Từ cổ chí kim, từ các châu lục trên hành tinh chưa có vĩ nhân nào có một đời sống đặc biệt như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Người được sinh ra vào ngày 19/5/1890 tại Nghệ An - miền Trung đất nước. Năm 1911 từ phía Nam Tổ quốc, Bác vượt đại dương đi tìm đường cứu nước và đến năm 1941 Người trở về với quê hương, Tổ quốc ở phía Bắc của Đại Việt ngàn xưa. Ngày 2/9/1945 Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Bác Hồ nói chuyện với văn nghệ sĩ. Ảnh: Tư liệu
Ngoài việc Người là nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, nhà ngoại giao kỳ cựu, danh nhân văn hóa của thế giới… Người còn là một nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh, nhà viết kịch và là họa sĩ, nhạc sĩ… Suốt bao nhiêu năm lênh đênh trên tàu biển bằng nghề làm bếp, người từ Việt Nam đi Pháp, “từ Havơrơ của nước Pháp đi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Angiêri, Tuynidi và những cửa bể đông Châu Phi cho đến Cônggô… Sau một thời gian quay về Pháp, Người lại đi Luân Đôn và sau đó là Mạc Tư Khoa, Trung Quốc… Người phải làm nhiều nghề để kiếm sống: Đầu bếp, quét tuyết, rửa và phóng ảnh, sơn vẽ đồ cổ, lau chùi bát chén, thìa nỉa…
Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước lúc đi làm, Người để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn (khách sạn xóm lao động rẻ tiền nhất ở Pari lúc bấy giờ). Chiều đến, Người lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống dưới nệm cho đỡ rét. Một xanh cơm với một con cá nắm hoặc một tí thịt người ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phomát là đủ ăn cả ngày…”.
30 năm bôn ba hải ngoại, bằng nhiều họ tên khác nhau, làm nhiều công việc khó khổ, cực nhọc và lam lũ Người đã sống, nghe, nhìn, học tập, thu hái và chắt lọc những tinh hoa của nhân loại.
Bác Hồ kính yêu mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ chúng ta về: Sống, chiến đấu, lao động và học tập! Chỉ nói riêng về lĩnh vực học tập thì Hồ Chủ tịch đã làm chúng ta kính nể vô hạn. Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn thì Bác Hồ biết 12 thứ tiếng nước ngoài, trong đó có 5 ngoại ngữ được dùng thông dụng trên thế giới là: Pháp, Anh, Nga, Hoa và Tây Ban Nha. Với báo chí, từ đầu thập kỷ 20 Bác Hồ đã là phóng viên của các tờ báo Dân chúng, Đời sống thợ thuyền, Nhân đạo. Và sau đó, Người cùng các đồng chí của mình sáng lập ra tờ báo Người cùng khổ in bằng tiếng Pháp do Người làm Chủ bút kiêm Chủ nhiệm. Bận trăm công ngàn việc, vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 600 bài báo, với hơn 50 bút danh, viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, in trên nhiều tờ báo trong nước và quốc tế. Thiết nghĩ, một nhà báo chuyên nghiệp ở ta đạt được điều đó là cả một ước mơ hiếm có.
Ngày nay, từ Trung ương đến địa phương, tất cả các hội người ta đều đặt ra phải có bao nhiêu tác phẩm thì mới được trở thành hội viên. Bác Hồ của chúng ta tuy không là hội viên, nhưng Người nhất định phải là một nhà thơ lớn của cách mạng. Từ “Nhật ký trong tù” đến “Chiến khu Việt Bắc” và còn bao nhiêu tác phẩm sau này nữa nó là thơ và trên thơ! Chẳng những vậy mà Người còn có biệt tài “xuất khẩu thành thơ”.
“Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng chẳng bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên!” Chính bài thơ này Bác đã ứng khẩu khi anh chị em thanh niên yêu cầu. Rồi, sách ư? Có! “Bản án kết tội chế độ thực dân Pháp”, Truyện ngắn ư? Có đấy! Báo Nhân đạo đã đăng làm hai kỳ và tòa báo đã trả nhuận bút cho bài này là 100 quan cơ đấy. Kịch ư? Có: “Rồng Tre”. Vở kịch bị Chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ ngoại ô Paris đã đem diễn, được các nhà phê bình văn nghệ khen hay. Không cần có sự “chiếu cố” và càng không trông cậy vào “may rủi”, “xui hên”, tại Pari Thủ đô của nước Pháp - nơi được coi là một trong những trung tâm của nền văn minh, văn hóa châu Âu, vậy mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta vẫn sống được bằng nghề rửa ảnh, phóng ảnh, sơn vẽ đồ cổ, có sách được in và để ở thư viện quốc gia, có kịch được giới phê bình sân khấu của Pháp khen sau khi đã được dàn dựng và trình diễn, được nhiều tờ báo in các tin, bài… thì đủ thấy Bác Hồ của chúng ta là con người đặc biệt đến thế nào.
Chưa hết! Được nghe kể: Cụ Hồ là người dịch bài Quốc tế ca từ tiếng Nga ra tiếng Việt. Trong bài viết của mình Giáo sư - nhạc sĩ Lê Yên cho ta biết rằng: Trong chuyến tham quan tỉnh Côn Minh - Trung Quốc, ông được những người địa phương cho biết thời kỳ còn hoạt động cách mạng ở Côn Minh, Bác Hồ đã từng là một nhạc công đàn cho nhiều tụ điểm để kiếm sống. Với tôi (tác giả của bài viết này) năm 1967 có may mắn được cùng một số anh chị em vào Câu lạc bộ Ba Đình biểu diễn phục vụ Bác Hồ, Trung ương Đảng và đoàn khách của nhiều Đảng Cộng sản Nam Mỹ, sau buổi biểu diễn của chúng tôi thì cả hội trường được chứng kiến một cảnh tượng rất xúc động và tự hào: Bác Hồ vừa hát, vừa bắt nhịp chỉ huy cho Đoàn khách hát bằng tiếng nước ngoài (sau này hỏi ra thì được biết đây là một bài dân ca Tây Ban Nha). Từ hình ảnh đẹp này, tôi càng yêu thích quý trọng bức ảnh Người cầm đũa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Đây là một “Nhạc trưởng” rất nghề! Bác Hồ là một người của cầm - kỳ - thi - họa!
PHẠM NGỌC SƠN
Theo baophuyen.com
Minh Thu (st)