Bác Hồ luôn chú ý việc phát triển thanh niên nói riêng và con người Việt Nam nói chung một cách toàn diện. Bản thân Bác rất gương mẫu rèn luyện, trong đó có rèn luyện sức khỏe. Sinh thời, Bác bốn lần học võ...

bh-hoc-vo-bqllang.gov.vn
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng anh chị em trong cơ quan tập võ dân tộc trong giờ nghỉ - Ảnh: TTXVN

Năm 1913, tại London

Anh quốc là quê hương của phong trào Hướng đạo thế giới (phong trào do Huân tước Baden Powell sáng lập năm 1907).

Trong thời gian ngắn ở Luân Đôn, nhận thấy tổ chức này có thể có ích về sau để tập hợp thanh thiếu niên vào tổ chức giáo dục, rèn luyện nhiều mặt, khơi dậy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, gắn bó trong cộng đồng bình đẳng..., Bác Hồ đã tham gia, là hướng đạo sinh đầu tiên của Việt Nam.

Ngày 31/5/1946, Người gửi thư nhận lời làm Chủ tịch danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam.

Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đầu tiên của nước ta Vũ Đình Hòe trong hồi ký có kể năm 1948, một lần sau cuộc họp Hội đồng Chính phủ có đốt lửa trại. Trại trưởng Hoàng Đạo Thúy giới thiệu Chủ tịch danh dự khai lửa. Mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy Bác bước ra vừa đi vừa múa hát bài “Hướng đạo ca”: Anh là anh hùng xưa, nhớ hồi là hồi niên thiếu, dấy binh lấy lau làm cờ….

Ông Vũ Kỳ (1921 - 2005), Thư ký riêng của Bác, có lần nói vui:  “Bác Hồ có võ đấy! Võ Tây thì học từ năm 1913 ở bên Anh, võ Tàu năm 1925, còn võ ta thì...”.

Năm 1925, ở Quảng Châu

Sau nhiều lần đề nghị được về gần Tổ quốc để hoạt động gắn với phong trào trong nước, ngày 25/9/1924, Bác nhận được quyết định của Quốc tế Cộng sản cho phép rời Mátxcơva về Quảng Châu - Trung Quốc.

Trên danh nghĩa công khai, Người lấy tên Lý Thụy, là dân địa phương làm phiên dịch cho Trưởng phái bộ Liên Xô M.M. Bôrôđin, cố vấn chính trị bên cạnh Tổng thống Trung Sơn và là phóng viên của hãng Rosta Cục Thông tin Liên Xô. Trong tổ chức mang bí danh Đồng chí Vương.

Khoảng mươi năm trước đây có một bài báo Tết viết về Bác Hồ học võ. Cố Thiếu tướng Cục trưởng Cục Cảnh Vệ Bộ Công an Hoàng Hữu Kháng nhắc lời Bác: “Ngày trước ở nước ngoài Bác cũng tập võ để luyện sức khỏe...”.

Được hỏi, ông Vũ Kỳ cho biết, đây là thời gian thuận lợi nhất Bác đã tranh thủ nghiên cứu lịch sử, văn hóa Trung Quốc, học thêm tiếng Hoa, và học võ thuật rất bài bản. Điều này giải thích lý do sau này Bác tập võ rất nhanh và mọi động tác tiến thủ đều rất điêu luyện.

Đó là do Người hết sức tận dụng hoàn cảnh thuận lợi trong Trường Quân chính Hoàng Phố có các đồng chí sinh hoạt cùng chi bộ trong Đảng Pháp ở Paris từ năm 1921 như Chu Ân Lai, Bành Bái, rồi Trương Thái Lôi đi cùng chuyến từ Mátxcơva về đây với Bác, và các chuyên gia Liên Xô giúp đỡ, nhận người của ta vào học từ lớp đầu như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn…Chính số anh em này đi học về dạy lại cho Bác.

Năm 1945, trên nóc Bắc Bộ Phủ

Tình hình tại Hà Nội từ sau ngày 9/9/1945 càng hết sức căng thẳng vì có thêm đội quân ô hợp của Trung Hoa Quốc dân đảng sang nước ta để giải giáp quân đội Nhật hoàng.

Chúng còn mưu đồ “Hoa quân nhập Việt cầm Hồ”, đem theo lũ Việt gian trong hai đảng Việt quốc, Việt cách nhằm lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh. Những vụ bắt cóc, ám sát cán bộ xảy ra ngày ngày.

Tòa Khâm sứ cũ, 12 Ngô Quyền là điểm ngắm số một của đủ loại gián điệp các nước. Việc bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lãnh tụ được Trung ương đặc biệt chú ý...

Riêng Bác, đã lâu chỉ quen tập thể dục thể thao, để “quân tử phòng thân”, Người đề nghị anh Kháng, tức Lý, xem có bài quyền nào dễ hướng dẫn cho Bác cùng tập. Anh Lý lĩnh ý, Bác cháu sẽ tập bài Bát bộ liên hoa quyền.

Anh nghĩ tuổi Bác đã 55, tập nhanh cũng phải mất một tuần. Nhưng không ngờ, Bác cháu trên sân thượng, sáng từ 5 giờ, tối lúc trăng lên, chỉ 3 ngày Bác đã lắp ráp, lướt những đường quyền mềm mại, nhanh nhẹn, rồi lại đột nhiên trụ vững các thế: Thái Sơn áp đỉnh, Độc cước phi thân…

Những năm trên Chiến khu Việt Bắc, sáng, tối, sau bài tập thể dục, Bác vẫn luyện các bài quyền, và động viên, hướng dẫn cả các vị bộ, thứ trưởng cùng tập. Khó có ai không tập theo lời Bác.

Năm 1955, trong Phủ Chủ tịch

Ở Hà Nội điều kiện đã tốt hơn nhưng tuổi Bác đã 65. Trung ương đề nghị Bác, mời một chuyên gia Trung Quốc sang hướng dẫn môn tập hiện đại, phù hợp.

Vậy là tối tối, 8 giờ, trong Phủ Chủ tịch, trên bãi cỏ khuất sau vườn cây, Giáo sư Cố Lưu Hinh từ ngoài phố Phan Đình Phùng đi vào đã thấy có mặt Bác. Người trong bộ đồ lụa nâu đứng chắp tay chào sư phụ đúng luật nhà võ.

Bác học rất nhanh, chỉ nhìn thầy hướng dẫn một lượt là tập theo chuẩn xác. Cố giáo sư hết lời khen ngợi: Hiếm thấy!, Hiếm thấy!...

Hôm chia tay sư phụ, Bác mời cơm cảm tạ. Trước khi vào bữa, Bác chủ động đề nghị được “biểu diễn thu hoạch” đợt học để sư phụ phê bình. Giáo sư cúi đầu, chắp tay: Không dám! Không dám! Chỉ xin Chủ tịch, nếu được, cho xem bài Thái cực quyền do chính Người tự biên cho phù hợp với mình.

Bác đi bài quyền nhẹ nhàng, uyển chuyển hết sức điêu luyện. Khi vào thế kết thúc thu thân vái chào, vị giáo sư vội đứng lên chắp tay: Hấn hảo! Chuẩy hảo! Chinh phục Chủ xị! (Rất tốt! Cực tốt! Kính phục Chủ tịch!)…

Ông Vũ Kỳ cho biết, khi làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay lớn, Bác đều có kế hoạch và chủ trương 1- biện pháp 10. Như tập võ, Bác luôn nhớ các động tác rồi vẽ ra, dán lên chỗ dễ thấy, càng thuộc nhanh và nhớ lâu.

Ông còn “tiết lộ”: Chỉ các vị công phụ tập luyện các môn pháp ở trình độ cao mới biết các thế võ điêu luyện thể hiện cái thần của từng tư thế chính là sự nhuần nhuyễn của pháp thiền động trong bất kỳ trường phái dưỡng sinh hay võ thuật nào mà Bác Hồ đã đạt tới trình độ đó do Người kiên trì rèn tập lâu năm phối hợp giữa luyện Khí - Tâm - Hình - Thở theo thuyết lý Thiên Địa Nhân nhất thể của phương Đông.

Vì vậy, Bác mới được tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa thế giới UNESCO tôn vinh là Nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại - một vĩ nhân uyên thâm văn hóa Đông Tây kim cổ./.

Trịnh Tố Long

Theo tienphong

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: