Câu chuyện của Nhà văn Mỹ Lady Borton về ngày Giải phóng Thủ đô, 10/10/1954.

Những năm trước đây tôi thường được xem những thước phim người dân Hà Nội tung hoa lên những đoàn quân Việt Minh ngày 10 tháng 10 năm Giáp Ngọ, và ngắm tấm ảnh nổi tiếng về người lính Việt đầu tiên, nhỏ bé mà kiêu hãnh, đi giữa hai sĩ quan Pháp to lớn, bước chân vào đất Hà thành qua cây cầu sắt.

Tôi đã phỏng đoán rằng cầu Long Biên là khởi điểm cuộc đón chào trên các cửa ô. Và hẳn là việc chiếm Hà Nội khó có thể diễn ra mà không có chạm súng.

Hóa ra tôi đã nhầm...

“Lính Pháp đầy rẫy mọi nơi”

Người lính Việt trên ảnh là ông Vũ Huy Hậu, nay đã ngoài bảy mươi. Ngày ấy, ông là chính trị viên một Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn Tiên phong. Ảnh chụp lúc ông dẫn đơn vị vượt qua cầu Đuống, thuộc huyện Gia Lâm, ngoại vi Hà Nội, ở cách nội thành 10 cây số về hướng Đông - Bắc, vào 6h45 sáng ngày mồng 8 tháng 10 năm 1954.

lady-borton anh-1
Tiểu đoàn Bình Ca qua cầu Đuống về Hà Nội ngày 8/10/1954

Cuộc tiếp quản Hà Nội hai ngày sau đó đã diễn ra thanh bình nhờ sự chu đáo trong khâu lập kế hoạch, vai trò của chỉ huy của ông Hậu cũng như các nỗ lực phòng ngừa của toàn Trung đoàn Thủ đô vào hai ngày mồng 8 và mồng 9.

Sứ mạng của đơn vị ông Hậu quả là gian nan. Ông chỉ có 214 chiến binh đến nhận bàn giao 35 trọng điểm hành chính, kinh tế và văn hóa của Thủ đô từ tay người Pháp.

“Lính Pháp đầy rẫy mọi nơi,” ông Hậu kể. “Chúng tôi sẽ phải giao chiến nếu cần. Nhưng chúng tôi không được làm bộc lộ các cơ sở hoạt động nội thành, và không được phép nhận bất cứ cái gì của dân thường.

Tất nhiên chúng tôi rất tự hào với nhiệm vụ được giao, nhưng cũng cảm thấy gánh nặng của nó. Lực lượng không đông, và chỉ có thể trông chờ vào bản thân mình thôi”.

Nhưng Trung đoàn Thủ đô vào lúc đó đã nổi tiếng về khả năng biết dựa vào chính mình. Chính Tiểu đoàn ông Hậu là đơn vị đầu tiên trở lại, khép kín vòng tròn có điểm khởi đầu là cuộc phòng thủ vô song của Trung đoàn trong nội thành chín năm về trước.

Trở lại từ mùa Đông 1946

Người Pháp quay lại xâm lược vào cuối năm 1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn giữ cho được Hà Nội khả dĩ trong hai tuần để động viên tinh thần kháng chiến của cả nước. Các chiến binh của Trung đoàn Thủ đô đã giữ vững khu phố cổ của thành phố trong hai tháng, cho tới khi cạn kiệt lương thực và đạn dược. Quân Pháp “khóa” chặt các cửa ô và cầu, cống...

lady-borton phan-1-anh-2
Xe quân Pháp rút khỏi nội thành Hà Nội

Đêm 17 tháng Hai Đinh Hợi những chiến sĩ Việt Minh ở lại sau cùng đã đánh một trận quyết liệt trên đường đê để đánh lạc hướng quân địch. Trong khi đó, những người dân xóm chài Long Biên chở hàng nghìn con người, trong đó có cả đàn bà và trẻ em trên những thuyền thúng, luồn lách dưới các trụ cầu, dưới ánh đèn pha và dưới gầm giầy những đội tuần tra của Pháp, lặng lẽ thoát ra ngoài.

Cho tới tháng Mười năm Giáp Ngọ, nhiều trong số những người đã rút lui an toàn ngày ấy đã nằm lại mãi trên những nẻo đường kháng chiến. Một số được thuyên chuyển sang các đơn vị khác. Nhiều người mới mà phần đông từ các miền quê đã đứng vào hàng ngũ Trung đoàn Thủ đô.

Vậy là trong số lính Việt Minh hành tiến qua cầu Đuống sáng hôm ấy, có nhiều người đã sải những bước chân đầu tiên trên đường vào chốn đô thành.

Trong số 214 con người đã nỗ lực cho một cuộc tiếp quản không đổ máu, tới hôm nay chỉ còn 11 người hiện diện.

Đó là một tập thể đầy tự hào mà khiêm nhường, mở miệng bằng việc thông báo rằng họ chỉ nhân danh cho từng phân đội đã đóng góp vào thành quả của cái ngày mồng mười đáng ghi nhớ ấy.

Nét buồn vương vấn trên gương mặt những người lính già khi kể về các đồng ngũ đã không trở về góp mặt sau khi kết liễu hai cuộc chiến khốc liệt, dài ngày nhất thời đương đại.

Và tôi đã đi lại lộ trình mà từng người đã dấn bước trong các đội hình khác nhau của Trung đoàn vào những ngày đó.

 Theo Báo Kiến thức
Kim Yến (st)

Bài viết khác: