nh long nhan ai

Trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện rất xúc động về tấm lòng nhân ái nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hai chuyện khiến tôi ngẫm nghĩ rất nhiều, càng ngẫm nghĩ càng thấm thía, càng tự hào về cái đức "nhân nghĩa" cổ truyền của dân tộc ta đã được kết tinh trong sáng nhất ở Người.

*Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện một em bé, như sau:

Sau khi Pháp rút quân khỏi Hà Nội, trên đường đi công tác, Hồ Chủ tịch ghé vào thăm một thôn nhỏ. Các cháu bé xúm lại quanh Người. Bác chia kẹo cho các cháu. Có một cháu chừng năm, sáu tuổi cầm lấy kẹo mà chưa ăn, cứ đăm đăm nhìn Bác. Một đồng chí cán bộ thấy vậy bảo:

- Ăn kẹo đi cháu!

Cháu trả lời:

- Cháu để phần mẹ cháu

Đồng chí cán bộ liền lấy thêm kẹo đưa cho cháu và nói:

- Cháu ăn phần kẹo này đi, còn phần trước để mẹ cháu.

Cháu cầm kẹo nhưng vẫn chưa ăn, cứ nhìn Bác Hồ. Bác âu yếm nhắc:

- Cháu bé ăn kẹo đi.

Cháu nhỏ nhẻ thưa:

- Cháu chờ mẹ cháu cùng ăn ạ.

Bác Hồ cúi xuống vuốt mái tóc của cháu, hỏi:

- Cháu tên là gì?

- Mẹ cháu gọi cháu là Chiến… Mẹ cháu bảo phải kháng chiến đuổi hết giặc đi mới sống được, nên đặt tên cháu là Chiến.

Bác Hồ ôm cháu bé vào lòng. Một cụ già trong thôn liền kể chuyện gia đình cháu để Bác Hồ nghe: Ông cháu bị giặc Pháp bắt đi phu mất tích, bố cháu bị giặc Pháp giết khi cháu vừa ra đời, mẹ cháu vừa sản xuất, chiến đấu vừa nuôi dạy cháu lớn bằng ngần ấy tuổi. Vì vậy, cháu rất thương mẹ và căm thù giặc.

Bác rất cảm động.

Một lát sau, Bác chào dân làng ra đi, Bác sắp lên xe thì bé Chiến vùng níu tay Bác hỏi:

- Bác ơi! Cháu lớn lên còn giặc để đánh không?

Bác Hồ quay lại, cúi xuống trìu mến thơm lên trán cháu và ôn tồn nói:

- Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước.

*Đó là câu chuyện thứ nhất. Câu chuyện thứ hai thì nói về một người cha. Tóm tắt như sau:

Chiến sĩ B. trước năm 1945 đã bị giặc Pháp bắt đi lính khố đỏ. Sau Cách mạng tháng Tám, anh gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, lập được nhiều công lao và được cử vào đơn vị bảo vệ Hồ Chủ tịch. Trong thời gian đầu kháng chiến chống xâm lược Pháp, vợ con anh còn bị mắc trong vùng địch kiểm soát. Anh chưa kịp tìm cách cho vợ con ra vùng tự do thì con trai anh đã bị giặc bắt lính và đẩy đi càn quét xóm làng, giết hại đồng bào.

Được tin con, anh B. buồn bã vô cùng. Anh gầy xọp đi và luôn luôn thẫn thờ ngơ ngẩn như người mất hồn.

Sự thay đổi ở anh không lọt qua được con mắt ân cần thương yêu các chiến sĩ của Bác Hồ. Một buổi chiều các chiến sĩ bảo vệ cùng với Bác cuốc vườn tăng gia. Giờ nghỉ, Bác gọi riêng anh B ra một góc vườn và hỏi:

- Sao mấy bữa nay trông chú không được vui?

Anh B. xúc động quá, không nén được, nước mắt trào ra, nghẹn ngào nói không ra lời.

Bác liền đặt cuốc nằm ngang trên đất, ngồi lên trên cán và bảo anh:

- Ngồi xuống đây, chú!

B. ngồi xuống, dần dần trấn tĩnh lại được và kể câu chuyện đau xót của mình để Bác nghe. Anh nghĩ, trước cách mạng vì mất nước, vì bị cưỡng bức nên anh đã phải mang thân làm tên lính phục vụ cho bọn giặc nước, làm hại đồng bào, bây giờ hồi tưởng lại thấy ân hận vô cùng! Vậy mà ngày nay, cách mạng thành công rồi, toàn dân đang kháng chiến giành lại tự do độc lập thì chính đứa con trai mình lại… Anh giận con lắm, nhất quyết tuyên bố từ bỏ đứa con hư, cắt đứt tình ruột thịt từ đây.

Bác Hồ chăm chú nghe, đôi mắt hiền từ nhìn anh chan chứa yêu thương thông cảm. Sau khi anh đã nói xong, Bác chậm rãi bảo:

- Chú nghĩ như vậy chưa hay! Chú có tuyên bố cắt đứt thì nó vẫn là con của chú thím đẻ ra. Tình cha, nghĩa mẹ làm sao quên ngay được.

Bác ngừng lại để B. suy nghĩ một lát. Rồi nói tiếp:

- Nắng chiếu thì sương tan, lời khuyên bảo của cha, mẹ sẽ giúp nó nhận ra lẽ phải.

Bác nói đến đâu, anh B thấy sáng ra đến đấy. Anh phấn khởi hẳn lên vì đã thấy rõ phải làm gì để cứu được đứa con khỏi vòng tội lỗi.

Tôi ngẫm nghĩ rất nhiều về hai câu chuyện trên. Trước tình hình hiện nay, bọn Mỹ hiếu chiến đứng đầu là tổng thống Ních-xơn đang ra sức đẩy mạnh âm mưu "Việt Nam hóa" cuộc chiến tranh của chúng ở Đông Dương. Tôi đã có dịp xem một số ảnh, một số thư của các tù binh, hàng binh sau cuộc hành quân Lam Sơn 219 xâm lược Nam Lào của bọn Mỹ - Thiệu Kỳ.

Tôi đã xem những tấm ảnh, đau xót và căm giận biết chừng nào: Bè lũ Mỹ Thiệu Kỳ đã bắt vào lính, đã đẩy ra trận những thiếu niên có lẽ chỉ khoảng 15, 16 tuổi là cùng, những thân hình nhỏ quá trong chiếc áo rộng lùng thùng, những nét mặt con quá dưới chiếc mũ đỏ cố đội cho có vẻ ngang tàng. Tôi chú ý nhất đến những đôi mắt. Những đôi mắt ấy trước ống kính của máy chụp hình còn bẽn lẽn ngượng ngùng hoặc tinh nghịch một cách trẻ con, mà sao đã ấp ủ một chút gì ưu tư, một nỗi lo sợ, một vẻ trầm tư về thân phận con người. Những cái đó rõ lắm không thể che dấu được.

Và khi đọc những bức thư, tôi muốn khóc. Một bức thư viết: "Hôm nay, họ đã đưa con đến Quảng Trị rồi. Con buồn lắm, khổ lắm. Con chỉ trách cha mẹ sao không cố đấu tranh cho con ở nhà đi học, không phải ra chiến trường mà con chẳng hiểu để làm gì cả…" Đọc những lời lẽ như thế, những ai là cha là mẹ chẳng thấy dứt từng khúc ruột.

Tôi nhớ đến câu Bác Hồ trả lời bé Chiến khi em hỏi rằng "em lớn lên còn giặc để đánh không".

"- Bác chỉ muốn các cháu được học hành, lớn lên xây dựng đất nước".

Bác Hồ nói câu đó là nói lên cái nguyện vọng tha thiết nhất của cả dân tộc. Để nuôi dạy một đứa trẻ sơ sinh thành một người trai có sức khỏe, có trí khôn, biết điều hay lẽ phải, không phải là dễ dàng: đó là mười tám năm vất vả ưu tư, nhiều bữa quân ăn, nhiều đêm mất ngủ của cha mẹ và của nhiều người khác.

Tôi suy nghĩ về câu chuyện chiến sĩ B. đã kể ở trên. Hồ Chủ tịch quý trọng giá trị từng con người và tin tưởng ở lương tri của mọi người, đó là điều tôi thấy rất rõ qua câu chuyện Hồ Chủ tịch không tán thành việc chiến sĩ B chỉ mới nghe tin con bị địch bắt đi lính mà bỏ con cắt đứt tình máu mủ.

- Chú nghĩ như vậy chưa hay: Chú có tuyên bố cắt đứt thì nó vẫn là con của chú thím đẻ ra. Tình cha nghĩa mẹ làm sao quên ngay được.

Lời nói đó thật là đầy tình nghĩa và phù hợp với chân lý, với đạo lý dân tộc. Dân tộc không vội vàng từ bỏ những người con của mình vì điều kiện này, điều kiện khác mà bị sa vào con đường lầm lạc. Lời khuyên của Hồ Chủ tịch với chiến sĩ B. chứa đựng tư tưởng nhân nghĩa cổ truyền của dân tộc ta. Tư tưởng nhân nghĩa ấy là nền tảng sức mạnh của dân tộc Việt Nam để giữ nước mỗi khi có giặc ngoài lấn chiếm. Tinh thần đại nhân đại nghĩa ấy của dân tộc mà Hồ Chủ tịch đã ra sức vun trồng suốt mấy chục năm qua vì lợi ích của đất nước, đã được toàn thể nhân dân ta thấm nhuần và thực hiện.

Hồ Chủ tịch nói thêm với chiến sĩ B "Nắng chiếu thì sương tan, lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ giúp nó nhận ra lẽ phải”. Đúng là như vậy. Những lỗi lầm mà con người ta nhất thời có thể mắc phải, vì nhận thức nông nổi, vì suy xét chưa sâu, vì bị lừa gạt dụ dỗ hay vì bị cưỡng bức đe dọa chẳng qua cũng chỉ như đám sương mù buổi sớm mà chính nghĩa thì như ánh sáng mặt trời. Nắng chiếu thì sương tan.

Trận tuyến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam ta, đã vững chắc và ngày càng mở rộng, sẵn sàng đón tất cả những ai yêu độc lập, quý tự do. Trận tuyến ấy, mặt trận đại đoàn kết toàn dân ấy, được xây dựng trên tư tưởng nhân nghĩa của Hồ Chủ tịch. Vì vậy, nó có một độ bền bỉ, dẻo dai, một sức mạnh vô địch. Còn đối chọi với một trận tuyến như thế, cái âm mưu "Việt Nam hóa" chiến tranh của Mỹ - Thiệu, Kỳ sẽ như sương mù bị tan khi nắng chiều./.

Theo tin 247.com
Kim Yến (st)

Bài viết khác: