Trưa 21-10-2013, anh em bạn chiến đấu khu vực Sài Gòn chúng tôi bàng hoàng nhận tin Đại tá Đặng Văn Thượng, nguyên Chính ủy Trung đoàn 1, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 9, nguyên Chính ủy Sư đoàn 5B, nguyên Chính ủy Trường Lục quân 2, nguyên Chính ủy tỉnh đội Tây Ninh, sau này là Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nguyên Chuyên viên cao cấp Văn phòng Chính phủ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Những cựu binh chúng tôi dù tuổi già cũng vội vàng đến chỗ anh… đấy là Chín Trí, Biệt động thành, Năm Tích - Sư đoàn trưởng, là Hồng Cẩm, Ba Bu…. 6 giờ 15 phút 22-10 đồng đội và những đứa em cùng chung chiến tuyến vẫn đứng đó nhưng anh Sáu Thượng đâu còn nhận ra ai.
Anh ơi! vừa mới mấy ngày trước, anh em chúng ta còn lập bàn thờ Kính viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và còn nghe anh bàn bạc về việc phải lo xây đền thờ tại Gò Đen, chụp bằng được Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên … Anh em nhắc lại việc Báo Quân đội nhân dân đã đăng bài anh cùng bộ đội Trung Huyện chia lửa cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Rồi anh cung cấp tư liệu về việc lá cờ "QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG" do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho anh mang về cho bộ đội chủ lực Quân Giải Phóng Miền Nam năm 1960. Tiếng anh chậm rãi nhưng trí nhớ thì rất mạch lạc.
Mấy chục năm qua, từ lúc còn chinh chiến đến lúc xây dựng đất nước trong hòa bình anh lúc nào cũng tận tâm, tận lực phục vụ quân đội, phục vụ nhân dân và hết lòng yêu thương, vị tha với đàn em thân yêu của anh. Anh Sáu ơi ! Trong những giây phút cuối cùng còn được thấy anh, thương anh vô hạn nhưng biết làm sao hơn, chỉ biết đứng lặng nhìn anh mà nuốt nước mắt mà thôi.
Chúng em cũng đã đầu bạc, răng long chắc hẳn không xa anh em ta sẽ gặp lại nhau, lại cùng hát vang bài ca " Giải Phóng Miền Nam " ở một thế giới khác nhưng hôm nay, anh đã đi trước, tiếp tục theo chân Đại tướng kính yêu, theo chân Bác Hồ vĩ đại. Nhớ đến anh, một người đồng chí, người thủ trưởng cả khi anh còn trong quân ngũ và sau này trên cương vị lãnh đạo cấp cao của một tỉnh miền Đông Nam Bộ, chúng em xin gửi bài viết của anh về lá cờ Quyết chiến Quyết thắng do Bác Hồ và Đại tướng trao cho anh mang về giao cho bộ đội chủ lực Miền, lấy đó như nén tâm nhang tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Đại tá Đặng Văn Thượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh
…. "Tôi còn nhớ rõ, đầu tháng 11-1959, đồng trí Trần Văn Trà, Phó Tổng Tham mưu trưởng giao nhiệm vụ cho đồng chí Tô Ký (anh Ba Tô Ký), Sư đoàn trưởng B338, đồng chí Đồng Văn Cống, Sư đoàn trưởng B330 về khu doanh trại nhà lợp lá cọ, tường đất quét vôi, trong một khu rừng vùng đất tỉnh Hòa Bình bắt đầu chương trình học tập ở miền Bắc. Tất cả có 28 cán bộ, sĩ quan đã mang cấp hàm đại úy, thiếu tá về học chính trị và quân sự. Những cán bộ này do đồng chí Phạm Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo tuyển chọn. Học quân sự chủ yếu tập mang ba lô con cóc từ 10 ký tăng dần lên 30 ký, đi chân đất leo núi ngày hai buổi sáng - chiều do anh Ba Trà hướng dẫn, còn chính trị do anh Ba Duẩn (đồng chí Lê Duẩn), anh Hai Hùng (Phạm Hùng) lên lớp, hướng dẫn thảo luận đường lối, chính sách, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, phong cách khiêm tốn giản dị của người lính cách mạng, trung thành với Đảng, với nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam, vì độc lập dân tộc.
Chúng tôi còn luyện tập tự nấu cơm bằng ăng-gô, lội sông suối, cột võng ,căng ni lon che mưa trong suốt 30 ngày. Khóa học đang hăng say luyện tập thì bất ngờ vào một ngày trời lạnh lắm, Bác Hồ đến thăm, anh em chúng tôi mừng quá mà khóc.
Bác hỏi: " Việc học tập, rèn luyện có tốt không? Có ai đau yếu không? Ăn có đủ cơm không?". Anh em đồng thanh trả lời:" Thưa Bác, anh em cố gắng học tập, rèn luyện theo lời chỉ dạy của anh Ba Lê Duẩn, anh Ba Trần Văn Trà , ăn no, ăn khỏe". Cuối buổi trò chuyện, Bác dặn: "Phải cảnh giác lúc học tập ở đây cũng như lúc đi đường, không được thư từ, tiếp bạn bè phải giữ bí mật công việc của mình; phải đoàn kết chia sẻ thiếu thốn, dù đói cũng không được vào nương rẫy của dân mua bán, đổi chác hoặc hái lén, cây trái lá rừng cũng có chủ, dân còn nghèo khổ lắm, đừng làm mất lòng dân. Trên đường đi phải hỏi ý kiến anh em dẫn đường, loại lá nào ăn được, loại nào không được. Anh em nhớ đoàn kết, dìu dắt nhau "đi nhanh về sớm về đủ quân số", về Nam là để đoàn kết, chung lòng chung sức cùng với Đảng, với nhân dân chiến đấu giải phóng miền Nam, không được chủ quan, tự cao, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân miền Nam. Công việc gian khó, các chú có làm được không?."
"Dạ, chúng cháu xin hứa với Đảng, với Bác, với đồng bào cả nước sẽ làm trọn nhiệm vụ Bác dặn dù phải hy sinh". Bác chào tạm biệt. Anh em đứng yên khi Bác lên xe, nước mắt cứ tuôn trào, cứ tưởng là chỉ được gặp Bác Hồ lần ấy thôi. Không ngờ, sau đó một tuần nhân ngày chủ nhật, ăn sáng song chuẩn bị đi tập, những cán bộ miền Nam chúng tôi thấy có hai xe quân sự đến, truyền lệnh cấp trên rước toàn thể về Hà Nội. Xe đưa hai mươi tám anh em đến nhà riêng của đồng chí Phạm Hùng- Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Khi vào nhà, anh Hai Hùng hết sức giản dị, cười bắt tay tất cả rồi bảo ngồi uống nước: "Gia đình tôi có tổ chức làm một bữa bánh xèo Nam Bộ ăn, chờ ba phút nữa có bác Tôn Đức Thắng, anh Ba Lê Duẩn, anh Ba Trà và anh Ba Tô Ký ăn cho vui". Bác Tôn và các anh đến đúng hẹn, anh Hai Hùng mời vào bàn dùng bữa bánh xèo quê hương, vừa ăn vừa dặn dò, khuyên bảo các anh em ăn cho no. Lòng chúng tôi dâng trào tình cảm quê hương, Thật là một bữa ăn nhớ đời.
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng
Ít bữa sau, ngày 27-12-1959, thật trong chúng tôi không ai ngờ và nghĩ đến mệnh lệnh không ăn cơm chiều là lý do gì. Đúng 17 giờ, lại có hai xe quân sự đến rước Đoàn ra Hà Nội. Anh em ngồi chừng một phút thì thấy đồng chí Trần Văn Trà, đồng trí Tô Ký, anh Ba Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Tôn Đức Thắng và sau đó là Bác Hồ đến. Mọi người đứng dậy vỗ tay chào Bác, anh em chúng tôi lại khóc vì xúc động. Bác ra hiệu ngồi xuống, Bác nói: "Các chú chuẩn bị kỹ chưa? Có ai đau yếu gì không? Lên đường được chưa".
"Dạ chúng cháu sẵn sàng lên đường khi có lệnh của Bác". Bác lại hỏi: Chú Hùng chuẩn bị vật chất cho anh em đủ chưa?". Đồng chí Phạm Hùng trả lời: Thưa Bác, ngày giờ lên đường không thay đổi, còn hai vật nữa sẽ cung cấp đủ cho anh em và dặn dò anh em lần chót".
Nghe đồng chí Phạm Hùng báo cáo vậy, Bác vui vẻ bảo: "Tất cả anh em vào ăn cơm đi, vừa ăn vừa nói chuyện cho vui. Anh em cố gắng ăn cho thật no nhé, đừng để thừa mà lãng phí".
Chúng tôi gồm Nguyễn Hoàng Sơn, Trưởng đoàn, Bùi Thanh Vân, Trần Văn Phú, Phó Đoàn trưởng và Đặng Văn Thượng, Bí thư, phụ trách chính trị được vinh dự ngồi chung mâm cơm với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp,. Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Phạm Hùng ngồi mâm thứ hai. Đồng chí Lê Duẩn, Trần Văn Trà, Tô Ký ngồi với anh em mâm thứ ba. Bác Hồ, Bác Tôn cầm đũa đi từng bàn gắp thức ăn để vào chén của anh em, động viên anh em ráng ăn thật no. Bác Hồ lại nhắc lại "Việc Bác dặn hôm nọ các chú còn nhớ không?". "Dạ các cháu ghi lòng tạc dạ". "Đi đường dù thiếu thức ăn ráng chịu chứ đừng bắn thú rừng cải thiện nhé. Hãy giữ bí mật cho mình, cho dân, cho người đi sau. Về Nam khi gặp các đồng chí lãnh đạo, gặp đồng bào, các chú nhớ nói: Đảng, nhân dân miền Bắc, Quân đội và tôi gửi lời thăm, chúc mạnh khỏe, đoàn kết lương giáo, chung sức chung lòng chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhà để Bác về thăm miền Nam ruột thịt". Rồi Bác lại gắp thức ăn cho từng anh em, đốc thúc:"Phải ăn đi, sao cứ ngồi như vậy? Ăn hết cơm mới về". Anh em chúng tôi xúc động quá, vừa khóc vừa cố gắng ăn hết bát cơm.
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho người đưa đến bàn ăn có Bác ngồi, mở gói giấy lấy ra lá cờ thêu bốn chữ: "QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG" của Quân đội nhân dân Việt Nam trao cho đồng chí Đặng Văn Thượng và nói: ""Đồng chí là Bí thư Chi bộ, là Chính trị viên hãy giữ gìn lá cờ này như sinh mạng chính trị của đoàn, thường xuyên mở ra xem trên đường đi để nhắc nhở ý chí và quyết tâm. Khi về Nam xây dựng lực lượng nhớ lấy cờ ra giáo dục anh em, đặc biệt dùng cờ này trong chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt quân thù, giải phóng miền Nam, rước Bác về thăm" …
Đồng chí Trần Văn Trà, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền trao cờ Quyết chiến Quyết thắng
cho Trung đoàn 761
Những lời căn dặn của Bác Hồ và lời huấn thị của Đại tướng như chỉ dạy đường đi nước bước, ý chí quyết tâm chiến đấu thấu quá trời, chúng tôi ghi lòng, tạc dạ.
Ngày 01-01-1960, Đoàn chúng tôi lên đường vượt sông Bến Hải về Nam thực hiện lời dạy của Đảng, Bác Hồ, của nhân dân và quân đội. Cờ Quyết chiến Quyết thắng cùng Tiểu đoàn 1 lần đầu tiên ra mắt lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ngày 20-12-1960 tại rừng Rùm Đuông – Trảng Chiên huyện Dương Minh Châu – Tây Ninh nhưng vắng đồng chí Chủ tịch mặt trận Nguyễn Hữu Thọ và một số đồng chí (Đồng chí Thọ bị Mỹ - Diệm giam cầm ở tỉnh Phú Yên). Mãi đến 30-12-1961, lãnh đạo Mặt trận Giải phóng Dân tộc tổ chức ra mắt lần thứ hai cũng tại rừng Dương Minh Châu mới có đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận, và đồng chí Trung tướng Trần Nam Trung cùng tham dự.
Tháng 4-1961, Tiểu đoàn 1 mang cờ "Quyết chiến Quyết thắng" ra quân đánh trận đầu tiên do đồng chí Bùi Thanh Vân (Út Liêm) Tiểu đoàn Trưởng, đồng chí Thượng, Chính trị viên chỉ huy, tiêu diệt hoàn toàn một trung đội do tên Quận trưởng Suối Đá (huyện Dương Minh Châu ngày nay) chỉ huy. Chúng đi trên hai xe GMC và một xe jeep từ Suối Đá ra Tây Ninh. Trận đó ta thu 30 súng, có một súng ngắn, đốt cháy cả ba xe. Trận chống càn quét ở Trảng Sa – Trảng Cỏ - Bời Lời –Trảng Bàng –Tây Ninh, dưới cờ "Quyết chiến Quyết thắng" và kèn đồng cổ vũ, quân ta đã anh dũng tiêu diệt 60 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Trận ấy gây tiếng vang: Việt Cộng đánh theo kiểu mới : Có cờ, có kèn!.
Trận đánh tiêu diệt đồn Cần Lê ở biên giới Tân Biên với sự kết hợp của Bộ đội Đặc công do đồng chí Sáu Vẽ chỉ huy cũng dưới lá cờ mang về từ Thủ đô và kèn xung trận, quân ta lại tiêu diệt gọn địch, tịch thu toàn bộ vũ khí. Thừa thắng xông lên, Tiểu đoàn 1 do anh Út Liêm chỉ huy kết hợp đội đặc công của anh Sáu Vẽ tiếp tục tiêu diệt hoàn toàn đồn án ngữ biên giới và cầu Lộc Ninh bắc qua sông Sài Gòn, địch bỏ chạy không dám tái chiếm.
Trận đánh tiêu diệt đồn Bầu Cỏ cũng với cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG và kèn xung trận, ta tiêu diệt trên 60 tên thu toàn bộ vũ khí. Trận này do anh Năm Truyện (Năm Sài Gòn), anh Sáu Tòng chỉ huy. Kế đến ta tiêu diệt đồn suối Cây Cao trên đường 26 huyện Gò Dầu diệt toàn bộ 50 tên lính bảo an gian ác.
Các trận đánh tiêu diệt đồn bót, càn quét dã ngoại, quân ta giải phóng một vùng đất rộng lớn phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Đồng bào tỉnh Tây Ninh, anh em cán bộ chiến sĩ hết sức phấn khởi củng cố lòng tin quyết chiến quyết thắng, đồng bào và bộ đội ta khen cờ Quyết chiến Quyết thắng của Bác Hồ thật là linh thiêng, thật là hên, đánh đâu thắng đó, nên mỗi lần xuất quân chiến đấu, anh em thường nhắc nhở mang cờ theo.
Việc kết nạp thanh niên vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tổ chức dưới Cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG.
Mở màn chiến dịch đầu tiên ở Nam bộ do Bộ Chỉ huy Miền tổ chức chỉ đạo có Bộ Chỉ huy Lâm thời với hai Trung đoàn Q.761 và Q.762 trực tiếp chiến đấu. Mở màn chiến dịch Q.761 nổ súng kết hợp dân vận tấn công vào ấp chiến lược Bình Giã – Xuyên Mộc – Bà Rịa – Vũng Tàu, câu nhử quân cứu viện bằng trực thăng của địch đến để đánh. Còn Q.762 chặn đánh xe cơ giới đường bộ từ Sài Gòn xuống. Địch chủ quan đưa Tiểu đoàn 1 – Trung đoàn 7 – Sư đoàn 5 ngụy dùng trực thăng đổ bộ xuống giải vây và tiêu diệt Cộng sản. Khi địch đổ quân xuống áp vào đánh bộ đội ta trong ấp chiến lược từ 3 phía, Tiểu đoàn 1 và 2 của ta nổ súng, cờ Quyết chiến Quyết thắng cổ vũ, thúc giục quân ta tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 1, bắt sống 2 cố vấn Mỹ và trên 50 tù binh. Mỹ ngụy ức lòng tung Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến có hai cố vấn Mỹ, dùng trực thăng đổ quân tiếp viện quyết tiêu diệt cho bằng được Cộng sản. Q. 761 thừa thắng xông lên đánh quyết liệt với địch, buộc chúng co cụm lại trong một khu rừng nhỏ, ta bao vây dùng bốn trọng liên 12 ly 7, cối 60, 82ly, DKZ 57, 75 ly và đại liên đánh mạnh vào khu rừng. Kèn, cờ, lệnh xung phong của anh Năm Truyện, Sáu Tòng đã động viên bộ đội tiêu diệt toàn bộ lực lượng Thủy quân Lục chiến chi viện, bắt sống cố vấn và 48 tù binh, thu toàn bộ vũ khí. Ngày hôm sau, địch có 50 xe tăng thiết giáp và bộ binh kéo đến trả thù bị Q.762 chặn đánh tiêu diệt, bắt sống 45 tên và hàng chục xe. Chiến dịch đầu tiên thắng lợi lớn. Bộ Chỉ huy Miền quyết định lấy tên Chiến dịch Bình Giã đặt cho Q.761 là Đoàn Bình Giã.
Tổ chức học tập rút kinh nghiệm chiến dịch Bình Giã, năm sau Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở chiến dịch Đồng Xoài, Q.762 có nhiệm vụ đánh tiêu diệt căn cứ Đồng Xoài có trên 300 tên, Đoàn Bình Giã chặn đánh quân tiếp viện.Q.762 kết hợp với binh chủng đặc công, có pháo D9KZ 75 ly hỗ trợ trên bảy tiếng đồng hồ mới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Đúng như dự kiến của ta, rút kinh nghiệm chiến dịch Bình Giã, Mỹ ngụy đưa Tiểu đoàn lính dù số 1 "Anh Cả Đỏ đánh đâu thắng đó" dùng phi cơ chiến đấu dọn bãi, dùng trực thăng đổ quân xuống sân rộng trước nhà Sở cao su Đồng Xoài để từ đó đánh sang giải vây đồn Đồng Xoài. Q.761 cử hai trinh sát và một cán bộ sử dụng bộ đàm tốt trèo lên một tháp nước cao 30 mét của nhà Sở để quan sát, báo cáo tình hình địch cụ thể cho Chỉ huy Q.761 dùng mìn sát thương sử dụng điện chôn ở sân.
Đợi cho địch đổ quân xong còn đang ổn định tổ chức, ta lệnh cho công binh nổ trên 30 quả mìn, lệnh của anh Năm Truyện, anh Sáu Tòng bộ đội đồng loạt nổ súng từ ba phía, kèn và cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG phát lệnh xung phong. Trong một giờ chiến đấu quyết liệt, Q.761 tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn Dù số một gồm Ban chỉ huy tiểu đoàn và bốn tên cố vấn Mỹ, bắt sống 52 tên tù binh. Kết thúc chiến dịch Đồng Xoài, Q.762 được Bộ Tư lệnh Miền trao tên là đoàn Đồng Xoài. Kết thúc chiến tranh đặc biệt của Mỹ ngụy chuyển sang thời kỳ mới chiến tranh cục bộ Đế quốc Mỹ và chư hầu trực tiếp đánh nhanh, diệt gọn kết thúc sớm chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Về phía ta, theo lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Công trường 9 (Sư đoàn 9) gồm đoàn Bình Giã, Đồng Xoài và Trung đoàn 3 từ đồng bằng sông Cửu Long lên, cùng một trung đoàn pháo binh do đồng chí Hoàng Cầm, đồng chí Lê Chân (Lê Văn Tưởng), người lãnh đạo chỉ huy hai chiến dịch Bình Giã và Đồng Xoài thắng lợi, làm Tư lệnh và Chính ủy. Sư đoàn 9 lần đầu tiên được thành lập ở Nam Bộ chuẩn bị chiến đấu quyết liệt với chiến tranh cục bộ do Mỹ là chính, cùng với chư hầu và ngụy quân, đồng thời Bộ chỉ huy Miền cũng khẩn trương chuẩn bị cơ sở để thành lập thêm đơn vị mới.
Tranh thủ thời gian, chúng tôi cho gọi mười tù binh của Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến số 1, Tiểu đoàn Dù số một "Anh Cả" có hai trung úy và bốn trung sĩ đến tìm hiểu về địch để chuẩn bị cho mình. Số này đều qua trường lớp, trên ba năm tuổi quân, phần lớn dân Nam bộ, có bốn người miền Trung.
Bước vào thời kỳ Chiến tranh cục bộ, trực tiếp đánh Mỹ và chư hầu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, Đoàn Bình Giã Q.761 với binh khí kỹ thuật hiện với lòng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Lá cờ QUYẾT CHIẾN QUYẾT THẮNG của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đã chứng kiến bao chiến công của bộ đội chủ lực Miền chúng tôi.
Đặc biệt, sau khi Bác Hồ kính yêu của chúng ta qua đời ngày 2- 9- 1969, theo lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 9, Q.761 Bình Giã do đồng chí Bùi Thanh Vân – Trung đoàn trưởng, Đặng Văn Thượng – Chính ủy và Trung đoàn 1 phải làm lễ kính viếng Bác Hồ bằng một trận đánh tiêu diệt đoàn xe tăng thiết giáp GMC chở lính của Mỹ. Chúng từ Thủ Dầu một lên Lộc Ninh càn quét trên quốc lộ 13. Dưới cờ Quyết chiến Quyết thắng, Q.761 đã tiêu diệt hoàn toàn 30 chiếc xe cơ giới của Mỹ. Trong trận đánh này có một chiến sĩ bắn B40 tên Nguyễn Văn Nổi thể hiện hành động anh dũng tuyệt vời khi đồng chí bắn cháy hai xe thì bị thương ở bụng. Anh em băng bó định đưa về phía sau nhưng đồng chí không chịu, bò lên bắn cháy xe tăng thứ ba mới chịu rời trận địa để bày tỏ lòng thương tiếc Bác Hồ. Đồng chí Nỗi đã hy sinh trên đường về bệnh viện (gần 10 năm công tác ở vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi biết họ tên, quê quán Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp nhưng không tìm được người thân của đồng chí Nổi).Và còn biết bao nhiêu trận đánh Mỹ ngụy khác của Tiểu đoàn 1, Trung doàn 1 (Q.761 Bình Giã), Sư đoàn 9 anh hùng, trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh cho đến khi chiến đấu ở mặt trận Tây Nam, dưới lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã lập nên nhiều chiến công vang dội, xứng đáng với niềm tin của Bác Hồ và lời căn dặn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp...
Đặng Văn Thượng
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)