Ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đưa ra một trang giấy nhỏ, là bút tích việc chuẩn bị bài nói mà Bác Hồ đã chuẩn bị: Chúc đồng bào pi mư đạy lai (tiếng Tày nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp). Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng.
Nghiên cứu di sản và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tôi tự rút ra cho mình một nhận xét, tuy là không mới nhưng là điều tôi hướng theo khi nói về tư tưởng Hồ Chí Minh hay ở một bình diện khác: Văn hoá Hồ Chí Minh. Trên báo Ogoniok (Liên Xô), số 39, ra ngày 23/12/1923, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng O.Mandenxtam đã có một tiên cảm tinh tế, chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dáng dấp con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra thật lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hoá, không phải văn hoá Châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai" (Thăm chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc).
Đúng! đó là một nền văn hoá tương lai nhưng nền văn hoá tương lai đó không đến từ hư không mà là kết quả sự dung nạp, chắt lọc từ nhiều nền văn hoá, tư tưởng, kết hợp với nền văn hoá dân tộc truyền thống. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từng nói: "Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Cơ Đốc giáo có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm: Chính sách của nó thích hợp với những điều kiện nước ta.
Các vị đó có những điểm chung. Họ đều nghĩ về nhân loại mà mưu cầu hạnh phúc, vì xã hội mà mưu cầu phúc lợi. Tôi gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy".
Như vậy là trong “người học trò” nhỏ ấy có tư tưởng tiến bộ của Chúa Giêsu, có Đức Phật, có Mác - Lê nin, có Tôn Dật Tiên, có Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du... và cả Trạng Quỳnh nữa! Điều nổi bật nhất trong suy nghĩ, trong cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là có chất trí tuệ uyên bác, tiên tri của Trạng Trình và chất hài hước, dí dỏm, cách nói đa nghĩa của Trạng Quỳnh! Có thể nói, 2 ông Trạng Việt Nam đó luôn có ở trong con người Hồ Chí Minh, do đó trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiên đoán những sự kiện lớn cực kỳ chính xác (Việt Nam độc lập năm 1945, Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội 1972 v.v...). Còn cách nói nước đôi, hài hước, dí dỏm, cách chơi chữ thì ngay từ những truyện, ký Người viết ở nước ngoài, những bài thơ trong "Nhật ký trong tù", trong những bài báo in trên những tờ báo trong và ngoài nước.
Sau 20 năm, Hồ Chủ tịch về thăm lại Pắc Bó (Cao Bằng – 1961)
Cách nói đa nghĩa và chơi chữ là cách Người hay dùng, chẳng hạn đầu Xuân năm 1961, trong lần trở lại thăm Cao Bằng, trong buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo của tỉnh, Bác hỏi: "- Cao Bằng giờ có dám phấn đấu để không ai cao bằng mình không?
Đồng chí Hồng Kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, đứng dậy nhìn các cộng sự của mình, rồi thưa rằng:
- Dạ, phong trào cả tỉnh đang nhiều mặt yếu, Bác dạy thế cao quá, Cao Bằng khó lòng đạt được.
Sau vài giây suy nghĩ, Bác hỏi:
- Vậy thì, Cao Bằng chí ít cũng phải phấn đấu để cao bằng người ta.
Đó là yêu cầu tối thiểu, đồng chí Hồng Kỳ thay mặt Đảng bộ hứa sẽ quyết tâm thực hiện bằng được lời Bác dạy". (Tư tưởng Hồ Chí Minh với việc xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ở Cao Bằng, kỷ yếu hội thảo Bác Hồ với Cao Bằng - 1994). Trong cuộc hội thảo Bác Hồ với Cao Bằng, tổ chức tại tỉnh Cao Bằng nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về nước (1911 - 2011), ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đưa ra một trang giấy nhỏ, là bút tích việc chuẩn bị bài nói mà Bác Hồ đã chuẩn bị. Nội dung đoạn bút tích đó như sau:
Chúc đồng bào pi mư đạy lai (tiếng Tày nghĩa là: Chúc đồng bào năm mới nhiều tốt đẹp).
Cao Bằng phải cao bằng những tỉnh tốt nhất, tốt nhất là Cao Bằng vượt mức cao không ai bằng.
Đó là nỗi niềm, là lòng mong ước, là lời dạy của Bác Hồ đối với nhân dân Cao Bằng thật dễ nhớ, dễ thuộc, dễ khắc sâu, bởi ý nghĩa sâu xa, bởi lối chơi chữ biến ảo: Chữ Cao Bằng, danh từ chỉ địa danh đổi thành tính từ so sánh. Tôi nghĩ cách nói này của Bác Hồ vừa dân dã vừa linh hoạt, ít chữ mà nội dung tải được lại rất nhiều so với cả một đoạn dài được chuẩn bị rất bài bản mà Bác Hồ đọc trong buổi mít tinh đón Người tại sân vận động thị xã Cao Bằng, năm 1961: "Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trước đây Cao Bằng là tỉnh gương mẫu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc".
Đã mấy chục năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ lên thăm Cao Bằng lần cuối cùng và để lại những lời dạy quý báu, Cao Bằng đã không ngừng phấn đấu vươn lên, nhưng buồn thay ước muốn của Bác Hồ về sự đi lên, sự gương mẫu, sự cao bằng người... vẫn còn xa vời lắm. Cao Bằng vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, nhiều ngành "đứng đầu" cả nước... tính từ dưới lên! (như ngành Giáo dục - Đào tạo). Mà Giáo dục là quốc sách. Giáo dục mà như thế, Cao Bằng làm sao cao bằng người được! Trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Cao Bằng cũng đã có nhiều nỗ lực, nhưng điều cần học tập nhất là làm sao để Cao Bằng cao bằng người lại dường như bị lãng quên. Thế mới biết, nói thì dễ làm sao mà làm mới khó làm sao!
Năm mươi năm nữa, một trăm năm nữa và mãi mãi, lòng mong ước, lời dạy của Bác Hồ với Cao Bằng: Cao Bằng phải cao bằng người hay "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không..." vẫn luôn vang vọng, dẫn dắt toàn dân đi lên trên con đường hướng tới một xã hội tươi đẹp: Ấm no, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Nhà văn Hoàng Quảng Uyên
Minh Nguyệt (st)