Người Hà Nội thỏa lòng cầu mong

Ông Hoàng Tùng, người có gần 25 năm được làm việc gần Bác, kể: Ngày 24-8-1945, Bác từ Tân Trào về làng Phú Xá. Đình làng cạnh đê bất lợi, ông đưa Bác vào nhà bà Chánh Tổng Luân làng Gạ (Phú Gia) ở sâu trong đê kín đáo hơn. Đêm ngủ, ông Trần Đăng Ninh mời Bác nằm trên sập gỗ ở gian giữa. Ông Tùng đang phụ trách vùng ngoại thành được Bác bảo cùng nằm để hỏi chuyện:

Chiều nay đồng chí vào trong thành có nghe chuyện gì lạ không?

- Thưa đồng chí, có hai việc. Việc thứ nhất, dư luận đang bàn tán Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không?

Ông không dám nói thẳng ra rằng nhân dân đang xôn xao ghê lắm. Ông Cụ lại hỏi: Anh em mình trả lời thế nào? Ông thưa, anh em ta nói mập mờ, không nói chả phải, cũng chẳng bảo là đúng. Cụ bảo: Như thế là anh em mình nói đúng…

bh-voi-hn
Chủ tịch Hồ Chí Minh góp ý về quy hoạch, xây dựng thành phố Hà Nội năm 1959. Ảnh tư liệu

Bác vào nội thành ở nhà số 48 Hàng Ngang. Ông Hoàng Tùng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hôm thanh niên tổ chức mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn, Bác nhận lời tới dự và gợi ý nên mời cố vấn Vĩnh Thụy. Trên sân khấu chỉ kê chiếc bàn và hai ghế để Bác và Bảo Đại ngồi. Một cảnh tượng thật đối nghịch: Chủ tịch nước là một ông già mặc bộ ka-ki giản dị và một cựu hoàng cố vấn béo tốt, bảnh bao mà nói năng thì ấp úng không ai nghe rõ.

Từ chỗ tận nghe, tận thấy để so sánh ấy, cho tới sáng ngày 2-9, cả biển người Hà Nội trước sự hiện diện của các quan khách quốc tế, người người đều thỏa lòng cầu mong đất nước có một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín cả thế giới: Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.

Đồng bào Hà Nội muôn năm!

Đúng một tuần sau ngày 2-9, 19 vạn quân Tàu vàng Tưởng Giới Thạch nhếch nhác kéo vào Hà Nội lấy danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật, thì Việt Nam đã có chủ. Hơn một tháng nữa, thấy mưu mô “Hoa quân nhập Việt cầm Hồ” dựng lên Chính phủ thân Tàu chưa kết quả, Bộ trưởng Hà Ứng Khâm, Đại tướng Tổng Tư lệnh quân đội Trung Hoa dân quốc tới Hà Nội để kiểm định tình hình.

Sáng ngày 21-10-1945, theo thường lệ, Hội Tư văn Thăng Long tổ chức kỳ thu lễ Đức Khổng Tử tại Đền Giám, Hà Nội. Cụ Hồ đứng chủ lễ. Hiện diện có cố vấn Vĩnh Thụy, Thị trưởng Trần Duy Hưng, Trưởng quan cao cấp Trung Hoa Hà Ứng Khâm… Báo Cứu quốc số 73 ra ngày 22-10-1945 tường thuật cuộc hành lễ quốc tế do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đệ nhất viên cử hành vừa long trọng, vừa thân thiện, đầy ý nghĩa cao thượng.

Xuân Bính Tuất 1946, Tết đầu tiên Hà Nội được mời Bác tới chúc Tết. Mấy chục vạn người tập trung tại Quảng trường Nhà hát Lớn, khi thấy Bác xuất hiện trên lễ đài, tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm!… Muôn năm!” vang lên như sấm dậy. Người nhanh nhẹn bước tới máy phóng thanh giơ nắm tay hô to đáp lại ba lần: “Đồng bào Hà Nội muôn năm!”. Cả biển người ngạc nhiên chưa kịp phản ứng, cũng đồng thanh “Muôn năm!”, vỗ tay rầm rầm. Nhưng rồi nhiều người ứa nước mắt khi nghĩ ra cách ứng xử từ tấm lòng của Bác với người Hà Nội.

Sau gần 5 tháng, Bác phải sang Pháp để đề cao uy tín Việt Nam, tránh cuộc chiến tranh xâm lược, ngày 21-10-1946, được tin Bác đã an toàn về tới Hà Nội, đồng bào Hà Nội thở phào nhẹ nhõm. Dọc đường xe Bác đi qua, nhân dân đứng cầm cờ hoa vẫy chào, Người nhiều lần cầm khăn chấm nước mắt khi thấy các cụ già râu tóc bạc phơ, mặc áo thụng lam, khăn xếp kính cẩn đứng bên hương án khói hương cầu khấn Trời Phật vị lãnh tụ tối cao đã an toàn trở về với Hà Nội.

Thực dân Pháp rắp tâm đánh chiếm nước ta một lần nữa, Trung ương bố trí đêm đêm đưa Bác ra ngoại thành cho an toàn từ 26-11-1946, tới ngày 19-12 thì Bác ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Theo lệnh của Người, các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh đã trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ ATK (An toàn khu), đề nghị Bác sớm di chuyển lên. Bác chưa đành lòng vì đồng bào Hà Nội còn đang phá nhà, dựng chướng ngại trên đường phố, anh dũng chiến đấu cùng Trung đoàn Thủ Đô.

Ngày 27-1-1947, Người gửi thư cho Trung đoàn Thủ Đô: Cùng các chiến sĩ yêu quý của Trung đoàn, các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ! Tôi và các nhân viên Chính phủ vì nhớ các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Đồng bào... ai cũng tiết kiệm để dự bị cho công cuộc trường kỳ kháng chiến. Các em là Đội Cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh!

Ở trên chiến khu, qua nhiều tuyến hoạt động địch hậu, Người theo dõi từng bước tiến của phong trào kháng chiến Hà Nội. Tháng 11-1948, Bác gửi thư cho Đội du kích Thủ đô. Thư viết: Hà Nội là trái tim quân sự, chính trị, kinh tế của địch. Du kích Thủ đô và vệ quốc quân cần phải thường xuyên quấy rối quả tim của địch cho đến ngày Tổng phản công. Thực hiện lời dạy của Người, quân dân Hà Nội liên tiếp lập các kỳ tích, tiêu biểu nhất như: Trận đánh sân bay Bạch Mai đêm 17-1-1950 đốt cháy 25 máy bay, 60 vạn lít xăng dầu, 32 tấn vũ khí… Đêm 4-3-1954, tấn công Sân bay Gia Lâm phá hủy kho xăng, 18 máy bay, tiêu diệt 18 tên địch. Chiều 4-4 sau đó phá hủy đoàn tàu 13 toa quân lương địch tiếp tế từ Hải Phòng cho Hà Nội…

Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến tầng lớp trí thức, quan lại cũ có lòng yêu nước mà vì lý do gì đó còn kẹt lại ở Hà Nội. Người bàn với các vị có uy tín và đích thân gửi thư qua đường dây nội tuyến vận động họ tùy điều kiện mỗi người có thể trực tiếp hoặc gián tiếp chung tay cùng dân tộc mưu cầu độc lập cho Tổ quốc. Kết quả thu được từ tinh thần nhân văn, chính sách đại đoàn kết của Bác mà trực tiếp trước mắt là phá tan âm mưu thâm độc của địch dựng lên Chính phủ Bảo Đại “dùng người Việt trị người Việt” - cho tới nay, dư luận còn ít biết. Đó là, một số vị được đưa lên chiến khu tham gia Chính phủ kháng chiến như cụ Phạm Khắc Hòe, ông Đặng Phúc Thông… Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cùng phu nhân lánh sang Pa-ri. Các luật sư Bùi Tường Chiểu, Vũ Văn Hiền… ở lại “trùm chăn”- bất hợp tác với địch. Cựu thị trưởng Hà Nội Trần Văn Lai còn nuôi công an hoạt động địch hậu, sau Hà Nội giải phóng, Bác Hồ mời cụ giữ chức Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh – Xã hội.

Chủ tịch của người nghèo

Ông Vũ Kỳ có một tiêu chuẩn được Bác “ưu tiên” chọn giúp việc là thông thuộc Hà Nội. Tết đầu tiên Bính Tuất 1946, Bác bảo ông không vào thăm các nhà theo danh sách thành phố báo cáo mà tối Ba mươi đưa Bác ra đền Ngọc Sơn. Bác cháu giả trang trong dòng người đi đón Giao thừa rồi lên xe tới xóm lao động ở phố Lý Thái Tổ. Vào một gian nhà nát của người “cu-li” kéo xe đang sốt, Bác ra hiệu để ông nằm yên và bảo anh bảo vệ đi xem có ai chăm sóc không và cho người đem quà Tết, thuốc thang cho ông.

Tại phố thợ rèn Sinh Từ, sâu trong ngõ, ba mẹ con chị gánh nước thuê chỉ có nải chuối xanh chờ Giao thừa thắp hương cho chồng mới mất. Chị xúc động chắp tay vái: Nhà cháu được Cụ Chủ tịch nước đến thăm, phúc đức quá, phúc đức quá! Bác bảo: Sao cô lại vái? Chủ tịch nước không đến thăm các nhà như nhà cô thì thăm nhà ai! Cô chịu khó tần tảo nuôi các con. Nước nhà mới độc lập, dân ta còn khổ lắm. Mai này sẽ bớt khổ dần…

Sáng hôm sau, Bác mời ngay Chủ tịch Trần Duy Hưng lên văn phòng phê bình là Bác đã nhắc dù ít, dù nhiều, không để nhà nào không có Tết. Bác sĩ Chủ tịch thành phố nhận khuyết điểm và hứa ngay trong ngày mồng Một làm việc với các cấp ủy ban và đoàn thể vận động bà con chia sẻ cái Tết với người nghèo: “Của ít lòng nhiều”…

Bà con xứ họ Thạch Bích, huyện Thanh Oai cho đến nay vẫn lưu truyền câu chuyện Bác Hồ thương người công giáo. Ngày ấy, cuối năm 1959, Người về thăm Hợp tác xã thôn công giáo toàn tòng. Bác đứng trên thềm cao của vòm thờ thánh An-tôn nói chuyện với bà con xong, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây cũ mời Bác ra thăm trại chăn nuôi. Giữa đường Bác bất ngờ rẽ vào ngôi nhà lụp xụp nhất xóm, nhà bà Chứa bị lòa, cả hai cô con gái cũng lòa. Bác bùi ngùi đứng lặng hồi lâu. Người kéo Bí thư Tỉnh ủy lại gần nói: Nhân danh Chủ tịch nước, Bác giao cho Bí thư Tỉnh ủy cùng UBND tỉnh và HTX Thạch Bích phải chu cấp cho gia đình bà cụ Chứa đủ gạo ăn no cho đến khi cụ qua đời và hai người con cho đến khi có cơ hội kiếm ăn được ít nhiều…

Bà Chứa không khóc mà những giọt nước mắt cứ ứa ra từ hai hố mắt tật nguyền, miệng mấp máy: Lạy Chúa tôi, Cụ Chủ tịch của người nghèo, xin đội ơn Cụ.

Trụ sở trong lòng dân

Cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thọ Chân nhớ lại, năm 1959, Bác làm việc với Hà Nội về quy hoạch Thủ đô. Có dự án xây dựng trụ sở Trung ương Đảng. Các ý kiến đề nghị rất sôi nổi, rằng công lao của Đảng ta thật là vĩ đại thì trụ sở nên xây sao cho thật hoành tráng, to đẹp. Riêng Bác phản đối: Trung ương làm việc như hiện nay được rồi. Xây làm gì trong lúc nhân dân còn nghèo, miền Nam đang chiến đấu gian khổ! Bác quay sang hỏi ông: Theo chú, trụ sở Đảng nên xây thế nào, xây ở đâu thì đẹp? Ông còn đang lúng túng thì Bác nói luôn: Nên đặt trong lòng dân thì mới bền, mới đẹp.

Hiện thực hóa lời Bác khen

Ngày 15-4-1964, Bác về thăm công trình thủy lợi có sức chứa 49 triệu mét khối nước tại hồ Suối Hai, dưới chân núi Ba Vì. Ngắm nhìn hồi lâu toàn vùng bán sơn địa: Xung quanh đồi núi nhấp nhô, lòng hồ trải rộng, cả chục hòn đảo lớn nhỏ phủ rừng cây xanh giữa mặt nước xanh ngăn ngắt, Bác khen: Hồ này đẹp như Hồ Geneva bên Thụy Sĩ. Các nước có hồ như thế này là người ta làm giàu đấy. Phải làm một cái sân bay nhỏ, xây nhà nuôi thú vật, làm công viên, vườn hoa… biến cả vùng này thành nơi nghỉ mát, vừa là khu du lịch, nghỉ mát, vừa là địa danh văn hóa mang lại lợi ích kinh tế cao…

Nay lời khen của Bác đang biến thành sự thật: Có một hồ Geneva giữa lòng Thăng Long - Hà Nội hơn 1000 tuổi.

Trịnh Tố Long

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: