Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những giá trị vĩnh hằng thuộc về mọi người, mọi dân tộc và thời đại, trong đó có giá trị về tấm gương mẫu mực của một bậc thầy lỗi lạc, đào luyện nên những thế hệ lãnh đạo cách mạng “khai quốc công thần” của Đảng ta, Quân đội ta và nhân dân ta.

Từ người thầy đi tìm hình của nước

Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh ra Bác Hồ là một mẫu hình người thầy dạy học tại nhiều địa phương trong nước, nhưng trước hết Cụ Phó Bảng là người thầy mẫu mực của chính con trai mình - Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh.

Người con trong nôi “duy tân” của xứ Nam Đàn, Nghệ An ấy đã sớm “phát lộ”, nhận ra bao “giá trị tân văn cuộc sống con người”, sớm giác ngộ con đường cứu, nước cứu dân, mong sao sớm thoát khỏi ách lầm than, nô lệ, cơ hàn của họ ngay từ thuở thiếu thời. Những năm tháng học tập ở Huế, giữa chốn phồn hoa đô hội nhưng Người vẫn thấu rõ cảnh áp bức, lầm than của người bản xứ cũng như sự ươn hèn của triều đình nhà Nguyễn bán nước hại dân, không dám ra tay bảo vệ dân lành trước những sự thâm độc thông qua việc đầu độc bằng thuốc phiện, rượu cồn và thuốc súng; sự bạo tàn thông qua đánh đập, hãm hiếp, bắn giết, cướp bóc… của những tên được mệnh danh là “mẫu quốc” đi “khai hoá văn minh”. Người đã nổi tiếng với những hoạt động có tính chất phản đối chính sách ngu dân, khuyến khích, cổ vũ những người có chí khí đấu tranh đòi quyền lợi và biết suy nghĩ tới những phương thức đấu tranh chống sự đô hộ của người “mẫu quốc” và chính quyền bù nhìn tay sai của triều đình nhà Nguyễn, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ bạn học…

Do sự truy lùng gắt gao, Người quyết định thôi học ở Trường Quốc học Huế. Trên đường Nam tiến, Người đã nhận được sự giúp đỡ của ông Trương Gia Mô, một người bạn cũ của Cụ Nguyễn Sinh Sắc trong tổ chức Liên Thành Thơ Xã, để vào dạy học tại trường Dục Thanh - ngôi trường tư thục đầu tiên được thành lập năm Bính Ngọ (1906) của Trung tâm tỉnh Phan Thiết. Đây cũng là ngôi trường đầu tiên của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, được mở ra để dạy học con em trong vùng. Với tên gọi trìu mến, Nguyễn Tất Thành là thầy giáo trẻ tuổi nhất một trong bảy thầy giáo tại đây, Người được phân công dạy lớp Nhì trong các môn: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn... sự khởi nghiệp của thầy giáo Nguyễn Tất Thành đầu tiên tham gia giảng dạy những tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ của các chí sĩ yêu nước như: Phan Chu Trinh, Trần Lệ Chất, Hùynh Thúc Kháng, Nguyễn Qúy Anh, Trần Quý Cáp… có ảnh hưởng lớn ở miền Trung và Nam Trung Bộ cho khoảng vài chục học sinh các lớp Tư, Ba, Nhì, Nhất. Ấn tượng đầu tiên của người học cảm nhận được khi Người dạy học trò ở đây là: Chữ là mắt! Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ, con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước…

Tháng 2 năm 1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành chính thức rời trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Sau đó ít lâu, ngày 5.6.1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lấy tên là Văn Ba, xin được làm phụ bếp trên con tàu của Pháp Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville), bắt đầu hành trình tìm đường cứu dân, cứu nước. Cũng từ đây, đánh dấu một chặng đường bôn ba đầy chông gai, gian khổ nhưng hết sức phi thường của một con người suốt đời cống hiến hi sinh cho toàn thể dân tộc Việt Nam, cho hoà bình, hạnh phúc của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Trước khi rời khỏi trường Dục Thanh, thầy Nguyễn Tất Thành không quên gửi lại lời nhắn nhủ: Các trò thân yêu, thầy biết các trò rất yêu quý thầy. Nhưng thầy không thể ở lại trường Dục Thanh lâu hơn được nữa. Thầy phải đi, đi rất xa. Ước mơ về một ngày mai nước nhà độc lập đang kêu gọi thầy dấn bước ra đi... Thầy đi xa nhưng lòng vẫn nhớ, vẫn gần các em. Thầy mong các em học giỏi, chăm ngoan, biết kính người già, nhường em nhỏ, yêu quý mọi người. Tài liệu lưu trữ của người Pháp để lại cho biết, tại ngôi trường cổ Dục Thanh còn nhiều sách, thư án cũ được lưu giữ trong Ngọa Du Sào - nơi mà thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng đến đọc sách, nghiên cứu các tài liệu người Pháp đang có ở Đông Dương. Ngọa Du Sào là căn phòng gỗ nhỏ, hẹp, nhưng chính nơi đây đã sản sinh ra bao ý tưởng mới lạ về sự hiểu biết, khám phá, tìm đường cứu dân, cứu nước của một người con yêu nước.

Khi trả lời một nhà báo Nga về mục đích chuyến đi, Bác nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp “Tự do, Bình đẳng, Bác ái…”, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”(1). Một lần khác với nhà văn Mỹ, Người trả lời: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi…”(2).

Người thầy khai sáng cách mạng Việt Nam

Trên con tàu của Pháp, Người đã đến được nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, nhất là những người lao động nghèo ở Mỹ, Pháp, Anh… Cuối năm 1912, khi dừng chân trên đất Mỹ, Bác tìm hiểu cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ và Bản Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ năm 1776, rồi đến bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp khá nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, để sau này khi nước nhà đòi lại được quyền độc lập, tại căn nhà số 48 Hàng Ngang - Hà Nội, chính tay Người đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) với chỉ có 1014 từ, bao quát trọn vẹn, hàm chứa một thời đại mới được mở ra cho toàn thể dân tộc và nhân dân Việt Nam. Nhưng điểm khác biệt ở đây là, Người đã thay bản chất của hai bản tuyên ngôn hai cường quốc Mỹ và Pháp để đưa vào văn bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức của Việt Nam khác hẳn về chất cả nội dung, tính pháp lí và nghệ thuật ngôn từ. Những điều này, được học trò xuất sắc của Người - Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong “Những năm tháng không thể nào quên” rằng: “Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (đồng chí Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong, Bác mang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người”(3).

Thời kì bôn ba ở nước ngoài, Người đã tham dự những buổi diễn thuyết ngoài trời của các nhà chính trị và triết học, tham gia Hội những người lao động hải ngoại, ủng hộ các cuộc đấu tranh yêu nước, lập ra tờ báo Người cùng khổ để tuyên truyền, giác ngộ, kêu gọi, thức tỉnh lương tri và chỉ lối cho nhiều người tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế… Người tìm đến với luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin bằng tất cả sự ngưỡng mộ, như “tìm thấy con đường giải phóng cho chúng ta”. Từ sự kiện này và những năm tháng tiếp theo, người đã tin và đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, ủng hộ và tham gia phong trào quốc tế cộng sản, trở thành chiến sĩ cộng sản trung kiên, đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Nắm vững nguyên lí chủ nghĩa Mác-Lênin khi thời cơ đã chín, với bầu nhiệt huyết sục sôi và phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học, Người đã tìm được những cách tối ưu nhất để chuẩn bị các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhanh chóng truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở trong nước, tổ chức tập hợp giáo dục, xây dựng hệ tư tưởng và chuẩn bị tốt nhất các văn kiện quan trọng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Đảng từ ngày mồng 3 đến ngày mồng 7 tháng 2 năm 1930. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có ngọn cờ soi đường chỉ lối, xóa tan đám mây mờ đen tối như không có đường ra; gánh vác trọng trách lãnh đạo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.

Sau này, khi hoạt động ở nước ngoài cũng như trong nước, Hồ Chí Minh đã giảng dạy ở nhiều nơi, mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt cho phong trào cách mạng. Người cũng đảm nhận nhiều môn học như chính trị, ngoại ngữ, lịch sử, văn chương... Học trò của Người thuộc nhiều đối tượng, cán bộ đảng viên, bộ đội, dân công, già trẻ, trai gái, miền xuôi, miền ngược... nhưng trong đó quý báu nhất là Người đã trực tiếp lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo ra những người con ưu tú của dân tộc, những bậc hiền tài xuất chúng như: Hoàng Văn Thụ, Lý Tự trọng, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Nguyên Giáp; Phạm Văn Đồng; Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Sơn, Trần Đại Nghĩa… Có lẽ chưa thời đại nào trên đất nước chúng ta, việc lựa chọn, đào tạo đội ngũ cán bộ được chuẩn bị công phu, rồi lại được đem ra trải nghiệm từ trong thực tiễn những bậc học trò, những nhà cách mạng suốt đời tận tụy vì nước vì dân, “dĩ công vi thượng”, đặt Tổ quốc lên trên hết, vì độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân như trong thời đại Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, bước chân vào đời đầu tiên khởi nghiệp là một thầy giáo dạy chữ, truyền bá lí tưởng sống, lí tưởng cách mạng, giá trị con người, giá trị dân tộc độc lập, giá trị nhân văn, quyền được sống, quyền được sung sướng và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người Việt Nam. Từ ngôi trường nhỏ Dục Thanh (Phan Thiết), đã đưa Người đến với nghề giáo một cách hết sức tự nhiên, một mẫu hình nhân cách lớn, nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý, đào luyện ra những bậc khai quốc công thần, suốt đời tận tuỵ, phấn đấu hi sinh cho dân cho nước. Dưới ngọn cờ tập hợp và dẫn dắt của người thầy lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã vượt qua sự khủng hoảng về đường lối, vượt mọi giông bão, thác gềnh, chọn đúng thời cơ, thời điểm, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện như hiện nay.

Người thầy mẫu mực, lỗi lạc của nhân dân

Đã từng là một thầy giáo trước khi trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, thầy giáo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên mọi phương diện đều hết lòng, hết sức truyền đạt tri thức, kinh nghiệm và tư tưởng, phương pháp tiến bộ, gieo vào tâm thức các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta toàn bộ nội dung tư tưởng, phương pháp cách mạng đúng đắn, khoa học và hiện thân của một tấm gương đạo đức trong sáng. Tư tưởng, đạo đức của Người đã, đang và sẽ tiếp tục tỏa sáng cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trước hết là tiếp tục toả sáng trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của Việt Nam trong thời đại mới.

Sinh thời, Người đặc biệt rất quan tâm đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, đạo đức tác phong, phương pháp của thầy, cô giáo trong xã hội. Muốn có nền giáo dục tốt phải có mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục tốt; có cơ sở vật chất, người dạy và người học… Trong đó, người thầy là nhân tố quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo. Không có thầy giáo thì không có giáo dục; học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hoặc xấu… Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc tháng 9 năm 1958, Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng và Chính Phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú”, và “nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”!? Việc “dạy dỗ” ở đây chính là người thầy giáo phải đem sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của mình truyền đạt cho người học, làm cho người học phát huy khả năng của bản thân, phát triển các mặt đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục để trở thành người lao động chân chính, có ích cho xã hội. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang, gắn liền với sự nghiệp của những người thầy, cô trong xã hội.

Bác đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức của người làm thầy giáo, coi đó là linh hồn của nghề dạy học. Người nói: Chính trị là đức, chuyên môn là tài, có tài mà không có đức là hỏng, hay “chính trị là linh hồn, chuyên môn là xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn”(4). Nhưng không tuyệt đối hoá mặt đạo đức coi nhẹ lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ. Có đức là để tài năng phát triển đúng hướng, và có tài thì đức mới phát huy được tác dụng. Người nói: “có tài mà không có đức là hỏng, có đức mà chữ i tờ thì dạy thế nào”. Do đó, người thầy giáo “phải chú ý cả tài cả đức”, phải thực sự mô phạm, là tấm gương tích cực, mẫu mực trong suốt quá trình dạy học và cả ở đời thường.

Ở Người, luôn có sự cảm hoá và tỏa sáng mạnh mẽ, chia sẻ, đồng cảm và yêu thương qua suy nghĩ, lời nói và hành động đối với mọi người xung quanh và ngay cả với vạn vật cỏ cây. Ngoài sự cảm hoá nhân dân, quần chúng, mọi tầng lớp bằng hành động cụ thể, cảm hoá họ bằng những câu văn, bài thơ, lời kêu gọi… chứa chan tình thương và nhiệt huyết. Với các văn nghệ sĩ, những người lính, Bác thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên; với các cháu thiếu nhi, không tết Trung thu nào là Bác không viết những vần thơ yêu thương, khích lệ. Cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh là tấm gương để mỗi người dân Việt Nam noi theo và phấn đấu.

Trong giai đoạn hiện nay, hơn bao giờ hết, đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp giáo dục phải được tăng cường, những thầy, cô giáo phải ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân trong sự nghiệp trồng người, nuôi trồng nhân cách. Trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, nội dung và phương pháp, thể hiện là tấm gương sáng trong mọi lời nói và hành động, nhất là trên bục giảng trước những ánh mắt, tâm hồn trẻ thơ. Nhất là trong lúc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) bàn về đổi mới một cách căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cần nhìn nhận thấu đáo hơn về hiện tại và đòi hỏi tương lai giáo dục - đào tạo của nước nhà, để kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong các tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, giới chức xã hội đến mỗi người thầy cô giáo, là dịp để tiếp tục gột rửa những khuyết điểm hạn chế để xốc tới làm trong sạch bộ máy, trong sạch đội ngũ, đưa sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ từng mong muốn./.

Nguyễn Minh Đức

Theo http://vannghequandoi.com.vn

Thu Hiền (st)

_____________

Tài liệu tham khảo:

1. Báo Ogoniok,  Số 39, Ngày 23.12.1923

2. Báo Nhân dân, số ra ngày 18.5.1965.

3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh - 2009

3. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia,  Hà Nội - 2000, Tr 492.

Bài viết khác: