vi dai tuong huyen thoai

Ông là vị tướng hiện thân của những phẩm cách cao quý "Trí, Tín, Dũng, Nhân, Liêm, Trung" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã răn dạy, thể hiện rõ trong suốt cuộc đời cầm quân đấu trí, đấu lực suốt hai cuộc trường trinh vĩ đại chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho và mất ngày 4/10/2013 tại Viện Quân Y 108, thọ 103 tuổi. Cuộc đời cầm quân của vị Đại tướng huyền thoại gắn liền với sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lời dạy mà Ông luôn tâm niệm "Dĩ công vi thượng"- đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, lợi ích nhân dân lên trước hết.

Sớm tham gia hoạt động cách mạng, ngay từ năm 1930, khi mới 19 tuổi, trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Ông bị bắt và giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) cùng với Nguyễn Thị Quang Thái, em trai Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng... Cuối năm 1931, được trả tự do nhưng không ở lại Huế, ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut; nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit)...Từ năm 1936 đến năm 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Thời kỳ này, Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các Báo Tin tức, Dân chúng, rồi dạy môn Lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội…

Tháng 5/1940, với bí danh Dương Hoài Nam, ông cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi sang Trung Quốc. Tháng 6/1940, ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thúy Hồ (Trung Quốc). Được sự dìu dắt của Người, ngay trong năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1941, ông trở về nước hoạt động, tích cực tham gia thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng…

Cuối năm 1944, tin tưởng rằng: Việc quân sự thì giao cho chú Văn (bí danh của Đại tướng), Chủ tịch Hồ Chí Minh trao ông trọng trách thành lập “Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân”. Sau một thời gian chuẩn bị, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22/12/1944, với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, và đội quân này ngày 25/12/1944 đã lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần theo đúng lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, giữa những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi, khi thời cơ cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do và hòa bình cho nhân dân Việt Nam đang chín muồi thì Chủ tịch Hồ Chí Minh ốm nặng. Khi ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp thường ở bên cạnh Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh sốt liên tục, cơn sốt dường như không giảm, song mỗi khi tỉnh, Người lại trao đổi về tình hình và nhiệm vụ cách mạng với Ông. Trong rất nhiều những điều dặn dò của Người, lời căn dặn với đồng chí Võ Nguyên Giáp khi ấy: “Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh đến đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập!” đã trở thành mệnh lệnh chiến đấu, hiệu lệnh vùng lên của cả dân tộc nhằm thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Chuyện kể rằng, Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chống lại thù trong giặc ngoài điên cuồng chống phá bằng những sách lược linh hoạt, nhân nhượng, mềm dẻo, nhằm tranh thủ qũy thời gian hòa bình để chuẩn bị thực lực cho cuộc trường chinh kháng chiến lâu dài tất yếu sẽ xảy ra… Khi ấy câu nói của đồng chí Võ Nguyên Giáp "Mình phải lùi lại một khoảng để lấy đà” trả lời một câu hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy, ông không chỉ là học trò xuất sắc, người ở gần mà còn rất hiểu chủ ý của Người. Bởi, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì "Chúng ta nhân nhượng với giặc chính là đang lùi lại để lấy đà đấy!”.

Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng trong toàn quốc, chuẩn bị cho việc di chuyển lên Việt Bắc, tại một cuộc họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc, Hà Nội có thể giữ được bao lâu?”, Ông trả lời: “Thưa Bác! Có thể giữ được một tháng”. Người lại hỏi: “Các thành phố khác thì sao?”, Ông liền trả lời: “Các thành phố khác thì ít khó khăn hơn”… Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi tiếp: “Còn vùng nông thôn?”, không do dự, Ông trả lời: “Vùng nông thôn ta nhất định giữ được”. Bản  lĩnh, kiên quyết và sự vững vàng trong từng câu trả lời của đồng chí Võ Nguyên Giáp góp phần nhân niềm tin của quân dân ta vào Đảng, Chính phủ và Quốc hội khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Và một trọng trách mới, nặng nề hơn, khó khăn hơn bắt đầu khi Bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp ra lệnh mở cuộc tổng giao chiến lịch sử vào 20 giờ ngày 19/12/1946…

Tại căn cứ địa Việt Bắc, ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Ngày 28/5/1948, tại buổi lễ phong quân hàm cho vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Nhân danh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sỹ, làm trọn sứ mệnh mà quốc dân phó thác”. Ngày 19/8/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 206/SL lập Hội đồng quốc phòng tối cao gồm 6 người và cử Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng quốc phòng làm nhiệm vụ kiêm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân.

Năm 1953, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối. Tại cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo tháng 9/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày tình hình địch, cân nhắc kỹ thế trận giữa ta và địch... và bản đề án tác chiến của Tổng quân uỷ được Bộ Chính trị thông qua. Tiếp đó, sau những thắng lợi to lớn của quân ta trong đợt 1 của chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954, kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch chiến lược Nava đã được Bộ Chính trị quyết định. Bước vào giai đoạn 2 của chiến cuộc Đông- Xuân 1953-1954, với quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh nhất trong hàng loạt các tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Đông Dương, quân ta đã chuyển từ việc “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” sang đánh trực tiếp vào chỗ mạnh nhất của quân địch. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của trận quyết chiến chiến lược này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được trao trọng trách Chỉ huy trưởng Mặt trận và Bí thư Đảng uỷ mặt trận. Trước khi lên đường, Đại tướng đã nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh mật lệnh: “Tổng tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”[1].

Thực hiện lời Người, khi đến Điện Biên Phủ, trực tiếp theo dõi tình hình địch suốt 11 ngày đêm, thấy địch đã xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, Đại tướng xét thấy phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” không bảo đảm chắc thắng. Từ đó, Đại tướng đã quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh, giải quyết nhanh thành "đánh chắc, tiến chắc". Thực tế đã chứng minh quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của Đại tướng hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt, góp phần giảm đến mức tối đa xương máu của chiến sĩ ấy đã là một trong những nhân tố quyết định quan trọng làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nỗ lực, đồng tâm, đồng lòng của toàn quân, toàn dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược, thực hiện khát vọng của cả dân tộc đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một trong những quyết định của Đại tướng nhằm góp phần chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, đảm bảo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng để đánh Mỹ và thắng Mỹ, đó là Đại tướng đã đề xuất với Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho mở tuyến đường chiến lược Trường Sơn- Đường mòn Hồ Chí Minh - Đường 559… Thực tế đã cho thấy tuyến đường huyết mạch này đã góp phần quan trọng vào mỗi chiến thắng của quân dân miền Nam, của hai nước bạn Lào và Camphuchia trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Lịch sử cũng cho thấy, những chiến công vang dội của quân dân miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam kéo dài 30 năm đều ghi dấu ấn của vị tướng cầm quân huyền thoại. Phá sản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", đế quốc Mỹ đưa quân vào miền Nam tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, chiến thuật của bộ đội Tây Nguyên là “chốt kết hợp với vận động” đã được Đại tướng và Bộ Tổng Tham mưu điều chỉnh thành “Vận động tiến công kết hợp với chốt”, mở ra khả năng đánh mới, tiêu diệt những đơn vị quân Mỹ trên chiến trường… Những ngày tháng 12/1972 lịch sử, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và cơ quan Tổng hành dinh làm việc suốt ngày đêm ở trong Thành cổ. Hai ngày trước khi Mỹ giội bom, Bộ Tổng Tư lệnh đã chuyển lực lượng vũ trang 3 thứ quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất... Chủ trì cuộc họp bất thường của Thường trực Quân ủy Trung ương, Đại tướng nhận định tình hình và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là bộ đội phòng không và không quân phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng này của địch; chỉ đạo trước mắt là kiên quyết đánh địch, triệt để sơ tán phòng tránh và tích cực bảo đảm giao thông vận tải…”[2]. Đánh trả thắng lợi cuộc tập kích đường không của không lực Hoa Kỳ suốt 12 ngày đêm, một "Điện Biên Phủ trên không" giòn giã của quân dân miền Bắc đã là điểm nhấn cuối, cùng với thắng lợi của quân dân ta trên các chiến trường đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấp nhận những điều khoản nhân nhượng mà chính họ trước đó đã từ chối.

Hoàn thành mục tiêu "đánh cho Mỹ cút", Đại tướng và Tổng hành dinh tiếp tục cuộc đấu trí mới trong chiến cục Đông - Xuân 1974-1975, nhằm thực hiện "đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam trong năm 1975 và 1976, trước hết giải phóng Tây Nguyên. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh đã xây dựng thế trận căng quân ngụy  ra ở hai đầu chiến tuyến. Phía Bắc giữ quân ngụy ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ quan ngụy ở Sài Gòn, khiến quân ngụy bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên… Quân ngụy đã rơi vào thế trận của quân ta và quân ta bất ngờ giải phóng Ban Mê Thuột - phá vỡ Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược trên chiến trường. Thời cơ lịch sử đã đến, với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự, Đại tướng và Bộ chỉ huy ở Tổng hành dinh đã chỉ huy các mũi tiến công của đại quân ta bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, nhằm giải phóng miền Nam trong mùa Xuân năm 1975. Mệnh lệnh của vị Đại tướng lừng danh, khát vọng của quân dân cả nước "Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn" đã trở thành tiếng kèn xung trận, thể hiện một tư duy quân sự thiên tài trước thời khắc hệ trọng lịch sử của dân tộc, góp phần vào chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối…

Chiến tranh đã lùi xa, những chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên là minh chứng hùng hồn nhất cho một tư tưởng quân sự nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Những chiến công của quân đội ta do ông là nhà kiến tạo, góp sức đó là những mốc son trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, là kết quả của một tư duy quân sự, phẩm cách cao quý của một vị Đại tướng văn võ song toàn, đã đưa Ông trở thành một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới.

Nói về vị Đại tướng lừng danh, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, quân sự, hay chính trị đều nhận thấy Đại tướng là một nhà chính trị, quân sự tài năng, sắc sảo nhưng khoan hòa, có tinh thần độc lập, tự chủ... Từ điển bách khoa toàn thư Pháp viết: “Là người tổ chức quân đội nhân dân, ông Giáp đã thực hiện được một sự tổng hợp độc đáo các học thuyết quân sự mácxít kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, vận dụng khôn khéo vào những điều kiện của một quốc gia có đất đai tương đối hẹp”. Trong cuốn sách "Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam", nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay đã khẳng định: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại...Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”…

Trả lời câu hỏi: "Cái giá phải trả cho chiến thắng có tương xứng không" của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara khi nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Đại tướng nói rất giản dị: Đối với nhân dân Việt Nam thì “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý đó được khẳng định bởi lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong đó nổi bật, đặc sắc và là hạt nhân chính là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần làm chủ đất nước, ý thức tự lực tự cường, nghĩa vụ đối với vận mệnh Tổ quốc…

Và khi cố vấn an ninh của Tổng thống Carter - Brzezinski nói: “Nếu được phép, xin được hỏi Đại tướng một câu: Chiến lược của Ngài là gì?”- Đại tướng đã trả lời: “Chiến lược của tôi là chiến lược hòa bình. Nhưng là hòa bình trong độc lập và tự do”, giản dị như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói từ những năm 20 của thế kỷ XX: "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”[3].

Hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam - đó là khát vọng, là mục tiêu mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành suốt cuộc đời của mình kiên trì phấn đấu để đạt được. Ông đã đi xa, nhưng đức độ, tài năng của “một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới” của Đại tướng luôn sâu đậm trong trái tim và khối óc những người dân Việt Nam hôm nay và các thế hệ con cháu mai sau./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

---------------

[1] Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb. QĐND, H, 1994, tr. 28

[2] Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh,  “Những ngày tháng Chạp ở Tổng hành dinh”, Báo Quân đội nhân dân, số 16757, ngày 15/12/2007

[3] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 1993, t. 1, tr. 94

 

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: