Có lẽ ít ai hay biết ở Hải Dương vẫn còn một ông lão từng làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) 13 năm lừng lẫy một thời. Ông chính là người được Bác Hồ tin tưởng gửi sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm làm lúa. Học xong, ông mang theo giống lúa Trân châu lùn của Trung Quốc về nhân rộng ra khắp Hải Dương...

nguoi duoc Bac Ho cu sang Trung Quoc hoc 1
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm HTX Đại Xuân (ông Bít đứng thứ tư từ phải sang)

13 năm “chèo lái” Hợp tác xã

Sinh năm 1933 ở đồng trũng xã Ứng Hoè (Ninh Giang), sau khi xuất ngũ ông Nguyễn Văn Bít về quê làm xã viên HTX. Năm 1959 được bầu làm Chủ nhiệm HTX Tân Hồng. Ông Bít kể lại, hồi đó cả vùng này bị địch tàn phá ác liệt, sản xuất nông nghiệp hết sức khó khăn, ruộng đồng “chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn” lại không có hệ thống mương máng…nên chỉ cấy được một vụ lúa chiêm. Đã vậy mùa màng luôn thất bát khiến làng quê tiêu điều, xơ xác…

Mùa Xuân 1960, Đảng bộ huyện Ninh Giang đã hợp nhất toàn bộ 9 HTX của xã Ứng Hoè thành HTX Nông nghiệp Đại Xuân (có nghĩa mùa Xuân hợp nhất). Ông Nguyễn Văn Bít tiếp tục “chèo lái” cả 24 đội sản xuất, bắt tay vào cải tạo đồng ruộng, khoanh bờ vùng bờ thửa, nạo vét kênh mương…Năm 1962, Hải Dương gặp nạn “đại hồng thuỷ”, nước mênh mông trắng đồng. Trên đường về xã Hiệp Lực (Ninh Giang) động viên đồng bào chống úng, Bác Hồ dừng chân ở cánh đồng xã Ứng Hoè, ân cần căn dặn các xã viên: “Kháng chiến nhất định thành công. Các cô chú cố gắng vừa chống thiên tai vừa tích cực sản xuất để giành thắng lợi”.

Quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, vụ mùa năm đó HTX Đại Xuân đưa giống lúa Chăm vào gieo trồng thay các giống Dong chiêm, Sài đường, năng suất đạt 90 kg/thóc/sào. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Chủ nhiệm, đơn vị đã giành thắng lợi liên tiếp những vụ sau, đưa năng suất lên 3 tấn/ha. Các năm 1964, 1968 HTX Đại Xuân vinh dự được Chính phủ tặng Cờ luân lưu “HTX thâm canh lúa giỏi”.

Năm 1965, lãnh đạo tỉnh Hải Dương mời một đoàn chuyên gia Trung Quốc về HTX Đại Xuân dạy nông dân gieo cấy giống lúa mới Mộc tuyền, thay thế giống cũ của địa phương. Ông Bít nhớ lại: “Chuyên gia nước bạn bảo giống lúa của ta như cỏ may, năng suất kém; rồi họ đưa giống Mộc tuyền cho HTX trồng. Quả thật giống này đẻ khoẻ, “phàm ăn” phân, chống chịu sâu bệnh và úng tốt, năng suất đạt tới 1,7 tạ/sào. Năm đó sản lượng lương thực của HTX Đại Xuân dẫn đầu huyện Ninh Giang, được Hồ Chủ tịch trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 2/1965, trở lại thăm Ninh Giang, Bác Hồ căn dặn Hải Dương cố gắng nhân rộng mô hình thâm canh lúa của HTX Đại Xuân ra toàn tỉnh…”.

Điều đáng nhớ nhất đối với Chủ nhiệm HTX Đại Xuân là đầu năm 1966, ông là 1 trong 8 cán bộ ở Hải Dương được Bác Hồ cử sang Trung Quốc học về sản xuất lúa. “Trước khi đi, ông Hoàng Anh - Bộ trưởng Bộ Canh nông dẫn chúng tôi sang Phủ Chủ tịch gặp Người. Bác bảo dịp này cử các chú sang bên đó học thâm canh lúa. Học không ngồi trường, không ngồi lớp mà học trực tiếp của dân, cùng làm cùng ở với dân nước bạn”.

nguoi duoc Bac Ho cu sang Trung Quoc hoc 2
Ông Bít chăm sóc cây cảnh tại nhà

Ông Bít chậm rãi kể tiếp: Ngày 20/2/1966, đoàn chúng tôi được phân công về huyện Đông Quản, xã Trà Sơn, Đại đội Tăng Bộ (tỉnh Quảng Đông), một địa phương nổi tiếng về sản xuất lúa ở Trung Quốc. Sau 8 tháng thực hiện “3 cùng”, tức cùng ăn cùng ở cùng làm với dân bản địa, kết thúc khoá học cán bộ nước bạn tặng chúng tôi 10 tấn giống lúa Trân châu lùn. Nhân có chút tiền thưởng, tôi liền mua mấy trăm thước nilon về che phủ rét cho mạ”.

Theo ông Bít, trong 10 tấn giống Trân châu lùn Trung Quốc, tỉnh giao cho HTX Đại Xuân 3 tấn, gieo trồng trên diện tích 70 mẫu. Vụ đầu khi cấy gặp rét làm mạ chết phải gieo lại. Song đã quá khung thời vụ cho phép nên phải xúc mạ chuyển ra ruộng cấy. Cũng may, khi chăm bón gặp thời tiết thuận, lúa lên nhanh, năng suất đạt 150 – 200 kg/sào. Cũng từ đó các giống lúa Mộc tuyền, Trân châu lùn bén rễ “chung thuỷ” trên đồng đất Ninh Giang. Năm 1967 lần đầu tiên HTX Đại Xuân thâm canh giống Mộc tuyền đạt 6,7 tấn/ha, năng suất cao nhất tỉnh.

Ghi sâu lời Bác dặn, HTX Đại Xuân tiếp tục phát huy truyền thống thâm canh lúa, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc. Đầu năm 1970, HTX giao 10 đội sản xuất đầu tư chăn nuôi 10 trại lợn tập trung, đáp ứng nguồn thực phẩm khá ổn định cho tỉnh nhà…Sau 13 năm gắn bó với HTX Đại Xuân, ông Nguyễn Văn Bít chính thức thôi chức Chủ nhiệm từ năm 1973, sau đó được tỉnh cử đi học Trường Chính trị Nguyễn Ái Quốc.

nguoi duoc Bac Ho cu sang Trung Quoc hoc 3
Bắt cá giao hàng giúp con

Ra trường, ông được Nhà nước phân công vào miền Nam xây dựng các mô hình HTX, nông lâm trường quốc doanh. Năm 1981 ông ra Móng Cái (Quảng Ninh) điều hành lao động thay thế người Hoa, rồi được điều về Sở Lao động Hải Dương làm Phó Bí thư thường trực Sở kiêm Chủ tịch Công đoàn cho đến lúc nghỉ hưu. 

Hổ phụ sinh hổ tử! 

Gần cả đời gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, ông Nguyễn Văn Bít luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo. Ông có 5 người con đều thành đạt, trong đó 2 cậu con trai là Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Hà đều là những ông chủ trang trại lớn nhất huyện Ninh Giang.

Ông Bít tự hào kể: “Ngày tôi về hưu thì thằng Sơn vẫn lông bông chưa có việc làm, còn Hà mới học hết cấp 3. Cũng lúc đó, HTX giải thể các trang trại chăn nuôi, thu đất trồng rau của xã viên để chia lại ruộng. Sau khi nhận đất sản xuất, tôi đầu tư mua chiếc xe ôtô IFA cho chúng chở hàng đi buôn, đồng thời xây trại nuôi lợn gà, đào ao thả cá. Đầu năm 2002 gia đình thầu thêm 2ha đất quỹ 2 của xã mở rộng làm trang trại”. Hôm phóng viên Nông nghiệp Việt Nam về thăm, trang trại của anh Sơn đang thu hoạch cá. Ông Bít vừa lội bì bõm bắt cá giao hàng giúp con vừa khoe: “Mỗi năm hơn mẫu ao nuôi của thằng Hà thu về 7 tấn cá, ngoài ra trong chuồng có 70 lợn nái, 500 lợn thịt. Ngoài tài sản cố định nó còn dư 1,7 tỷ gửi ngân hàng”.

Ngoài trang trại chăn nuôi 1ha ở xã Ứng Hoè, đầu năm 2008 anh Nguyễn Văn Sơn, con cả ông Bít còn thuê trên 5ha đất ở thôn La Khê, xã Ninh Thành (Ninh Giang) làm trang trại nuôi gà, thả cá. Hiện tại anh Sơn đầu tư khoảng 6 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, nuôi 1,6 vạn gà đẻ, 7.000 gà hậu bị giống ông bà, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả…

Ông Hà Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang khẳng định, đây là những nông dân điển hình tiên tiến, đã phát huy, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của cha ông, làm nên trang trại lớn nhất huyện. Còn ông Nguyễn Văn Thụ, đang là Chủ nhiệm HTX Đại Xuân nhận xét, tuy có bát ăn bát để song gia đình ông Bít luôn sẻ chia giúp đỡ mọi người. Dù tuổi đã cao, ông Bít vẫn tham gia các công tác xã hội, làm từ thiện được người dân quý mến và kính trọng…

Theo Trường Giang

http://nongnghiep.vn

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: