1. Bác Hồ với nhân dân Thủ đô Hà Nội (*)

Tháng 8 năm 1945, từ Tân Trào về Hà Nội được hai ngày, trong khi bận biết bao nhiêu việc lớn, Bác đã cho gọi tôi và đồng chí Khuất Duy Tiến lên nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác viết bản Tuyên ngôn Ðộc lập lịch sử. Bác nói:

- Bác được biết đoàn thể đã tín nhiệm cử chú làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, chú Tiến làm Phó Chủ tịch, ý kiến các chú như thế nào?

Tôi nói:

- Thưa Bác, cháu nghĩ nếu đoàn thể giao cho cháu làm công tác y tế, cháu sẽ cố gắng làm tốt; còn làm Chủ tịch thành phố, cháu thấy khó quá.

Bác cười:

- Thế Bác đã bao giờ làm Chủ tịch Nước đâu. Nhưng dù làm Chủ tịch Nước, Chủ tịch thành phố hay gì đi nữa, Bác cháu ta cũng phải hiểu rằng: Mình không phải là những ông quan cách mạng, mà là những người đày tớ trung thành của nhân dân.

Sau đó, Bác quay sang nói về truyền thống vẻ vang của Thăng Long, Ðông Ðô, của thành “Hoàng Diệu” và bảo chúng tôi hãy làm việc như thế nào để xứng đáng với Thủ đô anh dũng, kiên cường.

Mười ba năm sau (tháng 01/1958), trong buổi nói chuyện với các đại biểu Hội đồng nhân dân khóa I của thành phố, Bác nhắc đến trách nhiệm của các đại biểu:

- Nhiệm vụ của các đại biểu là gì? Là đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, đồng thời phải truyền đạt chính sách của Ðảng và Chính phủ đến nhân dân. Nói chung trách nhiệm là:

- Làm cái gì có lợi cho dân,

- Chống cái gì có hại cho dân.

Muốn thế phải:

- Gần gũi nhân dân,

- Thật thà quan tâm đến đời sống của nhân dân.

Bác còn nói thêm:

- Các đại biểu phải gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cán bộ không phải là những ông quan cách mạng, mà là đày tớ của nhân dân.

Bác luôn luôn tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết và tài năng sáng tạo của nhân dân. Bác thường nói:

- Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Lực lượng quần chúng là vô địch.

Những ngày sau khi giành chính quyền (1945), thù trong giặc ngoài, tình hình rối ren, Bác vẫn bình tĩnh giải quyết mọi công việc. Căm phẫn trước tội ác của bọn phản động, một số đồng chí không giữ nổi bình tĩnh, muốn ra tay ngay tức khắc, Bác không đồng ý. Bác bảo tôi:

- Chú là thầy thuốc, nếu trên đùi chú có một cái nhọt, chú có cầm dao chích ngay ra không?

Tôi thưa với Bác:

- Thưa Bác, không ạ. Cần phải đắp nước nóng, bao nó lại, tự nó sẽ vỡ ra.

Bác cười:

- Bọn phản động cũng vậy, quần chúng chúng ta đoàn kết bao vây chặt lấy chúng, nó sẽ tan và xẹp xuống.

Bác rất tin yêu nhân dân và nhân dân cũng rất kính trọng và yêu quý Bác.

 (*) Theo đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trích trong cuốn sách Kỷ niệm về Bác (Nxb Thông tấn, Hn, 2005, Tr.220).

2. Bác Hồ với tờ báo của Đảng bộ Hà Nội

Hồ Chủ tịch là vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân ta. Người còn là một nhà văn nhà thơ, nhà báo vĩ đại. Tờ báo hàng ngày của Đảng bộ Hà Nội từ khi còn mang tên “Thủ đô”, “Thủ đô Hà Nội” đến “Hà Nội mới” luôn được Người dành cho sự quan tâm đặc biệt. 

Bác đọc báo hàng ngày rất đều đặn, rất kỹ và có giờ giấc nhất định; Bác không chỉ quan tâm đến nội dung trong bài, mà còn chú ý xem xét đến việc tổ chức mặt báo, bố trí các trang mục. Qua đường dây nói giữa Văn phòng Bác và Tòa soạn báo. Bác luôn nhắc nhở phải cố gắng xuất bản báo đúng giờ. 

Hàng ngày, chậm nhất là 7 giờ 30 mà chưa có báo đưa lên Bác là y như rằng chuông điện reo. Bên kia đường dây có tiếng Văn phòng Bác hỏi vì sao báo chậm. Từ những chuyện nhỏ ấy, đến những chuyện có tầm quan trọng cao hơn như đánh giá và có kết luận về những tin bài đã đăng, các đồng chí ở văn phòng Bác đã có nhiều cách truyền đạt lại dưới nhiều dạng khác nhau, gửi cho Tòa soạn báo chúng tôi để phản ánh những ý kiến phong phú, súc tích Bác dùng để giải thích các sự việc xảy ra, hướng cho báo chúng tôi những việc phải làm. 

Khi báo mở mục “Người tốt việc tốt” hàng ngày (mục này ngắn gọn chỉ khoảng 200-300 chữ) để biểu dương những tấm gương sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, những biểu hiện về đạo đức liêm khiết, dũng cảm... Bác rất chú ý và chỉ thị cho Văn phòng phải theo dõi đều đặn, phân loại, chọn lọc, lập thành bản danh sách để hàng tháng Bác xét duyệt và có hình thức biểu dương, khen thưởng. 

Nói chung, số đông những người được nêu gương trên báo, sau khi Bác cho kiểm tra lại, đều được Bác tặng Huy hiệu của Người. 

Về trường hợp báo phát hiện và phản ánh những chuyện không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất hoặc đời sống - thường là đăng trong mục “Mỗi ngày một chuyện” - Bác lại chỉ thị cho Văn phòng cắt dời mẩu báo ấy, rồi chuyển đến cơ quan có thẩm quyền - thường là Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố, có khi kèm theo mấy chữ nhỏ viết chéo bên cạnh: “Đề nghị giải quyết”. 

Cách làm trên đây của Bác kịp thời khuyến khích, cổ vũ động viên đội ngũ phóng viên, cán bộ biên tập, thông tin viên của báo rất nhiều, đồng thời cũng nhắc nhở anh chị em nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu bảo đảm chính xác, khách quan, vô tư đối với mỗi việc hay cũng như việc mà mình đưa lên báo. 

Chúng tôi còn nhớ, một lần phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, báo đăng bài phê bình Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch và giữ gìn vệ sinh bếp ăn chưa tốt nên cùng một lúc, hàng trăm người bị đi ỉa chảy. Ngay từ đầu giờ làm việc buổi sáng, Bác đã bảo Văn phòng điện xuống, hỏi cặn kẽ xem những tình tiết sự việc nêu lên trong bài do ai cung cấp, hậu quả xảy ra có như báo nêu không. Báo cáo xong thì chúng tôi cũng nhận được sự phản ứng gay gắt của Đảng uỷ nhà trường. Sau đó đồng chí Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng uỷ nhà trường nhất thiết yêu cầu báo cải chính, nếu không Ban Biên tập phải trả lời đơn khiếu tố. Cuối cùng, chúng tôi đã thoả thuận được là sẽ mở một cuộc họp liên tịch (Sở Y tế, nhà trường, Tòa soạn vào một ngày gần nhất). 

Nhưng cuộc họp chưa được tổ chức thì ngay chiều hôm ấy, chúng tôi được tin Bác về thăm trường. 

Bác vào nhà ăn, Bác lên nhà ở của học sinh, vào một số phòng. Bác hỏi han, động viên một số anh em đang bị đau bụng, mà nguyên nhân hôm trước nhà ăn đã tiếc cái món cá kho bị ôi, Bác vào hội trường, nét mặt không vui, nhưng vẫn giữ dáng dấp thân tình của người cha. Bác nói: 

- Hôm nay, Bác đột ngột đến thăm các cô, các chú... 

Mọi người cảm động, mới vỡ lẽ vì sao Bác đến! 

 Rồi Bác nói tiếp: 

 - Báo đăng bài phê bình, các chú có thấy trách nhiệm của mình trước đảng, nhà trường và nhân dân không? 

 Đồng chí Bí thư Đảng uỷ không còn cách nào khác hơn là phải nhận lỗi và xin hứa với Bác tích cực sửa chữa khuyến điểm. 

 Thế là cuộc hòa giải đã dự định trước, Tòa báo chúng tôi không cần tổ chức nữa.

(Theo Báo Hà Nội mới - Ngày 21 tháng 5 năm 1980)

 

 3. Bác về nhà máy chúng tôi

 Anh chị em cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội - nay là Nhà máy chế tạo máy công cụ số 1, chúng tôi vẫn thường tự hào là một nhà máy được Bác Hồ đến thăm nhiều nhất: Chín lần. Ngoài những lần đến chính thức cùng với những vị khách quý Liên Xô, In-đô-nê-xi-a...Bác còn đến thăm bất thình lình. Có khi chẳng ai chú ý cả, người ta thấy rẽ vào khu tập thể nhà máy một chiếc ô tô cũ rất giản dị, dừng lại bên thềm nhà, từ trên xe bước ra một Ông Cụ già... Những lần Bác về “đột kích” như vậy thì có nhiều chuyện lắm. Tất cả đều vui mừng, mừng nhất là các chị em công nhân và các cháu ở tuổi mẫu giáo, vườn trẻ; còn trong cái mừng có lẫn cái lo là các đồng chí lãnh đạo. Hôm ấy nếu chẳng may mà khu tập thể bị bẩn, nhà ăn có nhiều ruồi, hố xí không được sạch sẽ... thì Đảng uỷ, Giám đốc, công đoàn nhà máy cứ gọi là ... bấn lên với nhau.

1-mot-so-cau-chuyen-a 

Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy ô tô 1-5, tháng 12-1963. Ảnh internet 

Tấm vát lát đường!

 Hôm ấy, một buổi chiều cuối hè năm 1958, sau cơn mưa giông, tiết trời thật mát mẻ.

 Lúc đó, tập thể Nhà máy cơ khí Hà Nội còn nghèo, chưa có nhà 3 tầng, đường chưa lát đá như bây giờ. Trận mưa còn để lại vũng bùn lầy lội. Một chiếc ô tô màu xám nhạt đỗ rất nhẹ, dừng lại bên hàng ráo nứa, cạnh chiếc quán lá bán quà sáng cho công nhân, Bác đến! Bác đến! Lúc đó nhiều anh chị em công nhân trông thấy Bác, reo ầm lên đổ xô cả lại. Vẫn với bộ ka ki mạc màu, đôi dép cao su đen, quai to bản, đế mỏng, Bác nhanh nhẹn bước vào khu tập thể. Anh chị em công nhân theo Bác rất đông, trong đó có cả một số đồng chí lãnh đạo nhà máy. Khi sắp đến một vũng nước ngay giữa lối đi, đồng chí Chánh - Thư ký Công đoàn  nhà máy lúc bấy giờ, vội vàng đi vác một tấm ván kê vào chỗ lội để Bác bước lên thềm hội trường. Bác liền xua tay, vén quần và cứ thế lội xuống nước, cùng đi với anh em công nhân bước lên thềm nhà. Sau đó Bác dừng lại, quay về phía chị em công nhân, rồi nói với đồng chí Chánh:

 - Các chú là người phụ trách, các chú cần phải để ý đến nơi ăn chốn ở của công nhân nữa. Không phải bắc ván chỉ cốt cho Bác đi mà phải làm sao đường sá được sạch sẽ, khi anh em công nhân đi làm về khỏi bước vào chỗ lầy lội, bẩn thỉu:

Nhà máy lớn phải gương mẫu!

 Cũng không ai biết rằng Bác từ đâu tới, chỉ biết rằng khi đến đường rẽ vào khu tập thể nhà máy khi xe chạy chậm lại, rồi đỗ cạnh cột đèn bên đường vào nhà ăn. Lúc đó vào khoảng 10 giờ trưa ngày đầu năm 1960. Hôm ấy đúng vào ngày nghỉ của nhà máy. Nhiều đồng chí công nhân nhìn thấy Bác đã reo ầm lên: “Bác! Bác về anh em ơi”. Thế là ồn ào, náo động cả khu tập thể.

 Bác rẽ đám đông đi về phía nhà ăn, theo sau Bác là các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Thư ký Công đoàn nhà máy, cùng rất nhiều nam nữ công nhân... Khi vào đến nhà ăn, trông thấy mấy chị cấp dưỡng đang rửa nền nhà và rửa bàn để thức ăn, Bác khen:

- Các cô biết giữ vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ như vậy là tốt, cần phải làm cho chỗ nấu nước được thơm tho, sạch sẽ đừng để ruồi nhặng bậu vào thức ăn.

Chẳng ai phải chỉ đường cho Bác cả, cứ thế Bác ra sau bếp nhắc cả nắp hố rác lên xem, nhìn các đường cống rãnh sau đó Bác ra thẳng hố xí. Bác lắc đầu, tỏ ý không vui, hỏi:

 - Có đồng chí nào là lãnh đạo ở đây không?

 Hai đồng chí Bí thư và Thư ký Công đoàn chưa kịp thưa, Bác đã chỉ vào hố xí rồi nói:

 - Chỗ vệ sinh mà để bẩn thế này là không được. Các chú phải luôn luôn nhớ rằng nhà máy lớn thì phải gương mẫu về sản xuất và gương mẫu về cả chỗ ăn, chỗ ở và nơi vệ sinh nữa. Hố xí để hôi thối, ruồi nhặng thế này thì ai mà chịu được.

 Ba anh thợ da hợp thành Gia Cát Lượng

 Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1960, khoảng 8 giờ 30 phút, Bác lại về thăm nhà máy chúng tôi. Lần này Bác đi cùng hai ông bà Lô-đơ-bai, luật sư người Anh - luật sư đã bào chữa cho Bác trong một phiên tòa của bọn đế quốc Anh. Bác thân thiết dẫn hai vợ chồng luật sư đi thăm nơi sản xuất, tới nơi nào Bác cũng ân cần hỏi thăm nam nữ công nhân đang đứng máy. Nhiều đồng chí công nhân định bỏ máy chạy theo Bác, Bác giơ tay ra hiệu, đáp lại những cái nhìn trìu mến. Hễ thấy ai chạy theo, Bác liền bảo:

 - Chú về sản xuất đi, đừng để máy đứng không!

 Sau khi đi thăm nơi sản xuất chính, thể theo nguyện vọng chung của công nhân toàn nhà máy, Bác đồng ý sẽ dành ít thời gian nói chuyện với công nhân.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức ngay trên con đường trước phân xưởng cơ điện, không có trang trí gì cả. Nơi đó còn ngổn ngang những cây gỗ xẻ dở dang, những ống tôn gò dở để chuẩn bị xây dựng phân xưởng thép. Một chiếc bàn vuông con trên trải một tấm khăn trắng giản dị. Bác giới thiệu hai ông bà luật sư với anh em công nhân, sau đó Bác nói chuyện về sản xuất, Bác khen thành tích vượt mức kế hoạch sản xuất của nhà máy, và tinh thần phát huy sáng kiến, dám nghĩ, dám làm của anh chị em công nhân.

 Bác ân cần nhắc nhủ anh chị em phải sửa chữa những mặt còn chưa tốt như ý thức làm chủ nhà máy, làm chủ tập thể chưa cao; còn lãng phí nhiều nguyên vật liệu, chưa dùng hết công suất máy móc. Bác nói tiếp:

 - Vừa qua, công tác cải tiến, quản lý xí nghiệp các cô, các chú đã làm tương đối khá, phải tiếp tục làm cho khá hơn nữa. Cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, hai dài một ngắn không thể đứng vững được. Muốn làm được tốt phải dựa vào quần chúng công nhân, thực hành dân chủ mà giải quyết khó khăn. Các cô, các chú phải đề cao dần tinh thần trách nhiệm, có ý thức làm chủ nhà máy, làm chủ tập thể. Trung Quốc có câu tục ngữ “Ba anh thợ da hợp lại thành Gia Cát Lượng” nghĩa là bất kỳ khó khăn như thế nào, nếu tất cả mọi người chung lòng, chung sức thì đều vượt qua được.

 (Theo Phạm Quang Hùng – Chúng ta có Bác Hồ – NXBLĐ 1970)

4. Ngày 8/3 năm ấy

 Ngày 8 tháng 3 năm 1965 nhà máy chúng tôi làm lễ khánh thành thì Bác đến.

 Một giờ trưa, chẳng có ai dẫn lối. Bác đi thẳng vào khu tập thể. Giờ này mọi nhà đều ngủ yên. Bác cẩn thận xem xét từng nơi nhà bếp, nhà trẻ, nhà vệ sinh... đã khá lâu mà chưa ai biết. Một lúc sau có vài chị em đang giặt giũ bên bể nước trông thấy Bác mới reo ầm lên:

 - Bác! Bác Hồ! Bác Hồ đến!

 Các căn nhà vội vã mở toang cửa, mọi người cuống quýt chạy ra. Vòng trong, vòng ngoài, người nào cũng muốn được gần Bác hơn. Bác chỉ vào chị Thái Bảo đang đứng cạnh, hỏi:

 - Cô làm gì ở đây?

 - Thưa bác, cháu là Bí thư Đảng uỷ ạ!

 Bác khoát tay ra xung quanh nói:

 - Bí thư Đảng uỷ mà để công nhân ở bẩn thế này à?

 Một số chị em nháy nhau lên thu dọn các tầng trên. Nhưng thoắt một cái, khi chúng tôi còn đang kéo bớt quần áo phơi lươm tươm ở ngoài cửa sổ, ở trên dây xuống thì Bác đã tới từng phòng rồi. Bác chỉ vào từng người, lắc đầu rồi xua tay, vẻ không bằng lòng... Đúng 14 giờ, Bác đã có mặt ở bên nhà máy. Chúng tôi thay nhau dẫn Bác đi thăm cả bốn phân xưởng. Vừa đi Bác vừa hỏi kỹ các loại máy, các loại hàng...

Trong khi dẫn Bác đi, thấy ở trước sân có mấy đồng chí nam mặc chỉnh tề com-lê, ca-ra-vát, Bác quay sang hỏi:

 - Hôm nay là ngày gì mà các chú ấy “thắt cổ” thế?

 - Thưa Bác, hôm nay nhà máy chúng cháu làm lễ khánh thành ạ!

 Nhân lúc đó, một chị mạnh dạn hỏi Bác:

 - Thưa Bác, sao ngày Quốc tế lao động, anh chị em công nhân đều được nghỉ, mà ngày Quốc tế phụ nữ, chị em phụ nữ lại không được nghỉ ạ?

 Bác cười:

 - Ơ, đặt ra Ngày Quốc tế phụ nữ để các cô đấu tranh chứ để cho các cô nghỉ à?

 Dừng ở trước hội trường mới, Bác thân mật nói chuyện với anh chị em công nhân. Bác nói gọn, dí dỏm nên ai cũng vui, cũng nhớ. Nói về ý thức làm chủ tập thể và kỷ luật lao động, Bác căn dặn chúng tôi.

 - Tiền của xây dựng nhà máy là do nhân dân đóng góp giao cho Nhà nước. Nhà nước giao cho các cô chú. Các cô chú phải quản lý cho tốt. Muốn thế, toàn thể cán bộ, công nhân phải ra sức học tập kỹ thuật, văn hóa, chính trị. Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Phải tôn trọng kỷ luật lao động, tám giờ vàng ngọc. Nếu đi muộn về sớm, vừa làm, vừa chơi thì như thế là ăn cắp của nhân dân”.

Nói về sản xuất, Bác nhấn mạnh: “Muốn sản xuất tốt thì phải có sức khỏe tốt, cho nên phải giữ gìn chỗ ăn, chỗ ở luôn luôn sạch sẽ. Bác phê bình các cô các chú đều là người lớn cả mà ở rất bẩn. Lần sau Bác lại về, nếu sạch Bác sẽ thưởng, nếu còn bẩn Bác sẽ phê bình”.

 Tiếp đó Bác lại hỏi:

- Cháu nào là Đinh Hồng Nga?

 Khi đó Nga đang lúi húi dán khẩu hiệu bên nhà ăn, chưa biết có Bác đến. Nghe chị em gọi, Nga cảm động, chạy cuống lên, vấp trước, vấp sau túi bụi mới tới được bên Bác, vừa thở, vừa nói:

 - Thưa Bác, cháu đây ạ!

 Bác hỏi cặn kẽ:

 - Cháu có khỏe không? Nhà ở đâu? Có xe đạp không? Đứng 24 máy như vậy đã nhiều chưa?

 Sự hồi hộp khiến Nga không nói lên lời. Hồi đó với sáng kiến đi tua hình chữ V, Nga đã đứng được 24 máy chải, trong khi các bạn nam chỉ đứng được 16 máy.

 Trước khi ra về, Bác còn dặn dò nhiều điều. Đồng chí Giám đốc mời Bác ở lại cắt băng khánh thành nhà máy tối hôm đó, Bác cười:

- Theo Bác, phải để cho cô chú công nhân nào trẻ, sản xuất giỏi cắt băng khánh thành nhà máy mới có ý nghĩa nhất.

Nay Bác đã đi xa, nhưng đôi mắt tinh nhanh dịu hiền của người vẫn luôn theo dõi từng bước trưởng thành của nhà máy chúng tôi.

 (Theo lời kể của các chị Quản đốc và Phó Quản đốc Phân xưởng dệt lúc ấy, trích từ sách Bác Hồ với phụ nữ Hà Nội, Nxb HN, 1985)

5. Thăm công nhân Nhà máy điện 

 Chiều 30 Tết năm 1957. Khi thành phố mới lên đèn thì Bác đến khu tập thể công nhân Nhà máy điện An Dương. Gia đình ông Nguyễn Văn Hào, may mắn nhất, được Bác thăm đầu tiên. Ông đứng sững người, cầm tay Bác mà tưởng như trong mơ. Bác tươi cười, thân mật:

 - Bác đến chúc Tết cô chú đây. Nhà ta ăn Tết có vui không?

 Ông Hào lễ phép trả lời, giọng cảm động:

 - Dạ thưa Bác, vui lắm ạ!

 Nhìn quanh không thấy bánh chưng, Bác lại hỏi:

 - Nhà ta không gói bánh à?

 Bà Tĩnh vợ ông Hào vội đáp:

 - Dạ có ạ! Năm nay nhà cháu gói được hai chục chiếc vừa mới vớt ra, đang để ngoài sân.

 Bác nhìn chồng bánh đang để trên tấm phản ở ngoài gật đầu, tươi cười:

 - Thế là tốt.

 Bác đứng một lúc mặc niệm trước bàn thờ tổ tiên rồi hỏi về công việc làm ăn của hai ông bà ở Nhà máy, căn dặn phải làm tốt, phải tiết kiệm. Bác xoa đầu các cháu bé đứng cạnh, rồi quay sang hỏi ông bà:

 - Cô chú được mấy người con?

 - Dạ thưa Bác, bốn ạ!

 Bác cặn dặn:

 - Cô chú phải cố gắng nuôi con, cho ăn học tử tế để trở thành người lao động mới, xây dựng đất nước sau này.

 Khi ra sân, thấy giàn bầu có mấy quả dài trên một mét. Bác khen ngợi việc tăng gia sản xuất của gia đình.

 Sau đó Bác đến thăm một số gia đình khác. Như một người thân đi lâu ngày về quê ăn Tết, Bác hỏi tỉ mỉ về đời sống, sức khỏe, về công tác của mọi người, Bác còn xuống tận bếp xem gọn gàng, sạch sẽ không. Bác chúc mọi người ăn tết vui vẻ và sau đó phải đoàn kết hơn để sản xuất, lao động thật tốt.

 (Theo sách Bác Hồ với nhân dân Hà Nội, Hà Nội 1980)

 6. Mắc đèn trong vườn Bác

 Ngày ấy, có vị Tổng thống đến thăm nước ta. Cũng như mọi lần, chúng tôi vui sướng chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch mắc đèn trang trí trong vườn Bác.

 Chúng tôi đến nơi làm việc thật sớm, phần để cho công việc chóng xong, phần để ngắm Bác kính yêu khi Bác đi những đường quyền trông khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đẹp mắt, hoặc Bác chăm cây vú sữa, tưới luống rau cải, tỉa cành hoa hồng buổi sớm...

 Ăn cơm chiều xong, chúng tôi vội vã kiểm tra lại phần việc của mình, cố không sai sót để Bác vui lòng. Đúng 19 giờ 30 Bác ra vườn với chúng tôi. Chúng như mọi lần, chúng tôi sung sướng chào Bác. Bác tươi cười chào lại và nói:

 - Các chú công nhân bật đèn lên cho Bác xem đi!

 Tôi chạy vội lại phía trạm điện đóng cầu dao. ánh sáng điện tỏa trên các ngọn cây, dưới vòm lá, lấp lánh, chiếu sáng đẹp khuôn mặt hiền từ và chòm râu bạc của Bác. Tôi sung sướng mời Bác đi quanh khu vườn rộng. Bác chú ý xem từng ngọn đèn và luôn luôn gật đầu tỏ ý hài lòng. Tôi đang phấn khởi thì Bác dừng lại, chăm chú nhìn một ngọn đèn pha dưới gốc cây rồi thân mật bảo tôi:

- Ngọn đèn này phải để khuất dưới lùm cây. Như thế đẹp hơn. Đồng bào qua đường nhìn vào đỡ chói mắt.

 Miệng nói, Bác nhanh nhẹn bước lại ngọn đèn. Tôi lo lắng quá vì lúc đó Bác lại đi đôi guốc mộc trên đường rải sỏi, dễ trượt ngã. Tôi chạy theo thưa với Bác:

 - Bác để chúng cháu làm ạ!

 Nhưng Bác đã cúi xuống, hai bàn tay cầm lấy thân đèn. Không còn cách nào khác, tôi cùng Bác khiêng pha đèn nặng vào lùm cây đinh hương. Giây phút ấy tôi vừa ân hận vừa sung sướng. Ân hận vì mình chưa làm cho Bác vừa ý, sung sướng vì được làm việc bên Bác dẫu chỉ có mươi phút.

 Ngọn đèn được Bác thay chỗ, đặt dưới vòm cây đinh hương lá nhỏ, khiến ánh sáng của nó đẹp hẳn lên. Bây giờ người đi đường nhìn vào sẽ không trông thấy đèn, chỉ thấy một vùng ánh sáng chiếu qua kẽ lá hắt lên thành một màu xanh dịu.

Một lần khác, chúng tôi lại vào chăng đèn ở Phủ Chủ tịch, để Bác đón khách quý. Nhớ lời Bác dặn: “Phải luôn luôn đổi mới, không ngừng phát huy sáng kiến”, chúng tôi trang trí đèn ở khu vực và ở nhà tiếp khách khác hẳn mọi lần. Chẳng hạn, những lần trước, trên mỗi cây, chúng tôi thường mắc bóng đèn các màu xanh, đỏ, tím, vàng lẫn lộn. Lần này chúng tôi không làm thế. Như hai cây dừa nước ở bên nhà Bác ở, tôi đặt dãy đèn một màu từ dưới gốc lên ngọn. Sau đó thì tỏa ra các cây. Mỗi lá một dây đèn pha ánh sáng chiếu hắt lên. Cố nhiên là đèn chúng tôi để khuất hẳn trong lùm cây như lần trước Bác đã chỉ bảo. Khu vườn cây của Bác lộng lẫy hẳn lên. Chúng tôi sung sướng quá khi được Bác khen:

 - Lần này các chú mắc đèn đẹp đấy. Khách của chúng ta cũng khen ngợi”.

 Sau khi khách về, chúng tôi được Bác cho xem phim. Tôi dắt cháu Vinh mới lên bốn tuổi cùng đi. Bác xoa đầu, bẹo má phính của nó rồi nói:

 - Con chú kháu quá nhỉ!

 Trước khi chiếu phim, Bác lại hỏi:

 - Các chú thợ điện đã đủ mặt chưa?

 Đồng chí tổ chức buổi chiếu phim thưa với Bác đã có đủ Bác mới cho chiếu. Lần này Bác cho chúng tôi xem cuốn phim “Người con gái của Đảng” Phim mới nên chưa có lời dịch thuyết minh. Cầm bản nội dung phim, Bác dịch lại cho chúng tôi nắm được đầu đuôi câu chuyện. Bác xem rất chăm chú. Đến hết phim, Bác đứng dậy xúc động nói với chúng tôi:

 - Các cô, các chú nhớ lấy! Người cộng sản là phải như thế!

 Hôm tôi được kết nạp Đảng, trước cờ Đảng và chân dung Hồ Chủ tịch, lời dặn dò của Bác lại văng vẳng bên tai tôi.

 (Theo Dương Văn Hậu - công nhân sở Điện Hà Nội, trích từ sách Chúng ta có Bác Hồ, Nxb Lao động, 1970).

 

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: