Tình cảm và cách dùng người tài của Bác Hồ nói chung, trong đó có lớp nhân sĩ trí thức của Thủ đô Hà Nội nói riêng trong cuộc kháng chiến vĩ đại là một tư tưởng nhân văn, sáng suốt dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Người...

Trong số những trí thức Hà Nội dưới thời thực dân Pháp đô hộ, có nhiều người thành danh từ nền giáo dục phương Tây và đang làm việc trong bộ máy hành chính của chính quyền bù nhìn; nhưng trong tâm trí họ luôn có một tình cảm đặc biệt với Nguyễn Ái Quốc. Họ coi Nguyễn Ái Quốc như hiện thân của lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức phản kháng trước sự đô hộ của ngoại bang.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trên cương vị Chủ tịch Nước, Bác Hồ luôn quan tâm và chỉ đạo giải quyết nhiều việc thiết thực, liên quan tới cái ăn, cái mặc của người dân; đồng thời nâng cao ý thức đại đoàn kết toàn dân tộc; coi trọng và trọng dụng hiền tài, bổ nhiệm nhiều nhân sĩ, trí thức vào Chính phủ... Điều đó càng làm cho giới trí thức Hà Nội hiểu hơn và nâng cao uy tín cho Chính phủ Cụ Hồ.

Bac Ho voi tri thuc HN
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên thăm Trường Đại học
Y - Dược khoa (14/11/1955).

Năm 1946, sau khi Pháp bội ước, Hồ Chủ tịch cùng Chính phủ rút lên Chiến khu Việt Bắc, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Tuy nhiên, bị kẹt ở lại Thủ đô có một số nhân sĩ, trí thức có tên tuổi vì lý do nào đó không thể theo Chính phủ Cụ Hồ lên Chiến khu kháng chiến.

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh” - câu nói của người xưa luôn là một triết lý đúng. Nhưng trong bối cảnh đất nước bị xâm lăng, nếu để “hiền tài” rơi vào tay giặc thì thiệt hại của nó có thể ví như tiếp thêm cho địch hàng binh đoàn thiện chiến...!

Đầu năm 1947, tin báo từ Đội quân báo thiếu nhi - Trạm giao thông Công an quận 6 hoạt động trong Hà Nội bị tạm chiếm, tới Việt Bắc: "Địch đang có âm mưu lôi kéo Vĩnh Thụy về nước để lập Chính phủ bù nhìn, đồng thời vận động một số nhân sĩ, trí thức có uy tín tham gia Chính phủ này...".

Bác Hồ nhận được tin liền gặp các trí thức đang làm việc trong Chính phủ  kháng chiến và giao nhiệm vụ bằng uy tín của họ, viết thư vận động các nhân sĩ, trí thức đang sinh sống, làm việc trong vùng địch không tham gia vào Chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên nhằm phá âm mưu "Dùng người Việt, trị người Việt" của chúng. Và vận động các vị đó giúp Trung ương nắm được tình hình của địch...

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng là một trí thức có uy tín ở Hà Nội, cùng với các trí thức khác như bác sĩ Trần Duy Hưng, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Giáo sư Hoàng Minh Giám đã viết thư cho Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, kĩ sư Đặng Phúc Thông, bác sĩ Trần Văn Lai, luật sư Bùi Tường Chiểu, luật sư Vũ Văn Hiền, nguyên Tổng lý Văn phòng vua Bảo Đại, ông Phạm Khắc Hòe... cùng nhiều nhân sĩ, trí thức khác, vận động họ tẩy chay, không tham gia vào chính phủ bù nhìn do Pháp dựng lên chống lại dân tộc. Đích thân Bác Hồ cũng viết thư gửi một số nhân sĩ, trí thức. Thư được lực lượng Quân báo thiếu nhi Công an quận 6 đưa vào nội thành, trao tận tay cho các nhân sĩ, trí thức Hà Nội.

Người đầu tiên nhận được thư của Bác và Chính phủ ta là vợ chồng Giáo sư Hoàng Xuân Hãn; tiếp đến là bác sĩ Phạm Biểu Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn; bác sĩ Trần Văn Lai, nguyên đốc lý Hà Nội, người đã chỉ đạo thay tên các phố tây bằng tên các danh nhân Việt Nam. Trong một bức thư Bác Hồ gửi tới một trí thức, Người có vẽ một bức đồ họa trên tờ pơluya, bức đồ họa là hình một người đang lên dốc với dòng giải thích ngắn gọn: “Ta ở thế lên dốc, địch ở thế xuống dốc”. Bức họa hàm chứa nội dung sâu sắc, có thể hiểu đại ý là: “Ta ở thế lên dốc”, tức là cuộc kháng chiến của ta dù trường kỳ, vất vả nhưng đang đi lên phía trước tới ngày toàn thắng; còn địch thì đang ở thế xuống dốc đi xuống báo trước sự diệt vong... Đây cũng là hình tượng để cho các trí thức có thể tự nhìn nhận chính mình, sáng suốt lựa chọn giữa hai con đường: Ta và địch.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp cưỡng ép cụ Phạm Khắc Hòe, một nhân sĩ yêu nước phải giúp họ kéo Vĩnh Thụy đang lưu vong ở Hồng Kông về nước lập Chính phủ bù nhìn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân viết thư mời các trí thức, trong đó có cụ Hòe và vợ chồng kỹ sư Đặng Phúc Thông lên Việt Bắc. Sau đó, các vị này đã được Công an quận 6 Hà Nội đưa theo đường bí mật lên chiến khu.

Những nhân sĩ, trí thức không có điều kiện lên Việt Bắc thì nhiều người tẩy chay, không tham gia Chính phủ Bảo Đại, trong đó có Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Bị Pháp o ép mạnh, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã sang Pháp làm việc viết sử, nghiên cứu khoa học, chứ nhất định không tham gia vào Chính phủ bù nhìn, cho dù có được giữ chức vụ gì!

Các trí thức khác như cụ Trần Văn Lai, luật sư Bùi Tường Chiểu, Vũ Văn Hiền "trùm chăn" không tham gia chính quyền ngụy, sống bằng nghề thầy thuốc tư và thầy cãi tư. Hoặc có những nhân sĩ, trí thức không đóng góp cho cách mạng bằng con đường công khai, nhưng ngấm ngầm giúp đỡ cách mạng bằng những nghĩa cử cao đẹp.

Lời mời như mở tấm lòng, với những nhân sĩ, trí thức có điều kiện, vốn đã có tình cảm với cách mạng, nên khi nhận được thư, nhiều nhân sĩ, trí thức đã rời bỏ chốn thị thành hoa lệ, rời bỏ công việc với mức lương hậu hĩnh trong bộ máy chính quyền thực dân để lên Việt Bắc tham gia Chính phủ Cụ Hồ.

Trong số họ đã có nhiều người được đề cử vào các chức vụ quan trọng trong Chính phủ Việt Minh như: Kỹ sư Đặng Phúc Thông được giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Giao thông; cụ Phạm Khắc Hòe thì làm công tác pháp lý ở Bộ Nội vụ... Ngay cả cụ Trần Văn Lai, mặc dù không có điều kiện lên Việt Bắc, nhưng cụ nuôi dưỡng cán bộ Công an trong nhà và sau ngày giải phóng Hà Nội, cụ được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội...

Tình cảm và cách dùng người tài của Bác Hồ nói chung, trong đó có lớp nhân sĩ trí thức của Thủ đô Hà Nội nói riêng trong cuộc kháng chiến vĩ đại là một tư tưởng nhân văn, sáng suốt dựa trên tinh thần đại đoàn kết dân tộc của Người luôn là một bài học quý trong việc tuyển chọn, giáo dục và đào tạo cán bộ hiện nay.

Theo Trần Văn

http://www.quandany.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: