Với nữ dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết, những lần được ra Hà Nội, được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch đã trở thành những kỷ niệm khó phai trong lòng nữ dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết. Ký ức về Bác Hồ vẫn sáng mãi trong tim chị…
Bà Ngô Thị Tuyết đang kể về những lần gặp Bác Hồ. Ảnh: VGP/Mai Vy
Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng kiên trung ở xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chị và người em trai đều trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ” khi tuổi đời còn rất nhỏ. Chiến công ấy được Bác Hồ ngợi khen: “Chị dũng sĩ, em cũng dũng sĩ. Chị dũng sĩ trước, em dũng sĩ sau, chị em cháu đều anh dũng đánh Mỹ”.
Chị Ngô Thị Tuyết bắt đầu tham gia du kích từ năm 12 tuổi với nhiều nhiệm vụ khác nhau như liên lạc, tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ và chiến đấu chống càn. Trong 3 năm từ 1962-1964, lần lượt người anh đầu rồi đến ba mẹ chị bị bắt, bị bắn và hi sinh khi đang làm nhiệm vụ khiến rái tim chị se thắt lại trước những mất mát quá lớn. Lòng căm thù giặc ngày càng bùng cháy, quyết tâm đánh Mỹ, đánh Ngụy càng mãnh liệt.
Những năm tham gia đánh Mỹ, với lợi thế là một đứa trẻ, cô bé Tuyết lân la làm quen với lính Mỹ, vừa thu thập tin tức báo cáo với cơ sở, vừa lấy vũ khí của địch cung cấp cho đội du kích xã.
Nhằm bảo vệ cho hai đồng chí cán bộ huyện ủy trong một đợt càn, chị bị địch bắn thương nặng và chuyển về bệnh xá Quảng Ngãi, chờ bình phục để tra tấn xét hỏi. Nhưng bằng sự khôn khéo, chị đã liên lạc và nhờ đơn vị đến cứu, đưa chị lên căn cứ.
Sau gần 1 năm nằm tại Trạm xá X50 trên Chiến khu V, chị Tuyết nhận được được ra miền Bắc chữa trị, hồi phục vết thương...
Điều bất ngờ và là niềm hạnh phúc suốt cuộc đời chị, là được gặp Bác ngay khi vừa ra Hà Nội. Chị nhớ như in khoảnh khắc ấy: “Vừa ăn sáng xong, tôi ngồi nghỉ ngơi trên ghế đá trong khuôn viên khu điều dưỡng cán bộ miền Nam K5 ở Hồ Tây thì có đồng chí đón tôi vào thăm Bác. Lòng tôi ngập tràn những cảm khó tả, vừa mừng khi mình may mắn được gặp Bác, lại vừa lo lắng không biết phải thưa gởi với Bác như thế nào”.
Đến Phủ Chủ tịch, nhìn thấy Bác Hồ ngồi đọc sách bên hồ cá, chị không nén được xúc động òa đến bên Bác.
Chị đã kể với Bác về cuộc sống ở quê hương mình, về tội ác của địch, về lòng sắt son của đồng bào miền Nam với Bác, về lời dặn của những anh bộ đội còn rất trẻ trên con đường Trường Sơn chị gặp khi ngược ra Bắc: “Nếu được gặp Bác, em nhớ thưa với Bác, các anh vào Nam không sợ hi sinh, không ngại gian khổ, quyết chiến đấu giành độc lập, để có thể đón Bác vào thăm miền Nam”.
Bữa cơm đầu tiên được ngồi cùng Bác, chị nhớ mãi lời dạy của Bác về việc trân trọng công sức lao động và tiết kiệm dù chỉ là một hạt cơm. Bác dặn: “Đồng bào mình còn nghèo, nhưng vẫn nhường cơm cho chiến sĩ, cho bác cháu mình. Cháu phải trân quý từng hạt cơm, không được bỏ đi, dù chỉ một hạt”. Thức ăn còn trong đĩa, Bác để gọn lại dành cho bữa sau. Chị bảo, kể từ đó, chưa bao giờ chị bỏ phí dù chỉ một hạt cơm.
Sau đó, mỗi dịp lễ, Bác lại gọi chị vào thăm, hỏi han chuyện học tập, chữa bệnh. Khi chị đang học ở Hưng Yên, lại ở nhờ nhà dân, Bác dặn dò, phải nhớ luôn giúp đỡ mọi người, thương bà con chòm xóm, Bác nói đây là công tác dân vận mà người cán bộ cách mạng nào cũng phải chú ý làm cho tốt…
Sau này, khi đất nước thống nhất, chị trở về Đà Nẵng làm công tác Công đoàn.
Với chị, những lần hiếm hoi gặp Bác trở thành kí ức đẹp đẽ, không phai mờ trong tâm trí. Những lời Bác dặn dò trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của chị: Sống tiết kiệm, không lãng phí; luôn yêu thương anh em trong gia đình, đồng bào mình và giúp đỡ cộng đồng mỗi khi có thể. Suốt những năm công tác Công đoàn, chị luôn hết lòng giúp đỡ những anh em có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần làm điều có ích cho mọi người, chị đều nghĩ đến Bác, đến niềm vui nếu Bác còn sống, Bác có thể mỉm cười vì đứa cháu này đã làm đúng lời Bác dặn.
Nữ dũng sĩ diệt Mỹ gan dạ ngày nào giờ trở thành bà hàng ngày quây quần bên đàn cháu nhỏ, nhưng kí ức về Bác Hồ vẫn sáng mãi trong lòng chị. Những lời dặn dò của Người thường được chị nhắc lại với con, với cháu và những người xung quanh để mọi người hiểu thêm về Bác, từ đó học và làm theo Bác, góp phần xây dựng quê hương./.
Mai Vy
Theo baodientu.chinhphu.vn
Minh Thu (st)