Ngày 2/9/1969, Bác Hồ đột ngột ra đi để lại muôn vàn thương nhớ cho hàng triệu trái tim đồng bào cả nước. Những người con đất Việt nghẹn ngào nhớ thương vị lãnh tụ của cả dân tộc Việt Nam đã vĩnh viễn đi xa.

Nhiệm vụ thiêng liêng

Sau khi Bác Hồ vĩnh viễn ra đi, cả dân tộc Việt Nam quyết tâm “biến đau thương thành hành động cách mạng”, ra sức đánh Mỹ giải để phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong khí thế sục sôi đó, ở miền Bắc những kỹ sư người Việt Nam, kỹ sư Liên Xô cùng với hàng ngàn quân dân cũng đồng thời được huy động để xây dựng Công trình Lăng Bác Hồ.

Mỗi tỉnh thành lúc ấy đều cử người về Thủ đô để tham gia xây dựng Lăng của Người. Huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị lúc ấy cũng được vinh dự cử người ra Bắc tham gia công trường xây dựng. Những người được ưu tiên chọn đi là người có thành tích chiến đấu tại địa phương, có đạo đức và sức khỏe tốt. Và 6 người thay mặt toàn thể quân dân “đất thép Vĩnh Linh” gồm các đồng chí: Lê Văn Bình (xã Vĩnh Giang); Nguyễn Thanh Tự (xã Vĩnh Lâm); Nguyễn Văn Thái (xã Vĩnh Trung); Lê Hữu Nam (xã Vĩnh Tú); Nguyễn Đức Sà (xã Vĩnh Long); Nguyễn Kim Sắc (xã Vĩnh Kim) ra thủ đô Hà Nội tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ.

xay-lang-bqllang.gov.vn
Ông Bình và bà Hiên những năm tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ

Sau khi biết được những dòng tin khá mù mờ về những người cựu binh từng tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ năm xưa, chúng tôi quyết định lần tìm về Vĩnh Linh. Dò hỏi nhiều lần, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nhà ông Lê Văn Bình, người Đội trưởng của những thanh niên Vĩnh Linh năm xưa tham gia xây dựng Lăng của Người.

Căn nhà mái ngói đã ngả màu nắng mưa của gia đình ông Bình nằm khuất sau một ngõ xóm tại đội 7, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang. Khi chúng tôi đến, ông đang ngồi chẻ lạt cắt (lạt để bó lúa) dưới gốc cây na, còn giữa sân, bà Trần Thị Hiên (58 tuổi, quê Nam Định), vợ ông đang tranh thủ trời nắng trở lúa. Ông bà cho biết, đang là mùa gặt nên tranh thủ giúp con cháu chẻ lạt, phơi lúa. Nở nụ cười tươi, ông Bình rót nước chè mời khách. Sau dăm ba lời thăm hỏi, cuối cùng ông Bình cũng biết chúng tôi có ý trò chuyện với ông về những ngày ông cùng 5 thanh niên Vĩnh Linh ra Thủ đô góp sức xây Lăng Bác Hồ.

Ông Bình năm nay 67 tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng vẫn còn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Nhấp ngụm nước chè, ông Bình kể: “Hồi nớ tui và 5 anh em khác gồm anh Tự, Thái, Nam, Sà, Sắc cùng ở Vĩnh Linh bất ngờ được cấp trên điều ra Thủ đô Hà Nội. Ban đầu tui và anh em không biết được điều ra đó làm chi, chỉ nghe nói là đi nhận công tác đặc biệt. Sau đó, tui được cho biết riêng là ra tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ”. Dường như vẫn chưa hết xúc động nhớ lại kỷ niệm đã qua 35 năm, ông bồi hồi cho biết thêm: “Lúc ấy biết mình được giao trọng trách ra tham gia góp sức xây dựng công trình thiêng liêng vậy nên tui đã không cầm được nước mắt, thấy lòng mình xúc động và tự hào lắm”.

xay-lang-bqllang.gov.vnb
Ông Lê Thanh Bình đang kể chuyện xây dựng Lăng Bác năm xưa

Trong nhóm 6 thanh niên Vĩnh Linh được điều ra Hà Nội vào tháng 4/1973, ông Bình được phân về làm tại tổ tiếp nhận vật tư xây dựng như cát sạn, xi măng đồng thời quản lý một chiếc xe ủi. Ông Thái được phân làm thống kê công trường còn lại 4 người khác được phân vào tổ bê tông. Xác định Lăng Bác là công trình cực kì quan trọng, có một không hai và rất đỗi thiêng liêng, và điều quan trọng là phải thi công trong thời gian nhanh nhất để sớm đưa thi hài của Bác Hồ vào an nghỉ nên toàn bộ khoảng 4.000 cán bộ, công nhân, kỹ sư tham gia công trình lúc ấy không ai bảo ai đều nguyện cố gắng hết sức mình. Xác định là làm gấp rút nhưng ai cũng cố gắng phải thi công công trình đảm bảo tuyệt đối an toàn, vĩnh cửu. Lúc ấy toàn bộ công nhân được huy động làm 24/24 giờ.

Ông Bình được phân về ở gần ngay sát căn nhà sàn mà Bác Hồ vẫn thường làm việc lúc còn sống trong Phủ Chủ tịch. “Mỗi lúc có dịp đi ngang qua căn nhà sàn đơn sơ, hay ngắm đàn cá trong ao mà Bác thường chăm bẵm anh em tui ai cũng trào nước mắt. Mỗi lúc như vậy anh em tui nắm chặt tay nhau quyết tâm cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng”. Ông Bình cũng bồi hồi xúc động cho biết có lần Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nắm tay từng anh em người Quảng Trị căn dặn phải cố gắng khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với anh em cả nước, những thanh niên Vĩnh Linh lúc ấy hăng hái làm việc với quyết tâm cao nhất để báo công lên Bác Hồ.

Cưới vợ tại công trường

Có một câu chuyện mà sau một hồi trò chuyện thật lâu ông Lê Văn Bình mới cười tủm tỉm, cho biết: “Tui đã cưới được vợ cũng từ công trường xây dựng Lăng Bác Hồ đó. Đó là kỷ niệm không bao giờ vợ chồng tui quên”. Vừa lúc ấy, bà Hiên vừa trở lúa đi vào mắng yêu ông Bình bằng chất giọng Bắc đặc sệt “Chuyện lâu rồi ông kể làm gì cho các cháu nó ngại”. Vừa nói bà vừa cười rạng ngời kéo ghế ngồi xích lại bên ông. Mấy đứa cháu ngoại cũng xúm xít sà vào lòng ông bà làm nũng.

Ông bà nói mối tình của mình là mối tình Trung - Bắc keo sơn. Ấy là khi đó ông làm ở tổ tiếp nhận vật tư nên công việc có phần nhàn nhã. Bà Hiên lúc ấy cũng là công nhân vận hành máy trộn bê tông trên dàn cao tại công trường xây dựng Lăng Bác. Nhiều lần ông tìm cách trèo lên dàn trộn bê tông phụ giúp bà. Từ những lần như vậy, hai người đã quen nhau và càng trở nên thân thiết. Từ hai người xa lạ, cùng được điều về làm nhiệm vụ thiêng liêng, chàng trai miền Trung khói lửa, kiên trung đã đem lòng cô gái miền Bắc đảm đang, nết na lúc nào không hay.

Và rồi sau một thời gian tìm hiểu bà cũng chấp nhận tình yêu của chàng trai quê “lũy thép Vĩnh Linh”. Bà Hiên với mái tóc màu muối tiêu đã cắt ngắn, cho biết: “Cũng vì thương và cảm kích tấm lòng chân thật của ông ấy nên cuối cùng tui đã chấp nhận yêu và cưới ông ấy”. Ngồi bên vợ, ông Bình cười rổn rảng cho biết vì thấy bà đẹp người, đẹp nết nên đã để ý và yêu thầm bà từ những lần đầu gặp nhau.

xay-lang-bqllang.gov.vnc
Vợ chồng ông Lê Thanh Bình

Và kết quả mối tình của ông bà lúc ấy đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới đơn sơ mà ấm áp được tổ chức ngay tại công trường vào tháng 6/1974. Nghe tin ông bà đám cưới, hầu hết công nhân đang tham gia xây dựng ở công trường đều gửi lời chúc phúc, người nào được nghỉ ca thì tham dự đám cưới của ông bà. “Nói là tổ chức đám cưới vậy thôi, chứ hai ông bà tui lúc đó có chi mô. Thuốc lá Tam Đảo thì anh em trong công trường ủng hộ mỗi người một ít, bánh kẹo cũng vậy, hoa bát (hoa tươi cắm trong chiếc bát ăn cơm) cũng tranh thủ chuẩn bị lúc nghỉ ca. Vợ tui thì chỉ ôm một bó hoa huệ trắng xúng xính bên tui trong ngày hạnh phúc. Thế là nên tình vợ chồng đó cháu”, đôi mắt đã hằn nếp nhăn của ông Bình ánh lên niềm vui.

Ông Bình, bà Hiên bảo rằng dù đám cưới đơn sơ vậy nhưng đó có lẽ là kỷ niệm lớn nhất đời ông bà, không bao giờ quên. Và có một niềm vinh dự nữa tại thời điểm xây dựng công trình Lăng Bác Hồ là trong số 3 người được kết nạp Đảng  thì 2 trong số đó là người Vĩnh Linh (gồm anh Tự và anh Sà).

xay-lang-bqllang.gov.vnd
Vợ chồng ông Bình bên các cháu của mình

Vào tháng 10/1975 những thanh niên Vĩnh Linh tham gia xây dựng Lăng Bác cũng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng và trở về quê nhà. “Hàng năm vào mỗi dịp Ngày sinh nhật Bác 19/5, 6 anh em tui thường tổ chức một buổi gặp mặt tại nhà tui để anh em có dịp gặp nhau hàn huyên chuyện xưa. Nhưng đã mấy năm nay nhóm 6 người chúng tôi chỉ còn 5, vì ông Sắc đã mất do tai nạn”, giọng ông Bình vừa chợt chùng xuống. Ông Bình cũng cho biết, hiện tại đời sống của ông và các anh em khác cũng khá khó khăn. “Vợ chồng tui ao ước được một lần đặt chân ra Hà Nội viếng Lăng Bác. Từ ngày tham gia xây dựng lăng Bác đến giờ vợ chồng tui vẫn chưa có dịp trở lại tại vì điều kiện khó khăn quá”, ông bà bồi hồi cho biết.

35 năm sau ngày Lăng Bác hoàn thành, những thanh niên Vĩnh Linh từng tham gia xây dựng ngày ấy bây giờ có người đã mất, có người thành đạt, có người vẫn làm nông dân, có người gắn bó với đời ngư dân nhưng mỗi lúc nhắc về nhiệm vụ thiêng liêng đó họ lại cùng dâng niềm xúc động khó tả. Với họ, nhiệm vụ thiêng liêng đó sẽ là một phần ký ức đẹp trong đời của mỗi người lính Cụ Hồ ngày ấy./.

Thiên Thư

Theo An ninh Thủ đô

Bùi Hảo (st)

Bài viết khác: