Trong cuộc đời hoạt động của mình, Bác Hồ - lãnh tụ thiên tài của dân tộc, luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Ngay dịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác đã gửi thư động viên, khích lệ và khuyên bảo học sinh. Bác thường xuyên dặn dò các ngành, các cấp phải chăm lo việc phát triển giáo dục và đào tạo. Bác đích thân phát động phong trào thi đua "Hai tốt" trong các nhà trường.

Ngày 15 tháng 10 năm 1968, giữa bộn bề công việc trọng đại của đất nước, Bác vẫn dành thời gian viết thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân, nhân viên, học sinh nhân dịp khai giảng năm học mới, năm học thứ tư chống Mỹ cứu nước. Trong bức thư cuối cùng gửi ngành Giáo dục và đào tạo trước lúc Người đi xa, Bác căn dặn:

"Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật".

Trước khi qua đời, trong Di chúc của Người, khi nói về thế hệ trẻ, Bác dặn dò:

“Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết".

Trong sự quan tâm chung đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước, Bác dành cho giáo dục và đào tạo Nghệ An một tình cảm đặc biệt. Trong các bức thư, điện, trong những lần gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, nhân dân Nghệ An và các địa phương trong tỉnh, không lần nào Bác không nhắc tới công tác giáo dục. Ngày 16 tháng 6 năm 1957, trong lần đầu về thăm quê, nói chuyện với hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An, Bác thân tình dạy bảo: "Tỉnh ta có hơn bảy vạn học sinh. Thế là khá. Nhưng trong đó chỉ có 32 học sinh gái ở cấp 3 và 865 học sinh gái ở cấp 2 là còn ít. Thế thì các cháu phải cố gắng. Các vị cha mẹ đừng tiếc công mà giữ con gái ở nhà, không cho các cháu đi học".

Ngày 09 tháng 12 năm 1961, lần thứ hai về thăm quê, Bác nói: "Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này mà nay đã có cho các cháu trong làng và các làng chung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về văn hoá. Thế là văn hoá tiến bộ" (lần về thăm quê năm 1957, thấy Trường cấp 2 Nam Liên đơn sơ quá, Bác không bằng lòng. Bác đề nghị với tỉnh chuyển số vật liệu và kinh phí làm nhà khách Kim Liên, xây dựng một trường kiên cố, có đủ chỗ cho các cháu học sinh trong xã ngồi học. Theo Bác, "cái đó cần thiết hơn nhà khách").

Ngày 09 tháng 12 năm 1961, thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, Bác tha thiết khuyên các cháu: "Để đền đáp công ơn, các cháu không phải học rồi ở đây, mà phải trở về giúp đỡ đồng bào".

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, khi biết huyện Quế Phong - một huyện vùng cao còn rất nhiều khó khăn và phần lớn là đồng bào các dân tộc ít người nhưng đã phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm bổ túc văn hoá trước thời hạn 1 năm, Bác đã có “Thư gửi đồng bào và cán bộ các dân tộc huyện Quế Phong”. Trong thư này, “Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào và cán bộ các dân tộc trong toàn huyện…”.

Ngày 15 tháng 3 năm 1967, trong “Thư gửi các cháu học sinh xã Nam Liên” (huyện Nam Đàn), sau khi biểu dương các cháu, “Bác hoan nghênh đồng bào, cấp uỷ Đảng, chính quyền, các thầy giáo, cô giáo xã Nam Liên đã chăm lo đến việc dạy và học và đảm bảo tốt phòng không an toàn cho các thầy giáo, cô giáo và các cháu”.      

Trong thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An ngày 21 tháng 7 năm 1969, sau khi khen ngợi những cố gắng của Đảng bộ và nhân dân, Bác viết: "Sắp tới phải làm gì?... Hết sức chăm lo đời sống nhân dân…., từng bước cải thiện việc ăn, mặc, ở, học, phục vụ sức khoẻ và giải trí của nhân dân….".

Một đời, không bao giờ Bác không nghĩ đến giáo dục và đào tạo - không bao giờ không nghĩ đến việc "bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau"; trong đó, có một phần không nhỏ suy nghĩ của Bác đã dành cho giáo dục và đào tạo Nghệ An quê nhà./.

Minh Đức

Theo http://nghean.edu.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: