Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái chúc mừng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20 tuổi.

Hội Phụ nữ mới 20 tuổi. Nhưng truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam ta đã có gần 2.000 nǎm và ngày càng phát triển.

Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hǎng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Trong thời kỳ cách mạng hoạt động bí mật và trong những nǎm kháng chiến chống bọn thực dân Pháp và lũ can thiệp Mỹ, phụ nữ ta đều có công lao to lớn. Gương anh dũng của đồng chí Minh Khai và của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập.

Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay, các bà mẹ chiến sĩ đã khuyến khích con cháu mình vào bộ đội đánh giặc, cứu nước, còn ân cần nuôi nấng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ và chiến sĩ khác như con cháu mình. Ví dụ: Bà mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội và cán bộ qua sông để chiến đấu. Bà mẹ Cán, người Thái ở Sơn La có sáu con thì hai đi bộ đội, bốn vào du kích, bản thân bà mẹ cũng hǎng hái vào bạch đầu quân. Bà mẹ Đích ở Thái Bình đã cho cả bốn con trai và một con rể vào bộ đội. Bản thân bà mẹ vừa lo việc nhà cho các con, vừa hǎng hái giúp đỡ gia đình chiến sĩ. Mẹ Đích còn rất tự hào là cả nhà gồm có bốn con trai, hai con gái, một con rể đều vẻ vang được tham gia Đảng Lao động Việt Nam. Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy.

Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là "đội quân tóc dài". Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta.

Phong trào "Nǎm tốt" của phụ nữ miền Nam, phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân.

Trong phong trào chống Mỹ, cứu nước, ở miền Nam có nhiều chị em rất anh hùng. Như các cô Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân và nhiều cô khác. ở miền Bắc có mười phụ nữ công, nông, binh được tuyên dương anh hùng; 723 phụ nữ trong các ngành đã có thành tích đặc biệt và được Bác thưởng Huy hiệu.

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch uỷ ban hành chính, bí thư chi bộ đảng, v.v..

Trong phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu như thanh niên gái Vĩnh Linh vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và tiểu đội 9, đại đội 814 đã bảo đảm tốt giao thông dưới làn bom đạn, đội dân quân gái ở Nam Ngạn đã góp phần bắn được nhiều máy bay giặc Mỹ, v.v..

Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên và nhi đồng gái cũng rất ngoan. Trong phong trào thiếu niên "làm nghìn việc tốt" hơn 20 vạn cháu gái đã được bầu là cháu ngoan Bác Hồ.

Trong hai nǎm học vừa qua, có 1.489 cháu học rất giỏi được giải thưởng đặc biệt của Bác, non một nửa số đó là cháu gái.

357 cháu bé có những hành động rất dũng cảm đã được Bác thưởng huy hiệu, 88 cháu là cháu gái. Ví dụ: Cháu Tứ 13 tuổi, ở Thái Bình, đã cõng một bạn gái bị què chân đi học suốt ba nǎm liền.

Theo gương tốt của bạn Tứ, hai cháu Hoàng Thị Phiến và Lê Thị Thỉu ở Vĩnh Linh đều mười tuổi, đã thay nhau cõng cháu Việt tám tuổi (con một chiến sĩ miền Nam tập kết) đi học vì chân cháu có tật, nhà trường lại cách xa hai cây số, phải qua hai ngọn đồi.

Cháu Nguyễn Thị Sành 12 tuổi, ở Hà Bắc, đã nhảy xuống nước cứu hai bạn nhỏ khỏi chết đuối.

Trong khi máy bay giặc Mỹ bắn phá dữ dội làng xóm ở Vĩnh Linh, cháu Dương Thị Đống, chín tuổi, đã dũng cảm cứu đàn trâu của hợp tác xã thoát khỏi bom đạn.

Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng.

Hiện nay, giặc Mỹ đang thua to. Càng thua to, chúng càng liều lĩnh mở rộng chiến tranh ở miền Nam, càng điên cuồng bắn phá ở miền Bắc. Bác mong phụ nữ ta ra sức phát huy hơn nữa truyền thống dũng cảm và đảm đang, cùng toàn quân và toàn dân ta bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúc các cô, các cháu luôn luôn cố gắng, đoàn kết chặt chẽ, hǎng hái thi đua, giành nhiều thành tích mới.

Phát biểu ngày 19-10-1966.

Bǎng ghi âm lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Kim Yến (st)

Bài viết khác: