Bác Hồ trò chuyện với giáo viên Trường Bắc Lý tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27/3/1964 (Từ trái sang phải: Nguyễn Gia Quý - Hiệu trưởng Bắc Lý; Nguyễn Lê Hoà - Giáo viên Bắc Lý; Phan Hưng - Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Nam)
Cuối năm 1960, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 3 được phổ biến sâu rộng trong ngành giáo dục. Nhiều trường đã cố gắng vận dụng mục đích, nguyên lý, phương châm giáo dục vào thực tiễn. Nổi bật nhất là Trường Phổ thông cấp 2 Bắc Lý. Trải qua ba năm phấn đấu kiên trì gian khổ với khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu", các giáo viên nhà trường đã đạt nhiều thành tích cho việc giáo dục toàn diện cho học sinh, quán triệt bước đầu nguyên lý, phương châm giáo dục, phát huy tác dụng của trường như một trung tâm văn hoá của địa phương.
Tháng 7 năm 1961, trong bài đăng trên Báo Nhân Dân, Hồ Chủ tịch đã biểu dương "Thành tích vẻ vang" của ngành Giáo dục và gợi ý các trường cũng nên phát động một phong trào thi đua "Hai tốt", tức là "Học thật tốt","Dạy thật tốt".
Ngày 18/10/1961, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phát động thi đua "Hai tốt" ở Phủ Lý, Hà Nam. Trong Hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã tuyên dương thành tích điển hình thi đua trong ba năm, đặc biệt là điển hình Trường Bắc Lý. Hội nghị nhất trí công nhận Trường Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành và thông qua cuộc phát động thi đua "Hai tốt" với khẩu hiệu là: "Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý".
Từ ngày 02/8/1963 đến ngày 08/8/1963, Hội nghị Tổng kết hai năm thi đua "Hai tốt" được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị này Hồ Chủ tịch đã chỉ thị: "Cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của Trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động XHCN".
Ngày 02/5/1963, Đoàn học sinh Việt Nam gồm 10 cháu ngoan Bác Hồ trong đó có đại biểu học sinh Trường Bắc Lý, trước khi lên đường đoàn đã vinh dự được gặp Bác Hồ.
Tại Hội nghị chính trị đặc biệt, ngày 27/3/1964, Bác Hồ đã gặp gỡ và trò chuyện với giáo viên Bắc Lý và đồng chí Phan Hưng - Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Nam. Dưới đây là trích hồi ký của thầy giáo Nguyễn Lê Hòa - Giáo viên Bắc Lý, người được Bác Hồ gặp, trò truyện cùng Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam đi dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, theo lệnh triệu tập của Hồ Chủ tịch.
Chúng tôi được gặp Bác Hồ
(Trích Hồi ký của Nguyễn Lê Hoà - Giáo viên Bắc Lý)
Tôi và đồng chí Nguyễn Gia Quý - Hiệu trưởng Trường Bắc Lý, được vinh dự thay mặt anh chị em giáo viên, học sinh tham gia Đoàn đại biểu tỉnh Hà Nam đi dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, theo lệnh triệu tập của Hồ Chủ tịch.
Ngày 27/3/1964, Hội nghị khai mạc tại Hội trường Ba Đình. Bác Hồ đọc báo cáo chính trị. Chúng tôi rất phấn khởi, nghe Bác tuyên dương các đơn vị tiên tiến, trong đó có Trường cấp II Bắc Lý.
Trong giờ giải lao, chúng tôi đang trò chuyện với các đại biểu ngoài hành lang, thì đồng chí Nguyễn Khai lúc đó là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến gặp và nói:
Các đồng chí Bắc Lý đâu? Mời các đồng chí vào gặp Bác Hồ.
Sung sướng quá! Niềm vinh dự đến bất ngờ quá! Chúng tôi luống cuống tìm nhau. Đồng chí Phan Hưng - Lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Hà Nam - dẫn Đoàn chúng tôi theo đồng chí Nguyễn Khai đến gặp Bác ở phòng khách nhỏ. Qua ô kính, chúng tôi thấy Bác đang ngồi trò chuyện với các đại biểu Vĩnh Linh và đại biểu Hợp tác xã Đại Phong. Đồng chí Nguyễn Khai đi trước, chúng tôi theo sau, vừa đi vừa hồi hộp nhìn Bác. Khi cửa hé mở, Bác quay lại hỏi:
- Đoàn đại biểu Bắc Lý đến đấy à?
Đồng chí Nguyễn Khai trả lời:
- Thưa Bác, vâng ạ!
Bác Hồ trìu mến nhìn chúng tôi và chỉ chỗ cho chúng tôi ngồi xuống bên cạnh Bác. Đồng chí Nguyễn Khai ngồi bên cạnh đại biểu Vĩnh Linh, Đại Phong. Bác hỏi:
- Các cháu học sinh Bắc Lý học tập, lao động thế nào?
Chúng tôi lúng túng nhìn nhau. Đồng chí Nguyễn Khai đỡ lời, báo cáo với Bác:
- Thưa Bác, năm vừa qua, Trường Bắc Lý có nhiều cố gắng: Ngoài việc giảng dạy, nhà trường đã tổ chức "Đội học việc" để giáo dục, rèn luyện các cháu trong lao động sản xuất. Ở Hà Nam phong trào "Đội học việc" đang phát triển.
Bác lắng nghe, gật đầu rồi nói:
- Các cháu ở nông thôn sớm biết lao động; 7,8 tuổi đã biết chăn trâu, cắt cỏ. Nếu khéo tổ chức thì các cháu sẽ làm được nhiều việc có ích và kết quả giáo dục cũng sẽ tốt.
Chúng tôi chăm chú lắng nghe từng lời của Bác.
Bác, cháu đang trò chuyện thì giờ giải lao đã hết Bác xem đồng hồ, rồi nói:
- Các cháu phải làm thế nào để Hà Nam ta và các nơi khác có nhiều trường tốt như Trường Bắc Lý. Thôi nhé, bây giờ bác cháu ta lại vào họp.
Sau đó, Bác nhanh nhẹn bước lên Đoàn Chủ tịch, chúng tôi cũng quay lại Hội trường. Ngồi trong Hội trường, nhìn Bác điều khiển Hội nghị, tôi thầm ôn lại những lời dạy bảo của Bác, ghi nhớ từng câu để về truyền đạt lại cho anh chị em giáo viên và học sinh ở nhà./.
Nguyễn Lê Hòa
Theo http://thcsbacly.hanam.edu.vn
Bùi Hảo( st)