Thứ sáu, 29/03/2024

Tháng 9-2013, bản Xiềng Vang của huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn nghiêng mình trong nắng vàng bên dòng sông Mê Công cuồn cuộn chảy. Hơn 80 năm trước, tại nơi này với sự đùm bọc, bảo vệ của nhân dân các bộ tộc Lào và đồng bào Việt kiều, Bác Hồ của chúng ta đã có mặt để khảo sát tình hình và gây dựng cơ sở cách mạng. Đến thắp hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Xiềng Vang, Đoàn báo chí Quân đội nhân dân Việt Nam rưng rưng xúc động như vẫn thấy bóng Người đang lồng lộng đâu đây…

Dấu chân Bác ở nơi này

Khu lưu niệm tọa lạc trên khu đất đẹp 1,6 ha nhìn ra dòng sông Mê Công đêm ngày cuộn chảy. Bên kia sông là tỉnh Na-khon Pha-nôm thuộc khu vực Đông Bắc của Thái Lan, cũng là nơi Thầu Chín (bí danh của Bác Hồ) hoạt động. Theo các nghiên cứu, vào khoảng tháng 7-1928, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật đến một số cơ sở ở Thái Lan để tuyên truyền, huấn luyện và xây dựng lực lượng cách mạng. Trong đó, Người cũng đã đến Bản Mạy của tỉnh Na-khon Pha-nôm. Tại đây, Bác đã khuyên nhân dân xây dựng nhà hợp tác để mọi người có thể sinh hoạt, tụ họp. Nhà hợp tác trở thành điểm đến của nhiều người Thái gốc Việt. Thời gian này, Bác tích cực học tiếng Thái và tổ chức các lớp học tiếng Việt cho trẻ em. Người cũng tham gia các buổi cúng tế ở đền Đức Thánh Trần và tuyên truyền giáo dục người Việt tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tôn trọng phong tục tập quán của người bản địa, nêu cao tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Xieng Vang
Đoàn báo chí quân đội Việt Nam và Lào chụp ảnh trước Khu lưu niệm.
Ảnh: Quang Cường.

Trong thời gian khoảng 16 tháng hoạt động tại Thái Lan, Bác Hồ đã nhiều lần đi đò qua sông Mê Công sang tỉnh Khăm Muộn, Lào. Cuốn Lịch sử Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã khẳng định: “Khoảng cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cải trang là thợ mộc từ Xiêm đi vào đất Lào qua thị xã Pắc Xế đi lên Sa-vẳn-na-khệt tới Xiềng Vang, phía Nam thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn để nắm tình hình và đời sống của nhân dân và sau đó quay trở lại đất Xiêm”. Đến bản Xiềng Vang, huyện Noọng Bốc, Bác đã gặp gỡ bà con người Lào và người Việt sinh sống ở đây. Người khuyên bà con phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi Lào và Việt Nam. Người cũng phổ biến kinh nghiệm cho bà con về việc tổ chức các đoàn thể yêu nước và đoàn thể cách mạng tại Lào. Bên cạnh việc khảo sát, xây dựng cơ sở cách mạng, Nguyễn Ái Quốc còn tìm đường để về Việt Nam. Tại Lào, Người rất muốn về Việt Nam hoạt động nhưng không thể, vì hàng rào mật thám ở biên giới Việt Nam - Lào quá chặt, trong lúc thực dân Pháp ở Vinh (Nghệ An) ra bản án tử hình với Nguyễn Ái Quốc. Không về nước được, Người tới Hồng Công (Trung Quốc) để thống nhất ba tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3-2-1930, tạo ra bước ngoặt vĩ đại trong tiến trình cách mạng của Việt Nam. Cùng với đó, những cán bộ ở Lào từng được Nguyễn Ái Quốc đào tạo và những cán bộ giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lê-nin do Người truyền bá đã lãnh đạo phong trào đấu tranh trên nhiều tỉnh, thành phố của nước Lào…

Xiềng Vang nhớ mãi ơn Người

Vào đúng dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2012), Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Xiềng Vang được khánh thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan. Theo chị May Đa Đôn và Mếch Sa Vanh, hai hướng dẫn viên của Nhà lưu niệm thì toàn bộ diện tích 1,6ha nơi đây là của hàng chục hộ dân địa phương, cả người Lào và người Việt tự nguyện hiến cho công trình mà không yêu cầu bất cứ sự bồi thường, hỗ trợ nào. Công trình được Đảng, Nhà nước Lào trực tiếp giao cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa Lào và Chủ tịch Noọng Bốc chịu trách nhiệm chỉ huy thi công với tổng kinh phí là 37 tỷ kíp. Khu lưu niệm có nhiều hạng mục như nhà trưng bày; nhà đón khách; nơi tưởng niệm và dâng hương… Nhà trưng bày gồm 4 phần: Một số hình ảnh về văn hóa Lào - Việt Nam; những nét chính trong tiểu sử sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Người xây dựng và phát triển tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt Nam; Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước tiếp tục xây đắp mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Khu lưu niệm còn có vườn hoa, cây cảnh, đặc biệt là Ao cá Bác Hồ. Trước ngày khánh thành, bạn Lào và bà con Việt kiều tổ chức một đoàn rước cá từ chính Ao cá Bác Hồ ở Thủ đô Hà Nội về đây.

Mếch Sa Vanh, hướng dẫn viên Khu lưu niệm còn rất trẻ, nói tiếng Việt khá lưu loát. Chị tâm sự: Em sinh ra và lớn lên ở thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn, từ nhỏ đã nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ và mối quan hệ đặc biệt Lào - Việt. Vì thế, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và được về đây công tác là một vinh dự lớn với em. Mỗi lần đón khách và được giới thiệu về Bác Hồ em đều xúc động, tự hào. Những lúc rảnh, em đọc lại những dòng ghi cảm tưởng của các đoàn đến thăm và cảm nhận được tình cảm, sự tôn kính của cán bộ, nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân các bộ tộc Lào dành cho Bác Hồ lớn lao biết chừng nào.

Nói đoạn, Mếch Sa Vanh giở từng trang trong cuốn sổ cảm tưởng giới thiệu với chúng tôi. Chúng tôi xin phép được trích một số đoạn trong đó:

“Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất xúc động được đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất bạn Lào anh em. Chúng cháu xin ghi lòng tạc dạ lời dạy của Bác và làm hết sức mình để góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc”. (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát)

“Chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam, Lào và làng Việt kiều tỉnh Khăm Muộn, nhân dân Xiềng Vang đã dành cả trái tim, tình cảm, công sức để xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nguyện đem hết tâm sức vun đắp cho tình đoàn kết của hai dân tộc Lào - Việt ngày càng bền vững”. (Đoàn Cán bộ Cục Khoa học Lịch sử Quân đội Lào)

“Chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân các bộ tộc Lào đối với việc giữ gìn những kỷ niệm, hồi ức liên quan đến lãnh tụ Hồ Chí Minh và công lao của Người đối với việc xây dựng, vun đắp quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Với trách nhiệm của mình, Báo Quân đội nhân dân sẽ phối hợp với cơ quan báo chí của Lào và Việt Nam thường xuyên tuyên truyền thúc đẩy mối quan hệ vĩ đại, có một không hai trên thế giới, mẫu mực, thủy chung, trong sáng đó”. (Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng đoàn báo chí quân đội Việt Nam).

Rời Khu lưu niệm, giữa mây trời bao la và sông nước hiền hòa, chúng tôi lặng người khi nhớ về một thuở cả hai dân tộc Lào - Việt còn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Bác Hồ kính yêu đã đặt chân đến mảnh đất này gieo mầm cách mạng. Dấu chân nặng lòng với đất nước của một con người vĩ đại như vẫn còn đâu đây: “Dấu chân không nhẹ như mây/ Dấu chân không êm không ấm/ Dấu chân không là dấu nắng mười ngón trăn trở bầm sâu/ Dấu chân của dáng đứng lâu nặng hai vai là Tổ quốc/ Chắc Người rưng rưng nước mắt trái tim căm giận bừng bừng”…

Hoàng Tiến

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: