Vốn có vẻ mặt nghiêm nghị, khiến một số người mới gặp phải e ngại, nhưng nhờ một câu nói của Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi khi luôn nở nụ cười trên môi.
Người Anh cả của Lực lượng Vũ trang Việt Nam, Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp qua đời ngày 4/10 để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân Việt Nam và bạn bè yêu hòa bình trên thế giới.
Đi qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những biểu tượng quân sự lỗi lạc, biểu tượng cho tình yêu hòa bình đã để lại cho thế hệ ngày hôm nay một gia tài chiến lược quân sự đồ sộ, tài tình, với lòng nhân ái và yêu thương con người vô bờ bến.
Được sự đồng ý của gia đình nhà văn Hữu Mai, Báo Điện tử VTC News xin trân trọng giới thiệu đến độc giả một số trích đoạn của tác phẩm ‘Không phải huyền thoại’ - cuốn sách lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
“Không phải huyền thoại” là cuốn sách lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và cao trào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Người đọc từng biết đến hình ảnh vị Đại tướng tổng tư lệnh qua những văn bản lịch sử, những hồi ký và những thước phim tư liệu.
Song phải đến “Không phải huyền thoại”, chân dung của ông mới hiện lên như một nhân vật văn học trọn vẹn, với những ưu tư và trách nhiệm của một con người được lịch sử chọn.
Câu trả lời vì sao Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ rút cục đã có câu trả lời, nhưng điều khiến “Không phải huyền thoại” vượt ra khỏi khuôn khổ biên niên sử bình thường ở chỗ còn lột tả được khía cạnh khắc nghiệt của chiến tranh. Khốc liệt ở chiến hào, quyết liệt ở trên những căn hầm sở chỉ huy và không khoan nhượng ở bàn nghị sự quốc tế.
Số phận của một xu thế chính trị rơi vào những thời điểm quyết định, và người cầm quân phải thỏa mãn được đáp số kép: Phương án đúng và thời điểm đúng.
Từ phải sang: Nhà văn Hữu Mai, Trung tướng Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Phạm Chi Nhân và một cán bộ văn phòng giúp việc cho Đại tướng
Phía sau những chiến thắng vẻ vang là những tâm sự gì, Hữu Mai đã tìm được câu trả lời đầy sức nặng qua hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được đài CNN nhận định là ‘một trong số những hình tượng quan trọng nhất trong thời kỳ đầu lịch sử nước Việt Nam cộng sản.’ - Lời Nhà xuất bản.
Một phác thảo chân dung
Một người dáng vẻ rất giản dị. Một bộ mặt cởi mở. Còn hơn một người anh hùng. Tướng Giáp. Ông thuộc dòng những chiến sỹ mà người ta sẽ kể những chiến công từ thế hệ này qua thế hệ khác. - Trích xã luận của tờ El moudjahd, xuất bản tại Alger ngày 4/1/1976.
Nụ cười Bác tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một tối mùa Đông năm 1970, theo triệu tập của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi tới làm việc tại nhà riêng.
Sáu năm trước đó, đầu tháng 4 năm 1964, tôi là một nhà văn quân đội được Tổng cục Chính trị cử tới giúp Đại tướng ghi lại một vài kỷ niệm về Điện Biên Phủ để in vào cuốn hồi ức được xuất bản nhân dịp kỷ niệm mười năm chiến thắng lịch sử.
Chẳng cần nói tôi đã hồi hộp như thế nào khi lần đầu được trực tiếp gặp đồng chí Tổng tư lệnh, ước mơ của không ít những nhà văn viết về chiến tranh. Tôi chỉ có một tháng để viết khoảng một trăm trang in. Công việc hoàn thành đã mang lại cho tôi may mắn được tiếp tục làm việc với Đại tướng một thời gian dài.
Người chiến sỹ cảnh vệ đưa tôi vào phòng khách. Đồng chí Chánh văn phòng không có mặt. Tôi biết đây không phải là buổi làm việc chính thức. Trong lúc ngồi đợi, tôi băn khoăn không hiểu Đại tướng gọi tới vì việc gì.
Anh Văn từ phòng trong đi ra. Anh vẫn mặc quân phục. Nụ cười tươi làm bộ mặt anh sáng rỡ. Tôi nhìn thấy anh cười lần đầu trong cuộc duyệt binh của tự vệ thành tại Nhà Đấu xảo Hà Nội năm 1946.
Nụ cười này là của Bác tặng cho anh. Anh Văn vốn có vẻ mặt nghiêm nghị, khiến một số người mới gặp phải e ngại. Anh đã kể với tôi, sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, anh làm việc ở Bắc Bộ Phủ, một hôm Bác nhìn anh, rồi hỏi:
- Sao chú Văn lúc nào cũng có vẻ mặt như đang giận ai ?
Từ đó anh hay cười. Nụ cười góp phần cho những buổi làm việc rất có hiệu suất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tôi đứng lên chào, rồi hỏi:
- Thưa anh, anh mới ở trong Thành về.
Anh nói :
- Có một vài việc phải giải quyết gấp, ngày mai tôi đi Liên Xô...
Tôi hơi bị bất ngờ. Vì mỗi lần thủ trưởng Bộ ra nước ngoài đều có một thời gian chuẩn bị, gần đây không thấy ai nói chuyện này.
Anh nói tiếp :
- Hôm vừa rồi, Quân Y viện 108 phát hiện ở hàm tôi có một cái nhân. Điện hỏi ý kiến Liên Xô, bạn bảo cần sang ngay.
Tôi bàng hoàng. Nếu có chuyện không may đến với anh giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt...! Với cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân, Tổng Tư lệnh chính là linh hồn của quân đội.
Chị Bích Hà cũng ở phòng trong đi ra. Khác với mọi lần, đôi mắt chị lộ vẻ ưu tư. Tôi hỏi chị :
- Chị cũng đi với anh ?
Chị nhè nhẹ gật đầu.
Người phục vụ đưa ra ba bát chè sen nhỏ. Anh Văn chỉ ăn hết nửa bát. Chị Hà im lặng cầm bát chè của anh ăn tiếp. Anh Văn không nói gì về công việc. Tôi biết cuộc gặp không kéo dài, anh chị còn phải chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai.
Khi tôi sắp ra về, anh Văn chỉ vào miệng:
- Ở vị trí này, thường là rất nhanh. Nếu qua kiểm tra ở Liên Xô, đúng là có chuyện..., tôi sẽ bàn với anh làm gấp một đôi việc.
Tôi biết anh có điều muốn nhắn gửi lại cho mai sau.
Anh chìa tay cho tôi khi chia tay. Tôi lo lắng nắm tay anh:
- Cầu mong là sẽ không có chuyện gì...
Anh mỉm cười, nụ cười lúc nào cũng tươi, như để an ủi tôi.
Nhưng rồi chỉ vài tuần sau, anh đã trở về. Anh cho biết khi máy bay mới tới Tasken, địa đầu Liên Xô, một đoàn bác sỹ của bạn đã tới đón tại phi trường.
Đồng chí Trưởng đoàn chăm chú ngắm nhìn anh, rồi nhận xét: “Với thần sắc của Đại tướng, tôi cam đoan là không có chuyện đó”. Và qua kiểm tra rất kỹ lưỡng, đúng là không có chuyện gì.
Chuyện này qua đi, không ai chú ý. Riêng tôi cứ nhớ mãi. Đây là lần đầu, tôi trực tiếp chứng kiến anh đối mặt với một ‘tai biến’ (cũng may, đó chỉ là sự lầm lẫn).
Sao một con người có thể thanh thản đến như vậy ? Và sau này, tôi có dịp chứng kiến thái độ của anh trước những thử thách trong chiến tranh, trong cuộc sống, có trường hợp vượt quá sức chịu đựng của con người, anh đều có một thái độ cực kỳ bình thản. Nhưng, như lời anh nói: ‘Sau lúc đó, thì tôi mệt'. Cái mệt chỉ đến sau với anh.
Đây là một đức tính rất lạ ở anh. Đức tính góp phần giúp anh vượt khó trong cuộc hành trình xuyên thế kỷ.
…
“Dĩ công vi thượng”
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám năm 1941 tại Cao Bằng, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Võ Nguyên Giáp được Bác trao nhiệm vụ đi xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập những Hội Cứu quốc ở Cao Bằng.
Những đồng chí ở địa phương rất thương anh cán bộ nước da mỏng như da con gái, đôi chân trần chưa có một vết chai, lội suối sâu giá buốt, trèo núi đá tai mèo nhọn sắc, và họ ngại ngùng trong những đêm đông lạnh cùng đắp chung với anh chiếc chăn sui.
Anh học tiếng Tày, tiếng Mán, tiếng Mông, dịch ‘Việt Minh ngũ tự kinh’ (chương trình Việt Minh bằng thơ năm chữ) thành tiếng địa phương để đồng bào vừa cán bông, giã gạo vừa hát.
Những nơi anh tới, phong trào phát triển rất nhanh. Địch phản ứng quyết liệt. Có lần anh đang công tác tại bản Nà Dú thì địch tới cản quét truy lùng cán bộ cách mạng.
Bác cử người đến bảo anh trở về căn cứ. Anh đề nghị Bác cho ở lại cùng đồng bào chèo chống qua cơn nước lửa. Rồi Bác trao nhiệm vụ cho anh mở con đường Nam tiến qua vùng địch chiếm, bắt liên lạc với miền xuôi, trước hết là hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang.
Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ khó khăn này. Một lần, anh Phạm Văn Đồng ở lại với Bác tại khu căn cứ, kể lại với anh: ‘Bác nói: Chú Văn công tác rất tốt’.
Năm 1942, Bác ra nước ngoài gặp Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên đường đi bị Quốc dân đảng vu cho là Hán gian, bắt giam một thời gian dài.
Tại Cao - Bắc - Lạng, phong trào cách mạng phát triển rất sôi nổi, rộng khắp. Địch lo sợ, tiến hành khủng bố trắng. Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng quyết định khởi nghĩa để bảo vệ phong trào.
Tháng 9/1944, chỉ còn chờ qua mùa gặt, đồng bào thu hoạch thóc lúa xong, thì cuộc khởi nghĩa sẽ bắt đầu. Giữa lúc đó, có tin Bác thoát khỏi ngục tù Quốc dân đảng trở về. Đồng chí Vũ Anh và anh Văn lên Pác Bó gặp Bác.
Đồng chí Vũ Anh báo cáo với Bác về tình hình Cao - Bắc - Lạng và quyết định của Liên tỉnh ủy muốn tiến hành khởi nghĩa. Bác cân nhắc rồi nói là điều kiện tổng khởi nghĩa chưa chín muồi.
Nếu bây giờ khởi nghĩa đơn độc nổi lên ở Cao - Bắc - Lạng nhất định kẻ địch sẽ tập trung lực lượng đàn áp. Hiện nay không thể tiếp tục đấu tranh theo phương thức hòa bình mà phải từ hình thức chính trị tiến lên quân sự. Chính trị còn trọng hơn quân sự.
Ta sẽ lập Đội quân giải phóng, lúc đầu chỉ cần tổ chức một lực lượng nhỏ. Dùng hình thức vũ trang gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng, sau đó mở rộng, phát triển dần lên.
Theo lời anh kể lại, anh hoàn toàn bất ngờ khi được Bác hỏi:
- Việc này anh trao cho chú Văn. Chú Văn có làm được không?
Anh trả lời ngay:
- Thưa Bác, có thể được.
Sự thay đổi này cũng dễ hiểu. Từ sau khi có Nghị quyết 8 của Trung ương, suốt bốn năm qua, anh đã trực tiếp tham gia công cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng, và đã được thực tế rèn luyện, đấu tranh võ trang là phần quan trọng trong chương trình chuẩn bị khởi nghĩa mà mọi người đã từ lâu chuẩn bị.
Bác hỏi tiếp:
- Mình còn yếu, địch mạnh, nhưng nhất định không để địch tiêu diệt mình như thế có được không?
- Thưa Bác, nhất định kẻ địch không thể tiêu diệt ta được.
Anh đã nghĩ đến lực lượng cách mạng bị địch khủng bố rất gắt gao những năm qua vẫn tồn tại thì đội quân cách mạng đầu tiên sẽ không thể bị chúng tiêu diệt.
Bác đặt tên đội quân chủ lực đầu tiên là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày mới thành lập
Võ Nguyên Giáp được trao nhiệm vụ đơn giản như vậy. Lúc này, anh cũng chưa hiểu hết những kỳ vọng Bác đặt vào đội quân nhỏ bé này.
Đêm hôm đó, anh ở lại với Bác tại hang Pác Bó. Hai người trao đổi tới khuya về đội quân sắp ra đời. Câu chuyện rất hào hứng khi bàn về tiền đồ của đội quân.
Bác vẫn trầm ngâm rồi nói: Người làm cách mạng phải ‘dĩ công vi thượng’ (đặt lợi ích chung lên trên hết). Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường nói: “Dĩ công vi thượng, suốt đời vì nước vì dân, không mảy may có chút suy nghĩ nào khác, là đạo đức cao cả nhất của người cách mạng. Tôi nhớ mãi câu này của Bác và phấn đấu suốt đời để làm theo”./.
Nhà văn Hữu Mai (1926-2007) là một cây bút lớn với hơn 60 đầu sách được in. Ông là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và là người viết những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với những tác phẩm như Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ (hồi ký, 1964), Từ nhân dân mà ra (hồi ký, 1966), Những năm tháng không thể nào quên (hồi ký, 1970), Chiến đấu trong vòng vây (hồi ký, 1995), Đường tới Điện Biên Phủ (hồi ký, 1999), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (hồi ký, 2000). Tác phẩm “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Còn nữa…
Trích đăng từ “Không phải huyền thoại” - Hữu Mai - Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Theo http://vtc.vn
Thu Hiền (st)