Hơn 30 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội ta. Đồng chí là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với các phẩm chất tiêu biểu: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; một con người khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi, đoàn kết, sống có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 - 1-1-2014), Báo Quân khu 9 trân trọng gửi tới bạn đọc đôi nét về tiểu sử cùng những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (tên thật là Nguyễn Vịnh), sinh ngày 1-1-1914, trong một gia đình nông dân ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay). Ngay từ nhỏ, đồng chí đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, nhiều lần cùng với những tá điền đứng lên đấu tranh chống lại bọn chủ đồn điền, cường hào ác bá ở địa phương. Năm 1933-1934, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được các đồng chí Phan Đăng Lưu và Nguyễn Chí Diểu dẫn dắt tham gia phong trào cách mạng. Năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

6. Dai tuong NCT
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trao đổi với Thiếu tướng Chu Huy Mân trước khi vào chiến trường miền Nam năm 1964.

Trong 8 năm, từ khi là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, rồi Bí thư Chi bộ và sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã bị thực dân Pháp bắt giam 3 lần ở các nhà lao: Huế, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột và từng vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Suốt thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như những ngày bị giam cầm ở các nhà tù đế quốc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn tỏ rõ là một người đảng viên cộng sản kiên trung, “nguy hiểm không sờn lòng, khó khăn không lùi bước”, góp phần xây dựng các cơ sở của Đảng, đẩy mạnh phong trào cách mạng ở tỉnh Thừa Thiên.

Tháng 8 năm 1945, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương Đảng chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ và được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Từ đây, cái tên Nguyễn Chí Thanh đã gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Từ khi đi theo con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người. Đồng chí luôn đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược, bảo vệ hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, đồng chí đã ngày đêm suy nghĩ, trăn trở với công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đồng chí thường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ mục tiêu chiến đấu: Độc lập dân tộc, ruộng đất cho dân cày, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Với hiểu biết sâu sắc về Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có tư duy biện chứng và khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, nhuần nhuyễn trong gắn liền lý luận với thực tiễn, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm vững và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn chiến tranh cách mạng và xây dựng LLVT. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có công lớn trong việc củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bồi dưỡng và phát huy bản chất cách mạng của quân đội ta, xây dựng nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu của LLVT nhân dân.

Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường xuyên quan tâm đến vấn đề quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng chí khẳng định: “Đảng là linh hồn, là đội tiên phong của Quân đội, Đảng mạnh thì mọi việc đều thành, Đảng yếu thì mọi việc đều không bảo đảm”, và “Sự lãnh đạo của Đảng là sinh mệnh của Quân đội nhân dân”. Trong xây dựng Đảng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nắm vững các nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng, đồng thời gắn bó với quần chúng, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chiến sĩ, mạnh dạn phát huy dân chủ nội bộ. Đồng chí xác định trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải “lấy dân chủ tập trung làm chế độ, lấy lãnh đạo tập thể làm nguyên tắc cao nhất của sự lãnh đạo của Đảng”; đồng thời, khẳng định: “Thực tế đã chứng minh, nhờ thi hành nghiêm chỉnh nguyên tắc đó, nên chúng ta đã đoàn kết nội bộ Đảng và trên cơ sở đó đoàn kết được quân đội, chúng ta đã phát huy được trí tuệ của đảng viên và quần chúng, giảm bớt sự chủ quan, phiến diện trong lãnh đạo, tránh và ngăn chặn được tệ nạn phát triển uy quyền cá nhân, độc đoán, vô chính phủ”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn giáo dục và quán triệt cho bộ đội: Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Quan hệ giữa Quân đội và nhân dân là quan hệ “cá - nước”. Liên hệ mật thiết với nhân dân, đó là nguồn sống và sức mạnh hùng hậu của quân đội ta.

Hơn 30 năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở cương vị công tác nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng luôn trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với nhân dân; là người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động chính trị - quân sự lỗi lạc của Đảng ta. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không chỉ là người chỉ huy mưu lược, tài trí; một cán bộ tài - đức vẹn toàn, mà còn có nhiều đóng góp to lớn vào việc xây dựng LLVT nhân dân, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Báo Quân khu 9
Thu Hiền (st)

 

Bài viết khác: