Dai tuong a
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân
 (Tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22/12/1944.

Quân đội nhân dân Việt Nam, tiền thân là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, là lực lượng quân đội chính quy của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau này là của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Tên gọi "Quân đội nhân dân" là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ"). Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ban đầu gồm 34 chiến sỹ do Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung, Hoàng Sâm được chọn làm Đội trưởng, còn Xích Thắng, tức Dương Mạc Thạch, làm chính trị viên. Trong số 34 cán bộ, chiến sĩ của đội có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19, dân tộc Nùng: 8, dân tộc Mông: 1, dân tộc Dao: 1; còn lại 5 người dân tộc Kinh. Vũ khí ban đầu có 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp. Sau khi thành lập, Đội đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng) ngày 25, 26 tháng 12 năm 1944. Sau 2 trận này, quân số của Đội tăng lên đáng kể. Việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: Vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, phương châm xây dựng 3 thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang, Hồ Chủ tịch nói: “...Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Chỉ sau một tuần lễ, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển thành 3 trung đội làm nòng cốt cho công tác tuyên truyền, diệt địch, biến Cao-Bắc-Lạng thành một căn cứ vững chắc.

Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa, Bắc Giang quyết định Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sát nhập với lực lượng Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn chỉ huy, đổi tên thành Giải phóng quân, lực lượng quân sự chính của Việt Minh để giành chính quyền năm 1945. Lễ thống nhất được tổ chức ngày 15 tháng 5 năm 1945 tại xã Định Biên, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) với 13 đại đội.

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam Giải phóng quân có vai trò rất quan trọng; 2 giờ chiều ngày 16/8/1945 theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngày 13/8/1945 từ cây đa Tân Trào, đơn vị chủ lực Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho Tổng khởi nghĩa toàn quốc. Chỉ sau 15 ngày, ách đế quốc ngót trăm năm, ngai vàng phong kiến hàng ngàn năm đã bị lật nhào.

Từ năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội ta mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ hình thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 22 tháng 5 năm 1946, theo Sắc lệnh 71/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vệ quốc đoàn đổi tên thành Quân đội quốc gia Việt Nam, được đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất của Bộ Tổng Tham mưu. Quân đội tổ chức biên chế thống nhất theo trung đoàn, tiểu đoàn, đại đội... Cùng với việc xây dựng quân đội quốc gia, chính phủ đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng, lực lượng bán vũ trang, bao gồm: Dân quân ở nông thôn và tự vệ ở đô thị. Đến cuối năm 1946, có khoảng 1 triệu dân quân tự vệ đã được tổ chức và huấn luyện quân sự. Trong thời kỳ 1945-1950, có những người nước ngoài đã tình nguyện tham gia chiến đấu vào các ngành khác như chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... Nhiều người được giao trọng trách và phong quân hàm sĩ quan cao cấp. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng quân đội Việt Nam trong thời kì non trẻ.

Năm 1950, Quân đội quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, quân đội ta mang tên quen thuộc nhất cho đến ngày nay là Quân đội nhân dân Việt Nam.

Năm 1954, với thắng lợi của trận Điện Biên Phủ, đây là đội quân đầu tiên của một đất nước thuộc địa đánh bại một quân đội thực dân trong lịch sử thế giới của thế kỷ 20.

qdnd-bqllang.gov.vn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Lễ mừng chiến thắng ngay tại mặt trận, trao cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các đơn vị lập công và tuyên dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Nhân dân Việt Nam đứng trước hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Nhiệm vụ của quân đội thời kỳ này là vừa xây dựng chính quy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa tham gia đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 15 tháng 02 năm 1961, quân Giải phóng miền Nam, lực lượng quân sự của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng tăng viện từ miền Bắc. Trước sự can thiệp trực tiếp của quân đội Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng với nhân dân và các lực lượng vũ trang khác, tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài và gian khổ, lập nên những kỳ tích mà tiêu biểu là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc mà đỉnh cao là Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972; kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, thống nhất đất nước, mở ra thời kỳ phát triển mới cho đất nước.

Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất. Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Giải phóng miền Nam hợp nhất thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở của một cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, gắn bó với nhân dân, tô đậm truyền thống vẻ vang mà Bác Hồ, người cha của các lực lượng võ trang Việt Nam, đã dạy: “... Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng...”

Năm 1989, theo chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và quyết định của Chính phủ, ngày 22-12 hàng năm không chỉ là Ngày kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Từ đó, hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước, động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc. Những hoạt động như vậy nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao cảnh giác, ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị và trình độ quân sự, không ngại gian khổ, vượt qua khó khăn, trong mọi hoàn cảnh của trước đây cũng như hôm nay, để hoàn thành mọi nhiệm vụ xứng đáng với tên gọi: Quân đội nhân dân Việt Nam./.

Minh Thu (Tổng hợp)

Bài viết khác: