Cuối tháng 7-1969, giữa lúc nước nhà đang có bao việc lớn trọng đại phải lo, Bác Hồ của chúng ta lại lưu ý đến một điểm chưa tốt trong sinh hoạt đời thường ở Thủ đô. Đó là tình trạng nhân dân phải xếp hàng dài để mua hàng, vừa lãng phí thời gian, vừa gây lộn xộn mất trật tự đường phố.
Tôi (GS Hoàng Tụy) được Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi lên trình bày về vận trù học, về khả năng vận dụng toán học vào công tác phân phối hàng tiêu dùng.
Tôi vô cùng xúc động về sự quan tâm của Bác đối với các vấn đề đời sống của quần chúng. Những ý kiến Bác phát biểu thể hiện rõ tất cả nỗi lo lắng của Người làm sao giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân thành phố, cố gắng để sự phân phối hàng tiêu dùng được công bằng, hợp lý, dân chủ và thuận tiện. Thủ tướng có nhắc lại câu nói của Bác trước đây: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ khổ, chỉ sợ lòng dân không yên”.
Trong khi trình bày, có lúc tôi phải dẫn chứng cụ thể một vài thể thức bán hàng và phục vụ quá phiền phức ở một số cửa hàng của Hà Nội lúc ấy. Bác nghe, nét mặt lộ vẻ không vui. Bác hỏi dồn tôi:
- Những chuyện đó có thực không?
Và khi biết rõ sự thực đúng thế, Bác quay sang hỏi Thủ tướng và hai đồng chí lãnh đạo Bộ Nội thương và Thành ủy, Bác bảo:
- Dân chủ mà thành ra quan chủ! Hà Nội mà còn nhiều quan như vậy sao?
Tôi vẫn cảm thấy ân hận, tự trách mình có lẽ đã làm một điều vô ý thức, bởi vì từ lâu ai cũng biết Bác rất ghét bệnh quan liêu và rất phiền lòng khi chứng kiến hoặc nghe báo cáo về những biểu hiện của nó trong các cơ quan Nhà nước ta. Tôi đâu biết rằng chỉ một tháng sau Bác đã ra đi và mãi mãi chẳng có thể nghe chúng tôi báo cáo lại việc làm với Bác. Khi ra về, Bác dặn dò tôi cố gắng, dường như Bác cũng nắm được những khó khăn mà người làm khoa học kỹ thuật còn gặp trong điều kiện đất nước ta lúc ấy và muốn nhắc nhở chúng tôi vì nhân dân phấn đấu vượt qua để đưa khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất và đời sống./.
Theo http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Thu Hiền (st)