Bac Ho voi viec quy hoach HN
Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11-1959 Ảnh: T.L

Tuy miền Bắc lúc đó còn đang gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở nghèo nàn, lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật của cán bộ ta còn nhiều hạn chế, lực lượng công nhân lành nghề chưa đủ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định chắc chắn rằng: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Danh từ Hà Nội hàm ý chỉ một vùng đất bên trong sông Hồng (hay sông Nhị), vì nằm ở giữa lưu vực sông Hồng, trên đồng bằng đất bồi phù sa nơi dòng sông bắt đầu chuyển hướng nên mỗi cựa mình, vươn cao, vươn xa của thành phố Hà Nội đều có ảnh hưởng tương tác với sông Hồng. Hiểu rất rõ vấn đề này nên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị trước hết tập trung bàn thảo về quy hoạch sông Hồng và thuỷ điện vào các kỳ họp tháng 5-1959, tháng 9-1959, tháng 5-1962. Ngày 29-8-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn về mở rộng thành phố Hà Nội theo kế hoạch dài hạn. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Người nêu rõ: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng…), địa lợi (địa chất, sông hồ…) và nhân hoà (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ…). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có Ban Phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí…”.

Ngày 12-9-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Phát biểu trong cuộc họp, Người nhấn mạnh vấn đề tổ chức thực hiện trong xây dựng phải có quy hoạch, đồng bộ, làm từng bước và chú ý cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp.

Ngày 16-11-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Ban Bí thư thảo luận về những công trình lớn trong quy hoạch của thành phố Hà Nội và mở rộng ngoại thành. Phát biểu trong Hội nghị, Người căn dặn trong thiết kế phải đồng bộ (đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện…), tránh cản trở sự đi lại của nhân dân; phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi và phải thực hiện nhanh-nhiều-tốt-rẻ. Người cũng lưu ý việc phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước anh em trong công việc trên. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quan tâm tới những công trình trọng điểm quan trọng, ví như đầu năm 1960, thời kỳ đó Liên Xô làm Cung Đại hội, Trung Quốc xây dựng nhà Quốc hội vì thế nước ta, cũng quyết định làm một hội trường lớn ở khu Quần Ngựa và gấp rút thành lập ban chỉ huy xây dựng hội trường. Các đồng chí trong Ban Bí thư xem đây là việc nhỏ nên đã không báo cáo với Bác, nhưng Bác biết tin, Người nói: "Chưa nên làm vì dân ta còn khổ quá. Bao giờ dân ta khá hơn, xoá được các nhà ổ chuột thì hãy làm. Mình nghèo anh em ai người ta chẳng biết, không có gì phải xấu hổ vì không có hội trường lớn”. Và công trình xây Hội trường lớn được dừng lại và chỉ xây một hội trường vừa phải, đó là nhà họp Quốc hội Ba Đình. Hay trong buổi Bác dự phê duyệt quy hoạch thành phố Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đề nghị Bác cho chuyển Thủ đô sang phía Vĩnh Yên, vì ở Hà Nội hiện nay khí hậu rất nóng. Đồng chí Bí thư Thành ủy dứt lời, Bác cười và bảo: "Từ xa xưa tổ tiên mình xây dựng Kinh đô bên này sông Hồng là có ý cả. Bây giờ đồng bào miền Nam vẫn hàng ngày hàng giờ gian khổ chiến đấu mà trái tim vẫn hướng về Thủ đô Hà Nội, nếu mình dời Thủ đô đi nơi khác thì đồng bào sẽ nghĩ thế nào? Thôi thì bây giờ chú cứ sang bên ấy, còn Bác ở lại bên này nhé!”. Nghe vậy mọi người cười ồ mà thật thấm thía. Một đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương đề nghị xin chuyển Văn phòng Trung ương về vị trí trường Anbe Sarô cũ vì ở đó vườn rộng hơn, vị trí đẹp hơn. Nghe thế Bác bảo ngay: "Văn phòng Trung ương như thế đẹp rồi”! Im lặng một lúc Bác quay lại hỏi mọi người: "Thế các chú có biết Văn phòng Trung ương xây dựng chỗ nào thì tốt nhất không?”. Thấy mọi người nhìn nhau, Bác chỉ tay vào ngực mình và nói tiếp: "Xây ở trong này, trong lòng nhân dân là tốt nhất!”.

Trong hai ngày họp của Bộ Chính trị 8 và 9-4-1960 bàn về phương án thiết kế, xây dựng trụ sở Quốc hội, Người đã góp ý một số vấn đề về hướng nhà Quốc hội. Sau khi nghe Trưởng đoàn chuyên gia Trung Quốc báo cáo về thiết kế, Người phát biểu cảm ơn các chuyên gia và nêu một số ý kiến khi tiến hành xây dựng phải cần kiệm, tránh lãng phí nguyên vật liệu, giúp đỡ lẫn nhau giữa chuyên gia và cán bộ Việt Nam.

Từ giai đoạn bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, cơ sở vật chất ta còn nghèo nàn, trình độ khoa học còn lạc hậu, nhưng định hướng chiến lược và tầm nhìn xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quy hoạch đô thị rất hiện đại, khoa học và ngày nay càng có ý nghĩa thực tiễn. Thiên thời như lượng mưa, tốc độ gió, giờ nắng trong một năm không chỉ tác động đến nông nghiệp mà ảnh hưởng đến môi trường đô thị, cây xanh, không khí và điều hoà không khí chung của thành phố; Địa lợi như địa tầng, địa chất, dòng chảy của sông, vị trí các hồ rất quan trọng trong quy trình làm móng xây dựng chống động đất và phân bố nguồn nước chung; Nhân hoà như phục vụ được mục đích chung của cả nhân dân và Nhà nước, các cơ sở hạ tầng phải được thiết kế sao cho tiện lợi cả dân sinh, xã hội, đối nội và đối ngoại. Mô hình quy hoạch thành phố mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra cách đây nửa thế kỷ đã mang dáng dấp của một Thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng cho đến tận bây giờ, một số công trình cơ bản của Hà Nội như trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm, quy hoạch, lưới điện, sự tiện lợi…vẫn chưa đáp ứng đúng yêu cầu cần phải có của một thành phố công nghiệp mới và đang trên đà phát triển toàn diện. Rất nhiều khu chung cư cao hàng chục tầng được xây dựng nhưng lại không có chợ, trường học, bệnh viện; hệ thống thoát nước không cải tạo được nên gây ngập lụt trên diện rộng mỗi khi trời mưa to; lưới điện gồm tổng hợp các loại dây cáp ti vi, internet, điện thoại, điện đèn tổng chiều dài đến 126.000km treo lơ lửng, dày đặc thành búi trên các cột, cây; các hạng mục thi công không có tính toán quy hoạch cụ thể nên chắp vá: Làm xong đường mới làm cầu vượt cho người đi bộ, giải phóng mặt bằng khi mở rộng nút giao thông…đặc biệt là chuyện cái vỉa hè đào lên - lấp xuống quanh năm do sự phối hợp không đồng bộ giữa các ngành giao thông - điện lực - nước sạch; rồi xây xong phá đi như nhà cao tầng không phép hoặc những con trạch giao thông di động gây cản trở các phương tiện…

Tất nhiên mọi sự khởi đầu đều không dễ dàng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và nhân dân Thủ đô, chúng ta nhất định sẽ thực hiện được những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.

Theo Đỗ Hoàng Linh

Báo Đại Đoàn kết

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: