Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở nước ngoài khoảng 30 năm. Năm 1941, Người về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 19-12-1946, Người kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng Tháng Tám.

Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng (1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô Hà Nội lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Năm 1969, Người vĩnh viễn ra đi tại Thủ đô Hà Nội gây xúc động và để lại nỗi thương tiếc vô hạn cho bạn bè quốc tế và cả dân tộc.

Thời gian, Hồ Chí Minh ở Hà Nội dài nhất là sau khi miền Bắc được giải phóng. Người đã để lại cho hậu thế những tư tưởng quý báu, trong đó có vấn đề tôn giáo. Nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là tư tưởng đoàn kết lương giáo và về quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Những tư tưởng ấy không chỉ được thể hiện thông qua những bài viết, lời phát biểu, chỉ thị, sắc lệnh mà còn qua những cử chỉ, hành động cũng như phong cách ứng xử của Người đối với tín đồ, giáo sĩ, nhà tu hành các tôn giáo, trong đó có các vị chức sắc và tín đồ các tôn giáo ở Thủ đô.

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, chỉ cách một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 3-9-1945 khi đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã nêu 6 vấn đề cấp bách hơn cả, trong đó có vấn đề thứ sáu, vì thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và Lương, để thống trị, nên:"Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết".

Hồ Chí Minh cho rằng: “Tất cả mọi người đều có quyền nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu Chủ nghĩa Mác”. Ngày 5 tháng 1 năm 1946 phát biểu tại buổi lễ mừng Liên hiệp quốc gia, Người nói:“Tín đồ Phật giáo tin ở Phật, tín đồ Giatô tin ở Đức Chúa trời, cũng như chúng ta tin ở đạo Khổng. Đó là những vị chí tôn nên chúng ta tin tưởng”. Theo Hồ Chí Minh đó là quyền của con người, quyền ấy cần phải tôn trọng và phải có một thái độ đúng mực, thật thà. Không vì đề cao niềm tin của mình mà phủ nhận, hay nhạo báng, coi khinh niềm tin tôn giáo của người khác. Ngay ông Xanh-tơ-ny cũng phải thừa nhận: “Về phần tôi, phải nói rằng, chưa bao giờ tôi có cớ để nhận thấy nơi các chương trình của Cụ Hồ Chí Minh một dấu vết nào, dầu rất nhỏ của sự công kích, đa nghi hoặc chế giễu một tôn giáo nào bất kì”.

 Dù bộn bề với bao công việc của những ngày đầu khi mới giành đựơc chính quyền, Người vẫn sẵn sàng tiếp chuyện với các đại biểu Công giáo, Phật giáo tại Thủ đô. Người không chỉ quan tâm đến Công giáo ở Hà Nội mà còn quan tâm đến đồng bào Công giáo toàn quốc, vui với niềm vui của bà con, nhất là khi lần đầu tiên: “Đồng bào công giáo ta làm lễ Nôen một cách vui vẻ sung sướng trong nước Việt Nam độc lập tự do”.

Ở Việt Nam có hai tôn giáo lớn nhất là Phật giáo và Công giáo, việc đoàn kết hai tôn giáo này góp phần quan trọng cho đoàn kết dân tộc. Vào ngày 16-10-1945, tại chùa Quán Sứ trước sự hiện diện của đại biểu Phật giáo và Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Mặc dù hai tôn giáo là hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng từ bi nhân đạo mà ra, thì không lý gì, lúc này cũng là con dân Việt Nam, lại không thể đoàn kết giữa hai tôn giáo đựơc”.

Cũng tại Hà Nội vào cuối năm 1945, Hồ Chí Minh nói rõ quan điểm của mình là không phân biệt nghĩa vụ và quyền lợi công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Mọi công dân đều có quyền ứng cử và bầu cử vào Quốc hội: “Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái”, miễn là “người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà”. Linh mục Phạm Bá Trực đã trở thành vị Phó Chủ tịch Quốc hội mà sau này trong lời điếu buổi an táng cụ, Hồ Chí Minh vô cùng thương tiếc “một nhà tận tụy yêu nước" đã “kết hợp đạo đức bác ái theo lời Chúa dạy với tinh thần nồng nàn yêu nước của người đại biểu chân chính cho nhân dân Việt Nam”.

Thấy được nguy hại của xu hướng tả khuynh với tôn giáo diễn ra trên thế giới có thể ảnh hưởng xấu đến Việt Nam, nên ngay sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh đã sớm ban hành Sắc lệnh số 65 (23/11/1945) nhằm: “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá huỷ đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật… có ích cho lịch sử”.

Một năm sau, Hồ Chí Minh soạn thảo, thông qua Hiến pháp (1946) văn bản quan trọng nhất thể hiện thể chế, đường lối của Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên, ghi nhận quyền cơ bản: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do tín ngưỡng”, khác với Hiến pháp một số nước cách mạng cùng thời.

 Ngày 6-8-1946, được sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên đoàn Công giáo Việt Nam có trụ sở tại Nhà Chung, Hà Nội được phép hoạt động.

 Đến ngày 2-11-1946, tại Nhà thờ lớn Hà Nội, Hồ Chí Minh đến dự lễ cầu hồn cho các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc và đề nghị các giáo sĩ, giáo dân cùng thực hiện buổi lễ đó, Người nói “Đồng bào hãy cùng tôi cầu nguyện Chúa cho ngày thắng lợi sắp tới của dân tộc. Cầu nguyện Chúa luôn luôn ban phúc lành cho đồng bào”.

 Theo Hồ Chí Minh, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới có tự do. Tư tưởng này được tín đồ, chức sắc Công giáo ủng hộ. Vào ngày 9-3-1966 có tới 300 linh mục và giáo dân Hà Nội đồng tâm nhất trí ra tuyên bố: “Chỉ có đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta thì người Công giáo ta mới bảo vệ được sinh mạng, tài sản và Thánh đường tôn nghiêm”.

Hiếm thấy có người lãnh tụ theo quan điểm duy vật nào mà lại có thái độ kính trọng khi nói về Chúa Giêsu như Hồ Chí Minh. Người xem Giêsu là bậc thánh nhân, hy sinh vì quần chúng cần lao: “Gần hai mươi thế kỷ trước, một vị thánh nhân đã ra đời. Cả đời Người chỉ lo cứu thế độ dân, hy sinh cho tự do, bình đẳng” và “Đức Thiên chúa đã giáng sinh để cứu vớt nhân loại. Đức Thiên Chúa là một tấm gương hy sinh triệt để vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình, vì công lý”.

Tại Hà Nội, trong bức thư gửi cho đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Nôen năm 1945, Hồ Chí Minh viết: “Cách một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm năm trước, cũng ngày hôm nay một vị thánh nhân là Đức Chúa Giêsu ra đời. Suốt đời Ngài chỉ hi sinh phấn đấu cho tự do, cho dân chủ. Từ ngày Ngài giáng sinh đến nay đã gần 2.000 năm, nhưng tinh thần nhân ái của Ngài chẳng những không phai nhạt mà tỏa ra đã khắp, thấm vào sâu”.          

Lịch sử đã chứng kiến có nhiều nhân vật ngoảnh lưng vào quá khứ, phủ nhận những giá trị mà tôn giáo đạt được. Trái lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá của nhân loại dù có phủ bên ngoài một màu sắc tôn giáo để gạn đục khơi trong, để giữ gìn tiếp biến.

Về mối quan hệ giữa tôn giáo với CNXH, vốn là vấn đề mà nhiều người theo đạo Công giáo thường trăn trở, liệu trong CNXH có chấp nhận sự tồn tại của Công giáo hay không? Ngày 10-05-1958, khi trả lời câu hỏi của các cử tri Hà Nội: “Tiến lên CNXH thì tôn giáo có bị hạn chế không?” Hồ Chí Minh trả lời rõ: “Không. Ở các nước XHCN, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”. Người còn nói rõ thêm, người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH: “Chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người”.

Không ít tín đồ Công giáo có nhu cầu tham gia tổ chức Đảng, nhưng còn băn khoăn, ray rứt trong lòng về vấn đề duy vật-duy tâm, vô thần-hữu thần.   Trong lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức, tổ chức từ ngày 15-7 đến 26-9 năm 1953, Người đã giải tỏa được nỗi trăn trở ấy: “Có anh em hỏi một người Công giáo có thể vào Đảng Lao động không? Có. Người tôn giáo nào vào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”.

Không hề đối lập giữa lý tưởng của Chúa với lý tưởng XHCN, mà Hồ Chí Minh còn thấy sự gặp nhau giữa các học thuyết này, đến mức Người giả thiết và khẳng định rằng: “Nếu đức Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước nỗi đau khổ của người đương thời, chắc chắn Ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ cho loài người”.

Người phân biệt: “Những người Công giáo Việt Nam theo Pháp và bù nhìn, làm hại đồng bào, chẳng những là Việt gian, mà cũng là giáo gian. Còn những đồng bào Công giáo kháng chiến mới là tín đồ chân chính của đức Chúa, vì những đồng bào ấy thực thà: Phụng sự đức Chúa, phụng sự Tổ quốc”.

Người giải thích rõ để mọi người hiểu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xoá bỏ (ví dụ: Lấy vợ, lấy chồng quá sớm, cúng bái, liên hoan lu bù, lười biếng...). Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. CNXH là như vậy, xã hội ấy có gì là xa lạ với ước vọng của quần chúng tín đồ và mong muốn của những người đã từng thành lập ra các tôn giáo lớn trên thế giới. Người thường nêu lên sự tương đồng nhất định giữa mục đích của CNXH với ước vọng của những người sáng lập ra tôn giáo.

Năm 1955, khi nói chuyện với Đại hội đại biểu những người Công giáo yêu nước tại Hà Nội, Hồ Chí Minh tâm sự một cách chân tình, cởi mở: “Các cụ, các cô, các chú biết tôi là người không có đạo, là người cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin, suốt đời hy sinh đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Nay nước nhà đã được giải phóng khỏi ách thực dân, nhân dân ta được hoà bình độc lập, tự do. Tôi và Đảng, Chính phủ lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, các cháu được học hành, người ốm có thuốc vào bệnh viện, đời sống tinh thần, vật chất ngày càng ổn định và nâng cao, để xây dựng đất nước cho giàu đẹp đồng thời đấu tranh vì hoà bình, thống nhất đất nước, cho Nam Bắc sum họp một nhà.

Các cụ, các cô, các chú cùng với chúng tôi lo làm các công việc đó có gì mâu thuẫn hay sai trái với giáo lý của đạo, lời dạy của Chúa Giêsu không? Bà con giáo dân của các cụ, các cô, các chú cũng cần phải ăn, phải mặc, học hành, chữa bệnh, ai ai cũng muốn đời sống được yên ổn, cải thiện, sống hạnh phúc và đoàn tụ gia đình, có phải không? Còn việc đạo, kinh lễ, Chính phủ để các cụ tự do, miễn là đừng làm gì trái với pháp luật, trở ngại cho việc chung của dân và nước. Thực ra Chúa cũng dạy giúp đỡ người nghèo, chống bóc lột, giữ gìn hoà bình, chống chiến tranh, mục đích cao cả của Chúa Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng tự do và thế giới đại đồng”.

Đoàn kết lương-giáo, hòa hợp dân tộc là tư tưởng quan trọng nhất ở Người về tôn giáo. Muốn vậy, Hồ Chí Minh luôn gắn nhiệm vụ của cách mạng với lý tưởng của Chúa. Đây là một phương pháp độc đáo của Người về công tác tôn giáo vận, nhằm động viên tín đồ và chức sắc các tôn giáo đoàn kết tham vào cuộc đấu tranh cách mạng.

Sau ngày giành được độc lập, Hồ Chí Minh đến chùa Bà Đá và Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) dự lễ cầu siêu cho linh hồn đồng bào, chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Lần thứ hai, ngày 5/1/1946, tại chùa Bà Đá, Hội Phật giáo Cứu quốc tổ chức tuần “Mừng Liên hiệp quốc gia”, cầu nguyện cho nền độc lập. Trước thành viên Chính phủ, tăng ni, Phật tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành tâm đọc lời thề: “... Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ”.

Vào năm 1946, tình hình an ninh, chính trị ở Hà Nội không được bảo đảm, nhưng đến giờ phút giao thừa, thời khắc thiêng liêng của dân tộc, khi  nước ta vừa hình thành Nhà nước đầu tiên Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh không quên vào đền Ngọc Sơn (Hồ Hoàn Kiếm-Hà Nội), nơi kết tụ của hồn thiêng đất Việt, khi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) Người đến đền Ngọc Sơn một lần nữa.

Sau thời gian cố gắng tìm kiếm hòa bình, tránh chiến tranh đổ máu không thành công, ngày 21-01-1947 (giao thừa 30 Tết) Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hang núi chùa Trầm (Hà Tây-Hà Nội ngày nay), đọc thơ chúc Tết và kêu gọi đồng bào kháng chiến. Ngày 13/7/1966 (hai mươi năm sau), Bác lại về chùa này và căn dặn: “Các chú phải tôn trọng tín ngưỡng của nhân dân... giữ gìn, bảo quản để mai sau đất nước hòa bình làm nơi tham quan rất tốt…”. Từ đấy, chùa Trầm (Hà Nội) trở thành di tích lịch sử văn hóa đặc biệt cuốn hút nhiều du khách, học giả đến tham quan, nghiên cứu.

Trong chuyến thăm đất nước khai sinh ra Phật giáo, Tổng thống Ấn Độ đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cây Bồ Đề nơi Đức Phật tọa thiền và thành đạo. Người đem về nước và cho trồng tại chùa Trấn Quốc, ngôi chùa linh thiêng bậc nhất ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 19-5-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Hương (Hà Tây- nay là Hà Nội) thành tâm kính lễ Phật Bà Quán Thế Âm và không quên nhắc nhở chính quyền phải bảo vệ, xây dựng chùa ngày càng đẹp hơn để nhân dân đến lễ Phật.

Hồ Chí Minh đã từng đến những nơi thờ tự ở Hà Nội như: Chùa Hương, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Thầy, chùa Trầm, đền Ngọc Sơn, thành Cổ Loa, ngoài ra Người còn đến chùa Côn Sơn, đền Hùng, đền Kiếp Bạc,... thành kính thắp hương ghi ơn những tiền nhân lịch sử văn hóa của dân tộc.

 Trên thế giới hiếm thấy có một vị lãnh tụ cộng sản nào, theo quan điểm duy vật mà lại có sự nhận thức, ứng xử với tôn giáo như Hồ Chí Minh. Có thể thấy lập trường về tôn giáo của Người khác xa với các chính khách cùng thời. Là một chiến sĩ cách mạng, mục tiêu mà Người nguyện hy sinh phấn đấu suốt đời là, giải phóng dân tộc, giai cấp và con người. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy ở đâu, nơi nào có điều kiện là Hồ Chủ tịch khẳng định quyền tự do tôn giáo, đoàn kết toàn dân không phân biệt tôn giáo để giành độc lập cho Tổ quốc, cơm no, áo ấm cho mọi người. Nhưng trong tâm khảm sâu thẳm, người ta còn thấy Hồ Chí Minh tiếp cận tôn giáo dưới góc độ văn hóa. Cách ứng xử với chức sắc, tín đồ, thái độ đối với các vị sáng lập ra tôn giáo, cũng như thường xuyên chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc, hội họa, nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo ở Thủ đô Hà Nội và những nơi thờ tự khác, khiến cho người ta thấy: "Hình ảnh Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”./.

PGS, TS Nguyễn Đức Lữ
Theo btgcp.gov.vn
Minh Thu (st
)

Bài viết khác: