Trong không khí của những ngày tháng 11 này, lòng tôi lại dâng lên những xúc động lạ thường. Những âu lo trăn trở về một ngày mai tươi sáng của con cái chúng ta - thế hệ tương lai của đất nước. Ngẫm đời và chợt nảy sinh vài băn khoăn suy nghĩ về đạo đức người thầy xưa và nay!

Như chúng ta đã biết, Khổng Tử là một nhà giáo vĩ đại, ông đã để lại rất nhiều ảnh hưởng đối với nền giáo dục phương Đông. Theo thuyết của Khổng Tử, mục tiêu của giáo dục là nhằm giúp cho người ta trở thành người nhân nghĩa, trung chính, hiểu được cái đạo của người quân tử.“ Viên ngọc không rũa không thể thành đồ dùng, người không học không thể biết đạo được”.

Chính vì vậy,  một trong những nguyên tắc hàng đầu của nghề giáo là phương pháp “ thân giáo” (gương mẫu). Có nghĩa là lấy bản thân mình làm tấm gương cho học sinh noi theo, từ trong cách đi đứng, nói năng, xử sự… Vì lẽ đó mà ông đã được học sinh hết lời ca ngợi, đặc biệt là những phẩm chất đạo đức với nghề dạy học.

Lịch sử giáo dục Việt Nam cũng đã ghi nhận công đức của biết bao người thầy tài năng, đức độ, cuộc sống thanh bần mà trong sáng như gương. Thầy Chu Văn An là một trong những tấm gương tiêu biểu của bậc làm thầy xưa kia. Nhân dân luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và coi ông là người thầy vĩ đại. Cuộc đời của ông dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Ông được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước. Trong suốt cuộc đời gắn bó với nghề giáo, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc. Còn ở  Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông là người có tài năng siêu việt nhưng phẩm chất rất gần gũi và  bình dị. Ông thường dạy học trò của mình đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu mà con người nên tránh. Và còn nhiều nữa những người thầy đức độ, tài năng biết bao như Bác Hồ của chúng ta - thầy Nguyễn Tất Thành -  Người là một trong những người thầy mà thế hệ trẻ ngày nay cần phải học tập và noi theo.

Theo quan điểm của Bác: Thầy giáo phải thật thà yêu nghề của mình, phải có đạo đức cách mạng, phải có chí khí cao thượng, phải: “Tiên ưu Hậu lạc”. Nghĩa là, khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ; phải yên tâm công tác, phải thật thà đoàn kết, phải thương yêu các cháu học sinh như con em ruột thịt của mình; đồng thời phải “luôn luôn ra sức thi đua trong công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”.

Thời Đông Chu ở nước Tề có vị Tể tướng tên là Quản Trọng đã nói: “Vi thập niên tri kế thụ mộc, vi bách niên chi kế thụ thân - Vì kế sách mười năm trồng cây, vì kế sách trăm năm trồng người”. Theo ông, lợi ích trồng người vẫn quan trọng hơn lợi ích trồng cây. Bác Hồ đã sử dụng và thuần việt hơn câu nói của Quản Trọng, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Bác luôn đánh giá cao vai trò của người thầy giáo, gọi thầy giáo là “người vẻ vang nhất”, “người anh hùng vô danh”: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản?. Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song nhũng người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh.Vì vậy, nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang”. Vai trò của người thầy giáo quan trọng như thế, cho nên Bác nhắc nhở mọi người cần có quan niệm đúng về nghề dạy học, về người thầy giáo, Bác nói: “Ai có ý kiến không đúng về người thầy giáo thì phải sửa chữa”. Đó là sự đánh giá, sự nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau học tập và làm theo người.

Trong khi đánh giá cao vai trò của người thầy giáo, Bác cũng đòi hỏi ở mỗi giáo viên phải làm sao để: “Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”. Bởi vì, dưới chế độ ta, người thầy giáo cũng là “ đầy tớ của dân”, “công bộc của dân” như bao cán bộ, viên chức Nhà nước, chứ hoàn toàn không phải chỉ biết làm công ăn lương, càng không thể chỉ “ba cọc ba đồng” và lại càng không thể như kẻ ban ơn cho người khác mà kể công, mà đòi hỏi này khác như dưới chế độ thực dân phong kiến xưa. “Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài học cho học trò, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ, thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo ra họ phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi đôi với thực hành”. Không những thế Bác còn khẳng định nghề giáo cũng là lao động trí óc. Từ đó, Người đòi hỏi: “Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò.Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm”. Có trao đổi, đúc kết kinh nghiệm giảng dạy và học tập thì mới cải tiến được phương pháp dạy và học đạt hiệu quả cao hơn, bởi vì: Dạy chữ, dạy người chính là nhiệm vụ số một của người thầy giáo. Vì thế, Bác luôn quan tâm nhắc nhở các thầy giáo, cô giáo hết sức chú trọng đến phương pháp dạy: “Các thầy giáo, cô giáo phải tìm cách dạy. Dạy cái gì,dạy thế nào để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh”. Muốn làm được như thế, Bác khuyên ngành giáo dục nói chung, và mỗi trường học nói riêng cần tổ chức phong trào thi đua yêu nước để các thầy giáo, cô giáo đua nhau thể hiện tài năng, đạo đức của mình trong việc dạy chữ, dạy người. Cũng nhờ có thi đua để các thầy giáo, cô giáo tìm ra cho mình phương pháp dạy tích cực nhất, phù hợp nhất với từng đối tượng học sinh và qua đó xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các đồng nghiệp cũng như đối với học trò của mình như lời Bác Hồ từng căn dặn: “Xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ”.

Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình, Bác Hồ, đặc biệt quan tâm căn dặn người thầy giáo phải hết sức chú trọng rèn luyện đạo đức, chứ không thể chỉ rèn tài, vì đức mới là cái gốc. Người giải thích rất rõ mối quan hệ đức – tài trong buổi nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo và học sinh Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội ngày 21-10-1964. “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng có câu nói bất hủ: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, càng tìm hiểu sâu xa về tài và đức ta càng thêm hiểu các bậc tiền nhân rất coi trọng cái đức của con người. Điều này càng làm rõ hơn văn hóa của con người Việt Nam, luôn quan tâm đến nhân cách, đạo đức con người trước khi bàn về vấn đề cái tài của họ.  Do đó, để giáo dục một con người trở thành người có cả tài lẫn đức thì cần lắm sự đức độ, thông thái của người thầy. Bởi người thầy không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy cách làm người cho học sinh. Phương pháp của mỗi thầy giáo cô giáo là khác nhau, song đều nhằm mục đích khơi dậy ở học sinh sự tích cực, chủ động để học sinh say mê học tập, khát khao tìm tòi cái mới, cái đẹp. Có tâm hồn trong sáng, hướng thiện để xa rời thói hư, tật xấu. Khi giảng dạy, người thầy phải thể hiện sự nghiêm túc, phải nhiệt tình, giảng hết nội dung, không được cắt xén để nhằm mục đích dạy thêm. Nếu vấn đề học mang tính thương mại thì trước hết phẩm giá người thầy bị xem nhẹ, bị đem ra giao bán. Khi lên lớp, các thầy cô giáo là người gợi mở, hướng dẫn học sinh đi tìm những tri thức đang được che giấu trong lớp vỏ mỗi giáo trình để kích thích sự tìm tòi học hỏi của học sinh. Từ đó sẽ khuyến khích được sự tự học của trò, ngăn ngừa sự ỷ lại vào thầy, cô giáo. Để làm được điều này thì thầy giáo, cô giáo phải lấy lòng nhân ái mà cảm hóa học sinh, lấy sự uyên thâm mà thu hút sự hiếu học của học sinh. Bên cạnh đó, việc đánh giá, cho điểm cũng phải công bằng, khách quan, không vị nể, thầy phải vô tư, không thiên vị thì mới tăng uy tín với học sinh, nếu làm điều ngược lại thì sẽ tự đánh mất tư cách, uy tín của mình trước “đàn em thân yêu”.

            Trong xã hội Việt Nam chúng ta ngày nay cũng có rất nhiều thầy, cô giáo đã thấm nhuần đạo đức của nghề thầy giáo và hàng ngày, hàng giờ đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh, họ không màng danh lợi , hy sinh tất cả cho sự nghiệp trồng người. Trong số đó tiêu biểu có cô Vũ Thị Tứ, giáo viên Trường THPT DTNT Quỳ Châu của tỉnh Nghệ An. Với tấm lòng yêu nghề, yêu trò, từ khi mới ra trường cô đã tình nguyện lên vùng núi cao Quỳ Châu để dạy cái chữ cho con em nơi đây. Không những thế cô còn giúp các em có hoàn cảnh khó khăn, phải bỏ học có điều kiện đến trường bằng cách nhận nuôi em. Và kết quả là ba năm học cấp ba các em được cô Tứ giúp đỡ đều được học bổng vì có thành tích học tập tốt. Với nhiệt tình và tài đức của mình, cô Lê Thị Tứ đã giành được nhiều thành tích xuất sắc trong việc dạy học. Và khi được hỏi về mình thì cô chỉ khiêm tốn trả lời, “Những việc làm của em là từ tấm lòng và bản thân cũng chưa làm được gì nhiều…”

            Rồi việc thầy giáo Lê Văn Tùng, người con của miền Trung, hàng năm khi tới mùa mưa lũ, thấy các em học sinh của mình phải oằn mình vượt qua dòng lũ để tới trường với ước mơ cháy bỏng được đi học để trở thành người có ích cho xã hội. Cảm nhận được sự vất vả, khó khăn thậm chí là  phải chứng kiến cảnh tang thương khi học trò của mình bỏ mạng trong dòng lũ thầy đã nghĩ ra một cách để giúp các em tới trường an toàn. Là một giáo viên dạy môn giáo dục thể chất của Trường THCS Cẩm Trung, huyện Cẩm xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bằng nghiệp vụ của mình thầy đã tự đứng ra mở lớp học bơi cho học sinh để phòng đuối nước, giúp phụ huynh yên tâm cho trẻ đến trường. Việc làm này đã thu hút được nhiều học sinh và phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Đây là việc làm thiết thực xuất phát từ cái tâm, cái tài  của người thầy. Chuyện về thầy giáo Lê Văn Tùng đã được xây dựng thành phim, gửi gắm một thông điệp đến những người trẻ hôm nay: Hãy vững tin vào con đường đã chọn và luôn luôn cố gắng hết mình cho sự lựa chọn đó. Và còn rất nhiều tấm gương thầy giáo hết lòng vì học sinh thân yêu khác nữa

            Thế nhưng, hiện nay lại đang tồn tại một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều thầy, cô giáo không coi nghề dạy học là một sứ mạng cao cả mà chỉ thuần tuý là một phương tiện để kiếm tiền. Nạn học thêm một cách tràn lan, khó kiểm soát, tệ mua bán điểm, hiện tượng “chạy trường, chạy lớp”… cũng đều xuất phát từ quan niệm thực dụng. Hay một số hiện tượng tiêu cực ở Trường Phổ thông trung học dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin. Nhà trường thu tiền của học sinh, rồi để cho học sinh coi cóp trong thi cử. Đó là việc vi phạm quy chế phòng thi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm giảm uy tín của ngành, của người thầy nói chung. Làm ảnh hưởng đến việc giáo dục cho học sinh ý thức tôn trọng pháp luật, cũng như việc giáo dục đạo đức làm người.

Không chỉ vậy, một số nhà giáo còn lợi dụng vị trí người thầy để làm những việc trái với đạo đức. Những vụ “gạ tình” học sinh với lời ngon ngọt có, doạ dẫm có, cả đó những việc làm trái với đạo làm thầy đã bị phanh phui trước công luận.  Nhiều vụ việc làm cho dư luận không khỏi bức xúc và lên án đạo đức người thầy ngày nay.

Cùng có mặt trong sự suy đồi đạo đức, bị cuốn theo nhũng thói hư tật xấu bởi cơ chế thị trường gần đây nhất là sự góp mặt của một vị Hiệu trưởng Trường THCS trên địa bàn thành phố Thái nguyên. Vị Hiệu trưởng này bị công an tỉnh Thái nguyên bắt giữ và điều tra về hành vi chứa gái mại dâm đã khiến nhiều người dân nơi đây không khỏi ngỡ ngàng và lên án kịch liệt. Hàng trăm câu hỏi được các bậc phụ huynh đặt ra là một người thầy như vậy thì làm sao có đủ đạo đức để đứng trước hàng trăm học sinh, làm sao để dạy cho chúng thành người có ích cho xã hội, và còn đó nhiều câu hỏi trăn trở là một người quản lý như vậy liệu có đủ tư cách để lãnh đạo một tập thể cán bộ giáo viên của một trường học ngay trên địa bàn thành phố như ông đã từng làm không,... ? Rồi đây, học sinh sẽ tin vào ai khi ngày càng xuất hiện nhiều người như ông Hiệu trưởng này nữa. Một bộ phận không nhỏ những hành vi phản giáo dục đó đã làm hình ảnh người thầy trở nên thiếu trọn vẹn trong lòng học sinh và méo mó dưới mắt nhìn của xã hội.

Chính vì đạo đức của một bộ phận người thầy xuống cấp bởi sự tác động của cơ chế thị trường đã phần nào làm giảm lòng tin của nhân dân vào bậc làm thầy và hơn hết là đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của số đông những người thầy mẫu mực. Ngày nay, Việt Nam chúng ta có rất nhiều những thầy giáo, cô giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Hay nói một cách khác, sự xuống cấp đạo đức của một số giáo viên có thể coi là một hệ quả trong xu hướng chung của toàn xã hội. Điều này khiến cho bao công lao của người thầy bị phủ nhận. “Mầm non” của đất nước, tương lai của đất nước sẽ phát triển như thế, có đưa đất nước “bước tới đài vinh quang, sánh vai cùng với năm châu” như lời Bác Hồ từng căn dặn hay không khi mà phần lớn tuổi trẻ của chúng ta đều gắn bó với những người thầy không phải là thầy như vậy? Các em có giữ được sự trong sáng, hồn nhiên hay không khi mà hàng ngày phải đối diện với những toan tính, mưu mô của một bộ phận bậc làm thầy không ra thầy đang tồn tại trong xã hội mà chúng đang sống.

Một nhà giáo dục học đã từng nói: "Sản phẩm của giáo dục, của dạy học là con người, là thế hệ tương lai của dân tộc, vì vậy không được phép tạo ra “phế phẩm”. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm;  một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng, một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau”. Vì lẽ đó, mỗi thầy giáo, cô giáo cần phải là tấm gương tốt cho học sinh noi theo. “ Thầy phải ra thầy, trò phải ra trò”. Để làm được điều đó thì mỗi chúng ta, ngay từ bây giờ phải xác định lại vị trí của mình, phải sống vị tha, yêu thương con người, phải xây dựng mối quan hệ, tình cảm tốt đẹp giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò và giữa thầy với gia đình học sinh. Ở gia đình, bậc làm cha, làm mẹ cũng phải giúp thầy dạy con cái chúng ta cách làm người, cách ứng xử tốt đẹp giữa người với người. Thầy phải là người được đào tạo bài bản, phải là người đủ tâm, tài, đức để chèo lái con thuyền tương lai đi đúng hướng, đến bến bờ vinh quang. Để “thầy xứng đáng là thầy” và phát huy được vai trò của mình một cách tích cực thì hơn ai hết chúng ta phải biết kính trọng thầy. Bởi trong hành trang vào đời của mỗi người, dù ở cương vị nào thì hình ảnh người thầy vẫn lung linh, đầy nhân văn cao cả. Mượn câu nói của Usinxki để truyền tải một thông điệp tới những bậc làm thầy ngày nay: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”./.

           Trần Thị Hương, Cán sự Phòng TL-TV-KH

Theo http://truongchinhtri.kontum.gov.vn

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: