Ngay từ nhỏ, Bác Hồ đã được dưỡng nuôi trong một môi trường văn hóa gia đình, quê hương xứ Nghệ. Người tắm mình trong bao làn điệu dân ca, điệu vè, hát ví, hát dặm. Những câu Kiều chứa bao thân phận đắng cay, và nhiều câu chuyện cổ tích huyền diệu đã in sâu trong tâm trí Bác. Bác thường có mặt trong những đêm hát ví, hát phường, hát vải, các buổi hội hè với chúng bạn trẻ thơ.

 Từ giã quê hương, bôn ba tìm đường cứu nước, Bác không bao giờ quên những kỷ niệm thời thơ ấu ở làng Sen, nếp sống gia đình và vốn văn hóa, phong tục ở quê hương. Càng xa đất nước bao nhiêu, Bác càng da diết nhớ quê hương, nhớ điệu ca dao, dân ca, nhớ kho tàng văn nghệ dân gian bấy nhiêu. Một câu ngâm Kiều, một điệu hát ru con trên đất khách quê người của bà con Việt Kiều đều gợi trong trái tim Người bao nỗi niềm tha hương.

van hoa-bqllang.gov.vn
Bác Hồ với các nghệ sĩ điện ảnh. Ảnh: Tư Liệu

Chính trong những năm tháng hoạt động cách mạng ấy, thái độ trân trọng di sản văn hóa dân tộc được hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người thường dẫn Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, những câu hò, lời ca, điệu ví quen thuộc, vốn rất đặc trưng tiêu biểu cho văn nghệ dân tộc như: Ngâm sa mạc, hát tuồng, chèo hát ví, hát dặm để nhắc nhở những người làm công tác văn hóa về thái độ trân trọng vốn văn hóa dân tộc.

Người cho rằng, văn hóa dân tộc là vốn quý, là chìa khóa và bệ đỡ cho nền văn hóa một nước. Phải biết nâng niu, quý trọng văn hóa dân tộc mới có khả năng khai thác và phát triển nó lên. Tâm sự với nghệ sĩ trẻ, Bác khuyên: “Thanh niên phải chịu khó học. Âm nhạc của dân tộc ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới nhưng Bác vẫn nhớ các câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên...”.

 Hồ Chí Minh am hiểu nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật như: Dân ca, âm nhạc, đến hội họa, thơ ca cổ điển... Người đã từng khuyên chúng ta phải biết kế thừa, phát triển di sản quý báu ấy. Người nói xóa bỏ triệt để những cái cũ phiền phức, phát triển những cái cũ mà tốt, phải triệt để làm những cái mới và hay, phải giữ gìn thuần phong, mĩ tục, phải tẩy sạch những gì mà giáo dục thực dân để lại...”.

 Như vậy là tư tưởng của Bác là “gốc của văn hóa mới là dân tộc”. Chuyện cải biên các bộ môn nghệ thuật cổ của dân tộc bây giờ như là nhu cầu tất yếu để nghệ thuật tiếp cận với thời đại đang sống. Thế nhưng cải biên mà vẫn không đánh mất gốc. Có một lần xem biểu diễn chèo, Bác đã vừa khen mà cũng vừa nhắc nhở cho đoàn chèo ấy: “Đã chèo thì cho ra chèo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp rất nhuần nhuyễn văn hóa với cách mạng. Văn hóa phải đưa nhân dân lên một trình độ cao. Muốn vậy phải có cơ sở của văn hóa dân tộc, cho nên tư tưởng văn hóa của Hồ Chí Minh vừa dân tộc, vừa hiện đại nhất.

 Trả lời một tờ báo Đảng của Đức, Bác khẳng định: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển của chúng tôi. Những người Cộng sản chúng tôi rất quý di sản cổ điển. Có những ngọn suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó. Càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng truyền thống tốt đẹp của cha ông”./.

Nguyễn Tấn Tuấn

Theo http://baogialai.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: