“Bài hát để lại ấn tượng mạnh mẽ đến nỗi, gần chục năm sau đó, tôi viết bài hát nào thì dường như cũng bị ảnh hưởng bởi Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”  – nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ về bài hát được nhiều người yêu thích của ông về Bác Hồ.

Một khúc dân ca, sâu lắng quê nhà,

Đêm sông Lam dạt dào sóng nước, ơ...

Vọng câu đò đưa, ơ..ơ...ơ...ơ,  tình người mộc mạc

Bát ngát nhớ thương, ơ hờ, mà thoảng hương giữa đời

40 năm qua, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác vẫn luôn được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện và đông đảo công chúng đón nhận. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, người nhạc sĩ tài hoa lại sáng tác bài hát này khi ông mới 24 tuổi và chưa hề được học về sáng tác, cũng chưa một lần được gặp Bác Hồ.

nhac-sy-an-thuyen-bqllang.gov.vn
Nhạc sĩ An Thuyên

Bài hát của anh cán bộ phong trào

Ngồi giữa những máy nghe nhạc, đĩa than, máy ảnh, đồng hồ cổ trong “văn phòng” của mình tại một khách sạn sang trọng ở Hà Nội mà ông được mời làm Cố vấn nghệ thuật, nhạc sĩ An Thuyên với giọng xứ Nghệ đặc trưng, cứ rủ rỉ kể những câu chuyện âm nhạc trong bóng chiều tím dần. Nói về cuộc đời sáng tác của mình, ông kể, đời ông có ba lần “viết nhạc bằng nước mắt”, trong đó, “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” là lần đầu tiên.

An Thuyên kể, ông sáng tác ca khúc này năm 1973, khi ông mới 24 tuổi và Bác Hồ đã mất được 4 năm. Lúc  đó ông đang làm ở Đội Tuyên truyền văn hóa của Ty Văn hóa Nghệ An. Tuy chưa hề được học về sáng tác nhạc, nhưng trước đó nhạc sĩ An Thuyên cũng đã được công chúng biết tới với bài hát “Em chọn lối này”.

Khi Bác mất, Ty Văn hóa Nghệ An tổ chức Lễ truy điệu Bác tại xã Kim Liên, nhạc sĩ An Thuyên là một trong những nhạc công của dàn nhạc chơi trong Lễ truy điệu. Sự ra đi của Bác là một sự mất mát rất lớn đối với chàng trai trẻ An Thuyên lúc bấy giờ và sự mất mát đó luôn ám ảnh ông.

Cho đến năm 1973, ông về Làng Sen sưu tầm dân ca, sống cùng những điệu ví dặm. An Thuyên đã được nghe một người phụ nữ trung niên hát ru con mình trên cánh võng kẽo kẹt và được người mẹ già của chị cho biết, ngày xưa Bác Hồ hay đi xem hát phường vải. Ngay đêm đó, nhạc sĩ đã viết bài hát rất nhanh trong nước mắt dâng trào. “Suốt đêm ngồi viết bài hát này, nước mắt tôi cứ giàn giụa” – An Thuyên kể.

 Ngay sau khi ra đời, bài hát đậm chất dân ca xứ Nghệ của ông đã nhanh chóng lan đi trong khu vực qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thanh ở Đoàn Văn nghệ xung kích Tỉnh đội Nghệ An. Tiếp đó, nó lại được chắp cánh bay xa tới mọi miền Tổ quốc nhờ giọng hát ngọt ngào của NSND Thanh Hoa phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nghệ thuật là sự giản dị

Được viết khi tuổi đời còn rất trẻ lại chưa được học về sáng tác nhạc, nhưng bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác theo ông là đã đạt tới sự “tròn trịa” đến độ, khi đã có trình độ cũng như kinh nghiệm nhưng ông thấy mình cũng không thể sửa được một câu, chữ nào trong đó.

Ông tâm niệm, nghệ thuật là những điều giản dị của cuộc sống chứ không cần phải là cái gì đao to búa lớn. Bài Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác là biểu trưng của sự giản dị, của một tình yêu cuộc sống thật hồn nhiên, trong sáng. Cho nên đến bây giờ, có kiến thức, có trình độ cao hơn nhưng nhạc sĩ An Thuyên vẫn lấy bài hát mà ông gọi là “quả ngọt” đầu tiên mà cuộc sống đã tặng cho ông làm tiêu chí để vươn tới.

Ba bài hát viết bằng nước mắt

“ Trong cuộc đời tôi có ba lần viết nhạc bằng nước mắt. Lần đầu tiên là lần viết bài “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” năm 1973. Lần thứ hai là khi viết bài “Neo đậu bến quê” năm 1993, khi tôi bắt đầu trải nghiệm những cay đắng của cuộc đời, chỉ khao khát được neo đậu vào bến quê. Lần thứ ba là khi viết bài “Mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, khi Bộ Chính trị lần đầu tiên quyết định phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cho những bà mẹ có công với đất nước” – nhạc sĩ An Thuyên chia sẻ.

             

Lam Anh

 Theo Thể thao & Văn hóa

Kim Yến (st)

 

Bài viết khác: