Đó là chia sẻ của GS - Anh hùng lao động Vũ Khiêu trước những tình cảm mà người dân cả nước thành kính dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày qua.

vu khieu a 
Dòng người xếp hàng vào tưởng niệm Đại tướng tại 30 phố Hoàng Diệu, Hà Nội

 vu khieu b

Sinh viên Lê Xuân Hiệp (ĐH Công nghiệp HN) ôm chân dung Đại tướng

 vu khieu c

GS Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp - trước bàn thờ Đại tướng tại gia đình

            Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu - người cũng đã ở tuổi 99, đã có gần 70 năm gắn bó với Đại tướng, là tri kỷ của nhau, trong nhà Giáo sư có rất nhiều ảnh chụp, tượng và cả bút tích của Đại tướng. Còn từ góc độ một nhà nghiên cứu, đôi câu đối Giáo sư tặng Đại tướng: “Võ công truyền quốc sử/Văn đức quán nhân tâm” là cách mà giáo sư Vũ Khiêu khái quát về cuộc đời vị tướng tài ba lỗi lạc của dân tộc.

 vu khieu d

Giáo sư Vũ Khiêu giới thiệu album ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

            “Thưa Giáo sư, xin ông chia sẻ những cảm xúc khi hay tin Đại tướng ra đi?”

            - Tôi biết Đại tướng đau yếu đã lâu, nhưng nghe tin Đại tướng qua đời, tôi vô cùng đau xót. Tôi gắn bó với Đại tướng rất nhiều. Sau Chiến dịch Biên giới, tôi phụ trách thông tin tuyên truyền của miền Bắc, thường xuyên được điều động đi chiến dịch, tham gia Ban Tuyên huấn mặt trận, thường xuyên gần gũi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh khác để nghe phổ biến tình hình, rồi về viết tin bài, bình luận về chiến thắng của ta. Đại tướng đã ủy nhiệm đồng chí Lê Liêm ở Tổng cục Chính trị thường xuyên liên hệ với tôi, thúc tôi viết bài vở. Ngày đó, tôi đi sát mặt trận, có tin gì sốt dẻo tôi phải lập tức viết ngay trong đêm, có đêm anh Lê Liêm cho người rải chiếu nằm ngay cạnh, đợi tôi viết xong mang về ngay để phát trên Đài Phát thanh. Sau Chiến dịch Biên giới, tôi lại đi theo Chiến dịch Điện Biên Phủ nên rất gần gũi với Đại tướng.

              Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, uy tín của Đại tướng trở thành biểu tượng, ông được giao nhiệm vụ phổ biến chính sách sửa sai trong cải cách ruộng đất, tiếng nói của ông góp phần khẳng định sự tin tưởng của nhân dân vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc. Sau này, với bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, ông cũng nói, phải học tập tinh thần Bác Hồ - nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

              Có lần đến thăm Đại tướng nhân dịp sinh nhật ông từ lâu rồi, tôi tặng Đại tướng đôi câu đối “Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm” -  sự nghiệp võ của Đại tướng mãi mãi trong lịch sử dân tộc, văn hóa và đạo đức của Đại tướng mãi trong lòng người. Đôi câu đối đó được Đại tướng rất thích và treo trong nhà.

               “Võ công truyền quốc sử” - tài cầm quân của Đại tướng cũng không tách rời phẩm chất “văn đức quán nhân tâm” của ông, phải không, thưa Giáo sư?

               - Tôi còn nhớ năm 1980, Đại tướng được giao nhiệm vụ tổ chức hội thảo quốc tế kỷ niệm 500 năm ngày sinh Nguyễn Trãi. Đại tướng viết bài tham luận rất công phu, đưa các nhà khoa học góp ý, rồi Đại tướng lại sửa chữa lại. Tôi học được cái nghiêm chỉnh của Đại tướng, tài liệu đưa ra công chúng phải chuẩn bị rất chu đáo. Trong bài, Đại tướng nhắc đến tư tưởng của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.

              Chúng ta không xâm phạm đất của ai nhưng không để ai xâm phạm nước ta. Đó là truyền thống Đại tướng tiếp thu từ cha ông ta. Đại tướng từng dạy sử, ông uyên bác sử Việt Nam và cả sử thế giới. Ông nghiên cứu các trận đánh suốt từ Lý Thường Kiệt, tới Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, để rút ra bài học khi nào thì tiến, khi nào thì lui, khi nào tốc thắng, khi nào bền bỉ. Ngay ở Điện Biên có lúc ta đã chuẩn bị đánh lớn, đưa pháo vào rồi, nhưng nếu không rút thì ta sẽ tổn thất rất lớn. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không những đánh mà phải đánh thế nào để ít hại quân.

              Đó là truyền thống của dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp học hỏi tác phong, tinh thần nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn bó với nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, bảo vệ tính mạng và hạnh phúc cho nhân dân, không thể hy sinh bằng bất cứ giá nào của nhân dân được. Đạo đức đó bao trùm lên lòng người. Nhân dân hiểu tấm lòng Đại tướng. Bao nhiêu giọt nước mắt khóc Bác Hồ, giờ lại khóc bác Giáp. Không phải ngẫu nhiên thế giới hô khẩu hiệu “Việt Nam, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp!”, câu đó ngụ ý cả truyền thống dân tộc ta là như thế.

              “Là người bạn tri kỷ, Giáo sư có thể kể những câu chuyện để nói rõ hơn về nhân cách của Đại tướng?”

             - Trong nhà Đại tướng treo bức chữ “Nhân trí truyền gia”, tức là  truyền thống trong gia đình, tổ quốc Việt Nam là nhân hậu và trí tuệ. Nhân hậu là lòng thương bao la đối với nhân dân, quê hương, với đất nước, với nhân loại.

             Đại tướng làm gì cũng tỉnh táo. Khi tôi ở Viện Triết, Đại tướng nhắc nhở, triết là sự sáng suốt, nên các anh phải sáng suốt trong suy nghĩ và hành động.

            Đại tướng cũng rất khiêm tốn, giản dị. Bác Hồ dạy: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn giản dị, Đại tướng có mọi đức tính đó. Hàng nghìn, hàng vạn trang giấy viết về Đại tướng, công lao của Đại tướng là người ngoài nói lên, còn bản thân ông là người rất khiêm tốn.

            Chính là Đại tướng theo chữ Nhẫn, Chữ “Nhẫn” của ông phải hiểu là sự tự chủ, tránh bồng bột, cá nhân, cái gì diễn ra, đối xử giữa con người với nhau cũng là khách quan, không phải nổi giận mà giải quyết vấn đề đó, phải hết sức bình tĩnh, kỹ càng, không nhất thời.

            Là một nhà giáo dục, Đại tướng theo tinh thần không ngừng học hỏi. Đại tướng học từ sử cha ông của ta, của thế giới, nhưng cũng luôn nắm những vấn đề mới nhất theo tinh thần thời đại.

             Tôi sẽ kêu gọi dòng họ Vũ/Võ chúng tôi, với hơn 7 triệu người ở Việt Nam, dựng tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê gốc của dòng họ.

             - Xin cảm ơn Giáo sư.

Mỹ Hằng thực hiện

Theo http://laodong.com.vn

Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: