố giờ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị xã hội lớn, những hoạt động văn hóa thể thao của tỉnh Yên Bái; là điểm đến của đông đảo nhân dân các dân tộc Yên Bái và bạn bè gần xa.
Với ông Chu Bá Cầm, hình ảnh này theo mãi suốt cuộc đời cầm máy của ông. 50 năm trước là cán bộ nhiếp ảnh của Ty Văn hóa thông tin Yên Bái, ông được giao nhiệm vụ đến chụp ảnh tại sân vận động thị xã. Bất ngờ trước sự kiện diễn ra và điều kiện không cho phép nên ông không chụp được nhiều ảnh như mong muốn. Nhưng ông cũng đã ghi lại được một bức ảnh tương tự với góc độ này. Đây là bức ảnh ông còn lưu giữ được ở cái tuổi 92, nhưng những gì về Bác Hồ và Lễ đài mít tinh hôm ấy vẫn còn mãi trong ông.
Cũng vào thời gian đó, ông Trần Nghĩa làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái nên ông là người nhớ rất nhiều chuyện trong sự kiện Bác Hồ đến thăm Yên Bái. Về Lễ đài nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với nhân dân và cuộc mít tinh sáng 25 tháng 9 năm 1958. Ông Nghĩa cho biết: Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, thị xã Yên Bái tiến hành xây dựng lại một số công trình công cộng. Và để có nơi tổ chức các hoạt động tập trung đông người như mít tinh, diễu hành, tỉnh đã cho xây dựng Lễ đài sân vận động thị xã Yên Bái.
Cũng kể từ đó, Lễ đài vững chãi giữa thời gian và khói lửa chiến tranh. Biết bao hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng diễn ra ở đây. Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, thì chính Lễ đài này đã trở thành đài quan sát của một trận địa pháo bố trí dưới sân vận động.
Nắng mưa, bom đạn giặc Mỹ cầy phá, Lễ đài nơi Bác đứng đã phải tiến hành 2 lần tu bổ, tôn tạo. Đến năm 2001, cùng với việc nâng cấp sân vận động, tỉnh Yên Bái đã quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ ngay trên nền móng của Lễ đài lịch sử.
Khu Di tích lịch sử văn hóa Lễ đài và sân vận động thành phố giờ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị xã hội lớn, những hoạt động văn hóa thể thao của tỉnh Yên Bái; là điểm đến của đông đảo nhân dân các dân tộc Yên Bái và bạn bè gần xa.
Tòa nhà ở nơi cao nhất khán đài B của sân vận động giành gian chính giữa làm nơi thờ Bác Hồ. Gian thờ rộng khoảng 35 mét vuông được bày trí trang trọng. Tượng Bác đặt dưới cờ Tổ quốc quay mặt về phía đông-nam, nơi có cửa lớn mở rộng ra khán đài sân vận động. Từ đây, Bác vẫn như đang trên Lễ đài hướng xuống sân dõi theo những cuộc mít tinh, diễu hành, những hoạt động lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái.
Đây cũng là nơi các thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh, đại diện các tầng lớp nhân dân của tỉnh thường xuyên đến thắp hương tưởng nhớ công lao trời biển của Bác Hồ và dâng lên Bác những thành tích, những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái đã đoàn kết, chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn để giành được trong những năm qua.
Trong những giây phút uy nghiêm, thành kính, tất cả đều chung lời hứa với Bác rằng, sẽ cùng nhau học tập và làm theo tấm gương đạo đức rạng ngời của Bác, cùng nhau đoàn kết một lòng để xây dựng tỉnh Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển toàn diện.
Một nửa thế kỷ đã qua, từ Lễ đài lịch sử này hình ảnh và lời dạy của Bác không chỉ trong tâm trí của những người tham gia vào biển người năm ấy, mà đó còn là niềm tự hào, là động lực để mỗi người dân Yên Bái vượt qua thách thức, phấn đấu trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã chọn.
Quang Tuấn
Theo Báo Yên Bái
Minh Thu (st)