Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội.

Kể từ Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn bó với mảnh đất Hà Nội. Ngày 26/8/1945, Người từ Chiến khu Việt Bắc về  Hà Nội. Tại căn nhà 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Cách mạng Tháng Tám thành công đập tan gông xiềng của thực dân phong kiến, nhân dân ta bắt đầu thực sự được làm chủ cuộc đời.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào. Sau đó không lâu, thực dân Pháp bội ước, nhân dân Việt Nam không còn cách nào khác phải đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Người.

tam long cua Bac Ho 1

Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, nơi Bác Hồ soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh tư liệu

Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân ta vừa bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế ở miền Bắc và tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà thì đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc xã hội chủ nghĩa ngày càng ác liệt, nhằm ngăn cản sự chi viện của tiền tuyến lớn miền Bắc cho hậu phương lớn miền Nam.

Ngày 17/7/1966, từ Thủ đô Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi vang vọng “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước của Hồ Chủ tịch”, trong đó có đoạn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Cũng từ đó, câu nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người đã trở thành chân lý của thời đại.

Ngay trong những tháng năm chiến tranh ác liệt dưới bom đạn Mỹ, Bác Hồ kính yêu vẫn hàng ngày chăm cá, chăm cây, vui với đàn cháu nhỏ và bàn việc nước bên ngôi nhà sàn giản dị trong vườn cây trái xum xuê ở giữa lòng Thủ đô yêu dấu… Rồi cũng ở Hà Nội, Bác Hồ đã viết những dòng Di chúc trước lúc đi xa, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí, cho dân tộc Việt Nam. Những ngày đầu tháng 9/1969 trời Hà Nội mưa tầm tã như hòa cùng nỗi đau của người dân Việt Nam từ nay vắng hình bóng Bác... 

Như vậy, có thể nói, tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu hết được thể hiện ở mảnh đất kinh đô ngàn năm văn vật. Và không chỉ có vậy, Bác Hồ còn thể hiện tấm lòng trân trọng biết ơn, mối quan tâm sâu sắc đầy tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội.

Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch nước, Người đã có 73 bài viết riêng về Hà Nội, về nhân dân Hà Nội (theo sách Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội - NXB Chính trị quốc gia, 2004. Các trích dẫn dưới đây đều ở cuốn sách này).

Nhà thơ Tố Hữu đã nói rất đúng về cách ứng xử rất mực tình người của Bác Hồ: “Giọng của Người không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước”.  Thật vậy, suốt cuộc đời cách mạng, Bác Hồ đã luôn thể hiện là vị “công bộc” tận tụy của dân. Mọi việc làm, từ lời nói đến hành động ở Người đều thể hiện là  “người đầy tớ thật trung thành” của nhân dân. Điều ấy thể hiện trước hết ở tấm lòng biết ơn dân.

tam long cua Bac Ho 2

Ngày 2/9/1945, H Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh tư liệu

Ngay ở kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam mới (năm 1946), với sự tín nhiệm tuyệt đối của cử tri, một số đồng bào ta đề nghị Hồ Chí Minh không phải ứng cử. Người đã viết thư cảm ơn: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới”.

Sau 9 năm kháng chiến, chúng ta về lại Hà Nội, Người đã có lời cảm ơn thật chí tình: “Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào Thủ đô và bộ đội hôm nay long trọng và thân mật chào mừng Chính phủ”.  Trong lần Tổng tuyển cử Quốc hội khóa II,  Người cũng viết thư cảm ơn đồng bào Thủ đô đã đề nghị Người ứng cử ở khu vực Hà Nội.

Ở một lá thư khác, Người viết:

“Thưa đồng bào thân mến

Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri”. Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt? Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta”.

Có lẽ không cần bình luận gì thêm mà mượn một ý của cổ nhân khi nói về thơ hay để nói về những dòng chữ đầy ân tình này của Bác: Thơ (văn) hay là thứ thơ (văn) mà khi đọc lên người ta không còn thấy câu chữ mà chỉ thấy tình người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan tâm đặc biệt với nhân dân Hà Nội. Người thường xuyên gửi thư tới các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, tới nông dân, công nhân, trí thức... Nhưng Người đặc biệt quan tâm tới tầng lớp thanh thiếu niên, nhi đồng Hà Nội.

Khi Hà Nội mới được giải phóng, những tàn dư văn hóa thực dân còn rơi rớt lại thì Người đã ân cần chỉ ra khuyết điểm của số ít thanh niên Hà Nội: Thanh niên Hà Thành vốn giữ tính kiêu căng, biệt phái...” và chỉ ra cách khắc phục: “Phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành một khối thanh niên khuôn mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”.

Trong 10 lá thư, bài viết, bài phát biểu về thanh niên, thiếu niên, sinh viên Hà Nội, Bác Hồ đều khuyên thanh thiếu niên Thủ đô đoàn kết thân ái và chăm chỉ học tập phát huy sáng kiến để thanh thiếu niên cả nước học tập, Người nói: “Thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước”.

Về mối quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Hà Nội, có một điều đặc biệt là Bác Hồ rất chú ý tới nhân dân ngoại thành Hà Nội. Người đã có 4 bức thư, bài viết riêng về nhân dân khu vực ngoại thành:

- Gửi đồng bào ngoại thành Hà Nội;

- Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ làm công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở ngoại thành Hà Nội.

- Bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm;

- Bài phát biểu tại Hội nghị sơ kết cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ “bốn tốt” ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Có thể là khi đó người dân ngoại thành Hà Nội còn vất vả nên Người dành mối quan tâm sâu sắc hơn. Người động viên: “Ngoại thành cũng là Thủ đô. Mà “thủ” là đầu, phải đi đầu...” và mong muốn: “Các đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành  thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”.

Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Người mong muốn làm sao để cho Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Hồi mới giải phóng, Người xác định nhiệm vụ trung tâm cho Hà Nội là “giữ gìn  trật tự an ninh”, là “ổn định sinh hoạt”, là “vệ sinh sạch sẽ” là “phòng bệnh”. Muốn thế mọi người dân Thủ đô phải đoàn kết, tăng năng suất công tác, phải học tập, phải giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục.

Sau này, trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu nhân dân Hà Nội..., Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện, mà trước hết là phát triển Đảng: “Hà Nội cần phải củng cố và phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên Lao động và công đoàn. Đảng bộ Hà Nội cần phát triển thêm thành phần công nhân, nông dân, lao động trí óc và phụ nữ vào Đảng”. Người căn dặn Đảng bộ Hà Nội phải luôn “không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”.

Đó cũng là một biểu hiện tư tưởng vì con người hết sức cao đẹp của Bác Hồ kính yêu.

tam long cua Bac Ho 3

 Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956. Ảnh: GDTTGDTĐ

Hà Nội hôm nay ngày càng đổi mới, phát triển để xứng đáng là trái tim của cả nước thì càng phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Thành phố Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một Thủ đô xã hội chủ nghĩa. Muốn như thế thì mỗi một xí nghiệp, mỗi một đơn vị bộ đội, mỗi một trường học, mỗi một đường phố, mỗi một cơ quan và mỗi một nông thôn ở ngoại thành phải thành một pháo đài của chủ nghĩa xã hội”.

Lời dạy và cũng là mong muốn của Bác Hồ sẽ mãi mãi là động lực thôi thúc nhân dân Hà Nội sát cánh cùng cả nước xây dựng Thủ đô, xây dựng đất nước giàu mạnh trong thời đại mới.

Theo Tiến Mạnh
(Nguồn: Văn nghệ quân đội)

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: