Sáng sớm một ngày cuối tháng 8/2013, ông Võ Huy Quang từ quê Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận tới Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tận tay trao tặng những kỷ vật thiêng liêng về Bác cho Bảo tàng.
Đó là 5 bức họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông và các bạn tù vẽ tại nhà tù Côn Đảo. Kèm theo đó là 5 tài liệu ông dùng để tuyên truyền cho các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo.
Vẽ ảnh trong chốn lao tù
Năm 1952, khi chỉ mới là cậu bé 11 tuổi, đang học ở Trường Thiếu sinh quân, ông Võ Huy Quang được đọc thư của Bác Hồ gửi thiếu nhi toàn quốc: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tùy theo sức của mình - Để tham gia kháng chiến - Và gìn giữ hòa bình - Các cháu hãy xứng đáng - Cháu Bác Hồ Chí Minh”... Từ đó, hình ảnh Bác Hồ dần dần in sâu vào tâm khảm cậu bé. Thời gian sống hợp pháp trong lòng địch, trên bức vách trong căn hầm bí mật ở nhà ông luôn treo bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi khi rảnh rỗi, ông ngồi ngắm ảnh Bác thật lâu, ghi nhớ từng đường nét trên gương mặt Bác trong trí nhớ. 19 tuổi, ông Quang tham gia Đại đội võ trang C430, huyện Hàm Thuận, tỉnh Thuận Hải và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một năm sau, trên đường đi công tác, ông bị địch bắt và bị Tòa án Quân sự đặc biệt của chế độ cũ kết án tử hình, đày ra Côn Đảo.
Ở chốn “địa ngục trần gian”, nguyện vọng tha thiết của anh em tù chính trị là có ảnh Bác trong những buổi kết nạp Đảng, buổi họp chi bộ hoặc những dịp đặc biệt. Không thể có ảnh Bác từ ngoài gửi vào, ông Võ Huy Quang và một số đồng chí bàn tính vẽ ảnh Bác ngay trong chốn lao tù. Ông Quang được giao nhiệm vụ phóng tác chân dung Bác, những người khác góp ý và chỉnh sửa. “Góp nhặt nhiều tháng mới có được tờ giấy A4 mỏng và ruột bút chì. Đường nét chân dung Bác in sâu trong ký ức lần lần hiện lên trong đầu, cùng với tình cảm yêu kính Bác từ trái tim giúp ông hoàn thiện từng nét vẽ. Đúng sinh nhật Bác 19-5-1964, tấm ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên được hoàn thành tại Phòng 2 Lao II khu tử hình trong niềm xúc động của các anh em trong tù.
Truyền lửa chiến đấu
Chân dung Bác xuất hiện trong trại giam đã khích lệ tinh thần anh em tù chính trị rất nhiều, thế nên sau đó, theo yêu cầu của lãnh đạo khám tử hình, ông và các bạn tù vẽ thêm 8 tấm ảnh nữa - gồm 7 tấm trên giấy và 1 ảnh trên tường. Tấm ảnh cuối cùng là tấm ông có ấn tượng sâu sắc nhất vì được vẽ để treo trong dịp Lễ Quốc khánh 2-9-1971 và cũng là ngày ông được công nhận vào Đảng chính thức. Trong những lúc bị địch đàn áp, anh em tù nhân cảm nhận được có Đảng, có Bác kề bên soi đường dẫn lối, anh em như được tiếp thêm sức mạnh chiến đấu, giữ vững khí tiết cách mạng, không khuất phục trước kẻ thù và càng tin tưởng vào ngày chiến thắng.
Sau khi làm Lễ, những tấm ảnh được ông Quang cuộn lại bỏ trong chai thuốc ký ninh rồi dùng dầu hắc khằn nắp. Tranh thủ thời gian được ra sân tắm nắng mỗi ngày, ông đến bên gốc cây bàng trong sân trại giam, moi dưới rễ cây rồi giấu dưới đó... Năm 1996, lần đầu trở lại Côn Đảo sau ngày đất nước thống nhất, ông Quang vội đến chỗ giấu bí mật ngày cũ tìm những bức chân dung của Bác. Tuy có 3 bức bị thất lạc, nhưng 5 bức còn lại đều nguyên vẹn - như tấm lòng nguyên vẹn của ông và đồng đội dù trong chốn “địa ngục trần gian” vẫn một lòng hướng về Đảng, về Bác.
Đây không phải lần đầu tiên ông Quang trao tặng những “vật báu” đã gìn giữ nhiều năm cho các bảo tàng. Trước đó, ông tặng Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo khoảng 300 tài liệu, hiện vật gồm: Bản Di chúc Bác Hồ chuyển ra Nhà tù Côn Đảo cuối năm 1969, bức thư của Trung ương Cục miền Nam gửi ra Nhà tù Côn Đảo ngày 1-1-1970, Biên bản và Nghị định thư của Hiệp định Paris gửi ra Côn Đảo tháng 2-1973, bộ quần áo ông sử dụng trong thời gian ở Nhà tù Côn Đảo, kim châm cứu ông Quang sử dụng để tự châm cứu cho mình và cứu chữa anh em bạn tù...
Theo baodientuw.chinhphu.vn
Kim Yến (st)