loi kei goi   anh
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa.

Bội ước Hiệp định Sơ bộ 6/3/1945 và Thoả ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng đã lên tới 10 vạn. Chúng lần lượt cho quân đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở Thủ đô Hà Nội. Pháp quyết gây chiến tranh, liên tiếp gây ra các cuộc thảm sát ở Hải Phòng và Hà Nội.

Tháng 12 năm 1945 giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy.

Ngày 3 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về làng Vạn Phúc, Hà Đông, sống trong nhà ông Nguyễn Văn Dương.

Ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cả nước kháng chiến và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài.

Sau khi những nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với Pháp vào giữa năm 1946, để công nhận một nước Việt Nam độc lập, không thành công. Ngày 19 tháng 12 năm 1946, tại làng Vạn Phúc, Hà Đông Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản cương lĩnh kháng chiến mang tính hiệu triệu cao, chứa đựng tư tưởng, quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, lâu dài, tự lực cánh sinh và nhất định thắng lợi.

Ngày 20 tháng 12 năm 1946 tại Hang Trầm (huyện Chương Mỹ, Hà Tây), Đài Tiếng Nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi chiến sự bùng nổ - là Ngày toàn quốc kháng chiến.

Toàn văn Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là:

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946
Hồ Chí Minh

Đáp Lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, toàn dân ta chung sức chung lòng nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 19/12/1946, tiếng súng giết giặc của Thủ đô Hà Nội đã nổ, mở đầu cuộc kháng chiến. Quân dân ta ở nhiều thành phố đã chiến đấu rất kiên cường tiêu diệt hàng ngàn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại. Quân dân ta đã chủ động tiến công, bao vây quân địch và giam chúng ở Thủ đô Hà Nội, cùng các thành phố, thị xã khác trong cả nước tạo thế trận đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Việt Bắc một lần nữa lại trở thành căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Chính phủ chủ trương di chuyển các cơ quan Trung ương về “An toàn khu”. Đợt tổng di chuyển đã diễn ra nhanh chóng, bí mật an toàn trong 3 tháng. Sau đó Đảng và Chính phủ bắt tay xây dựng lực lượng về mọi mặt để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Trong thời gian đó nhân dân ta từ Bắc chí Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ và thực hiện được biết bao kỳ tích trên mọi mặt trận.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh 9 năm sau đã trở thành sự thật với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đem lại nền hòa bình cho dân tộc ta sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp. Ba mươi năm sau ngày 30/4/1975 đội quân bách chiến, bách thắng của Người đã cắm cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc lập, kết thúc cuộc chiến tranh mười nghìn ngày đem lại độc lập thống nhất cho đất nước.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác năm nào đã và đang cổ vũ cả dân tộc ta hướng tới tương lai! Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.

Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin tất thắng, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sự nghiệp xây dựng CNXH còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sẽ ngày càng khẳng định thế và lực quan trọng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Kỷ niệm 67 năm Ngày toàn quốc kháng chiến, đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhanh chóng đưa đất nước có những bước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và toàn diện với nền kinh tế thế giới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu vẫn hằng mong muốn./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: