Một ngày cuối Thu, đầu Đông năm Quý Tỵ (2013), tôi trở lại thăm Công ty than Khánh Hòa (tiền thân là mỏ than Quán Triều) khi mỏ than ra đời trong kháng chiến chống Pháp đã gần bước sang tuổi sáu mươi lăm. Việc đi công trường xem thiết bị hoạt động và khí thế lao động của cán bộ công nhân những ngày cuối năm là chuyện thường làm của một người làm báo, viết văn. Nhưng trong bài viết này tôi muốn kể về một con người, một nhân chứng lịch sử duy nhất trong số hơn hai mươi công nhân, cán bộ tiêu biểu của ngành Than được gặp gỡ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào chiều ngày 15 tháng 11 năm 1968. Đó là ông Lê Văn Dòn, cựu công nhân lái máy xúc của mỏ.
Ông Lê Văn Dòn ( người ngồi trong cùng bên phải) nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo Công ty than Khánh Hòa tại nhà riêng. Ảnh Nguyễn Quang Tình
Trước hết, xin đi ngược lại thời gian một vài chục năm, đó là cuối năm 1986 mới ngoài hai mươi tuổi tôi về nhận công tác thi đua tuyên truyền ở Xí nghiệp xây lắp I thuộc Công ty Xây dựng mỏ than – Bộ Điện và Than. Sau đó xí nghiệp được nâng cấp lên thành Công ty Xây lắp I trực thuộc Bộ, tôi có lên làm việc với Ban Thi đua - Tuyên truyền của Bộ. Hồi ấy, người phụ trách Ban là ông Lê Quang Thiệu, có một cán bộ thi đua khác là ông Trần Công Tuân. Những chuyến đi công tác cùng tôi xuống cơ sở, tôi được ông Tuân kể cho việc đi chọn người để thành lập Đoàn đại biểu ngành Than đi gặp Bác Hồ. Ông có nói về vùng than Việt Bắc có anh công nhân lái máy xúc tên là Lê Văn Dòn, khi chọn được đại biểu này Bộ yêu cầu mỏ cho xe đưa ông Dòn về Văn phòng Bộ. Trời rét, quần áo của ông Dòn thiếu và xuyênh xoàng quá, ( ngày ấy công nhân chủ yếu mặc quần áo bảo hộ lao động) ông Tuân phải đưa ông Dòn lên phố Hàng Đào chọn mua được một các áo giả da để đưa ông Dòn mặc...
Tôi được biết và nghe kể những chuyện về ông Dòn từ ngày ấy, cho nên hàng năm cứ vào các dịp kỷ niệm truyền thống ngành Than tôi đều đề nghị cấp trên mời ông Dòn dự và phát biểu. Thời gian cứ lặng lẽ qua đi, do công việc và điều kiện địa lý tôi cũng ít có dịp đến thăm ông.
Thông thường cứ khi nào chuẩn bị có một sự kiện nào đó thì người ta mới quan tâm đến việc tìm tài liệu, nhân chứng nhưng tôi thì thấy có điều kiện cần phải làm ngay không thì hết thời cơ, vì lịch sử không lặp lại bao giờ. Tôi và Đoàn đại biểu gồm lãnh đạo là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư thanh niên, Hội Cựu chiến binh của Công ty than Khánh Hòa đến thăm gia đình ông Lê Văn Dòn vào một buổi trưa, để ông khỏi đi vắng tôi đã nói với anh Lương Văn Công cán bộ của công ty đến nhà ông Dòn hẹn trước.
Khu tập thể của mỏ từ mấy chục năm nay vẫn tuy đã được sửa chữa, cải tạo nhưng vẫn giữ được đôi ba nét của thời kỳ nhà tập thể, nhà không có tầng mà vẫn là nhà cấp bốn, mái lợp ngói, cái sự văn minh nhất trong căn nhà của ông Dòn chỉ được thể hiện ở cái ti vi màn hình phẳng loại mỏng và một vài các xe máy của các con ông và hàng xóm để bên cạnh đường đi. Đường đi lại trong khu tập thể sạch sẽ, mọi người rất thân thiện, hầu hết những công dân ở đây đều là những người làm mỏ đã nghỉ hưu. Thấy có báo chí và truyền hình đến thì ai cũng lạ nhưng họ rất cẩn thận và giữ ý để mọi việc không bị ảnh hưởng. Không biết tôi có chủ quan hay không, chứ thực tế muốn đi tìm lại không gian và cảnh sắc của một khu tập thể còn lại từ thời chiến tranh chống Mỹ và thời bao cấp cũ có lẽ chỉ đến Công ty than Khánh Hòa thì còn lại nhiều bản sắc nhất! Có cả cây ăn quả lâu niên như mít, na, có chuối, có hoa và chậu cây cảnh...
Hàng năm, cứ vào dịp tháng Mười một dương lịch, tháng có ngày kỷ niệm truyền thống của ngành Than không khí của khu mỏ lại có nhiều sự khởi sắc, ví như những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, cả khu tập thể và cơ quan cứ nhộn nhịp cả lên vì được chia quà như gạo, kẹo, bánh, thịt lợn, mỳ chính được phân phối từ trên Bộ trở xuống. Thợ mỏ cứ như có cả một cái Tết mà là tết riêng của ngành Than. Từ ngày đổi mới, thực phẩm và các sản phẩm khác được lưu thông, chỉ cần có lương và thu nhập ổn một tý là mua được cả các thứ cần dùng, không phải tích lũy và lưu kho riêng tại nhà nữa. Đổi mới và sự thay đổi phong cách sống đã được công nhân ngành Than đi tiên phong cùng với một số ngành kinh tế khác. Đến thăm gia đình và trực tiếp trò chuyện với ông Dòn, tôi cứ như được sống lại với những kỷ niệm toàn cảnh về một thời bao cấp đã đi qua nhưng chưa xa. Và đây là những chuyện hôm nay ông kể cho tôi nghe:
“Tôi ( ông Lê Văn Dòn) sinh năm 1934, quê ở xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Được đi tập kết ra miền Bắc năm 1954, vào bộ đội rồi đến tháng 5 năm 1959 chuyển ngành sang làm công nhân mỏ Apatít Lao Cai học nghề lái máy xúc. Tháng 3 năm 1967, Bộ điều động về mỏ than Quán Triều làm thợ lái máy xúc và làm việc đến tháng 5 năm 1989 thì nghỉ chế độ và sống cùng vợ là nhân viên cấp dưỡng cùng nghỉ hưu. Cả hai vợ chồng hiện nay mỗi tháng được 6 triệu 400 nghìn đồng lương hưu, sống thoải mái với sức khỏe ổn định, các con cũng đi làm nghề mỏ và ra ở riêng”.
Khi tôi hỏi về kỷ niệm cách đây 45 năm, thời gian ông được tham gia Đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than đi gặp Hồ Chủ Tịch vào ngày 15 tháng 11 năm 1968 tại Phủ Chủ tịch.
Ông Dòn kể: “Khoảng thời gian cuối tháng 10 năm 1968, tôi được Giám đốc mỏ lúc đó là anh Hà Văn Dư gọi tôi lên gặp và bảo chuẩn bị đi làm một nhiệm vụ quan trọng, nhưng tôi không biết là việc gì và cũng không hỏi mà chỉ biết chuẩn bị tinh thần để lúc nào cấp trên gọi thì đi. Đầu tháng 11 năm 1968, tôi được điều về Văn phòng Bộ Điện và Than, được cử theo Đoàn cán bộ đi tham quan các mỏ than lớn ở vùng Quảng Ninh như mỏ than Cọc Sáu, Đèo Nai... sau đó lại về Văn phòng Bộ. Chiều ngày 15 tháng 11 năm 1968, tôi được cùng Đoàn đại biểu của Bộ đi công tác và tiếp đó được mời đến Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, tôi ngạc nhiên và rất mừng vì đoán rằng nếu được đến đây thì có thể được gặp Bác Hồ. Cả Đoàn hồi hộp và chờ đợi, một lát sau thì thấy Bác xuất hiện, Bác mặc bộ đồ ka ki quen thuộc và đội một chiếc mũ mềm, cổ quấn chiếc khăn len. Lúc này tôi thấy Bác không được khỏe, người hơi gầy và ho. Bác giơ tay chào mọi người, tất cả Đoàn đều nhận ra Bác và ai cũng xúc động. Mọi người đều đứng lên chào Bác, Bác ra hiệu cho tất cả mọi người ngồi xuống rồi Bác hỏi “ Các cô ở đây có ai làm cấp dưỡng không? Nếu có thì lại ngồi gần Bác”. Có hai chị trong Đoàn đứng lên, Bác vẫy lại ngồi cạnh Bác. Bác lại hỏi “Ai là công nhân trực tiếp sản xuất: Lái xe, lái máy thì ngồi lại gần Bác” Tôi và một số anh em khác rụt rè đứng lên, Bác bảo lại ngồi gần Bác. Sau khi mọi người yên vị, đồng chí Bộ trưởng báo cáo Bác về tình hình sản xuất và khai thác than, tình hình đời sống của công nhân cán bộ trong ngành. Bác hỏi thăm từng người, tôi không nhớ rõ lắm nhưng đoán là Đoàn đại biểu hôm đến gặp Bác có khoảng trên dưới hai mươi người. Biết tôi là công nhân lái máy xúc lại là thanh niên miền Nam ra tập kết, Bác ân cần động viên và nhắc nhở cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và công việc được giao, hỏi thăm sức khỏe và gia đình của những công nhân, cán bộ trong đoàn. Tiếp đó, Bác có một bài phát biểu với cả ngành Than (bài này đã có trong tài liệu của ngành).
Thời gian đã qua đi đến tháng 11 năm 2013 này là 45 năm, năm nay tôi cũng đã chuẩn bị bước vào tuổi đời tám mươi với trên 55 tuổi Đảng, tôi có may mắn là sức khỏe vẫn tốt, những người cùng tôi đi gặp Bác năm xưa có lẽ cũng đã đi xa hết cả rồi, còn tôi vẫn còn nhớ như in từng lời của Bác đã dạy. Tôi luôn luôn động viên con, cháu cố gắng làm việc và học tập theo gương của Bác. Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Than tôi lại nhớ về kỷ niệm không bao giờ quên là được gặp Bác một lần duy nhất, tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu và một người công nhân bình thường như tôi khiến tôi lúc nào cũng phải tự phấn đấu để làm một người công nhân tốt và một người công dân tốt để không phụ lòng tin yêu của Bác lúc sinh thời”.
Sau những câu chuyện kể về lần gặp gỡ Bác Hồ, tôi thấy gương mặt ông tỏ rõ sự xúc động khi nói về Bác Hồ, ông Dòn hỏi thăm từng người trong Đoàn chúng tôi, hỏi Giám đốc công ty Nguyễn Anh Tuấn về công việc sản xuất, hỏi chị Vũ Thị Hồng Châm – Phó Bí thư Đảng ủy về công tác Đảng, rồi về công tác thanh niên, công tác của Hội Cựu chiến binh công ty... Ai cũng vui vẻ trò chuyện và cùng có cảm xúc bồi hồi như cùng nhớ lại kỷ niệm của ông Lê Văn Dòn, người cựu công nhân lái máy xúc của mỏ năm xưa đã từng được vinh dự thay mặt cán bộ công nhân mỏ đi gặp Bác.
Như trên đã nêu, năm 2013 này vào ngày 15 tháng 11 là ngày kỷ niệm 45 năm Bác Hồ gặp gỡ và nói chuyện với Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch. Ngành Than năm nay cũng kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống công nhân mỏ – Truyền thống ngành Than (12/11/1936 -12/11/2013). Công ty than Khánh Hòa (mỏ than Quán Triều năm xưa) đến nay cũng chuẩn bị bước vào tuổi 65 (1949 - 2014), tôi muốn cung cấp thêm một số thông tin về một người, một nhân chứng lịch sử duy nhất của ngành Than còn lại hôm nay để mọi người được biết, đó cũng là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty than Khánh Hòa, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và cả ngành Than. Trân trọng và biết ơn những lớp người đi trước, làm việc và cống hiến cho ngày hôm nay và tin tưởng hy vọng của ngày mai, ngành công nghiệp than sẽ tiếp tục vững bước đi lên, tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước tiến lên giầu mạnh như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu”./.
Thái Nguyên – Hà Nội tháng 11 năm 2013
Nhà báo Nguyễn Quang Tình
Theo congnghiepmovietbac.com
Kim Yến (st)