Bài thơ Việt Bắc (Tố Hữu, thơ, NXB Văn học, Hà Nội, 2005) được coi là bản trường ca trứ danh về một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc ta - 1947-1954, Bác Hồ, Trung ương đảng, Chính phủ ở ATK Thái Nguyên lãnh đạo và chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn. Đoạn kết bài thơ ấy tập trung nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà các thế hệ học sinh Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước đều biết:
“ - Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”
Năm học 1962-1963, lứa chúng tôi (lớp 2, Trường phổ thông Cấp I, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được học đoạn thơ trên với đầu đề “Việt Bắc nhớ Bác”. Tôi nhớ mãi buổi đọc thuộc lòng. Hình như thầy giáo Tống Ngọc Khuê của chúng tôi có ý tìm xem ai chưa thuộc nên ông kiểm tra đến hơn một nửa lớp. Rồi đột nhiên, thầy nói bật ra: “Các em ngoan lắm!”. Tôi bỗng nghĩ: Mọi khi, lớp có nhiều học sinh thuộc bài, làm bài tốt, thầy thường khen: “Các em giỏi lắm!”. Nay thầy khen chúng tôi “ngoan” là sao?
Tôi kể chuyện ấy với bố tôi. Không ngờ, bố tôi mang tâm sự của con mình kể lại trong buổi họp phụ huynh sau đó. Hôm ấy tôi làm trực nhật. Tôi thấy các bác, các cô quan tâm đến câu chuyện của bố con tôi và chăm chú nghe thầy Khuê giải thích. Thầy Khuê bảo, hôm kiểm tra bài đọc thuộc lòng, thầy nói “Các em ngoan lắm!” thực ra không phải lời khen như thường ngày. Đó là lời thầy thốt ra, hoàn toàn bất giác từ cảm xúc của thầy về tình cảm của các học trò đối với Bác Hồ. Chắc chắn, vì kính yêu Bác mà các em nhanh thuộc đoạn thơ, không hề sai sót. Nhiều em đã biết đọc diễn cảm…
Bao năm trôi qua. Mỗi khi nghĩ đến Bác Hồ, nghĩ về ATK hoặc đi trên những miền quê Việt Bắc, tôi lại bồi hồi nhớ về câu chuyện ấy. Càng ngày tôi càng hiểu rõ và đầy đủ hơn vì sao chúng tôi chóng thuộc đoạn thơ và được nghe thầy nói “Các em ngoan lắm!”.
Trước hết, đó là đoạn thơ điển hình thể loại lục bát - quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Và Tố Hữu đã sử dụng quốc hồn, quốc túy ấy một cách tài tình để thể hiện một hình tượng thẩm mỹ tuyệt vời. Những “Ông Cụ mắt sáng ngời”, “Áo nâu túi vải đẹp tươi”, “những sáng tinh sương” (không phải sáng tinh mơ) và kỳ diệu thay là “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”! Mọi bình luận, nếu không phải là của bậc cao thủ sẽ trở nên vô duyên, vô vị trước bức tranh tuyệt mỹ ấy.
Điều đặc sắc là, thấm đẫm từng hình ảnh trong đoạn thơ là tình người. Bao trùm là tình cảm của đồng bào Việt Bắc đối với Bác, gửi vào đối tượng phân ly qua những lời mộc mạc, thân tình: “Mình về với Bác”, “Thưa giùm”, “Không nguôi nhớ Người”. Nỗi nhớ qua những hình ảnh tả thực để tiến tới khái quát cao độ: “Người đi, rừng núi trông theo bóng người”.
Những tình cảm tuyệt vời qua một lăng kính nghệ sỹ tuyệt vời đã làm nên tác phẩm có một không hai. Tất cả! Tình cảm thiết tha của đồng bào, lòng kính yêu và ngọn bút tài hoa của nhà thơ, sự nhạy cảm của người cảm thụ tác phẩm… đều có một điểm xuất phát chung. Đó là chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng đặc biệt để từ đó làm nên kiệt tác văn chương./.
PHẠM XƯỞNG
Theo baolamdong.vn
Minh Thu(st)