Được cán bộ cách mạng đưa cho xem ảnh Bác Hồ giữa đại ngàn Tây nguyên hùng vĩ, chưa hiểu thật nhiều về Bác nhưng trong người phấn chấn hẳn lên. Cô gái Xê-Đăng đã có ngay được niềm tin mãnh liệt, như được truyền thêm lửa của bầu nhiệt huyết để rồi đi đến quyết định là xuống núi theo bộ đội Việt Minh làm cách mạng.

Ba-Y-Xuoi-nguoi-3-lan-duoc-gap-Bac-Ho
Bà Y Xuôi

Theo lời cán bộ cách mạng, rời núi rừng Tây nguyên Y Xuôi (làng Kon KPông, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) sẽ được học cái chữ, học được cách sử dụng máy để dệt vải và nơi miền Bắc Xã hội chủ nghĩa xa xôi ấy – có Bác Hồ kính yêu.

Xuống núi

Đầu năm 1960, ông A Pôk - cha Y Xuôi kêu người con trai A Tờ lại nói rằng: Này Tờ, tao thấy trong chín người con, bé Y Xuôi là đứa con tinh khôn nhất, nhanh nhẹn, tháo vát và thông minh lắm! Tao thấy cán bộ Sở (Nguyễn Văn Sở) cái miệng nó nói toàn điều hay, lẽ phải và yêu thương đồng bào dân tộc thiểu số thiệt lòng, cái bụng tốt và thường giúp đỡ người nghèo khổ… lớn lên cho Y Xuôi theo Việt Minh làm cách mạng, nó là đứa con gái có chí, sẽ làm nên chuyện lớn! Theo lời cha, người anh trai A Tờ dẫn Y Xuôi đi gặp cán bộ, cắt rừng đại ngàn hai ba ngày để đến xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy).  Ngày đi, mẹ là bà Y Xôm nắm lấy tay người con gái bé bỏng mà dặn đủ điều – mẹ tin cán bộ Việt Minh là người tốt, con ráng vượt mọi khó khăn và đừng phụ lòng tin của họ…

Y Xuôi nhớ lại: Người mình gặp đầu tiên hôm ấy là ông Trần Văn Ba – một cán bộ cách mạng, quê Quảng Ngãi. Ông hỏi mình đủ mọi điều, nào là tình hình địch có hay vào làng không, bà con có giúp đỡ cán bộ Việt Minh nhiều không. Đây cũng là “mẹo” để người anh trai trốn em trở lại làng – mãi sau này mới hiểu ra. Mới 11 tuổi đầu, phải xa nhà, xa buôn làng làm Y Xuôi nhớ và khóc nhiều lắm! Nhiều người thay nhau dỗ giành mà không chịu nín, một mực đòi về cùng anh trai. Đêm trốn ra gốc cây rừng ngồi khóc, mặc cho các bác dọa cọp bắt, nhưng Y Xuôi không sợ. Mãi đến khi có cán bộ Tân cho xem bức ảnh Bác Hồ và ông Ba nói: Con ra miền Bắc sẽ được học cái chữ, sẽ học được cách sử dụng máy dệt vải và sẽ được gặp Bác Hồ nữa… được gặp Bác Hồ ư? Rồi bà con Tây nguyên đang quá nghèo khổ, không có áo quần họa may chỉ có chiếc khố, tụi con gái tuổi đã thanh niên còn phải ở ngực trần trong gió lạnh… nếu mình biết dệt vải? Sẽ giúp người nghèo có áo quần. Bao nhiêu ý nghĩ đó đã tiếp thêm sức mạnh, trái tim Y Xuôi như được truyền lửa của bầu nhiệt huyết và đi đến quyết định là xuống núi theo bộ đội Việt Minh làm cách mạng.

Chặng đường đi kéo dài suốt ba tháng trời để ra Thủ đô Hà Nội học cái chữ Bác Hồ, dọc đường đi Y Xuôi gặp từng đoàn bộ đội hành quân vào Nam, mỗi lần gặp các anh Bộ đội đều cho Y Xuôi áo đi mưa và nhớ nhất là món mắm ruốc… thấy cô bé Tây nguyên nhỏ nhắn dễ thương và luôn được tặng quà, khiến nhiều người đi cùng phải ghen tỵ - bà Y Xuôi nhớ lại.        

Ba lần gặp Bác Hồ

Tháng 9 năm 1960, Y Xuôi được nhập học tại Trường Dân tộc Trung ương (Mễ Trì, Hà Nội), tại Lễ mittinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1962 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Trường có tuyển chọn bốn bạn, chỉ mình Y Xuôi là nữ để lên tặng hoa Bác Hồ và Đoàn Chủ tịch. “Để được chọn, tiêu chuẩn phải là học sinh tiên tiến, ngoan ngoãn, lễ phép…” - bà Y Xuôi cho biết. Được phân công là người đi đầu và tặng hoa cho Bác Hồ, khi mang bó hoa tới Bác, Bác dắt tay Y Xuôi khi đó trên tay đang cầm bó hoa để qua tặng một vị khách người Liên Xô (cũ).

Lần thứ hai được gặp Bác Hồ là dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-1963, Y Xuôi tiếp tục được chọn là người đi đầu trên tay cầm bó hoa để tặng Bác. Bác ân cần nói chuyện với thiếu nhi, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ra đón Đoàn thiếu nhi cùng Bác và bế Y Xuôi vào lòng, ngồi cạnh phía sau Bác Hồ. Lần thứ ba đó là lần Bác Hồ vào thăm Trường Dân tộc Trung ương, Bác căn dặn nhiều điều trong đó bà Y Xuôi nhớ nhất là Bác dặn: Phải chăm chỉ, cố gắng học tập và phải giữ gìn kỷ luật như quân đội!.

Năm 1978, sau 18 năm học tập tại Thủ đô Hà Nội, người con gái Xê-Đăng trở về mảnh đất Tây nguyên để chắp cánh cho những ước mơ, với tấm bằng Đại học Nông nghiệp, bà trải qua nhiều công việc khác nhau, giữ nhiều trọng trách quan trọng, như: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh và đại biểu Quốc hội các khóa 7, 8, 9 với thời gian 17 năm. Hiện nay, bà nghỉ hưu ở tuổi 65, bà nói: Dù bất kỳ ở đâu, làm gì hay cương vị nào bà đều thấm nhuần sâu sắc về lời dạy của Bác kính yêu. 

Trần Kim Sơn
Theo tuyengiaokontum.org.vn
Minh Thu (st)

 

Bài viết khác: