nha-luu-niem-bac-ho-vi t l i kOu g i toan qu c khßng chi n
Nhà lưu niệm nơi Bác Hồ soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Năm 1946, khi nước Việt Nam độc lập vừa được một tuổi, chính quyền còn rất non trẻ thì thực dân Pháp đã quay lại gây hấn, hòng chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Hồ Chủ tịch đã phát lệnh “Toàn quốc kháng chiến”, kêu gọi cả nước đứng lên chống Pháp, nhưng ít ai biết rằng, Lời kêu gọi đó đã được phát đi từ làng Vạn Phúc – một làng nhỏ ven sông Nhuệ ở Hà Đông (thuộc tỉnh Hà Tây cũ).

Theo tài liệu còn lưu giữ được của làng Vạn Phúc, cuối năm 1946, trong những ngày cả nước khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, từ ngày 3 đến 19/12/1946 Bác Hồ cùng một số đồng chí khác đã đến ở và làm việc tại nhà ông Nguyễn Văn Dương, xóm Đoàn Kết, làng Vạn Phúc, Hà Đông – Một gia đình buôn bán tơ lụa khá giả nổi tiếng trong làng. Nay ngôi nhà này lấy làm Nhà lưu niệm Bác Hồ.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Tuấn Liêu (đã hơn 80 tuổi), con trai thứ 2 của cụ Nguyễn Văn Dương (đã mất), thì lúc đó cụ còn đang học tú tài. Nơi Bác Hồ ở và làm việc chính là căn phòng riêng của cậu tú hồi đó. Bác cùng Đoàn cán bộ đến nhà cụ vào khoảng 7 h tối ngày 3/12/1946, khi gia đình vừa ăn cơm xong. Sau khi thu xếp chỗ ở cho Đoàn xong xuôi trên tầng 2, có một chị giúp việc trong Đoàn (sau này được biết tên là chị Thanh) xuống nói với gia đình: “ Cụ nhờ gia đình cho ăn cơm tối vì sau khi làm việc xong ở Hà Nội, Cụ về thẳng đây. Nhưng đề nghị gia đình sẵn cái gì cho ăn nấy, đừng có mổ gà mà Cụ không ăn đâu…”

Khi đã biết rõ “Cụ cán bộ cao cấp” đó là ai, ông Dương (bố cụ Nguyễn Tuấn Liêu) đã gọi con trai lại và nói: “Đây là vinh dự lớn cho gia đình ta, dẫu có tiền bạc cũng không quý bằng. Nhưng bác Phúc (lúc đó là Bí thư chi bộ xã Vạn Phúc) dặn phải tuyệt đối giữ bí mật, ngay xã cũng không được biết cụ thể, chỉ được chỉ thị phải bố trí tự vệ, tăng cường canh gác ngày đêm để kiểm sóat chặt chẽ người lạ mặt. Kể cả đối với anh em, họ hàng, ta cũng không được cho ai biết…” Điều cha dặn ông Liêu đã giữ trọn, không chỉ trong những ngày Bác Hồ ở và làm việc tại nhà ông, mà suốt hơn 8 năm đi kháng chiến, ông cũng không hề hé răng với ai.

Trong những ngày Bác làm việc ở làng Vạn Phúc, chị Thanh là người thường xuyên nấu nướng cho Bác ăn. Để đảm bảo bí mật, lương thực, thực phẩm đều do gia đình ông Dương và địa phương lo đem về đưa chị Thanh nấu. Bác thường thích ăn món thịt kho tàu và nhiều rau. Cùng ở với Bác có đồng chí Nguyễn Lương Bằng và gần Bác có các anh bảo vệ có tên do Bác đặt là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Thỉnh thoảng đi – lại gặp Bác có đồng chí Trần Đăng Ninh…

Những ngày nửa cuối tháng 12/1946 thực dân Pháp liên tục khiêu khích, gây hấn khắp nơi, nhất là ở Hà Nội. Ngày 17/12 chúng vô cớ tàn sát dã man đồng bào trên phố Hàng Bún; ngày 18/12 Pháp liên tục gửi tối hậu thư, láo xược đòi ta để cho chúng chiếm giữ thêm một số vị trí quan trọng ở Hà Nội, đòi giải tán các lực lượng bảo vệ của ta, đình chỉ các hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi trao cho quân đội Pháp việc duy trì an ninh trong thành phố, hạn cuối cùng, chậm nhất vào ngày 20/12/1946. Trước tình hình đó, vào các ngày 18 và 19/12 Bác Hồ đã chủ tọa cuộc họp mở rộng Ban Thường vụ Trung ương tại làng Vạn Phúc, quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ sau này và thông qua lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch.

Nhật ký của đồng chí Vũ Kỳ có ghi lại những khoảnh khắc căng thẳng nhất của Bác tại làng Vạn Phúc khi viết ra lời hịch kêu gọi quốc dân đồng bào cả nước: - Ngày 19/12, tờ mờ sáng Bác đã dậy, gọi chuẩn bị giấy, bút. Đêm qua chắc Bác ngủ ít nên thấy mắt Bác thâm quầng. Bác đọc cho viết thư gửi Thủ tướng Pháp Leon Blum. Bác đọc thẳng bằng tiếng Pháp. Có lúc phải hỏi lại Bác để viết cho đúng. Trời lạnh, gió lùa qua khe cửa làm rung rinh ngọn đèn dầu con. Hàng chữ viết cũng rung rinh, không thẳng dòng. Bóng Bác ngồi choàng áo khoác in to trên tường vẫn thấy vững, không động đậy. Ai mà nghĩ Cụ Hồ chưa sáng đã dậy cặm cụi làm việc trong căn gác hẹp nhà “cậu Tú” ở làng Vạn Phúc. Giờ này mùa Đông rét lạnh, chắc nhiều người còn đang ngủ.

Sáng sớm, chúng tôi đi thẳng ra Bắc Bộ phủ gặp ông Giám để hỏi tin tức. 12h30 về báo cáo Bác. Tin Xanh- tơ-ni không tiếp ông Giám làm Bác hơi cau mày. Bác trầm ngâm một lúc, rồi nói như buột miệng: “Hừ, thì đánh”. Cả buổi trưa ngày 19/12 Bác không ngủ, chỉ ngồi chăm chú viết…

6h45 phút tối 19/12 Bác rời Vạn Phúc và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đó đã theo Bác lan truyền rộng khắp, làm rung động cả triệu con tim Việt Nam, như một lời hịch cứu nước vang dội non sông: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

…Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”

Lời kêu gọi thiêng liêng đó cho đến nay vẫn vang vang, hào hùng, lắng đọng hồn núi sông đất nước Việt Nam. Ít ai có thể ngờ rằng, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã soạn thảo ra nó trong một buổi trưa tại một căn gác hẹp của làng Vạn Phúc./.

Bài và ảnh: Trọng Quang
Theo Báo Hà Nội mới
Minh Thu (st)

Bài viết khác: