.16. 

TỪ CĂN NHÀ Ở DÃY TRẠI ĐƯỜNG ĐÔNG BA

 

Ông Thừa Phái bộ Lễ Nguyễn Sinh Huy được Bộ cấp cho một gian nhà ở dãy trại đường Đông Ba thuộc phường Thái Trạch(1), gian thứ hai gần con đường vào chợ Xép. (Gian thứ nhất của ông Quản Lê Viết Nghiêm làm việc tại Hộ Thành). Dãy trại mười hai gian nằm dọc theo đường Đông Ba ngay bên trong cửa Đông Ba. Đối diện với nó cũng có một dãy mười hai gian như thế, thuộc phường Vĩnh An(2). Hai dãy này trước kia là trại lính của đội Tuyển Phong. Ngày Pháp đánh chiếm Kinh đô Huế, đội Tuyển Phong đã kháng cự rất anh dũng, cho nên ngày lấy được Huế rồi, chúng liền giải tán đội Tuyển Phong cũng như các đội lính đã  đánh chúng. Thấy hai dãy trại bỏ trống, triều Đồng Khánh chia cho các ông quan nhỏ làm việc ở Lục Bộ. Những quan chức ở đây phần lớn quê ở Nghệ Tĩnh và Quảng Nam.

          Năm 1903, cụ Đào Tấn thôi giữ chức Tổng Đốc An Tịnh (1902) về làm Thượng Thư bộ Công. Thấy hai dãy trại các quan ở đã hư nát quá cụ bèn cho ông Hường Hàng đấu giá sửa chữa lại.

          Cả dãy tại mười hai gian, dựng trên một cái nền gạch cao. Mỗi căn rộng  năm mét, sâu mười hai mét, cột kèo bằng gỗ lim thô tháp, chung quanh có tường gạch trát vôi, mái lợp ngói to bản, cục mịch, khác với vẻ thanh lịch của các cung điện nhà vua. Mỗi gian có một lớp cửa bàng khoa(3). Phía sau dựng một dãy nhà tranh làm nơi nấu nướng. Trong nhà đồ đạc đơn sơ gồm một chiếc chõng tre và một bộ ngựa mấy tấm. Đó là nơi nằm viết lách, nơi tiếp bạn bè, nơi ăn uống và cũng là nơi nằm ngủ.

          Từ gian nhà ở dãy trại này, hai anh Đạt và Thành hằng ngày ra học tại trường Pháp – Việt Đông Ba. Cơ sở của ngôi trường này dựa vào cái đình chợ cũ. Năm 1899, chợ Đông Ba đem ra ngoài giại(4), cái đình chợ cũ được ngăn thành bốn phòng làm trường học. Phòng nào cũng trang trí giống nhau. Bức tường trước mặt treo một cái bảng đen, bên trên có dòng chữ Pháp: “Liberté – Egalité – Fraternité”.

          Lúc mới vào học, anh Thành còn để chỏm, đội nón tre sơn, áo quần bằng vải thô nhuộm nâu, đi guốc gỗ quai mây, mũi guốc cao cong lên. Mấy tuần sau, Thành cúp tóc ca rê, mặc quần vải quyến trắng, áo dài bằng vải dù đen, đội nón lá mười sáu vành như học trò Kinh.

          Anh vào học lớp sơ đẳng nhưng chữ Quốc ngữ AB cũng không biết, Pháp ngữ un, deux cũng chưa. Ngược lại giờ học chữ Hán thì hiểu biết không ai bằng. Một hôm nhìn lên phía trên bảng đen có dòng chữ Pháp, anh không hiểu nghĩa, anh hỏi thầy giáo Hồ Đắc Quỳnh thì được thầy giảng cho biết: Tự do - bình đẳng - bác ái. Đó là mục đích của Cách mạng Pháp 1789 đã giao cho Chính phủ Pháp phải thực hiện.

Anh Thành chưa hiểu Cách mạng Pháp, nhưng có trình độ chữ Hán nên hiểu nghĩa mấy chữ ấy. Chữ nghĩa thật là hay. Nhưng giữa lý tưởng của nước Pháp và chế độ cai trị của thực dân Pháp ở xứ An Nam thật cách biệt nhau. Một người đỗ đại khoa như thân sinh anh không được ăn yên ở yên để nuôi con ăn học thì còn nói tự do cái gì. Giữa thực tế cuộc đời và chữ nghĩa nó cách biệt quá xa, có thể nói trái ngược nhau mới đúng. Từ ý nghĩ ấy, anh Thành quyết tâm học tiếng Pháp cho thật giỏi để xem thử đằng sau những từ ấy, văn minh văn hóa Pháp đã thực hiện những gì.

Ngoài giờ học Pháp văn ở trường, anh Thành còn đi học lớp chiều (cours du soir) với thầy Ưng Dự ở đầu Ngã Giữa(5). Về nhà anh tự học thêm để nâng cao trình độ Pháp văn cho kịp với học trò Kinh và để có thể tiếp xúc với văn minh văn hóa Pháp.

          Chỉ một thời gian sau, anh Thành đã có một trình độ Pháp văn khá. Có lần thầy giáo ra một bài dịch, trong đó có câu: “Oh chat, oh chat, Vous voulez manger le rat, Montez sur la poutre”. Anh đã dịch ra văn vần Việt Nam là:

Con mèo, con mẽo, con meo.

Muốn bắt con chuột thì leo lên xà.

          Lời dịch sát nghĩa và rất Việt Nam.

          Đầu năm 1908, nhờ anh đã có một trình độ Pháp văn vững và là con ông Thừa phái, nên anh được nhận vào học trường Quốc học Huế.

--------------------

(1) Phường Thuận Thành ngày nay

(2) Phường Thuận Lộc ngày nay

(3) Cửa sổ gồm nhiều cánh

(4) Bờ sông Hương

(5) Đường Phan Đăng Lưu ngày nay

 

.17.

NGƯỜI HỌC SINH KHÁC THƯỜNG

          Trường Quốc học là trường trung học dạy Pháp văn và khoa học Tây phương đầu tiên ở Việt Nam do vua Thành Thái mở năm 1896. Cơ sở của trường dựa vào doanh trại thủy sư cũ của Hoàng gia (bỏ trống từ sau ngày Pháp đánh chiếm Huế, 7-1885). Trường gồm có hai dãy nhà tranh  nằm song song với đường Jules Ferry(1) chung quanh có tường bao bọc. Ở bốn mặt đều trổ cửa ra vào. Cửa chính nhìn ra sông Hương, bên trên xây lầu, trong lầu treo một cái chuông lớn để điểm giờ học. Trường mở ra theo yêu cầu đào tạo người có hiểu biết để giúp Nam Triều tiếp xúc với Pháp cho nên có mời một số thầy giáo Pháp vào dạy. Phần lớn giáo viên là các nhà Nho yêu nước không muốn làm quan, nhân có trường dạy học, họ xin vào để giấu mình gửi gắm một chút tâm sự cho lớp trẻ. Bọn Pháp thấy Quốc học là một môi trường rất lợi hại, chúng đã tìm mọi cách để thâm nhập vào với hai mối lợi: Lợi thứ nhất là chế ngự những người có ý tưởng chống Pháp đã dựa vào cái bóng của vua Thành Thái mà núp trong trường Quốc  học; hai là dùng trường Quốc học để đào tạo một bọn tay sai thay thế cho bọn bồi bút bất tài đem từ thuộc địa Nam kỳ ra. Dưới nhãn quan của thực dân, ngôi trường Quốc học là một công cụ của chúng. Nhưng chúng đã không thành công.

          Anh Thành bước vào trường Quốc học sau sự kiện vua Thành Thái tốn vị (abdiqué), vua Duy Tân bị áp đặt lên ngôi. Cái mà làm cho lớp trẻ lưu ý nhất là ông vua Duy Tân chưa đầy tám tuổi này đã có những biểu hiện bất khuất trước chính quyền thực dân Pháp. Anh em học trò rỉ tai nhau câu nhận xét của một nhà báo Pháp về ông vua trẻ này: “Un jour de trône a changé complètement le visage d’un enfant à huit ans”. (Một ngày ngồi trên ngai vàng đã thay đổi hoàn toàn khuôn mặt của một cậu bé tám tuổi).

          Anh Thành tiếp tục rèn luyện môn Pháp văn trên ghế nhà trường Quốc học. Lúc mới vào trường anh rất buồn. Dần dần anh cũng tìm thấy những niềm vui. Bên dưới cái bộ mặt buồn bã của một ngôi trường trong tay thực dân còn có một trái tim nóng bỏng vì tình dân nghĩa nước. Anh được thầy Hoàng Thông dạy chữ Hán rất thương. Thầy giao cho anh lên viết bài học trên bảng đen và đọc trước cho học trò đọc theo. Nhiều hôm thầy bận việc đến trễ, thầy giao cho anh Thành coi lớp. Sau giờ học, anh hay lại nhà thầy ở trong trường, xin thầy đọc những Tân Thơ, Tân Sách do thầy biên soạn hay thầy đã sao chép được. Sách do thầy viết cuốn Tự Trị Thượng Sách; sách do người Việt Nam soạn có các cuốn: Thiên Hạ Đại Thế Luận, Thời Vụ Sách của Nguyễn Lộ Trạch, Đinh Hoàn Chí Lược của Phạm Phú Thứ; những sách báo nói về tình hình Trung Quốc mà gần giống với Việt Nam có Ẩm Băng, Tự Do Thư, Trung Quốc Hồn; những sách của Tây Phương do người Trung Quốc dịch lại có Dân Ước của Lư Thoa (J.J. Rousseau), Tiến Hóa Luận của Tư Tân Tắc (Spencer), Dân Quyền Thiên của Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu).

          Người thầy thứ hai mà anh cũng hết sức kính trọng là thầy Lê Văn Miến. Thầy Miến là người Diễn Châu, người đồng tỉnh với anh. Thầy Miến có một cung cách đặc biệt, trước kia thầy được cử sang học ở trường hành chánh thuộc địa cùng với Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu. Khi tốt nghiệp, hai ông kia về làm quan to, còn thầy Miến thì xin ở lại học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Pháp (Ecole des Beaux-Arts de Paris). Học xong, thầy về Hà Nội làm cho nhà in Shneide. Tổng đốc An Tịnh là Đào Tấn biết thầy giỏi, đã ra đưa thầy về Vinh rồi đưa vào Huế làm hành tấu ở bộ Công với Đào tiên sinh. Trong một vụ vỡ lở có dính dáng đến việc vẽ các kiểu súng trường cho vua Thành Thái đúc chuẩn bị đánh Pháp, thầy bị đưa ra Vinh mở trường Pháp – Việt, rồi đến năm 1907 thì đưa thầy về dạy vẽ ở trường Quốc học. Bọn Pháp biết thầy Miến có tư tưởng chống Pháp nhưng chúng không dám hãm hại thầy vì lẽ thầy rất có uy tín với dư luận Pháp. Sau những giờ dạy vẽ, thầy Miến thường kể chuyện thầy đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới. Thầy thường kể với học sinh:

- Người Pháp ở chính quốc khác với người Pháp ở đây. Ở thủ đô Ba Lê cũng có rất nhiều người nghèo. Chiều chiều, những người già không có nơi nương tựa phải chống gậy đi dọc phố moi móc trong các thùng rác xem thử có còn gì ăn được thì lấy ra ăn; đêm đêm ở vườn Luýt-xăm-bua thơ mộng, nhiều cô gái nghèo phải bán thân nuôi miệng. Người dân Pháp, từ người thứ dân cho đến vị Hàn lâm, thấy những người Việt Nam mất tư cách thì họ tỏ ra khinh bỉ, nhưng ngược lại thấy những người có đạo đức, biết tự trọng, có tài, họ rất kính phục, ít có chuyện phân biệt vì chủng tộc nòi giống (race). Đặc biệt, ở Ba Lê có rất nhiều viện bảo tàng, nhiều thư viện tàng trữ những hiện vật xưa, sách cổ quí giá. Sách về yêu nước và cách mạng thế giới có nhiều, ai muốn đọc cũng được, không hạn chế và không ngăn cấm.

Nghe những chuyện ấy, anh Thành rất náo nức, anh càng tự quyết tâm cao hơn để sớm có đủ trình độ Pháp văn tiếp xúc với những thứ quý giá ấy. Một hôm trả Luận văn, thầy Queignec cầm bài luận của anh Thành đưa ra giữa lớp nói lớn:

- Thành a traité le sujet de rédaction en vers, c’est un élève intelligent et vraiement distingué (Trò Thành đã làm đề luận này bằng thơ, đây là một học sinh thông minh và xuất chúng).

------------

(1) Đường Lê Lợi ngày nay

.18.

TUỔI TRẺ KHÔNG YÊN

Học trò cùng lớp với anh Thành xuất thân trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, phần lớn là con các quan, các cụ có chức, có quyền trong hai chính phủ Bảo Hộ và Nam Triều. Nhiều người đã có vợ có con, có người đi học có xe đưa xe đón; có người bữa trưa ở lại có lính hầu đội nón dấu xách cơm đến. Học trong lớp có chi khó hiểu, anh Thành hay hỏi, bọn con ông cháu cha thấy anh Thành được các thầy thương giảng giải cặn kẽ, chúng đâm ra ganh ghét. Chúng chọc tức Thành bằng cách trọ trẹ nhái tiếng Nghệ hoặc cười đùa “dân cá gỗ”. Anh Thành không cãi vã thô bạo, những có hôm chịu không nổi, anh đã đấm vào mặt một thằng con lai mà cha hắn là chủ kho bạc. Hôm ấy thầy Hoàng Thông gọi Thành vào và dạy:

- Mình là con nhà gia giáo, tại sao con lại hành động một cách nóng nảy như thế? Cha mẹ nó ỷ quyền ỷ thế mất dạy, làm sao nó có dạy được? Con có đủ sức đánh hết tụi nó không? Con nên cố gắng học hành và dùng sức lực tuổi trẻ của mình làm những việc lớn hơn!

Anh Thành rất cảm động trước những lời chỉ dạy của thầy. Anh cúi đầu nhận lỗi. Bỗng dưng trong đầu anh sáng lên một ý nghĩ: Phải chăng thầy Hoàng Thông là một đồng chí của các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh? Anh ngước nhìn thầy, hai ánh mắt sáng như hai luồng điện:

- Thưa Thầy, thầy thấy con có thể làm được gì, xin thầy hãy tin con!

Thầy Hoàng Thông nhìn kỹ cậu thanh niên tuấn tú đứng trước mặt, lòng thầy lâng lâng một niềm vui sướng. Hôm ấy anh lãnh trách nhiệm liên lạc với một số người yêu nước.

Lúc này ngọn gió duy tân đang bùng lên ở Kinh đô. Ngay cả cái tên của ông vua trẻ cũng được đem ra bình luận. Những điều vua Thành Thái không thực hiện được, ông đặt cả niềm tin vào đứa con. Mặt dù ông bị buộc phải tốn vị, nhưng Triều đình còn lại cũng phải nể ông, nhận đặt tên Duy Tân cho người con kế vị ông. Một phong trào diễn thuyết kêu gọi Duy Tân lan tràn khắp nơi. Hai người nổi tiếng nhất là Lê Đình Mộng (tức Ấm Mộng) và Trần Trinh Linh. Anh Thành cũng tập diễn thuyết ngay trên sân trường Quốc học.

Những lúc vắng thầy hay những buổi đi học sớm, Thành hay leo lên bàn đứng tập nói chuyện. Anh nói về tình trạng lạc hậu của người Việt Nam; sở dĩ mất nước là vì sự lạc hậu ấy. Anh nói về sự bất lực của Nam triều, nói về tình hình sưu cao thuế nặng...Và cuối cùng, bao giờ anh cũng sang sảng kêu gọi “Thanh niên và những người có ăn học, phải làm cái gì cho dân, cho nước!”

Có lần nghe tiếng anh nói, học trò kéo đến vây quanh xem. Một lúc có cậu sợ liên lụy lẩn tránh đi chỗ khác, bọn con ông cháu cha nghe nói động đến cha ông chúng, chúng đi báo ngay với Hiệu trưởng Chouquet. Thấy Hiệu trưởng đến, Thành nhảy xuống đi chỗ khác; khi Hiệu trưởng đi xa, anh lại nhảy lên tiếp tục nói. Viên Hiệu trưởng tức giận gọi anh và các thầy giáo của anh đến quở trách, anh đã xin trả lời:

- Những điều con nói có thấm vào đâu so với thư của cụ Phan Châu Trinh gởi cho ngài Toàn quyền Beau, so với những buổi diễn thuyết của ông Ấm Mộng, ông Trần Trinh Linh...sao các thầy không cấm những người ấy để cho học trò khỏi bắt chước?

Hiệu trưởng Chouquet giận đỏ mặt. Y cho Thành cứng đầu, lý sự, định đứng dạy bộp tai, nhưng vì trước mặt có các thầy giáo của Thành nên không dám thô bạo. Y nói:

- Những người bất trị ấy trước sau rồi cũng bị nghiêm trị. Mi là thằng học sinh ăn học bổng của chính quyền Bảo hộ, tại sao mi dám nói những lời chống chính phủ Bảo hộ trước mặt các thầy giáo?

Nói xong y đứng dậy, không thèm nghe anh Thành nói thêm một lời nào nữa. Y đẩy anh Thành ra khỏi phòng, đóng cửa lại rồi hạch sách các ông giáo một lúc. Cuối cùng y đe:

- Tôi sẽ báo cho sở Liêm phóng biết hạnh kiểm của thằng học trò ngỗ nghịch đó và cả anh hắn. Nếu các ông không dạy được hắn, tôi sẽ đuổi cả các ông luôn. Tôi cũng sẽ gọi bố chúng đến đây. Nếu bố chúng không dạy được, tôi sẽ đề nghị Nam triều khiển trách tên Thừa phái không biết dạy con ấy.

Sau cái hôm bị cảnh cáo, Thành thường hay bỏ học. Vào những ngày có phiên chợ, anh cùng bạn bè xách một cái giỏ trong ấy đựng một cái lược và một cái kéo, ra đứng ở các ngã ba có nhiều người qua lại. Anh tham gia phong trào Duy Tân, cắt bỏ búi tó. Hễ thấy ai có đầu tóc búi tó thì anh giơ kéo lên, miệng gọi người ấy đến đọc cho nghe bài vè:

“Húi hề... Húi hề!

Bỏ cái ngu nầy!

Bỏ cái dại nầy!

Húi hề húi hề!

Ngày nay ta cúp

Ngày mai ta cạo!

Húi hề húi hề!

Bỏ cái ngu nầy!

Bỏ cái dại nầy!

Húi hề...Húi hề!

          Phong trào Duy Tân cho rằng cái búi tó là biểu hiện của sự lạc hậu, ngu dốt. Muốn Duy Tân phải đoạn tuyệt với cái cũ ấy đi.

Bạn bè thấy anh lớn tuổi, đứng đắn, có uy tín với thầy với bạn, rất nể vì anh. Nhưng ai cũng sợ, ít người dám “đi” theo anh.

 

      (Còn nữa)

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: