Hơn 65 năm trôi qua, ký ức về "một con người đã làm thay đổi vận mệnh đất nước và xã hội ta" trong nữ cựu chiến binh năm xưa vẫn vẹn nguyên và tràn ngập niềm tin yêu, kính phục.

chuyne ke   anh

Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm khắc sâu trong tim

Ðại tá Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên là Phó Cục trưởng thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ (Bộ Công an). Năm nay đã chín mươi tuổi, tóc đã bạc trắng nhưng bà vẫn rất minh mẫn, tinh tường. Khi tôi nhắc đến những năm tháng hoạt động cách mạng, ký ức xa xưa bỗng ùa về. Bà tâm sự, hạnh phúc nhất trong đời là được gặp Bác ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, những ngày gian khổ ở chiến khu Việt Bắc và rồi trở thành nữ cận vệ của Bác cho tới khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.

Lần đầu tiên bà Thuận trông thấy Bác đúng ngày 2-9-1945, khi đứng trước kỳ đài, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Rồi đến Tết Bính Tuất 1946, Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà đại diện Phụ nữ cứu quốc trong Đoàn đại biểu Thành ủy Hà Nội đến chúc Tết và chụp ảnh cùng Bác. Bất ngờ hơn, chỉ ít ngày sau, bà vinh dự gặp Bác tại phòng làm việc của điện thoại viên (Bưu điện Hà Nội). Khi đang làm việc ở bàn số 3, bà chợt thấy Bác Hồ nhanh nhẹn bước vào. Trong bộ quần áo ka-ki, trông Người thật giản dị, đôi mắt sáng trong, nghiêm nghị. Bác lặng lẽ quan sát, không muốn sự có mặt của mình ảnh hưởng đến không gian làm việc tĩnh lặng của điện thoại viên.

Tần tảo nuôi năm đứa con khôn lớn, lo toan gánh vác gia đình để chồng toàn tâm toàn ý với cách mạng, bà vẫn tranh thủ học thêm đại học. Ðêm đêm, bà chong đèn học, rồi tự đọc sách, nghiên cứu, học thêm ngoại ngữ đến tận khuya. Năm 1960, tốt nghiệp Ðại học Y Dược, chuyên ngành Hóa chất độc, được Bộ Y tế cử đi đào tạo tiến sĩ nhưng bà tình nguyện về Cục Cảnh vệ (Bộ Nội vụ) công tác, trông nom phục vụ bữa ăn hằng ngày cho Bác và các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Bà tự nhủ: Phải bảo vệ an toàn tuyệt đối bằng bất cứ giá nào, không để dù chỉ một bất trắc nhỏ xảy ra. Công việc bộn bề, đòi hỏi trách nhiệm rất cao mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nào là khâu chọn lựa lương thực, thực phẩm, nấu nướng thế nào cho bảo đảm chất lượng, nào là kiểm tra bằng cảm quan, thử qua máy móc,...

Khi được hỏi về một kỷ niệm sâu sắc về Người, bà bỗng xa xăm: “Năm 1951, tôi sinh cháu thứ hai ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Hôm đó, khoảng gần trưa, tôi bất ngờ nhìn thấy Bác Hồ đi lên nghỉ tại nhà trên. Tôi lo ngại vì sợ cháu bé khóc sẽ làm Bác không an giấc, ảnh hưởng đến sức khỏe của Người. Thế mà, Bác đã một mình xuống thăm tôi và hai cháu. Vừa vào nhà, Bác nhìn bữa cơm đạm bạc của tôi và nói “Ăn thế này thôi à?”. Thật ra, vào lúc đó, ăn uống được như vậy, tôi cho là quá tốt rồi. Nhưng vì thương tôi mới sinh cháu nên Bác quan tâm lo lắng. Nhà không có ghế đẩu, chỉ có một bàn con bằng nan tre, một ghế dài do hai dóng tre hợp lại. Tôi loay hoay tìm chỗ để mời Bác ngồi. Hiểu nỗi băn khoăn của tôi, Bác ra cửa ngồi ngay xuống bậc thềm bằng đất nện nhẵn thín. Bác chỉ tôi ngồi bên cạnh. Bác hỏi thăm sức khỏe của tôi, tình hình hai cháu rồi còn dặn dò tôi về cách đối nhân xử thế với anh chị em trong cơ quan. Tôi nghĩ, chắc Bác biết tôi là cán bộ Hà Nội, lại có chút ít kiến thức văn hóa, nên sợ tôi sống cách biệt với mọi người. Tôi lặng yên ngồi nghe, hiểu lời Bác là lời Cha”.

“Trông cây lại nhớ đến Người”

Giờ đây, một mình sống trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm ở phố Ðội Cấn, hằng ngày bà vẫn đọc báo, nghe đài, nghiên cứu tài liệu, viết hồi ký. Bí quyết sống lâu của bà là luôn sống vui, sống khỏe, đã làm việc là hết mình. Ở tuổi 87, bà mới thôi tham gia cấp ủy trong chi bộ khu phố. Nhiều cuộc hội thảo lịch sử, gặp mặt truyền thống, bà lại có mặt như một nhân chứng lịch sử, làm rõ thêm trang sử vẻ vang của lực lượng CAND. Hạnh phúc viên mãn của một cụ bà đã ở tuổi “gần đất xa trời” là các con trưởng thành, cháu chắt ngoan ngoãn, gia đình hòa thuận, đầm ấm. Bà phấn khởi khoe, trong mười cháu có tám đứa đã tốt nghiệp đại học, hai cháu có bằng thạc sĩ. Ðiều không phải ai cũng biết, bà là phu nhân của cố Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Văn Lương. Bà kể: Sống với nhau gần nửa thế kỷ, chúng tôi vẫn luôn xưng hô anh - em. Hôm cưới, anh Lương vẫn mặc bộ quần áo nâu; tôi còn giữ được cái áo dài lanh nâu để mặc. Anh Lương hứa: “Chúng tôi xin hứa yêu nhau suốt đời”. Tôi chỉ dặn anh “Ðừng bao giờ làm mất lòng tin của em đối với anh. Lấy lại lòng tin rất khó”. Ngày khánh thành tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài, bà bảo đứa cháu nội đưa đi ngắm phố xá rồi vòng ra con đường to đẹp mang tên ông.

Trong căn phòng nhỏ của gia đình trên tầng ba, đầy ắp những kỷ vật của một thời làm cách mạng, những bức ảnh quý giá Bác chụp cùng gia đình bà. Bà tâm sự, cả nhà gắn bó với Bác cả trong cuộc sống đời thường. Mỗi lần đi thăm nơi ăn ở cán bộ trong rừng sâu thuộc an toàn khu Việt Bắc, Bác dặn không nên ăn nhiều măng rừng, nên tăng gia chăn nuôi để lấy rau xanh, thực phẩm cải thiện hằng ngày. Bức ảnh Bác ôm hai con bà vào lòng, Bác bón xôi cho bé Minh Thu khi mới hai tuổi được treo trang trọng trên tường. Thấm sâu lời Bác dặn, bà rèn con từ thửa còn thơ, dạy chúng biết thương yêu bạn bè, không tham, không ích kỷ. Tình thương yêu của vị lãnh tụ vĩ đại vừa thiêng liêng, vừa gần gũi sưởi ấm suốt cuộc đời bà và các con. Cô con gái lớn giờ đã về hưu nhưng kỷ niệm tuyệt đẹp bên Bác khiến chị không thể nào quên...

Tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng năm nào cũng vậy, tới Ngày sinh nhật Bác, gia đình Đại tá Nguyễn Thị Bích Thuận lại vào Lăng viếng Bác, ngắm nhìn vườn cây, ao cá bên nếp nhà sàn đơn sơ. Nhắc đến Bác, trong khóe mắt người nữ cận vệ năm xưa rưng rưng một trời kỷ niệm: “Trông cây lại nhớ đến Người”.

Tuấn Anh
Theo Báo Nhân Dân
Bùi Hảo (st)

 

Bài viết khác: