Ngày 4.10, khi thông tin về Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, trong một căn nhà ở phố cảng Hải Phòng, người đàn ông tóc bạc trắng ngồi trầm tư, mắt ngấn lệ quay sang nói với vợ mình “anh mình đi rồi”.

Ông lão này là Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh - Người có gần 30 năm ghi lại những hình ảnh đắt giá về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 Trong khanh

Nghệ sĩ Nhân dân  Đào Trọng Khánh

“Đừng gọi anh là Đại tướng, hãy gọi là anh Văn”

Căn nhà Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh ở con phố nhỏ nơi thành phố Hải Phòng 2 ngày nay chìm trong không khí lặng lẽ, sự lặng lẽ của mất mát khi tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.

Cũng trong 2 ngày gần đây, bộ phim Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - Một đời người do Nghệ sĩ nhân dân Đào Trọng Khánh làm đạo diễn được phát đi, phát lại nhiều lần trên các kênh truyền hình. Đây được coi là bộ phim thành công nhất, ghi lại chân thực nhất về cuộc đời của vị Đại tướng huyền thoại.

Là một trong những đạo diễn tài năng nhất của Hãng phim Tài liệu Trung ương, Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh có được vinh dự là người được phân công làm nhiều phim tài liệu về các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những nhân vật nổi tiếng.

Cơ duyên để ông Khánh thường xuyên được tiếp xúc với Đại tướng Võ  Nguyên Giáp xuất phát từ công việc.

Ở tuổi ngoài 70, ông Khánh không thể nhớ rõ lần đầu tiên được gặp, ghi lại hình ảnh tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là năm nào mà chỉ biết khi đó Đại tướng khoảng 60 tuổi nhưng tráng kiện lắm.

Ông Khánh kể: “Lần đầu tiên tôi cùng ê kíp gặp Đại tướng để làm phim tài liệu, Đại tướng vỗ vai tôi nói “đừng gọi anh là Đại tướng, hãy gọi là anh Văn. Từ Đại tướng nghe xa lạ lắm”. Từ đó về sau, suốt 30 năm thường xuyên gặp Đại tướng tôi đã quen với cách xưng hô “anh Văn”.

Lần cuối cùng tôi gặp anh Văn là khi anh ấy đang nằm điều trị tại bệnh viện 108.  Khi ấy dù đang nằm trên giường bệnh, anh Văn vẫn nói với người trợ lý: “Chú Khánh bị bệnh tiểu đường, em viết cho chú ấy cái đơn thuốc tiểu đường để chú ấy điều trị” (ông Khánh bị bệnh tiểu đường nhiều năm)”.

Anh Văn là vị tướng xót từng giọt máu của chiến sĩ

Bộ phim “Nửa thế kỷ một ngày” đang được phát trên các kênh truyền hình mấy hôm nay chỉ có độ dài 30 phút. Tuy vậy, nhóm làm phim do NSND Đào Trọng Khánh làm đạo diễn đã mất 1 tháng, ghi 700 phút phim với ý tưởng làm bộ phim dài 10 tập về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không nói nhiều về những bộ phim của mình, NSND Đào Trọng Khánh chỉ nhắc đi, nhắc lại câu: Ai cũng biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thiên tài quân sự, nhưng có một điểm đặc biệt hơn cả: Anh Văn là vị tướng rất thương lính, xót xa từng giọt máu của chiến sĩ.

Những ngày làm phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Khánh được Đại tướng nhắc đi nhắc lại chân lý: Phải chắc thắng thì mới đánh.

Chiến tranh thì không thể tránh khỏi thương vong, mất mát nhưng phải hạn chế tối đa sự hy sinh. Quân đội nhân dân Việt Nam là một đại gia đình trong đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả. Người anh cả đó thương các em, tiếc từng giọt máu của những người em của mình.

30 năm làm phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đào Trọng Khánh từng theo Đại tướng tới nhiều nơi ghi lại dấu ấn của những chiến công hiển hách. Khi Đại tướng thăm lại Cao Bằng, những cụ già, em nhỏ ùa chạy ra vây quanh Đại tướng. Nói về sự kiện này, Đại tướng từng tâm sự: Làm sao quên được bát cơm, hạt gạo của dân trong những ngày khó khăn, gian khổ.

Điện Biên Phủ - những mùa hoa riềng dại

“Tháng 5 năm 1983, tôi đi quay phim ở Điện Biên Phủ chuẩn bị làm phim tư liệu kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đang quay, tôi chợt thấy một chiếc trực thăng hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Từ trên máy bay, anh Văn bước xuống, việc đầu tiên là đưa mắt nhìn khắp lòng chảo Điện Biên. Khi đó khắp lòng chảo Điện Biên vàng rực một sắc hoa riềng dại - loài cây có rất nhiều ở Điện Biên Phủ. Xúc động nghẹn ngào, Đại tướng nói: Năm 1954, khi đánh Điện Biên Phủ cũng là mùa hoa riềng dại nở vàng. Chiến sĩ ta đào công sự giữa bạt ngàn riềng dại, chiến đấu oanh liệt, hy sinh bên những vạt rừng riềng dại” - ông Khánh tâm sự.

Từ câu nói của Đại tướng, sau này ông Khánh tìm lại những đoạn phim tư liệu về Điện Biên Phủ và đã tìm được những thước phim lột tả được sự kiêu hùng và lãng mạn của người lính Điện Biên. Những thước phim ghi lại chân thực cảnh chiến sĩ ta xung phong qua những vạt rừng hoa riềng dại nhả đạn vào quân thù. Có người lính ngã xuống bên những vạt hoa riềng dại ngút ngát tới tận chân trời.

Trong cuộc thăm lại chiến trường năm 1983, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng tâm sự với ông Khánh nhiều câu chuyện mà sau đó đạo diễn này đã đưa vào phim của mình: Ngay trong ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954), Đại tướng đi thị sát chiến trường. Từ những hầm hào, công sự, bộ đội ta chạy ra vây quanh Đại tướng hồ hởi: “Anh Văn ơi, chiến thắng rồi. Anh cho em bắt tay một cái”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ, vị Tổng Tư lệnh lỗi lạc chỉ huy chiến dịch cũng đã qua đời nhưng Điện Biên Phủ vẫn còn mãi những mùa hoa riềng dại ghi dấu một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.

“Anh Văn tốt lắm, nhân hậu lắm”, NSND Đào Trọng Khánh cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy khi nói về người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. 30 năm làm phim tài liệu về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đào Trọng Khánh đau buồn, tiếc nuối về sự ra đi của một con người vĩ đại. Tuy vậy, những khoảnh khắc đáng nhớ mà ông và đồng nghiệp ghi lại sẽ góp phần để con cháu mai sau hiểu thêm về một trong những con người vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc./.

Theo http://laodong.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: